Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

CHÙA KIM LIÊN

CHÙA KIM LIÊNPhường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ
---------
Chùa Kim Liên, thuộc hệ phái Bắc tông, có lối kiến trúc vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Mặt tiền chùa quay ra đường Lê Hồng Phong, tọa lạc tại số 13/10 thuộc khu vực II, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số: 0710 3841206. Chùa được xây dựng trên phần đất rộng 1757m2 quay mặt về hướng Tây Nam nằm trên trục quốc lộ Cần Thơ – Long Xuyên.
Chùa Kim Liên ban đầu tu theo hệ Thiền Lâm Tế, đến năm 2003 gia nhập giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay do Ni sư Thích Nữ Như Nhẩn làm trụ trì chùa.

Toàn cảnh chùa Kiêm Liên
I. Lịch sử hình thành ngôi Kim Liên Tự .
Theo lời kể của Ni sư Như Huyền và con cháu gia đình họ Nguyễn cùng bà con phật tử trong vùng. Chùa Kim Liên, ban đầu thuộc gia tộc họ Nguyễn, được khởi lập từ năm Đinh Mùi – 1967, do cụ Nguyễn Văn Cơ đứng ra xây cất trên phần đất nhà rộng gần 1,4 ha, lấy tên là “Kim Liên Tự”, cho người con gái thứ bảy trong gia đình tên Nguyễn Thị Kim Xuyến nương nhờ cửa Phật.
Ban đầu ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại. Tường được làm bằng gạch, mái lợp ngói xây dựng trên tổng diện tích 451m2. Trong đó ngôi chánh điện ngang 9 mét, rộng 10 mét. Nhà hậu tổ ngang 9 mét, rộng 10 mét, hai bên có 2 dãy đông lang và tây lang mỗi dãy ngang 5 mét, rộng 10 mét. Phía sau hết là khu nhà thiền và nhà bếp ngang 19 mét, rộng 9 mét.
Đến năm 2003, gia đình đã tách phần đất 1757m2 dành riêng cho chùa. Và tiến hành trùng tu sửa chữa lại những nơi bị xuống cấp, giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.
Sư cô Nguyễn Thị Kim Xuyến - pháp danh Thích Nữ Nhật Huỳnh sinh năm Bính Dần – 1926, xuất gia năm 1967 và tu tại chùa Kim Liên do phụ thân xây cất. Sư cô Nhật Huỳnh viên tịch vào ngày 03 tháng 01 năm 1984 nhằm ngày mùng một tháng chạp năm Quý Hợi. Hưởng dương 58 tuổi.
Sau khi sư cô Thích Nữ Nhật Huỳnh mất, sư cô Thích Nữ Nhật Hoà – thế danh Nguyễn Thị Thuận (chị ruột thứ 2 của sư cô Nhật Huỳnh) thay thế trụ trì chùa cho đến tháng 9 năm 2008. Tỳ kheo ni Thích Nữ Nhật Hoà - sinh ngày 12/4/1913, tại xã Long Tuyền, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, xuất gia vào ngày rằm tháng bảy năm Tân Dậu – 1981, tu tại chùa Kim Liên đến ngày mùng tám tháng giêng năm Kỷ Sửu – 2009 viên tịch - hưởng thọ 97 tuổi.
Trong thời gian từ năm 1987 đến năm 2008, do sư cô Nhật Hòa tuổi cao sức yếu, gia đình họ Nguyễn có mời Sư thầy Thích Lệ Hoa về tu tại chùa được 13 năm, năm 2000 sư thầy Lệ Hoa chuyển tu nơi khác, sau đó có sư cô Ngọc đến tu tại chùa được 8 năm cũng chuyển về tu ở quê nhà tại Tịnh xá An Huệ,Tân Quới – Tân Lược, tỉnh Đồng Tháp.
Tháng 9 năm 2008, được sự thỉnh mời của gia tộc chùa Kim Liên, Ban trị sự giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ chính thức bổ nhiệm Ni trưởng Thích Nữ Như Nhẩn về làm trụ trì chùa cho đến ngày nay.
Ni sư Thích Nữ Như Nhẩn
Ni sư Thích Nữ Như Nhẩn, thế danh Khưu Thị Tái – sinh 1958 năm Mậu Tuất, tại xã An Bình – Cần Thơ, nay thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Xuất gia vào tháng giêng năm Mậu Ngọ - 1978, tu tại chùa Bảo An, số 49 Vỏ Văn Tần, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Sau đó về tu tại chùa Pháp Hoa – thành phố Long Xuyên khoảng thời gian 2 năm, trở về chùa Bảo An – Cần Thơ cho đến năm 2008 về làm trụ trì chùa Kim Liên. Ni sư đã tham gia nhiều khoá tu học ở chùa Pháp Hoa, chùa Dược sư Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh và dự lớp bồi dưỡng trụ trì chùa tại Cần Thơ.
Bên cạnh Ni sư Như Nhẩn còn có Ni sư Thích Nữ Như Huyền (phó trụ trì chùa), thế danh Đinh Thị Lụa – sinh 1962 năm Nhâm Dần, tại xã Mỹ Phước, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Xuất gia năm 1978 thời còn rất trẻ tại chùa Phước Huệ - Sa Đét, sau đó về tu tại chùa Pháp Hoa – thành phố Long Xuyên.
Từ ngày xuất gia đến nay, sư cô đã tham gia khoá phật học cơ bản tại chùa Dược Sư Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh, khi hoàn thành khoá học về Cần Thơ tu tại chùa Bảo An quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ni sư Như Huyền cũng được Ban trị sự giáo hội Phật giáo Cần Thơ thuyên chuyển về chùa Kim Liên cùng thời gian (tháng 9/2008) với Ni sư Như Nhẩn, là người trực tiếp chăm lo sức khỏe cho sư cô Nhật Hòa đến ngày sư cô về với Phật. Và cùng với Ni sư Như Nhẩn điều hành toàn bộ mọi phật sự tu niệm lễ bái của chùa. Ni sư Như Nhẩn và Ni sư Như Huyền cùng được tấn phong Ni sư vào năm 2008. Lễ nhập tự Ni sư Như Nhẩn (Ảnh tư liệu của chùa)
II. Những đặc điểm chính của chùa.
Mặc dù ban đầu là một ngôi chùa gia đình nhưng đã được xây dựng hết sức quy mô. Ngoài đường Lê Hồng Phong nhìn vào, chùa có cổng tam quan khá khang trang chiều ngang rất rộng và cao gần 7 mét. Ngôi chánh điện rộng 90m2 có 2 cửa chính đi vào. Trên ban công mặt tiền xây bức tường tạo dáng vòm tròn đắp tên chùa chữ nổi “KIM LIÊN TỰ”. Trên sân có cột cờ cao 12 mét, treo 2 lá cờ Nước và cờ Phật, chung quanh cột cờ có trồng nhiều cây bonsai, xếp nhiều chậu cây hoa, kiểng xum xê rợp bóng. Phía trước chánh điện có đài Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao 2 mét.
Bên trong chánh điện rộng thoáng, từ cửa nhìn vào điện thờ được bài trí ngay chính giữa có bao lam chạm khắc hoa văn sơn son thếp vàng. Trên ban thờ tôn tượng Phật Thích Ca Mầu Ni uy nghiêm ngồi trên tòa sen cao 2 mét, trước bức tranh phong cảnh có cây Bồ Đề, phía trước xếp tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen cao o,7 mét và 3 tượng nhỏ, ở giữa Phật Thích Ca ngồi, hai bên 2 tượng đứng Phật A Di Đà . Chùa Kim Liên
Bậc thứ hai, xếp thêm một tượng Phật đản sanh nhỏ và tượng Phật Di Lặc Bồ Tát, hai bên đặt bình hoa và trái cây. Bậc thứ ba, ở giữa đặt lư hương hai bên xếp chuông mõ. Bật thứ ba, đặt lư hương ở giữa hai bên là chuông, mõ.
Bên phải đặt bàn thờ tượng Phật Bồ Tát Địa Tạng đứng trên tòa sen cao 2 mét. Bên trái đặt bàn thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen cao 2 mét.
Phía đối diện, chính giữa là bàn thờ đặt hai tượng Đức Hộ Pháp di đà và Tiêu Diện đại sĩ. Bên vách phải đặt một khánh trống lớn. Bên vách trái sát cửa vào đặt một khánh chung đồng to, trên chân khánh có treo các bài kệ khai chung và thâu chung khuya, sáng, chiều, tối : Ban thờ chánh điện
Khai chung khuya
Thập phương Tam Thế Thất Như Lai
Bát thập bát Phật tọa bảo đài
Thập địa chúng sanh mong giải khổ
Cửu ưu thập loại thoát trần ai
Nam Mô Siêu Thập Địa Bồ Tát

(lập lại 3 lần)
Thâu chung khuya
Năm canh chung đóng chớ mê man
Phủi giủ lòng son đến trước bàn
Mỗi câu mỗi niệm danh hiệu Phật
Ao sen đã trổ một bông vàng
Nam Mô Định Tâm Vương Bồ Tát

(lập lại 3 lần)
Khai chung sáng
Nghe chung tinh tấn chuyên niệm Phật
Nguyện đức Minh Vương cứu khổ nàn
Tay cầm châu báo tích trượng vàng
Dộng tan địa ngục độ toàn chúng sanh
Khắp trong ba cỏi an lành
Đều nhờ nguyện lực độ sanh của Ngài
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

(lập lại 3 lần)
Thâu chung sáng
Nghe chung tiêu dứt nghiệp não phiền
Tăng trưởng Bồ Đề trí huệ viên
Hầm lửa thoát ra lìa địa ngục
Chúng sanh thành Phật số vô biên
NamMô Định Tâm Vương Bồ Tát

(lập lại 3 lần)
Khai chung chiều
Mộ thời chung động nguyện chư linh
Tốc phó liên đài thoát địa minh
Nghiệp chướng tận trừ quy lạc quốc
Vãng lai tam giới độ mê tình
Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát

(lập lại 3 lần)
Thâu chung chiều
Nghe chung thức giấc cõi Ta Bà
Danh lợi buộc ràng nguyện thoát ra
Nếu mất thân người thôi khó gặp
Cần lo giải thoát niệm Di Đà
Nam Mô A Di Đà Phật
(lập lại 3 lần)
Khai chung tối
Hồng chung sơ khấu bảo kệ cao âm
Thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ
U minh giáo chủ cứu khổ bổn tôn
Cứu Bạt Minh Đồ Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát
(lập lại 3 lần)
Thâu chung tối
Sơ canh dĩ đáo vô thường tấn tốc
Ngưỡng lao đại chúng an tọa tịnh chung
Văn chung thinh nhứt tâm kế niệm
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
(lập lại 3 lần).
Khu nhà Hậu tổ, giữa đặt bàn thờ chính có bức tranh Đức Tổ Sư Đạt Ma, phía đối diện giữa trung tâm đặt bàn thờ tượng Bồ Tát Chuẩn Đề, phía sau là bàn thờ hai sư cô trụ trì. Vách bên phải đặt bàn thờ gia tộc họ Nguyễn, vách bên trái đặt bàn thờ phật tử bá tánh.

Bàn thờ Hậu Tổ

Bồ Tát Chuẩn Đề
III. Mối quan hệ nhà chùa và xã hội.
Từ năm 2008 đến nay, nhà chùa đã tiến hành định kỳ các ngày lễ lớn: rằm thượng Ngươn, rằm trung Ngươn, rằm hạ Ngươn và ngày lễ Phật đản tháng tư. Hiện nay chùa đã tiến hành mở khóa tu niệm Phật một ngày an lạc, định kỳ mỗi tháng một lần, có 200 đến 300 phật tử trong vùng về tu học.


Ảnh tư liệu của chùa
Nhà chùa còn tham gia tích cực công tác từ thiện xã hội với chính quyền địa phương, đóng góp tiền làm cầu đường, xây nhà tình thương, tham gia vào hội khuyến học tặng tập viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khoảng 20 triệu đồng/năm. Phân phát gạo cho người nghèo trong các dịp lễ tết khoản 2 tấn gạo/năm.
Trước đây chùa gần như không có phật tử, hiện nay (năm 2009) đã có hơn 300 phật tử đang theo tu học tại chùa, nhờ khuôn viên nhà chùa rộng rãi thoáng mát, nên các dịp ngày lễ, tết đã có hàng ngàn bà con phật tử gần xa đến tham quan, cúng viếng Phật tại chùa. Đồng thời bà con đã phát tâm cúng dường nhiều tiền của, giúp cho nhà chùa sửa sang tu bổ lại các công trình phụ như: nhà bếp, nhà ăn và xây dựng mới 10 cầu vệ sinh công cộng phục vụ cho tăng ni, phật tử đến tu học sử dụng./.
Tác giả bài viết: Trần Quốc Lương (. tranluongct@gmail.com ) Đt 0918864542

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét