Những danh tướng được vua Minh Mạng chọn thờ tự tại Võ Miếu là những người có công liệt rõ ràng, trọn vẹn trước sau, xứng đáng làm gương cho thế hệ sau.
Muốn mở mang bờ cõi, vua Minh Mạng rất chú trọng việc chiêu hiền đãi sĩ, đặc biệt là các võ tướng. Tháng 9/1835, vua đã bàn với các đại thần về việc xây dựng võ miếu để thờ tự danh tướng làm gương cho thế hệ sau.
Võ Miếu nơi 6 danh tướng được vua Minh Mạng chọn thờ tự làm gương thế hệ sau. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Ban đầu, các quan đưa lên bản danh sách 12 danh tướng Trung Hoa có tài thao lược để thờ tại Võ Miếu, vua Minh Mạng không đồng tình. Vua dụ rằng, đất nước mở bờ cõi từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay, chẳng thiếu gì lương tướng. Vua lệnh các quan tra sử liệu, liệt kê danh tướng thời trước để chọn người xứng đáng đưa vào thờ tự khi Võ Miếu xây dựng xong.
Sau khi tra Sử ký các triều đại An Nam và Thực lục triều Nguyễn ghi chép công trạng bậc khai quốc công thần và trung hưng, các quan đã liệt kê ra những danh tướng như: Trần Quốc Tuấn thời Trần, Lý Thường Kiệt thời Lý, Trần Nhật Duật, Đinh Liệt, Tôn Thất Thuần, Đào Duy Từ, Chu Văn Tiếp... có thể đưa vào thờ tại Võ Miếu.
Chân dung vua Minh Mạng bằng gỗ trầm hương. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Xem xong danh sách, vua Minh Mạng dụ rằng, những người được thờ ở Võ Miếu tất phải là bậc công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này. Cũng vì thế nhà vua phân tích từng ưu, khuyết của các bậc danh tướng để chọn người xứng đáng tôn thờ ở Võ Miếu cho thế hệ sau noi theo.
Theo vua Minh Mạng, Lý Thường Kiệt là vị tướng ưu việt về phần võ lược nhưng xuất thân từ hoạn quan nên không thể đưa vào thờ tự. Còn Trần Nhật Duật, Đinh Liệt và Hoàng Đình Ái là những tướng đánh thành, phá trận, trội hơn mọi người một thời đó, rút lại vẫn "chưa được mười phần rực rỡ".
Vua Minh Mạng cho rằng, Trần Quốc Tuấn là vị tướng tinh thông binh pháp, hai lần đánh tan quân Nguyên; Lê Khôi đời nhà Lê nhiều lần đánh tan quân Minh, hai lần dẹp yên Chiêm Thành. Thao lược và oai phong của hai vị này vang dội khắp nơi, mọi người đều nghe biết, "quá xứng đáng để tôn thờ".
Trong các tướng giúp triều Nguyễn đánh Nam dẹp Bắc, vua Minh Mạng cho rằng Đào Duy Từ bàn mưu ở nơi bàn tướng, Tôn Thất Thuần điều khiển quân cơ thì to thật nhưng bảo là võ liệt thì "chưa đáng". Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến thời chúa Nguyễn nhiều lần đánh phá quân giặc, đáng là danh tướng một đời. Đến thời trung hưng, Nguyễn Hoàng Đức tuy có tiếng hổ tướng nhưng so sánh lấy hạng trội hơn cả mọi người thì chưa bằng Tôn Thất Hội "theo đòi bên ngựa, từng trải chiến trường, công trạng to tát". Nguyễn Văn Trương biết hướng về nơi sáng, theo con đường chính, theo đánh dẹp đi tới đâu có công đến đó, "sự nghiệp của họ rực rỡ hơn cả".
Vua Minh Mạng đã chọn các tướng Trần Quốc Tuấn đời Trần; Lê Khôi thời nhà Lê; Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương vào thờ ở giải vũ tả hữu nhà Võ Miếu. Nhà vua lệnh lấy 20 người dân ngoại tịch ở gần miếu sung làm thủ hộ, hàng năm cứ mùa xuân và mùa thu làm lễ tế. Lễ phẩm gồm một trâu, một dê, hai lợn, năm mâm xôi.
Bia đá khắc tên các võ tướng thi đỗ khoa thi võ triều Nguyễn. Ảnh: Võ Thạnh.
|
Tháng 11/1835, vua Minh Mạng cho xây dựng Võ Miếu tại An Ninh Thượng, nay là thôn An Bình (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) sát bên cạnh Văn Thánh Miếu để thờ các bậc danh tướng có công.
Sau này, nhà Nguyễn tổ chức các khoa thi võ, những người thi đỗ đạt cũng được khắc tên vào bia đá dựng trong khuôn viên Võ Miếu để lưu danh muôn thuở. Ngày nay, các bia đá khắc tên quan võ thi đỗ còn tồn tại ở Võ Miếu.
Võ Thạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét