Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

CHÙA HỘI LINH một Địa chỉ đỏ thời kháng chiến

Cần Thơ có tổng cộng 10 di tích cấp Quốc gia gồm 04 di tích Kiến trúc - Nghệ thuật và 06 di tích Lịch sử - Văn hóa. Trong đó chùa Hội Linh là một trong 6 di tích Lịch sử - Văn hóa và là ngôi chùa có lối kiến trúc cổ kính cách nay hàng thế kỷ, ghi dấu về thời kháng chiến anh dũng trong lịch sử dân tộc.

Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 2,5 km, chùa Hội Linh nằm phía tay phải trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc phường An Thới (nay phường Bùi Hữu Nghĩa), quận Bình thủy, TP.Cần thơ. Chùa được xây cất bằng tre lá vào năm 1904 (Giáp Thìn) do Hòa Thượng Thích Thanh Hương, hiệu Khánh Hưng khai sơn, có tên là Hội Long Tự. Đến năm 1914 (tháng 4 năm Giáp Dần), chùa được trùng tu lần đầu và đổi tên là Hội Linh Cổ Tự (đời cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo)… Đến nay tên chùa vẫn giữ nguyên, nhưng trong nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi là chùa Xẻo Cạn, vì ngày xưa cạnh chùa có con rạch cạn, nay đã bị bồi lấp...
Chua Hoi Linh - mot Dia chi do thoi khang chien
Toàn cảnh chùa Hội Linh (ảnh: BCT)        
Lúc trước, muốn vào chùa tham quan, du khách phải dừng xe trước cổng bên ngoài đường Cách mạng Tháng Tám, rồi xuống xe đi bộ trên con đường hẹp, đất đá gồ ghề, bề ngang khoảng 6 mét, dài khoảng 400 mét mới tới cổng chính chùa. Nay đường vào chùa được tráng nhựa phẳng phiu và được nới rộng thêm, nên xe du khách có thể thoải mái dừng đậu trước sân chùa.

Bước vào chánh điện và nhà hậu tổ, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nét kiến trúc khá độc đáo của các nghệ nhân xây dựng thời xưa: Toàn bộ mái chùa được phủ bởi ngói đỏ (nay đã rêu phong). Hệ thống vòm mái được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim tròn (chánh điện) và 20 cột gỗ lim tròn (nhà hậu tổ), đường kính 25 cm có chân đế bằng đá tảng, chạm trổ hình hoa sen, trên mỗi cột đều có những liễn, đối. Các vì kèo trên chánh điện và nhà hậu tổ đều được làm theo kiểu nhà trính, các cây trỏng được gọt đẽo đặt trên khối hình vuông, hình thang, đầu trỏng có hình cánh dơi...
Chua Hoi Linh - mot Dia chi do thoi khang chien
Chánh điện chùa Hội Linh. (ảnh: BCT)      
Mặt tiền chánh điện được phân làm ba gian và có một lầu. Lầu được chia làm ba gian để thờ Phật Thích Ca, Quán Âm, và Địa Tạng. Mái lợp xi măng đúc thành hình vảy cá. Trên đỉnh là hình búp sen, bầu rượu, các đầu đao hình rồng, hoa lá uốn cong. Cũng giống như các ngôi chùa thuộc dòng Thiền tông Lâm tế khác, chùa Hội Linh là nơi thờ Phật Thích Ca, Di Lặc, Chuẩn Đề, Ngọc Hoàng, các vị Kim Cang...          
            
Với lối kiến trúc đa dạng độc đáo, du khách sẽ còn được chiêm ngưỡng những tuyệt tác mỹ thuật khác ở bên trong: Đó là một số tượng gỗ được chạm khắc rất khéo léo, mang tính nghệ thuật cao như: nhóm tượng Diêm Vương với 4 ông Phán quan, Địa Tạng Vương Bồ Tát cỡi Lân, Hộ Pháp, Thích Ca sơ sinh... (chánh điện), tượng phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi Khổng Tước (nhà hậu tổ), tượng ông Giám Trai (dưới nhà trù) - người tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp bửa củi, nấu cơm cho chúng tăng. Nhìn chung, toàn bộ kiến trúc và điêu khắc ở chùa Hội Linh rất đáng kể về lượng và cả về chất.
Chua Hoi Linh - mot Dia chi do thoi khang chien
Tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi Khổng Tước. (ảnh: BCT)
Tham quan di sản văn hóa bên trong xong, khách nhàn du có thể tản bộ ra bên ngoài để thưởng ngoạn phong cảnh xung quanh chùa. Trước sân là hồ sen hình bán nguyệt với những bông sen hồng lung linh đưa hương thoang thoảng (vào mùa hè), ngay chính giữa hồ là tượng Phật bà Quán Âm ngự trên tòa sen uy nghiêm và trang trọng. Điểm xuyết vào khung cảnh đó là những giàn cây cảnh đa dạng, phong phú được các nghệ nhân chăm sóc khéo léo, cẩn thận như: như cây duối uốn nhiều tầng được cắt tỉ công phu, 02 cây khế cổ thụ trên trăm tuổi, những cây mai chiếu thủy lâu năm xòe những chùm bông trắng tỏa hương thơm ngát. Phía bên trái sân là tượng Phật Di Lặc với nụ cười hiền hòa bao dung, và phía sau cùng là những quần thể tháp uy nghi, cổ kính. Đây cũng là  nơi an nghỉ cuối đời của các vị Hòa thượng tiền nhiệm (tháp của Hòa thượng Pháp Thân, Hòa thượng Chơn Đức, cùng các bậc tiền bối xưa có công sáng lập chùa…) và cuối cùng phía sau hậu liêu là Trai đường với kiến trúc 2 tầng khang trang (xây dựng mới vào năm 2010), kế bên là nhà trù (nhà bếp)…                                

Ngoài những nét đặc trưng về văn hóa và nghệ thuật kể trên, chùa còn ghi lại dấu ấn về lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới đời cố Hòa Thượng Thích Pháp Thân (1941-1970), chùa Hội Linh đã được tu sửa nhiều lần vì bị chiến tranh tàn phá (1947). Và chính Hòa Thượng Thích Pháp Thân cùng các đệ tử (trong đó có Hòa Thượng Thích Chơn Đức) phải chịu cảnh tra tấn, tù đày của địch (1959-1962), vì đây là nơi  nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ cách mạng hoạt động nội thành…Vào năm 1966 khi Mỹ ngụy lập Trại tù binh ở Lộ Tẻ (đầu đường Trần Quang Diệu, TP.Cần Thơ hiện nay), nhà chùa và các phật tử trong vùng còn làm thêm nhiệm vụ tiếp đón thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ ta. Mỗi tuần có hơn 200 người từ các nơi về thăm nuôi vào tối thứ năm, được nhà chùa lo ăn ở rất chu đáo...           
Với những thành tích và nghĩa tình sâu nặng đó, vào ngày 28/04/1992, Ủy Ban Nhân dân TP. Cần Thơ đã ra quyết định công nhận chùa Hội Linh là một Địa chỉ Đỏ. Và ngày 21/6/1993, Bộ Văn Hóa Thông tin ban hành Quyết định số 774/QĐBT/1993 công nhận Chùa Hội Linh là Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Quốc Gia, là cơ sở Cách Mạng từ năm 1941-1975. Đặc biệt, Nhà nước đã trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất cho chùa Hội Linh và ghi công liệt sĩ Dương Văn Đề (tức Hòa thượng Thích Pháp Thân) đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. 
Chua Hoi Linh - mot Dia chi do thoi khang chien
Tháp của Hòa thượng Thích Chơn Đức. (ảnh:BCT)
Dù đã hơn 100 năm tồn tại và nhiều lần tu sửa tôn tạo, nhưng các vị Hòa Thượng cùng các đạo hữu đã đảm bảo được tính nguyên gốc của Di tích.
Hàng năm, vào các ngày lễ Tết (Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ, Lễ Vu Lan…), ngày húy kỵ của cố Đại lão Hòa thượng Thích Pháp Thân (18/08.Âl), húy kỵ Hòa thượng Thích Chơn Đức (21/09. Âl), quí chư Tôn đức và phật tử các tỉnh gần xa đến chùa tham dự rất đông. Và, chùa Hội Linh hiện nay là một địa chỉ du lịch mỗi dịp khách đến tham quan TP. Cần thơ. 
Bài và ảnh: Ba Cần Thơ (Dân Việt)

CHÙA HỘI LINH
Phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
Chùa Hội Linh, còn có cách gọi khác Hội Linh Cổ Tự, thuộc hệ phái Bắc tông - tọa lạc trên diện tích 6500m2 tại số 314/36 đường Cách mạng tháng Tám (cách đường khoảng 200 mét), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số 0710 2212206. Hiện nay, do Hòa thượng Thích Chơn Đức làm trụ trì.

Chùa Hội Linh
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGÔI CHÙA. (1)
Chùa Hội Linh được khởi lập vào ngày rằm tháng hai năm Đinh Mùi – 1907, theo dòng Thiền Lâm Tế. Do một gia đình phật tử - ông Phạm Văn Bường (pháp danh Thông Lý) và bà Nguyễn Thị Tám (pháp danh Thông Ngọc) cúng dường đất cho Hòa thượng Thích Khánh Hưng, thế danh Quý Thanh Hương đứng ra trông coi xây cất. Ban đầu chùa được cất đơn sơ bằng cột cây, vách và mái lợp lá, cửa chùa quay ra hướng (Đông Bắc) sông Hậu, đặt tên “Hội Long Tự”. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ, nên còn có tên là chùa Xẽo Cạn. Vị trí chùa trên một diện tích đất khá rộng gần 1ha ở địa phận thôn Thái Bình, tổng Định Bảo (thời Pháp thuộc); đến năm 1958 đổi lại thành xã An Bình, tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh; năm 1968 đổi thành phường An Thới, tỉnh Cần Thơ; sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất được đổi thành phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang; đến năm 1992 được đổi lại phường An Thới, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ; Và hiện nay tọa lạc tại số 314/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Hòa thượng Thích Khánh Hưng trụ trì chùa từ ngày khởi lập đến ngày mùng 5 tháng 3 năm Giáp Dần – 1914 viên tịch. Sau khi Hòa thượng Khánh Hưng mất, Hòa thượng Thích Hoằng Đạo, thế danh Võ Văn Nhuận sinh năm Mậu Dần – 1878 thay thế trụ trì cho đến ngày mùng 7 tháng 6 năm Nhâm Tuất – 1922 thì thâu thần thị tịch, hưởng dương 45 tuổi. Mặc dù thời gian trụ trì chùa chỉ 8 năm, nhưng hòa thượng Khánh Hưng là người được bà con phật tử tin tưởng. Theo 2 bảng khắc gổ còn lưu tại chùa, ghi công đức của 75 thiện nam, tín nữ phật tử đồng hỷ cúng 2078 đồng, để hòa thượng xây cất mới ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố - tường gạch mái lợp ngói. Mặt tiền chùa được điều chỉnh quay ngược lại về phía đường Cách mạng tháng Tám, hướng Tây Nam và đổi tên thành “Hội Linh Cổ Tự”.
Năm 1922, Hòa thượng Thích Trí Đăng, thế danh Lê Kim Chương sinh năm Bính Tuất – 1886 về trụ trì chùa cho đến năm 1944 chuyển đi tu nơi khác.
Năm 1944, Thượng tọa Thích Pháp Thân, thế danh Dương Văn Đề sinh năm Quí Mảo – 1903 thay thế trụ trì chùa cho đến ngày 18 tháng 8 năm 1970, Hòa thượng (được tấn phong ngày mùng 4 tháng 8 năm 1967 và được Giáo hội Phật giáo tỉnh Phong Dinh bấy giờ suy tôn Hòa thượng chứng minh của Giáo hội) Thích Pháp Thân đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thọ thế 68 tuổi.
Trong thời gian trụ trì chùa từ năm 1944 đến 1970, Hòa thượng Thích Pháp Thân có 2 quyết định quan trọng liên quan đến làm thay đổi diện mạo ngôi chùa.
Khoảng năm 1946 - 1950, sau khi chiếm đóng Cần Thơ (tháng 10/1945) thực dân Pháp coi Cần Thơ là trung tâm cai trị khu vực miền Tây. Vì vậy, chúng tăng cường lực lượng lính Hòa Hảo phòng vệ vùng ven quanh Cần Thơ và chọn nơi có đình, chùa, nhà cửa rộng lớn để đóng lô cốt hoặc đồn bót, trong đó có chùa Hội Linh. Biết được ý đồ của địch, Hòa thượng Pháp Thân thống nhất với các cán bộ lãnh đạo cách mạng cho đốt một phần nóc ngôi chánh điện, nên phá được ý đồ đóng đồn của địch. Sau năm 1954 hòa bình lập lại, Hòa thượng Pháp Thân mới tiến hành sửa chửa lại chánh điện, xây tường vách, lợp lại mái ngói, lót lại gạch nền… Gian cổ lầu thờ Di Đà Tam Tôn
Sau khi Hòa thượng Thích Pháp Thân viên tịch. Sư đệ của Hòa thượng là Hòa thượng Thích Pháp Hiện, thế danh Huỳnh Văn Đức sinh năm Đinh Mùi – 1907 (thọ thế 81 tuổi) thay trụ trì chùa Hội Linh hai năm (1970 – 1972) chuyển sang tu nơi khác.
Kế tiếp sự truyền thừa. Năm 1972, Thượng tọa Thích Chơn Đức (đệ tử Hòa thượng Thích Pháp Thân) thế danh Phan Văn Bảy, sinh năm Ất Sửu – 1925, nguyên quán Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ. Thay sư thúc của mình giữ chức trụ trì chùa, đến năm 1998 Thượng tọa Chơn Đức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và tiếp tục trụ trì chùa cho đến hết năm 2005.
Cuối năm 2005, vì tuổi cao sức yếu, Hòa thượng Chơn Đức đã trình trước Giáo hội và cơ quan nhà nước công khai giao trách nhiệm cho Thượng tọa Thích Thiện Pháp (Thượng tọa Thiện Pháp gọi Hòa thượng Chơn Đức là sư thúc trong tông môn) thay Hòa thượng điều hành phật sự tại bổn tự Hội Linh.

HT. Thích Chơn Đức
Thượng tọa Thích Thiện Pháp, sinh năm Ất Mùi - 1955, thế danh Trương Hớn Huy người ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Xuất gia năm 1965, được Hòa thượng Thích Tâm Chơn nhận làm đệ tử, tu học tại chùa Thiên Long, xã Tân Hội, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1966, được bổn sư Hòa thượng Tâm Chơn gởi sang chùa Hội Linh nương với Hòa thượng Pháp Thân học đạo cho đến ngày Hòa thượng viên tịch (1970). Sau khi hoàn tất phần Bảo tháp cho Hòa thượng Pháp Thân yên nghỉ, Thượng tọa Thiện Pháp xin trở về bổn tự Thiên Long tiếp tục rèn luyện gia công gia hạnh với Hòa thượng bổn sư nơi tự viện và vân du tham học với nhiều Chư Tôn Đức trong những mùa An Cư Kiết Hạ… cho đến tháng chạp năm 2005 được Hòa thượng Chơn Đức cử làm trưởng tử và chuyển về chùa Hội Linh nhận trách nhiệm điều hành phật sự do Hòa thượng Chơn Đức giao phó cho đến nay.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA CHÙA HỘI LINH.
Ngôi Tam bảo Hội Linh Cổ Tự ra đời đến nay đã hơn một thế kỷ (102 tuổi) và tính từ đời Hòa thượng khai sơn đến Hòa thượng Thích Chơn Đức là 5 đời. Mặc dù vậy, Chùa Hội Linh chưa phải là một ngôi chùa cổ. Mặt khác, khi xây dựng lại mới vào khoảng 1955 – 1960, nên có ảnh hưởng nhiều đến lối kiến
trúc nước ngoài.
Nhìn từ ngoài vào ta bắt gặp cổng tam quan vừa hiện đại vừa cổ kính, dưới tán 2 cây đa cổ thụ rợp bóng, dãy tường rào tạo hình cánh cung, cổng chính vươn ra phía trước, trên nóc các cổng đều được lợp mái cong giả ngói âm dương màu xanh. Mổi cổng đều có 2 câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Riêng cổng chính lợp 2 lớp mái ngói, nóc có gắn cặp lưỡng long tranh châu bằng đất nung màu xanh, hai bên trụ cột có 2 câu đối bằng chữ Hán dịch nghĩa như sau: Cổng chùa Hội Linh
“ Hội xuất Thần Châu ngũ bá cao tăng thường tự tại
Linh minh thánh cảnh tam thiên đại giác nhiệm Như Lai”

Sau cổng chính, những cây dương liễu rũ nhánh soi bóng dưới cái ao sen hình bán nguyệt rộng khoảng 25m2, giữa ao tôn tượng đài lộ thiên Quán Thế Âm Bồ Tát cao gần 3 mét. Cổng trái là lối đi chính vào chùa. Bên trái có Bảo tháp to cao hơn 10 mét, là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Pháp Thân. Nhìn vào sâu bên trong có thêm Bảo tháp cao hơn 8 mét là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo và 2 tháp nhỏ của Hòa thượng Khánh Hưng, Hòa thượng Trí Đăng. Bên phải là một khoảng sân khá rộng, trên sân có miếu Ngũ Hành bên trái, Thổ Thần bên phải, ở giữa trồng nhiều hoa kiểng và nhiều chậu cây bonsai sum sê tạo một không gian an lành.
Phía trước mặt ngôi chánh điện phần trên là ba gian cổ lầu, mỗi gian chiều ngang 4 mét với chiều cao hơn 12 mét, trên lầu tôn thờ 3 pho tượng đứng, ở giữa Đức Phật A Di Đà, bên phải tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Trên mái chia làm 3 nóc được lợp bằng vật liệu xi măng đúc thành hình vảy cá, nóc giữa mái tạo dáng tròn cạnh lục giác, trên đỉnh là hình búp sen, các đầu đao gắn cách điệu dây lá; 2 nóc hai bên đỉnh là bầu rượu, mái tạo hình phẳng cạnh tứ giác uốn cong lên, các đầu đao cũng gắn cách điệu dây lá (phần kiến trúc này đều do sự khởi ý chuẩn bị của HT. Pháp Thân và HT.Chơn Đức là người thực hiện hoàn thành vào năm 1972). Phần dưới, ở giữa 2 cửa ra vào chách điện còn an trí thêm tượng Đức Phật A Di Đà.

Tượng Quán Thế Âm lộ thiên
Ngôi chánh điện rộng 288m2, nóc cao hơn 9 mét, có 2 cửa chính đi vào, chia thành 3 gian. Là nơi được bài trí tôn thờ hơn 80 pho tượng lớn nhỏ. Bên trong là 3 điện thờ trung tâm, bên trên có treo 3 bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là “Hội Linh Tự”, bên trái “Tam vô tư địa”, bên phải “Thưởng thiện phạt ác” được mô tả theo những hình ảnh sau đây.



Điện thờ chính ở giữa, phía trước có khung bao lam chạm khắc tuyệt mỹ cây, hoa, lá, rồng, phụng, hưu… sơn son thếp vàng, hai bên có 2 câu liễn đối: “Phật nhựt tăng huy tự hán vĩnh bình đoan tại thử, Pháp luân thường chuyển duy đường trinh quán đạo vưu thâm”. Bên trong an trí Đức A Di Đà Phật ngồi trên tòa sen cao 1,5 mét. Phía trước hai bên tôn 2 tượng đứng ông Thiện - ông Ác, ở giữa tượng Đức Địa Tạng cởi Kỳ Lân. Bậc dưới tôn tượng Đức Thích Ca Đản Sanh, 2 bên xếp 2 chân đèn và hoa, quả. Bàn phía dưới trước điện an trí tượng Đức Phật Thích Ca Niết Bàn chiều dài 1,5 mét, 2 đầu bàn xếp chuông mõ; Điện bên trái, an trí Đức Đại Thế Chí Bồ Tát thếp vàng, 2 bên đặt 4 tượng đứng 4 vị thần Kim Cang. Phía trước tôn tượng Ai Đà tiếp dẫn, 2 bên 2 tượng phán quan. Trên tủ thờ trước điện đặt tượng Quan Thánh chúng ngồi; Điện bên phải, an trí Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thếp vàng, 2 bên 4 vị thần Kim Cang. Ở giữa đặt 2 tượng trong 10 vị thập điện và 2 tượng nhỏ 2 vị phán quan, phía trước có 1 tượng nhỏ Đức Địa Tạng đứng. Trên tủ thờ trước điện còn có thêm 2 tượng nhỏ Đức Phật Thích Ca ngồi. Ngoài ra 2 cột hai bên còn có 2 câu liễn đối: “Thiên đường chánh tu ốc lậu đổ thanh thiên, Địa ngục vô môn chỉ vị thốn tâm đa ám địa”.
Ở giữa chánh điện tôn pho tượng Đức Phật Di Lặc Bồ Tát ngồi thật to, cao 2,5 mét. Phía sau lưng Đức Di Lặc là tháp đèn Dược Sư có 49 ngọn đèn (đèn bóng có tim đốt bằng dầu lửa thắp suốt ngày đêm). Tháp đèn được gia công bằng danh mộc quý gồm 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn đèn được nâng bằng 7 long mộc và mỗi tầng đều có một Đức Phật dược sư an ngự. Phía sau tháp đèn là một khoảng trống nơi hành lễ của sư trụ trì.
Đối diện tượng Phật Di Lặc là bàn thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, bên dưới có tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và 2 tượng đứng Đức Hộ pháp, Tiêu diện Đại sĩ.

Đức Di Lặc ngồi cao 2,5 mét

Phía sau điện thờ chính là gian thờ Hậu Tổ. Ở giữa, đặt tượng thờ Đức Tổ Sư Lạc Ma và ghi 4 chữ “Truyền đăng tục diệm”, 2 bên 2 câu đối “Tây thiên khai tứ thất huệ đăng minh tổ ấn, Đông độ kế nhị tam pháp ấn hiển tông phong”; Bên phải, bên trái thờ các vị tiền bối hữu công hộ trì tam bảo. Bên trái ghi 4 chữ “Khai sơn thạc đức” và 2 câu đối “Khai sáng đạo tràng Phật pháp hưng long vạn đại, Sơn môn thạch trụ thiền gia tráng lệ thiên thu”. Bên phải ghi 4 chữ “Kế vảng khai lai” và 2 câu đối “Kế vảng phụng thừa chí nguyện tuân hành Phật hóa, Khai lai hộ đạo tâm thành bẩm giáo di ngôn”. Cả 3 bàn thờ xếp nhiều long vị các cố Hòa thượng tiền nhiệm trụ trì bổn tự và các tiền bối đã quá vãng, chạm trổ rất công phu. Ngoài ra, trên 4 cột của gian này còn treo thêm 4 câu liễn đối. Đôi giữa “Đăng diệu huy hoàng chúc thiên niên nhi vĩnh thạnh, Hương yên liêu nhiễu kỳ vạn cổ dĩ hàm hanh”. Bên trái “Đại trượng phu chích thủ bát khai sanh tử lộ”. Bên phải “Kì nam tử song mi trứu phá danh lợi quan”.

Nối tiếp chánh điện, gian thứ 2 rộng 144m2, ở giữa đặt bàn thờ Tổ quốc có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lưng bàn thờ Tổ quốc, treo một khung ảnh đen trắng lớn lưu niệm các đồ chúng chụp chung với Hòa thượng Huệ Đăng lúc còn sanh tiền (trong ảnh này có HT.Thích Pháp Thân).Trong khung ảnh ghi: “Đại lão Hoà thượng Huệ Đăng cùng các môn đệ chùa Thiên Thai” (Bà Rịa Vũng Tàu). Đặc biệt, gian này bên hông trái có mở một cửa rộng ra vào, do đó còn được dùng làm nơi tiếp khách và cuối gian dựng một giá gổ nâng bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Gian thứ 3 là giảng đạo đường rộng 224m2. Gian này là nơi giảng kinh cho đồ chúng trong tự viện (gia giáo). Ngoài ra còn để thuyết pháp trong những ngày lễ hội cho đại đa số Tăng Ni, tín đồ phật tử… Phía trước ngay giữa gian 3 là bàn thờ Đức Phật Chuẩn Đề Bồ Tát. Để tưởng nhớ công lao to lớn của 2 vị Hòa thượng trụ trì đời thứ ba và đời thứ tư, 2 bên bàn thờ Chuẩn Đề an trí 2 bức di ảnh, bên phải là Hòa thượng Hoằng Đạo, bên trái là Hòa thượng Pháp Thân. Sau bàn thờ là quá đường (nơi chư tôn đức thọ trai), kế tiếp là pháp tòa (nơi chư tôn Hoà thượng thuyết pháp)… Tại gian 3 này, ở giữa còn được bài trí bức hoành phi “Giảng Đạo Đường”.

Ảnh tư liệu của chùa
Hàng cột thứ nhất có 4 câu liễn đối từ trái qua phải như:
“Tịnh đức tín cao minh tấu niệm Di Đà chơn diện mục
Nghiệp duyên tăng thượng thiện chỉ quy cực lạc cố gia hương”
“Đạo nguyên đại giác giáo truyền nhập thánh siêu phàm giai thọ thử
Tràng bạn bồ đề phu tọa minh tâm kiến tánh tổng tại tự”

Hàng cột giữa có 2 câu liễn đối chính của giảng đường: “Giảng vô địch pháp chi văn chánh kỳ tâm nhi thành kỳ ý tâm ý tề chi dĩ nhứt, Đường hữu thường quy chi chế trí dĩ viên hề nghĩa chi phương viên phương năng trí kỳ trung”. Nơi pháp tòa có 2 câu liễn đối treo trên 2 cột 2 bên: “Pháp diễn đại thừa vận chuyển diêm phù quy tịnh độ, Sư tuyên chánh đạo triển khai cực lạc tại ta bà”. Cuối gian 3 là bàn thờ cố Hòa thượng Thích Pháp Thân là Hòa thượng trụ trì (đời thứ tư). Gian cuối là gian phương trượng rộng 112m2, là nơi ở của Hòa thượng trụ trì.
Bên hông phải của chùa từ gian thứ 2 đến gian cuối còn có một dãy nhà trù rộng khoảng 270m2, đầu dãy là phòng truyền thống của nhà chùa, trưng bày những hiện vật có liên quan đến việc nuôi chứa cán bộ cách mạng ở tại chùa, treo nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen và ảnh các ông bà cán bộ cách mạng có thời gian công tác tại chùa. Gian thứ 2 thờ tượng Giám Trai Sư Giả. 7 gian còn lại là nơi sinh hoạt của các chư tăng và nhà bếp, nhà ăn của bổn tự.
Nói chung, việc kiến trúc chùa Hội Linh không giống như kiến trúc của các ngôi chùa Phật cổ khác. Từ gian chánh điện đến các gian nối tiếp theo tạo thành một trục thẳng với chiều ngang bằng nhau, chùa được xây dựng bằng vật liệu gạch, xi măng, sắt, gổ, mái lợp ngói, nền lát gạch tàu. Kết cấu tường gạch,hệ thống vòmmái được nâng đỡ bởi những hàng cột gỗ quý
tròn đường kính 25cm có chân đế bằng đá, trụ xi măng. Các vĩ kèo kết cấu đơn giản, làm theo kiểu nhà Trính, các cây trổng được bào láng đặt trên cối hình vuông, hình thang, đầu trổng có hình cánh dơi. Các bao lam nơi chánh điện và các điện thờ được chạm trổ rất công phu. Về họa tiết, hoa văn trang trí nhìn chung đều theo những quy ước truyền thống: Long Quy Phụng Hưu, Mai Lan Cúc Trúc Sen …
Chùa Hội Linh tổng số hơn 100 pho tượng lớn nhỏ bằng nhiều chất liệu khác nhau: đồng, gổ, xi măng, thạch cao… trong đó có 17 pho tượng bằng gổ: Phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi chim Khổng Tước cao 1,82m(tính cả bệ hoa sen); tượng đứng ông Hộ Pháp cao 1,6m; 2 ông Thiện Hữu, Ác Hữu cao 1,4m, 1,3m; Ngọc Hoàng cao 0,77m; Nam Tào, Bắc Đẩu cao 0,72, 0,63m; Thập Điện, Ngũ Diện cao 0,95m, 0,85m; Bốn tượng Phán Quan cao 0,72m; Quan Công cao: 0,72m; Địa Tạng cưỡi Kỳ lân cao 1,7m (tính cả Kỳ lân); Phật Thích Ca sơ sinh cao 0,57m; tượng Giám Trai cao 0,7m. Đặc biệt, tượng ông Giám Trai. Mặc dù không lớn hơn so với các tượng khác trong chùa. Nhưng pho tượng được bố cục, chạm khắc rất tỷ mỹ vững chắc trên bệ gổ trong tư thế ngồi, thể hiện mô tã được nét đặt trưng của một con người không màng đến danh lợi, con người tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp của chùa để bửa củi, nấu cơm cho chúng tăng. Một tay tì trên cán búa dựng thẳng trước mặt, một tay để trước ngực, mình cởi trần, quần vận lưng, nổi bật bộ xương xẩu được cách điệu khúc chiếc, gương mặt xương thanh thoát, má lõm sâu, nhưng lại có đôi mắt sáng hoắt nhìn thẳng về phía trước. Qua các pho tượng, ta phải thừa nhận rằng cách nhìn của nghệ nhân về tỉ lệ người khá chuẩn và tay nghề rất điêu luyện, sắc xảo. Riêng tượng Giám Trai thật sự là một tác phẩm điêu khắc độc đáo.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tu học và sinh hoạt của các chư tăng và bà con phật tử trong vùng. Nhà chùa đang tiến hành khởi công xây dựng mới thêm nhà trai đường và tăng xá một trệch một lầu, có diện tích sử dụng hơn 800m2. Dự kiến đến đầu năm 2010 sẽ hoàn thành.
III. Mối quan hệ giữa chùa và xã hội.
1. Chùa Hội linh từ ngày khai sơn đến nay đã được 102 năm, so với thời gian lịch sử thì chưa phải dài. Sự hình thành và tồn tại của ngôi chùa trong khoảng thời gian này đã gắn liền với 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Cần Thơ nói riêng. Chính vì vậy, mặc dù tại 2 cổng phụ vào chùa treo 2 tấm biển có dòng chữ “Thiền môn nghiêm tịnh”“Hải chúng an hòa” nhưng nhà chùa cũng không thể đứng ngoài cuộc nhìn cảnh nước mất nhà tan, chúng sanh phân ly tử biệt… Từ năm 1941, chùa Hội Linh đã tiếp nhận và nuôi chứa bảo vệ ông Nguyễn Hoàng Lương một cán bộ cách mạng đã bị lộ diện ở Bình Điền chạy đến. Và từ đây, nhà chùa đã trở thành một cơ sở bí mật của cách mạng. Các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử trong vùng luôn sẳn sàng che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng như các ông bà: Nguyễn Hoàng Lương, Lâm Hồng Quang, Thiều Quang Thể, Nguyễn Kim Hạnh, Trương Văn Biên… ở tại chùa để hoạt động nội thành từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến hết 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Năm 1946, để bảo vệ cơ sở cách mạng tại đây và phá vỡ ý đồ của địch chọn chùa đóng đồn để phòng thủ bảo vệ vùng ven Cần Thơ, Hòa thượng Thích Pháp Thân đã quyết định đốt một phần ngôi chánh điện. Sự hy sinh của nhà chùa thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, của các vị Hòa thượng, các tăng ni rất cao, đã giúp cho nhiều cán bộ cách mạng tiếp tục bám trụ hoạt động bí mật trong nội thành cho đến ngày đình chiến.
Sau hiệp định Genève ký kết ngày 20/7/1954 cuộc đấu tranh của nhân dân ta chuyển sang thời kỳ đấu tranh chính trị đòi dân sinh dân chủ, đòi chánh quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Genève. Chùa Hội Linh vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng vững chắc và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng bám trụ tại đây. Đồng thời còn là địa điểm bí mật tổ chức nhiều cuộc họp triển khai đường lối chủ trương chánh sách của cách mạng và nội dung hình thức đấu tranh công khai với địch. Kết quả cơ sở cách mạng tại chùa Hội Linh đã tổ chức được 13 hội, nghiệp đoàn như: Hội truyền bá quốc ngữ, hội tương tế… nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn xe lôi, nghiệp đoàn nông dân, nghiệp đoàn phụ nữ mua gánh bán bưng…
Trong thời gian này địch đã tình nghi chùa Hội Linh là cơ sở “Việt cộng nằm vùng”. Chúng đã cho một trung đội lính đến bao vây nhà chùa. Mặc dù không tìm ra tang vật chứng gì, nhưng địch cũng bắt Hòa thượng Thích Pháp Thân cùng với 6 vị tăng và 6 bà con phật tử ở chung quanh chùa đi điều tra giam giữ ở nhà tù Phú Lợi đến 3 năm. Địch đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn rất dã man nhưng Hòa thượng Pháp Thân và các chư tăng, phật tử đều giữ vững khí tiết một lòng kiên trung với cách mạng. Cơ sở cách mạng tại chùa Hội Linh vẫn được an toàn và tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng cho đến ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Trong thời gian bị địch cầm tù tại Phú Lợi Hòa thượng Thích Pháp Thân dõng dạt nói với địch : “ … còn giặc ngoại xâm thì nhà chùa không thể tu hành được …”
Ngoài nhiệm vụ nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng tại cơ sở của chùa. Hằng tuần, nhà chùa còn công khai tiếp đón, giúp đở, lo chu đáo về chổ ăn chổ ở cho hơn 200 gia đình thân nhân từ các nơi về đây thăm chồng con em là cán bộ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt giam tại trại tù binh Lộ Tẻ.
Để ghi nhớ công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của cơ sở chùa Hội Linh. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng cho nhà chùa, các vị hoà thượng trụ trì và bà con phật tử chung quanh cơ sở Hội Linh nhiều giấy khen, bằng khen và huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, trao tặng bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sỹ Dương Văn Đề (HT.Thích Pháp Thân) đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất cho chùa Hội Linh đã có thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ảnh chụp lại tư liệu của chùa
Với ý nghĩa nêu trên, Bộ Văn hóa Thông Tin có quyết định số 774/QĐBT/1993 ngày 21/6/1993 công nhận chùa Hội Linh là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Để bù đắp sự hy sinh và thành tích đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của Chùa Hội Linh. Năm 2005, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã cấp ngân sách 1.549.220.000đ, giao cho Sở Văn hóa Thông tin thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư tu bổ sửa chửa lại toàn bộ ngôi chùa. Công trình đến cuối năm 2006 hoàn thành.
2. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và để xứng đáng là một Di tích lịch sử văn hoá được nhà nước công nhận. Chùa Hội Linh ngày nay vẫn là một cơ sở tôn giáo được đông đảo bà con phật tử đến tu học và lễ bái. Bổn tự tiếp tục hướng dẫn cho các tăng ni và bà con phật tử theo đúng con đường giáo lý của nhà Phật, nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đạo đẹp đời. Hằng tháng có tổ chức sinh hoạt thuyết giảng cho phật tử tập tu.
Hiện nay nhà chùa có 1 Hòa thượng, 1 Thượng tọa, 2 Đại đức, 1 Sa di và có hơn 500 phật tử đang theo tu học. Trong những ngày lễ lớn: rằm Thượng ngươn 15 tháng giêng; Lễ Phật Đản 15 tháng tư; Lễ rằm Trung ngươn và lễ Vu Lan 15 tháng bảy; Lễ vía Đức Phật A Di Đà 17 tháng mười một… có hàng ngàn người đến bái viếng chùa.
Hằng năm, vào mùa tuyển sinh cao đẳng và đại học, chùa Hội Linh còn là địa điểm đáng tin cậy cho các tử sỹ con em của bà con nông dân nghèo ở nông thôn lên Cần Thơ dự thi. Chùa đã nuôi cơm và lo chu đáo chổ ở cho hàng trăm em trong các ngày thi. Ngoài ra, chùa còn tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội ở địa phương. Hằng năm đã phân phát gạo cho người nghèo. Cung cấp tập vở cho các học sinh hiếu học gia đình khó khăn. Ủng hộ tiền sửa chửa cầu đường và xây nhà tình thương cho người nghèo… ./.

(1) Bài viết có tham khảo tư liệu Hồ sơ di tích Chùa Hội Linh của Bảo tàng Cần Thơ.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Lương (. tranluongct@gmail.com ) Đt 0918864542
 Hội Linh Cổ Tự









Hồ sen bán nguyệt trước sân chùa Hội Linh.

TBKTSG Online) - Trong nhóm chùa cổ ở đất Long Tuyền, ngoài Nam Nhã Đường còn có Hội Linh cổ tự, xây dựng vào năm Đinh Mùi năm 1907 và Long Quang cổ tự, do thiền sư Thiện Quyền lập vào năm Minh Mạng thứ 5 tức năm Giáp Thân (1824), đến nay gần 190 năm.
Cổng chùa Hội Linh.
Chùa Hội Linh thuộc hệ phái Bắc tông, dòng Thiền Tông Lâm Tế, tọa lạc trên diện tích 6.500 m2 tại số 314/36 đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Hội Linh cổ tự được Bộ Văn hóa Thông Tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo quyết định ngày 21 tháng 6 năm 1993.
Chùa Hội Linh được xây dựng vào năm Đinh Mùi (1907), đến nay đã hơn một thế kỷ. Ban đầu chùa được cất đơn sơ với cột bằng cây, vách và mái lợp lá, quay mặt ra hướng sông Hậu, được đặt tên là Hội Long tự. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ nên dân gian thường gọi tên là chùa Xẻo Cạn. Trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1941 đến 1975 chuà Hội Linh còn là căn cứ cách mạng ở Cần Thơ.
Mặt trước chánh điện chùa Hội Linh thờ tượng tam thế Phật trên tầng lầu.
Từ trung tâm thành phố, đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám khoảng 2km, rẽ phải chừng 200 mét là đến chùa. Phía bên phải tam quan, chúng ta nhìn thấy một bia khắc ghi lịch sử chùa. Tuy đã được xây dựng lại nhưng tam quan vẫn mang vẻ cổ kính, dưới tán hai cây bồ đề to cao được trồng hai bên. Dãy tường rào hình cánh cung đưa cổng chính nhô ra phía trước. Hai bên có hai cổng phụ. Trên mỗi cổng chính và phụ đều có hai câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Trên mái cổng chính có gắn lưỡng long tranh châu bằng đất nung màu xanh.
Sau cổng chính là ao sen bán nguyệt. Hai bên ao trồng dương liễu rũ nhánh. Giữa ao có tượng Quan Thế Âm Bồ tát lộ thiên. Bên trái có hai bảo tháp to cao hơn 10 mét là nơi yên nghỉ của các vị trụ trì. Hai bên ao trước chánh điện có hai miếu nhỏ, bên trái là miếu Ngũ Hành, bên phải là miếu Thổ thần.
Bên trong chánh điện chùa Hội Linh.
Chánh điện có mặt tiền ba gian, trên lầu ngay mặt tiền có tam thế Phật, gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa, bên phải là tượng Đại Thế Chí Bồ tát, bên trái tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Trên mái chia làm ba nóc được lợp bằng vật liệu xi măng đúc thành hình vảy cá, nóc giữa mái tạo dáng tròn cạnh lục giác, trên đỉnh là hình búp sen. Hai nóc hai bên đỉnh là bầu rượu, mái tạo hình phẳng cạnh tứ giác uốn cong lên. Ngôi chánh điện rộng 288 m2, nóc cao hơn 9 mét, có hai cửa chính đi vào, chia thành ba gian. Bên trong là ba điện thờ trung tâm, có treo ba bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là “Hội Linh Tự”, bên trái “Tam vô tư địa”, bên phải “Thưởng thiện phạt ác”.
Điện thờ chính ở giữa thờ Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen (cao 1,5 mét). Điện bên trái, thờ Đại Thế Chí Bồ tát thếp vàng; điện bên phải, thờ Quan Thế Âm Bồ tát, cũng thếp vàng. Bàn phía dưới trước điện chính là pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn chiều dài khoảng 1,5 mét.
Chân cột chánh điện bằng gỗ kê trên nền đá có cẩn cánh sen.
Ngoài ra chung quanh mỗi điện có đặt nhiều tượng Phật như tượng Phật Địa Tạng cưỡi Kỳ Lân, các vị Kim Cang, tượng phán quan… Đối diện với nghi điện chính là bàn thờ Phật Thích ca đặt chung với hai ông Thiện, ông Ác đứng hai bên. Hai bên góc chánh điện đặt chiếc trống lớn và chuông bát nhã. Ở giữa chánh điện là tháp đèn Dược Sư có 49 ngọn đèn.
Phía sau điện thờ chính là gian thờ Hậu Tổ. Ở giữa, đặt tượng thờ Đức Tổ Sư Lạt Ma. Nối tiếp chánh điện, gian thứ hai rộng 144 m2 là bàn thời tổ quốc và các vị trụ trì qua từng giai đoạn. Gian này còn được dùng làm nơi tiếp khách. Gian thứ ba là giảng đạo đường là thuyết pháp trong những ngày lễ lớn.
Bài: Lâm Văn Sơn - Ảnh: Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét