(Vanhien.vn) Các điệu xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe quanh cây ban, xòe vòng… thể hiện nét đặc trưng của các điệu xòe cổ của nghệ thuật dân vũ Thái.
Chúng tôi đã vài lần đi ngược chiều gió thổi , để đến với bà con dân tộc Thái ở Điện Biên. Với nhiệm vụ sưu tầm dân ca dân nhạc, chúng tôi đã được hòa mình trong sự tiếp đón nồng hậu và luôn sẵn sàng hát múa cho chúng tôi được ghi lại, mang về phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhạc sĩ Dân Huyền
Các cụ nghệ nhân già còn kể cho chúng tôi nghe những chuyện cổ tích, những nét đặc trưng tiêu biểu về văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Chúng tôi còn hòa mình trong những vòng xòe, trong lời ca “Inh lả ơi” quen thuộc và trong tiếng khèn réo rắt như mời gọi khách xa cùng với tiếng trống rộn ràng vui như hội mở.
Cứ mỗi độ xuân sang, đồng bào Thái ở đây lại sắm cho mình những bộ váy (cóm) mới, chủ yếu để say với những điệu xòe. Xòe du xuân thường được tổ chức từ mồng 1 Tết đến 15 tháng Giêng, khi đồng bào mở hội xuống đồng, là tinh hoa của những điệu xòe đẹp nhất, cầu mong cho con người khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở, trai gái giao lưu hò hẹn nên duyên.
Xòe du xuân thường biểu diễn các điệu như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe quanh cây ban, xòe vòng… Các điệu xòe này thể hiện nét đặc trưng của các điệu xòe cổ, của nghệ thuật dân vũ Thái.
Xòe là một điệu múa dân gian mang tính đại chúng của dân tộc Thái, gọi ngắn gọn là xòe Thái. Trong tiếng Thái, xòe có nghĩa là giơ cao hai tay múa đều cùng với nhịp chân bước biểu lộ vui mừng.
Xòe thì phải có nhạc. Nhạc đây là trống và hát. Trống xòe có nhịp điệu riêng không dễ đánh. Các cụ kể lại: Ngày xưa bao giờ xòe người ta cũng phải mời một người già thông thạo đánh trống. Lúc đầu, có một người nam giới nổi cho mấy hồi giáo đầu để gọi nhịp. Sau đó một người già khác (thường là nữ giới) cất giọng một hai câu ca xem có ăn khớp, có chạy nhịp với nhịp trống nổi hay không… Phải cẩn thận như thế xòe mới khỏi chuệch choạc và mới tăng dần nhịp vui lên được.
Điệu xòe của người Thái. (Ảnh: Đình Tuấn)
Quanh cây hoa ban giữa rừng, trên bãi đất rộng giữa mường, quanh bếp lửa hồng là những vòng tay kết nối với nhau giữa già và trẻ, chân gọi bước chân, tạo thành một vòng tròn, đó là điệu xòe vòng thân thiết và quen thuộc của đồng bào Thái. Cứ thế mà rộn ràng mà say sưa heo nhịp xòe và nhịp trống…
Vòng xòe ban đầu còn hẹp, sau đó càng rộng thêm ra vì mỗi lúc số người tham gia càng đông. Càng về đêm, vòng xòe càng tiếp nối với vòng trong, vòng ngoài. Cứ thế, người ta múa xòe mãi cho đến gần sáng, các chàng trai, cô gái lại kéo nhau ra bờ suối tâm tình và… khe khẽ hát.
“Inh lả ơi, xao nọong ơi!
Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời
Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời
Mùa xuân đến ngàn hoa hé cười…”
Lời hát “Inh lả ơi, xao noọng ơi” chính là tiếng lòng của các cô gái lớn tuổi sắp đi lấy chồng tâm sự với lớp cô gái trẻ mới bước vào đời. Các “xao ưởi” dặn dò các “xao nọong” rằng: “…Ve sầu vờn bông hoa sắc thắm. Bướm bay lượn quanh núi dập dờn. Cùng đến đây, ơi các em gái. Cùng nhau chơi hết đời hoa ban. Chơi cho hết thời con gái trẻ. Inh lả ơi, xao noọng ơi”.
Lời hát “Inh lả ơi, xao noọng ơi” chính là tiếng lòng của các cô gái lớn tuổi sắp đi lấy chồng tâm sự với lớp cô gái trẻ mới bước vào đời. Các “xao ưởi” dặn dò các “xao nọong” rằng: “…Ve sầu vờn bông hoa sắc thắm. Bướm bay lượn quanh núi dập dờn. Cùng đến đây, ơi các em gái. Cùng nhau chơi hết đời hoa ban. Chơi cho hết thời con gái trẻ. Inh lả ơi, xao noọng ơi”.
Các chị sắp đi lấy chồng, sắp phải giã biệt cái thời khắc hồn nhiên và đẹp nhất của cuộc đời, để làm vợ, làm mẹ, thủy chung hiếu thảo như cái lẽ tự nhiên tự bao đời. Các chị dặn lại các em hãy vui chơi lành mạnh cho thoả thích, chơi cho hết mình kẻo rồi hối tiếc. Vui chơi nhưng cũng không quên nghĩa vụ lao động của mình nên dặn rằng: “Muốn chơi hãy chơi khi mùa ban nở/ Muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn/ Hoa héo rũ rụng xuống hết mùa/ Ta chia tay nhau về làm ruộng/ Ánh mắt liếc vào ruộng mạ/ Cho bông lúa trĩu vàng/ Hẹn mùa xuân sau khi mùa ban nở”.
“Inh lả ơi, xao nọong ơi” thiết tha trìu mến, tự nhiên như hơi thở của mùa xuân, tự đáy lòng các cô gái miền Tây Bắc, nghe đơn giản, chân thành và tự nhiên nhưng ẩn chứa khát vọng cháy bỏng về tự do hôn nhân, tình yêu trắng trong chung thủy.
Mỗi khi lời bài dân ca Thái trong sáng tươi vui trên đây cất lên, mỗi người như lại được nồng say trong vòng xòe mê đắm. Bài ca này chúng tôi mang về Hà Nội và đã thu thanh nhiều giọng hát, kể cả tốp ca, đồng ca. Giọng hát của NSND Thanh Huyền là một trong những giọng hát thể hiện hay nhất, bài hát này được nhiều thính giả trong và ngoài nước viết thư về đề nghị được nghe lại nhiều lần. Rời vòng xòe, bài hát đã “đứng riêng một mình” trong tâm hồn người nghe yêu mến Dân ca và nhạc cổ truyền mà tổ tiên ta bao đời để lại.
Cứ mỗi độ xuân về, vòng xòe và câu hát “Inh lả ơi” cứ in dấu và vương vấn mãi trong chúng tôi…
Nguồn: VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét