Dưới triều Lê có vị quan xử án công minh, sẵn sàng kết tội cả tay chân của Tuyên phi Đặng Thị Huệ.
Ông Nguyễn Bá Dương, người làng Nguyên Xá, huyện Thần Khê, trấn Sơn Nam hạ, nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có tính hay uống rượu, lúc học trọ ở Thăng Long nợ nần nhiều đến mức bị người đàn bà bán rượu đón đường đòi nợ, may có cô gái làng Mơ trả hộ mới yên thân. Từ đó, ông tu chí học hành, nhưng nhà nghèo, không có giấy bút phải viết văn lên cả trên mặt bàn.
Năm 1766, ông về quê tham gia kỳ thi Hương. Qua các kỳ thi hạch ở huyện và ở trấn, ông nức tiếng là người hay chữ. Khoa ấy ông thi đỗ Hương tiến, năm sau lại đỗ Tiến sĩ cùng 10 người khác, lúc đó mới 18 tuổi. Ông được khắc tên vào bia Tiến sĩ với chú thích “thiếu tuấn”, tức thi đỗ lúc còn trẻ, dưới 20 tuổi.
Sau khi thi đỗ, ông lên kinh đô xin cưới cô gái làng Mơ làm vợ chính. Có bà phu nhân muốn gả cháu gái, ông cũng chỉ cưới làm vợ thứ. Việc lựa chọn của ông khiến người dân ở Kinh đô nức nở ngợi khen.
Ảnh minh hoạ: Khamphahue
|
Làm quan tại triều, ông được tiếng là thẳng tính. Khi giữ việc hình án ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), có viên Án trấn cậy thế bà Chính cung của chúa Trịnh là Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên làm càn ăn của đút lót, ông đã bắt trói, yêu cầu bồi hoàn, nếu không sẽ đánh trượng cho chết. Viên án trấn phải nộp 400 lạng vàng đã nhận. Ông nhốt hắn vào ngục, đưa xe về kinh, đem vàng lễ ấy dâng nộp.
Tờ khai trình đến Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, Đặng Phi nghe tin việc tay chân của mình bị kết tội đã khóc kêu. Chúa Trịnh Sâm nói: “Số vàng tang vật hiện đủ đây, còn kêu oan gì nữa”.
Lúc bấy giờ, Tuyên phi Đặng Thị Huệ nhờ có sắc đẹp nên được Chúa Trịnh Sâm mê đắm và sủng ái. Ấy thế mà trước sự cương trực của Nguyễn Bá Dương, Chúa Trịnh cũng phải phục. Nghe lời phán, Tuyên phi đành hổ thẹn không dám nói mà lặng lẽ lui. Tên Án trấn đành phải chịu tội.
Trong sách Tang thương ngẫu lục của hai tác giả Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án, hoàn thành những năm đầu thời vua Gia Long triều Nguyễn, kể rằng: “Người châu Ái đến nay hãy còn khen và nhắc đến chuyện đó”.
Sau đó, Nguyễn Bá Dương được lưu lại kinh đô Thăng Long bổ dụng làm quan, lần lượt trải qua các chức Hàn lâm viện đãi chế, Tế tửu Quốc tử giám. Tương truyền. Dù làm quan to nhưng ông không vì thế mà tư lợi, bởi thế rất được chúa Trịnh Sâm cũng như triều đình nể vì, trọng dụng. Ông mất năm 1785, khi mới 46 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét