Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Tết của người Mông nơi rẻo cao Điện Biên

Khi hoa đào chớm nở, đua nhau khoe sắc thắm bên sườn núi, là lúc đồng bào Mông nơi rẻo cao Sơn Tống (xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) náo nức đón mừng năm mới. Năm nay, đồng bào vui hơn khi được các cấp chính quyền quan tâm, chia sẻ, tổ chức nhiều hoạt động vui xuân tại bản làng. Thêm một mùa xuân mới đến, trong từng mỗi nhà người Mông ở Sơn Tống thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ...người dân quây quần đoàn tụ để đón một cái Tết đoàn viên, ấm cúng và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi xin giới thiệu một số hình ảnh đón Tết của đồng bào Mông nơi rẻo cao ở Điện Biên

Trẻ em chơi tu lu trong ngày Tết

Ném pao là trò chơi đậm đà bản sắc dân tộc Mông trong những ngày Tết



Trẻ em chơi tu lu

Giã bánh giầy trong ngày Tết

Mọi người trong gia đình cùng gói bánh giầy

 Nghi thức cúng trong ngày Tết của người Mông

Nghi thức cúng trong ngày Tết của người Mông

Ảnh: Xuân Tư- TTXVN

Đồng bào Mông ở Sơn La đón Tết
Những ngày này, đồng bào Mông ở một số địa phương của tỉnh Sơn La đang tổ chức đón Tết. Tết của đồng bào Mông đến sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng (từ ngày mồng 1 tháng 12 Âm lịch hàng năm), là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ sau một năm lao động vất vả.
Trẻ em dân tộc Mông ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chơi trò ném Pao trong ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

 Trẻ em dân tộc Mông ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, vui chơi đón Tết. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

Trẻ em dân tộc Mông ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, vui chơi trong ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.

 Trẻ em dân tộc Mông ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chơi trò bập bênh. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN.
Nguyễn Cường
Đồng bào Mông rộn ràng đón Tết truyền thống
Những ngày này ở các bản làng vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, bà con dân tộc Mông đang rộng ràng đón Tết truyền thống. Diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm và kéo dài trong nhiều ngày, phong tục đón Tết của đồng bào Mông vùng cao đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu. Đây là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ sau một năm lao động vất vả.
Các chàng trai, cô gái người Mông ở xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên tham gia trò chơi ném Pa Pao. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Mấy hôm nay các thành viên trong gia đình anh Sồng A Khay ở bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, tất bật sửa soạn và làm những thủ tục để đón Tết của dân tộc Mông. Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết thì bánh dày là thứ không thể thiếu. Những người phụ nữ trong gia đình đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày, còn thanh niên trai tráng khỏe mạnh thay nhau cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn. Những chiếc bánh dày trắng ngần làm từ gạo nếp nương được dùng để tạ ơn tổ tiên sau một vụ mùa thắng lợi và để mời khách thưởng thức trong những ngày Tết.
Nghi thức cắt giấy để dán lên các công cụ lao động của người Mông.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, mỗi gia đình người Mông ở xã Hồng Ngài sẽ tổ chức các nghi lễ Tết cổ truyền vào một ngày nhất định. Những nghi lễ, phong tục chính mà người Mông sẽ thực hiện trong ngày Tết là xua đuổi những điều không tốt của năm cũ và dán giấy niêm phong công cụ lao động của gia đình. Việc dán giấy lên công cụ lao động được người chủ gia đình thực hiện rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như sự tri ân chiếc cày, chiếc bừa, cây dao, cây búa... bởi trong năm qua những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình. Đồng thời, việc làm này có ý nghĩa mang lại một cái Tết ấm cúng, gắn kết các thành viên trong gia đình và cầu cho sang năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi.

Những năm gần đây có một điều ý nghĩa  rất quan trọng trong ngày Tết của người Mông là những hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ. Anh Sồng A Khay phấn khởi cho biết: Tết của người Mông trước đây thường kéo dài gần một tháng nhưng hiện nay chỉ gói gọn trong khoảng 5 ngày. Khi gia đình tổ chức ăn uống thì người vợ cũng được bình đẳng, ngồi ăn cùng chồng con chứ không phải ăn riêng như trước.
Các thanh niên tham gia giã bánh dày trong ngày tết người Mông.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bánh dày là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người Mông.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Người Mông ở xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên thực hiện nghi thức cúng tổ tiên. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Nghi thức dán giấy lên các công cụ lao động và đồ dùng của người Mông.
Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Cùng với cuộc sống vật chất ngày càng được nâng lên, đời sống tinh thần của người Mông vùng cao cũng rất phong phú. Bà con quan niệm rằng sau một năm vất vả thì ngày Tết là dịp để ngơi, nhìn lại những thành quả sau một năm lao động. Sau khi đã ăn Tết ở lần lượt từng gia đình, những chàng trai, cô gái người Mông lại tập trung ở một khu đất rộng để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, trong đó trò chơi không thể thiếu là ném pa pao.
Các cô gái người Mông ở xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên tham gia trò chơi ném Pa Pao. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Các chàng trai người Mông ở xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên tham gia trò chơi ném Pa Pao. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Những trái pa pao được ném qua, ném lại như những lời yêu thương của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông trao cho nhau trong mùa xuân mới. Đó cũng là sự kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp đã được người Mông vùng cao Sơn La gìn giữ từ bao đời nay. Anh Mùa A Chư, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, chia sẻ: Ném pa pao là nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mông. Khi năm cũ qua đi, năm mới lại đến thì các nam nữ thanh niên đều có một trái pa pao để trao cho nhau niềm vui. Những người chưa có bạn trai, bạn gái thì cố gắng tìm cho mình người bạn đời.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bắc Yên Hờ Lao Cang, với đặc thù là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, Bắc Yên có trên 40% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đồng thời, huyện đã hướng dẫn, vận động để bà con đón Tết văn minh, tiết kiệm hơn, phù hợp với nếp sống văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
Hữu Quyết   

Khái quát về các hoạt động trong Tết Nào pê chầu của người Mông


Công tác chuẩn bị
 Để đón Tết, các gia đình người Mông thường chuẩn bị các vật phẩm cho các nghi lễ và làm những mâm cơm ngày Tết bao gồm: lợn, gà, bánh dày, hương, giấy dó.
 Ngày 30 tết, các gia đình tiến hành trang trí nhà cửa và làm mới bàn thờ. Họ dùng giấy dó trang trí  trước cửa chính ra vào, dỡ bỏ xử ca và giấy dó xung quanh ban thờ xử ca để tiến hành thay và trang trí mới.
Để chuẩn bị đón tết, mỗi người đều hào hứng chuẩn bị cho mình bộ quần áo  còn mới hoặc mua mới để mặc đi chơi trong ngày tết. Đối với người phụ nữ Mông Đen một số còn mặc trang phục truyền thống đó là váy làm bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực, còn lại một số - đặc biệt là thế hệ trẻ thường mặc trang phục mua sẵn được may công nghiệp, không mặc trang phục được may từ kỹ thuật thủ công truyền thống. Còn những người đàn ông Mông Đen mặc đơn giản hơn, quần đen ống xòe rộng, dây thắt lưng vải viền hoa văn.
Thanh niên nam nữ trong bản và cả những nghệ nhân đã chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, các điệu múa, các trò chơi dân gian và những nhạc cụ, đạo cụ, vật dụng cần thiết để tham gia biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian trong ngày tết như: khèn, sáo, đàn môi, kèn lá, quả pa pao, tù lu, cầu lông gà, ống hát, những bài hát dân ca Mông
Quy trình diễn ra các hoạt động trong ngày Tết
1.  Lễ tạ ơn tổ tiên
Từ ngày 25 tháng chạp trở đi (theo cách tính lịch của người Mông), tại Nậm Pọng, các gia đình bắt đầu mổ lợn để làm lý tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm vừa qua. Mâm lễ gồm có: một bát cơm, một bát thịt luộc và cho thêm vài cái thìa rải úp quanh mâm cúng. Chủ nhà ngồi cạnh mâm cúng, một tay cầm thìa lấy một ít cơm chan canh với một ít thịt và bắt đầu khấn mời tổ tiên.
2. Lễ thả âm binh tại nhà thầy Mo (chỉ diễn ra với nhà có người làm thầy cúng)
Từ ngày 27 đến ngày 29 Tết, tại nhà thầy Mo (tức nhà có người làm nghề thầy cúng) tiến hành làm lễ “thả âm binh” (ua nênh tro khua) về ăn Tết với gia đình hoặc đi rong chơi ngày Tết trước khi thầy cúng được nghỉ ngơi ăn Tết. Lễ cúng diễn ra tại một bàn thờ riêng. Trong lễ cúng “thả âm binh” đi ăn tết phải có hai con gà (một trống, một mái), nhà nào có điều kiện thì có thể mổ thêm một con lợn, đồng thời thay bát hương, vải, chỉ và dán lại giấy mới cho bàn thờ. Người Mông quan niệm rằng, sau một năm “các âm binh” cùng thầy cúng vất vả đi cúng bái nên trước khi thầy cúng ăn Tết thì cũng thả các “âm binh” đi rong chơi đón Tết cùng dân bản.      
Sau hai đến ba ngày Tết, thầy Mo lại làm lễ cúng để đón các “âm binh” về canh giữ bàn thờ. Trong dịp Tết này, nếu gia đình nào trong năm có nhờ thầy cúng làm lễ cho nhà mình thì cũng tự nguyện mang một con gà đến cho thầy cúng để tạ ơn.
3. Lễ dọn dẹp xung quanh nhà cửa (bên ngoài nhà)
Đầu giờ chiều ngày 30 Tết, lễ dọn dẹp xung quanh nhà cửa  do chủ nhà  là nam giới tiến hành làm việc này, tay cầm cán cuốc cào dọn cống rãnh và phía ngoài xung quanh hai bên đầu nhà, vừa làm vừa khấn mong muốn quét đi những điều xấu xa, rủi ro, bệnh tật đi theo năm cũ, đồng thời cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, nhiều tiền lộc, của cải, gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc.
4. Lễ quét bồ hóng (bên trong nhà)
Lễ quét bồ hóng được tiến hành sau khi làm lễ dọn dẹp xung quanh nhà cửa. Để tiến hành Lễ quét bồ hóng, chủ nhàlấy chỉ trắng hoặc đỏ buộc 03 ngọn cây tre nhỏ hoặc cành ngọn cây còn lá xanh tươi vào nhau thành một cái chổi. Sau đó cầm chổi và một cái hót rác tiến hành quét nhà, bắt đầu từ cột chính trong nhà vào buồng ngủ của chủ nhà và các thành viên khác trong gia đình, qua gian bếp đến cửa phụ đi ra gian bàn thờ xử ca, qua cửa chính rồi ra ngoài vứt bỏ xa ra một góc vườn chiếc chổi và thứ bồ hóng vừa quét đi như vứt bỏ những rủi ro, bệnh tật...
Sau lễ quét bồ hóng, chủ nhà cắt các mảnh giấy dó hình răng cưa dán vào các cửa, các cột nhà, cột bếp, bồ thóc, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu, chuồng ngựa và các dụng cụ sản xuất đã được rửa sạch sẽ với ý niệm đến tết tất cả các vật dụng trong gia đình đều được nghỉ ngơi, ăn tết.
5. Lễ lập và thay bàn thờ xử ca
Chiều ngày 30 Tết, Lễ lập và thay bàn thờ xử ca được tiến hành. Theo quan niệm của người Mông Đen, xử ca  là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông (ma nhà: gồm ma tổ tiên, ma xử ca, ma buồng, ma cửa, ma bếp). Trong đó ma xử ca được họ coi trọng nhất, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ cho gia đìn làm ăn khá giả. Nơi thờ xử ca được đặt ở tấm ván giữa tường phía sau đối diện với cửa chính (thường đặt cao 1,5 – 2m, gồm một miếng giấy dó màu trắng, hình chữ nhật hoặc hình vuông, ở giữa dán miếng giấy dó màu vàng hoặc màu bạc, một số túm lông gà mềm chấm vào máu gà rồi dính vào giữa tờ giấy xử ca thành hình tam giác hoặc hình chữ nhật, hay hình vuông theo quy ước của từng dòng họ. Xung quanh bàn thờ được trang trí giấy dó, Phía dưới xử ca (giấy dó dính lông gà) là một chiếc ghế dài 4 chân - nơi đặt bát hương và đồ lễ.
Lễ lập bàn thờ xử ca được người Mông tiến hành cúng gà còn sống – là 01 con gà trống và cúng khi gà đã luộc cùng các món ăn được nấu chín.
Trong khi làm lễ lập bàn thờ xử ca, nếu nhà nào có người làm thầy cúng thì cũng diễn ra việc trang trí lại bàn thờ bằng giấy dó, cũng có hai nghi thức cúng gà còn sống và cúng gà chín sau khi cúng ở bàn thờ xử ca xong. Sự khác biệt là cúng gà còn sống ở  ban thờ này phải là một đôi trống mái.
Ngoài đôi gà trống mái cúng ở bàn thờ của thầy cúng, gà cúng ở bàn thờ xử ca, gia đình còn giết thêm đôi gà đem luộc chín để cúng mời tổ tiên về ăn tết và để con cháu thụ hưởng trong ngày Tết.
6. Lễ cúng tổ tiên (cúng tất niên)
Chiều tối ngày 30 Tết,  người Mông làm lễ cúng tổ tiên về ăn Tết hay còn gọi là cúng tất niên. Để thực hiện lễ cúng này, chủ nhà  lập một bàn thờ tổ tiên ngay trước bàn thờ xử ca, bàn thờ tổ tiên là một mâm cúng được đặt trên chiếc ghế dài bốn chân, xung quanh kê vài cái ghế.Trên mâm cúng có một chiếc bánh dày, một đĩa thịt gà đã luộc chín, chặt thành miếng nhỏ, một bát canh, một bát xôi và một bát rượu, sau đó chủ nhà khấn mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.
7. Lễ đi lấy nước mới đầu năm
Đêm 30 Tết, người Mông tại bản Nậm Pọng có tục đi lấy nước ở nguồn nước đầu bản về cân lên để đoán biết việc làm ăn trong năm mới. Thời gian đi lấy nước khoảng 3h sáng, chủ nhà và những người đàn ông trong gia đình chịu trách nhiệm thực hiện công việc này. Họ đi tập trung theo đoàn, đốt đuốc hoặc soi đèn mang theo mấy thẻ hương, một tập giấy dó (tượng trưng tiền âm phủ) và xô đựng nước đi ra phía đầu nguồn nước. Đến nơi, chủ nhà thắp hương và đốt tiền âm phủ rồi khấn cầu xin tiền lộc và xin lấy nước về nấu bữa sáng của năm mới.
Sau đó chủ nhà xách xô nước về rồi cân lên so sánh với xô nước của năm cũ. Nếu cân tươi hơn nước của năm cũ thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt, sẽ có lượng mưa thuận lợi cho mùa màng. Nếu cân được ít hơn thì năm đó gia đình làm ăn sẽ gặp nhiều khó khăn, lượng mưa ít, trồng trọt sẽ gặp hạn hán.
8. Lễ hạ mâm ngày tết
Nghi lễ cuối cùng trong ngày Tết diễn ra vào chiều ngày mùng 03 Tết, có nhà làm vào sáng mùng 4 hay mùng 5 Tết, đó là lễ hạ mâm bánh dày đặt ở nóc cột chính (cột ma) trong nhà, làm nghi lễ cúng mời tổ tiên ăn bánh dày và tiễn tổ tiên về cõi âm. Đó cũng là lúc báo hiệu ngày Tết đã hết, mọi người lại cùng nhau bắt tay vào học tập, lao động sản xuất để làm giàu cho quê hương, làng bản.
Sau khi các gia đình tiến hành các nghi lễ trong ngày Tết xong (chủ yếu là ngày 30 và sáng ngày mùng Một), mọi người trong bản không kể tuổi tác, giới tính dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Trưởng bản họ đã tập hợp đông đủ tại sân bãi để tham gia các trò chơi dân gian như đánh tù lu (cù), ném pa pao, hoặc các tiết mục văn nghệ như hát ống (cha xái), thổi khèn (tsua kênh), múa khèn (tờ kênh), thổi sáo (tsua cha), thổi đàn môi (tsua chà) thu hút hầu hết mọi người rất nhiệt tình tham gia.
Tết “Nào pê chầu” được tổ chức là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đã lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua ngày Tết cho thấy nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết chính của người Mông mãi là nét văn hoá đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lan Anh
Di sản Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét