Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

Triều Nguyễn phạt học trò lười biếng thế nào?

Dưới triều Nguyễn, những giám sinh nhác học ngoài việc bị giảm lương bổng còn bị xem xét đuổi học nếu không tiến bộ.
Xác định nhân tài là rường cột quốc gia, vua Gia Long khi lên ngôi đã thiết lập trường Quốc Tử Giám tại Kinh thành Huế (1803) để đưa người tài vào học tập, rèn luyện nhân đức. Việc ăn ở, đèn sách của giám sinh được triều đình lo.
Quốc Tử Giám, ngôi trường do triều Nguyễn lập nên đào tạo nhân tài. Ảnh: Võ Thạnh
Quốc Tử Giám, ngôi trường do triều Nguyễn lập nên đào tạo nhân tài. Ảnh: Võ Thạnh
Tiếp nối vua cha, vua Minh Mạng lên ngôi đã có những chính sách khuyến tài, khuyến khích sĩ tử học hành bằng cách ban sách vở, đèn dầu và phát lương cho giám sinh. Hàng năm, hội đồng Quốc Tử Giám sẽ sát hạch trình độ những cống sinh của các phủ, người nào học rộng thì lập danh sách tâu lên, cấp chi phí cho ăn học ở Quốc Tử Giám. Bên cạnh việc hỗ trợ tối đa, triều Nguyễn cũng đưa ra những hình phạt cụ thể đối với giám sinh lười biếng.
Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, năm thứ 3, vua Minh Mạng dụ rằng, nhà quốc học là chỗ lễ giáo, quan hệ đến phong hóa, giám sinh phải ăn ở cho đúng đắn để làm khuôn phép cho mọi người. "Từ nay về sau, các viên tế tửu, tư nghiệp, học chính (quản lý Quốc Tử Giám) nên sớm tối đốt hương ở Di luân đường và không được đem phụ nữ vào ở đấy. Những trú phòng của học sinh ở học xá hai bên đông tây, nhất thiết cấm phụ nữ không được đi lại", vua chỉ dụ.
Theo quy định của triều Nguyễn, việc dạy học sẽ chia ra ngày lẻ - chẵn. Giám sinh sẽ được nghe giảng kinh truyện cho rõ "nghĩa lý, chính sử tính lý để biết vinh nhục liêm sỉ, lấy nghĩa hiếu để trung tín, để cho tâm thuật đúng đắn". Những ngày 3, 9, 17, 25, các quan nhà giám đề ra đầu bài cho học trò làm tập làm văn.
Sau mỗi kỳ, học trò làm bài xong, quan nhà giám hội đồng bình văn để cho học sinh đều hiểu. Duy đến kỳ văn tứ trường thì yết bảng một lần để khuyến khích. Giám sinh lười học, nết xấu, quan nhà giám có quyền đánh mắng. Trường hợp làm trái luân thường kỷ cương, như uống rượu, chơi gái, đánh bạc, trộm cắp thì quan nhà giám chỉ tên, đuổi thẳng.
Theo quy định, các giám sinh ăn học tại Quốc Tử Giám sẽ có phòng riêng và trong thời gian học không được ra ngoài nếu không được phép của quan nhà giám. Cứ ba ngày, quan nhà giám phải kiểm xét một lần xem có giám sinh nào trốn ra ngoài không. Những giám sinh tự ý bỏ phòng đi qua ngày không về thì bị trách mắng, răn dạy; nếu vi phạm lần thứ ba thì bị xét trị tội.
Văn Miếu, nơi đặt bia tiến sĩ của những người đỗ đạt dưới triều Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh
Văn Miếu, nơi đặt bia tiến sĩ của những người đỗ đạt dưới triều Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh
Hàng năm, triều Nguyễn chọn 60 người trong tôn thất vào Quốc Tử Giám đọc sách và cấp lương theo tháng. Nhận thấy quy định này sẽ cản đường thăng tiến của những tôn thất thông minh hiếu học, vào năm thứ 6 vua Minh Mạng đã tiến hành cải cách.
Theo đó, viên quyền biện phủ tôn nhân sẽ chọn trong hệ tôn thất ai thông minh hiếu học, không kể nhiều hay ít lập danh sách đưa sang Quốc Tử Giám. Tế tửu, tư nghiệp hội đồng sát hạch phân hạng tâu lên để bổ làm tôn học sinh ở Quốc Tử Giám để nuôi ăn học, rèn luyện thành tài. Các tôn sinh mới hay cũ, người nào học hành lười biếng thì bị đuổi về, không được học ở nhà giám nữa. Người trưởng chi họ không biết răn bảo cũng bị phạt lương ba tháng.
Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, vào năm thứ 19, vua Minh Mạng quy định, các tôn sinh có việc riêng xin nghỉ học thì phải trình cho viên tư giáo nhận thực làm đơn trình quan nhà giám cho về thăm nhà. Tôn sinh nào hết hạn nghỉ mà không đến trường học thì quan nhà giám lập tức đòi đến trừng phạt, quá hạn mỗi tháng phạt tăng một bậc, phạt đánh 50 roi.
Nếu giám sinh nào không có duyên cớ mà bỏ học thì phải trừng phạt. Quan nhà giám nể nang, bao che, nếu phát hiện cũng bị xử. Những giám sinh tư chất chậm chạp, cả năm học lực không tiến thì cho rút về, bổ đi làm việc khác để răn đe kẻ khác.
Vua Minh Mạng, một trong những vị vua trọng dụng nhân tài của triều Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh
Tượng vua Minh Mạng, một trong những vị vua trọng dụng nhân tài của triều Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh
Không chỉ đưa ra các hình phạt với giám sinh, tôn sinh lười học, các vua triều Nguyễn cũng tuyển chọn những thầy dạy học danh tiếng để giảng dạy cho hoàng tử, công chúa. Những hoàng tử, công chúa lười biếng, học hành không tiến bộ sẽ bị cắt giảm lương bổng, thầy dạy học cũng có thể dùng roi để phạt. 
Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, năm 1870 vua Tự Đức dụ: "Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ hợp lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng".
Hoàng tử Ưng Chân học 3-4 năm không thấy tiến bộ, vua Tự Đức liền ban roi mây cho hai thầy giáo dạy hoàng tử để làm giáo hình.
Võ Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét