Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Tò mò với những 'chốn' thiên nhiên nhất Việt Nam


Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng hệ sinh thái phong phú, chắc chắn du khách khó cưỡng lại ham muốn trải nghiệm một chuyến "phượt" xanh...


Vườn quốc gia Yok Đôn
Được thành lập vào năm 1992 thuộc huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, Vườn quốc gia Yok Đôn nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 40km về phía tây bắc. Đây được xem là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích 115.545 ha và đồng thời, là nơi duy nhất tại Việt Nam bảo tồn được hệ sinh thái rừng khộp.

Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn du khách và các nhà khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ. Những cánh rừng đại ngàn thuộc hệ sinh thái rừng khộp mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, đan xen trong đó là các cánh rừng ẩm xanh tươi và rừng bụi với nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím… Địa hình nơi đây tương đối bằng phẳng, trong đó nổi lên các ngọn núi Yok Đôn và Reheng. Rừng nguyên sinh chiếm trên 90% diện tích toàn vườn, là môi trường sống lý tưởng cho các loài động thực vật.
Theo khảo sát của các nhà khoa học, Yok Đôn hiện có 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống. Nguồn động vật hoang dã không những phong phú và đa dạng, mà còn rất đặc trưng cho hệ động vật vùng Đông Nam Á. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách Đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Ngoài ra, Yok Đôn còn là khu vực duy nhất ở Việt Nam có nhiều động vật quý tập trung với số lượng lớn như bò rừng, báo, nai cà tông, kỳ đà nước…Hệ thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng với 464 loài, trong đó nhiều loài chỉ có ở khu vực Tây Nguyên. Nơi đây cũng tập hợp nhiều loài hoa quý hiếm, chỉ riêng hoa phong lan đã có trên 23 loài với đủ màu sắc tuyệt đẹp...

Vườn quốc gia cũng lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như: Êđê, M’Nông, Lào… Và nói rộng hơn, Buôn Đôn hiện vẫn bảo tồn được khá nhiều kiến trúc nhà sàn truyền thống với những hình chạm khắc đẹp và công phu, thể hiện bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tài tình của cư dân nơi đây. Chưa kể, vốn là vùng đất nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, khách du lịch đến đây đến Yok Đôn, Buôn Đôn sẽ được tận mắt xem các dụng cụ dùng để săn bắt voi và có thể cưỡi voi đi dạo giữa những cánh rừng đại ngàn, hoặc cùng voi vượt qua dòng sông Sêrêpôk.
Khi màn đêm buông xuống, du khách còn được tham gia đêm lửa trại với những giai điệu sôi nổi của các nhạc cụ đầy chất sáng tạo của vùng đất Tây Nguyên như cồng, chiêng, đàn Chinh K’ram, sáo vỗ, Đinh Puốc, T’rưng… Bên cạnh đó, các công ty du lịch Đắk Lắk cũng tổ chức các tour du lịch dã ngoại, đi bộ, cắm trại trong rừng hoặc thuê nhà nghỉ trong căn chòi nhỏ ven bờ sông để du khách hưởng thú ngắm phong cảnh rừng núi, sông nước khi hoàng hôn xuống...

Vườn quốc gia Cúc Phương
Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên lâu đời nhất của Việt Nam và cũng là tài sản đáng giá nhất trong hệ thống vườn quốc gia ở Việt Nam.

Vườn Quốc gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương) là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Vườn quốc gia này có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây.

Rừng Cúc Phương có hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 137 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng. Nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng và loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là cầy vằn, loài báo hoa mai là loài bị đe dọa ở mức quốc gia. Cúc Phương cũng có hơn 40 loài dơi đã được ghi nhận.

Với địa hình núi đá vôi, bao phủ bởi hệ thực vật nhiệt đới, Cúc Phương đã cung cấp cho các nhà khoa học rất nhiều hóa thạch khủng long quý hiếm cũng như các dấu tích về quá trình định cư của con người cách đây hơn 7.500 năm. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền... Chưa kể, một số hang động ở đây đã chứng tỏ sự xuất hiện của con người đã từ 7.000 đến 12.000 năm trước như: Động người xưa, Hang con moong, Động phò mã...

Tuy nhiên, điểm nhấn của Cúc Phương là mưa rừng nhiệt đới mang tới một trải nghiệm rất kỳ thú, giúp du khách có thể nhận thấy rõ ràng hơn vai trò của thiên nhiên... Ban đầu, dù trời mưa rất to nhưng người đi trên nền rừng không hề bị ướt do những tầng lá dày đặc đã hứng hết nước mưa. Khi mưa đã tạnh, nước từ trên các tán rừng vẫn đổ xuống tạo nên một cơn “mưa của rừng” rất lạ lùng. Để so sánh, người đi rừng chỉ cần tìm một khoảng trống không có các tán cây che phủ để cảm nhận rõ rệt...

Vườn quốc gia Cát Tiên
Cuối năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Năm 2005, một diện tích rộng 13.759 ha của Vườn được Công ước Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) công nhận là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ 2 của Việt Nam. Năm 2006, Vườn được đưa vào danh sách ứng cử Di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO.

Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích 70.548ha nằm trên địa bàn các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng nhiệt đới ẩm ở vùng đất thấp, có cảnh quan đa dạng như rừng nguyên sinh, trảng cỏ rộng, đồi, bãi ven sông, đảo nổi, thác ghềnh… Khoảng 50% diện tích của Cát Tiên là rừng cây xanh, 40% là rừng tre, 10% là nông trại.

Hệ sinh thái rừng rất phong phú với hơn 1.362 loài thực vật bậc cao, 62 loài thú, 121 loài chim… Đặc biệt, trong rừng có những loài động vật rất quý hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, tê giác, voi. Trong đó nổi tiếng nhất là các “công dân” tê giác Javan, những cá thể cực hiếm còn sót lại ở Đông Nam Á. Đáng tiếc là những kẻ săn trộm mới đây đã sát hại một trong số tê giác ở Cát Tiên để lấy sừng.

Ngoài số lượng động vật phong phú, Cát Tiên còn là địa bàn của 62 loại lan. Chưa kể, các phát hiện khảo cổ trong khu vực giữa rừng cũng đặt ra nghi vấn về một nền văn minh cổ đã tồn tại ở đây từ hơn 1.300 năm trước.
Hiện, Cát Tiên rất thuận tiện cho việc kết hợp một chuyến phượt cuối tuần, với 12 tuyến du lịch sinh thái.



Vườn quốc gia Ba Bể

Đây vừa là một vườn quốc gia, rừng đặc dụng, vừa là khu du lịch sinh thái của Việt Nam, nằm ở tỉnh Bắc Kạn, với trung tâm là hồ Ba Bể.

Không chỉ được công nhận là khu bảo tồn tự nhiên từ năm 1977, Vườn quốc gia Ba Bể còn lọt vào danh sách 12 địa bàn được ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Vườn quốc gia Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có nhiều loài thực vật quí hiếm như: Nghiến, Đinh, Lim, Trúc dây... được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Đồng thời, đây là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á, với 182 loài lan, trong đó có một số loài đặc hữu, chỉ phát hiện duy nhất ở vùng này.

Ngoài ra, Ba Bể cũng có hệ động vật rất phong phú với 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện. Trong đó có nhiều loài có giá trị, quý hiếm đã được Việt Nam và quốc tế ghi vào sách Đỏ, như: Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi) và Cầy vằn bắc (Hemigalus owstoni) đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nói tới Vườn quốc gia Ba Bể thì không thể không nhắc tới hồ Ba Bể - một danh thắng tuyệt sắc của Việt Nam rất hút khách du lịch. Với diện tích mặt nước là hơn 650 ha và chiều dài gần 8 km, hồ Ba Bể là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam và cũng là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và mang những giá trị to lớn về địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học.
Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm, từ cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Cambri. Diễn biến địa chất này đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m3 và dầy hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Vào năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Tháng 11/1997, hồ Ba Bể được đề cử lên UNESCO để công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam. 
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tọa lạc tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc và thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi rộng (khu vực này là một vùng đá vôi rộng tới 2.000 km vuông), hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km…
Về Sơn Động, bên trong hang là hồ nước ngầm nằm sâu 13m so với mặt đất cùng vô số thạch nhũ và băng đá. Ngoài ra, nơi đây còn có hang Tiên Sơn, hang Thiên Đường... Chưa kể, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi thám hiểm trong rừng đá vôi, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu và người dân địa phương đã phát hiện thêm 7 hang động mới.
Theo Ban Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 7 hang động này nằm trên hai tuyến đi bộ khác nhau là tuyến Đại Ải và tuyến Đại Cáo, nơi rất ít người qua lại. Một số hang đã được đoàn thám hiểm đặt tên như: hang Cơn Chay, hang Gió, động Hai Cửa, hang Kỳ… Nhiều hang có độ sâu hàng trăm mét, với suối chảy mạnh phía trong, khiến đoàn không thể ngay lập tức tiếp cận.
Hiện, quần thể hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang nắm giữ nhiều kỷ lục như: khu vực có hệ thống hang động nhiều nhất; có nhiều hệ thống sông ngầm nhất; hang động có vòm động rộng lớn nhất; hang động khô có chiều dài nhất; động Thiên Đường có cầu gỗ dài nhất và có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.

Giới khoa học nhận định, khu vực vườn sinh thái, các dãy núi đá vôi và các hang động được liệt vào hàng “kỳ quan” thuộc Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn ẩn chứa rất nhiều loài động, thực vât và các hiện tượng tự nhiên chờ đợi sự khám phá, phát hiện của giới nghiên cứu…

Vườn quốc gia U Minh Hạ


Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên hai huyện U Minh và Trần Văn Thời; được thành lập theo quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi.

Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Năm 2009, cùng với Cù Lao Chàm - Quảng Nam, vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Sự phong phú của rừng tràm và muôn loài tạo nên một "thiên đường" sinh thái đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ. Đến nơi đây vào mùa khô, du khách dễ dàng bắt gặp từng đàn khỉ kéo nhau ra các bờ chuối tìm thức ăn ở ven bìa rừng. Các loại chim, cò tìm thức ăn bay lượn bình yên trên các dòng kênh... Khách tham quan cũng rất thú vị tham quan rừng bằng xuồng bơi, vỏ máy và tận tay hái rau, câu cá để thưởng thức các món ăn từ cá tự nhiên và rau rừng U Minh.

Không dừng ở đó, du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, khách còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...
Vườn Quốc gia Phú Quốc
Vườn Quốc gia Phú Quốc nằm về phía đông bắc đảo Phú Quốc, thuộc địa phận các xã: Bãi Thơm, Cửa Dương và Hàm Ninh của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong những Vườn Quốc gia của Nam Bộ vẫn còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh. Nơi đây còn hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối, thác và núi đồi.

Nói đến đảo Phú Quốc, là du khách nghĩ ngay đến một hòn đảo nằm ở phía tây bắc của tỉnh Kiên Giang với một quần thể các thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó có Vườn Quốc gia Phú Quốc - một địa chỉ hấp dẫn mà du khách không thể không ghé thăm mỗi dịp ra đảo.
Với tổng diện tích trên 31.422ha, Vườn Quốc gia Phú Quốc được chia thành 3 phân khu chức năng, đó là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (8.786 ha), phân khu phục hồi sinh thái (22.603 ha) và phân khu hành chính - dịch vụ - nghiên cứu khoa học (33ha).
Với hệ thực vật khá phong phú, Vườn Quốc gia Phú Quốc chủ yếu là rừng thường xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài, bao gồm: các loài cây đại mộc (tràm, đậu, vên vên, dầu song nàng, dầu cát, cầy, dẻ, săng sót, da, bứa,…), các loài phong lan quý (Lan Vân Hài, Ái Lan Lá Đẹp, Âm Lan Núi…), các loài dược thảo quý (hà thủ ô, bí kỳ nam, cam thảo, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân…) và một số loài sống ký sinh khác (phong lan, dương xỉ, dây leo bông trắng…).
Bên cạnh đó, hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng bao gồm: 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê…; 200 loài chim với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ trong nước…
Phần biển của Phú Quốc cũng rất đa dạng với các rạn san hô có hình dáng, kích cỡ khác nhau lung linh, lấp lánh trong nước biển. Nơi đây có gần 100 loài san hô cứng, gần 20 loài san hô mềm và 62 loài rong biển. Thêm vào đó, khu hệ cá trong các rạn san hô biển cũng rất dồi dào với các loài cá mú, cá bướm và một số loài khác, trong đó, có một số loài rất quan trọng và quí hiếm như: trai tai tượng, ốc đun cái, đồi mồi, bò biển (dugong)…
Đến với Vườn Quốc gia Phú Quốc, du khách đã đến với môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn, có dịp được tham gia tour du lịch trong vòng 4 tiếng đồng hồ để chinh phục và khám phá đỉnh Núi Chúa ở độ cao 565m - được coi là nóc nhà của Phú Quốc, trên dãy núi Hàm Ninh; hay trải nghiệm cảm giác khi thưởng cảnh ở những dòng suối nổi tiếng bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh như: suối Tranh, suối Đá Bàn và suối Đá Ngọn… Trong đó, ấn tượng và hấp dẫn du khách nhất có lẽ là khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi có dòng suối Đá Ngọn với ngọn thác cao 7 tầng chảy suốt ngày đêm không mỏi. Chưa kể, du khách còn đắm mình dưới làn nước biển trong xanh tại các bãi biển đẹp và hoang sơ như: bãi Dương, bãi Thơm, hay ngả lưng trên những tảng đá bằng phẳng để lắng nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo gọi bầy và tận hưởng hương thơm thoang thoảng của loài lan rừng ven suối…,  và thưởng thức các đặc sản cực ngon nơi đây.

Vườn Quốc gia Bạch Mã
Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện, huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách TP. Huế 60 km về phía nam. Vườn có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành; được thành lập ngày 15/7/1991 với tổng diện tích tự nhiên 22.031ha. Khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do Bạch Mã ở gần biển, nên nhiệt độ mùa đông không bao giờ xuống dưới 4ºC và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè ít khi vượt quá 26ºC; nên được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ trên vùng núi Đông Dương.

Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Trong tổng số 22.031ha diện tích tự nhiên, có tới 16.900ha rừng che phủ. Rừng có các loại gỗ quý như trò chỉ, kiền, giẻ hương, gõ, tùng..., nhiều cây đường kính 80 - 100cm. Hệ thực vật phong phú và đa dạng, có tới 1.406 loài. Bạch Mã còn có trên 300 loài cây thuốc nam: cây ba gạc chữa huyết áp cao, cây bình vôi chữa bệnh an thần, lá khôi đặc trị dạ dày, loài cây 7 lá 1 hoa chữa bệnh rắn cắn và chấn thương..

Hệ động vật ở Bạch Mã có tới 931 loài bao gồm: 83 loài thú, 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Có những loại thú hiếm còn tồn tại như gấu, báo, hổ, sao la... Ðặc biệt Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao (cả đuôi dài tới 2m, cao tới 4.050cm) và gà lôi lam mào trắng.

Vườn Quốc gia Bạch  Mã có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành. Đây là tài nguyên du lịch sinh thái quí nhất của khu vực Bạch Mã. Đến với Vườn Quốc gia Bạch Mã, du khách sẽ có dịp khám phá nhiều đường mòn thiên nhiên kỳ ảo như: đường mòn Trĩ Sao, đường mòn thác Đỗ Quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Hải Vọng Đài. Du khách cũng có thể thấy những tòa nhà đổ nát được xây dựng bằng đá Granit với kiến trúc Pháp cổ nằm rải rác trên đỉnh núi và các triền núi xung quanh. Đó là dấu tích của khu biệt thự và khách sạn do kỹ sư người Pháp M. Girard phụ trách xây dựng năm 1932 với ý định biến nơi đây thành khu nghỉ mát trong cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và xinh đẹp. Tại đây đã phục hồi được hai biệt thự cổ thời Pháp ở khu trung tâm đỉnh Bạch Mã để làm trạm nghiên cứu bảo vệ và là nơi đón tiếp, lưu trú của khách. Hệ thống dịch vụ, vận chuyển tại vườn có thể đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ và tham quan của du khách.

Ngoài ra, với đỉnh Bạch Mã cao 1.450m, từ đây, du khách có thể ngắm nhìn một khung trời lồng lộng, những dãy núi trùng điệp, đỉnh núi nhấp nhô bắt mắt tới tận đầm Cầu Hai, cửa Tư Hiền, vụng Chân Mây sát bờ biển Ðông.

Vườn Quốc gia Tam Đảo
Cách Hà Nội khoảng 75km về phía Bắc, Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo, trải rộng trên địa phận huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang).
Lượng mưa hàng năm khác nhau trên các sườn của dãy núi Tam Đảo đã góp phần tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác biệt tại khu vực này. Đây là điều kiện trời phú để tạo nên một Vườn Quốc gia Tam Đảo được che phủ bởi lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, về quần xã sinh học và hệ sinh thái. Vì thế, dù là một vườn quốc gia non trẻ (thành lập năm 1996) nhưng Vườn Quốc gia Tam Đảo đã trở thành một địa điểm nghiên cứu đa dạng sinh học quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là một điểm đến lý thú đối với những người muốn khám phá thiên nhiên.

Vườn Quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha, có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa dài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chùy hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Paris delavayi). Chưa kể, vườn còn có 163 loài động vật thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp là: thú (Mammalia); chim (Aves); bò sát (Reptilia); ếch nhái (Amphibia) và côn trùng (Insecta). Vườn có tới 239 loài chim với nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng; có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen... Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen (Amphiesma angeli); rắn ráo thái dương (Boiga multitempolaris); cá cóc Tam Đảo (Paramerotriton deloustali) và 8 loài côn trùng.

Hiện, nhằm thu hút khách du lịch tới thăm Tam Đảo, Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tam Đảo đã mở một số tuyến du lịch, như: Vườn Quốc gia Tam Đảo (Trường rừng) - Rốn Rồng - Rừng thông - Bãi Đá Mom Cày - Hồ Xạ Hương; VQG Tam Đảo (Trường rừng) - Trung tâm cứu hộ Gấu - Thung lũng Tình yêu - Thác Bạc; VQG Tam Đảo - Trường Rừng - Rốn Rồng - Trung tâm cứu hộ Gấu; VQG Tam Đảo - Trung tâm cứu hộ Gấu - Thị Trấn Tam Đảo - Tháp Truyền hình; VQG Tam Đảo - Thị Trấn Tam Đảo - Thăm 3 Đỉnh; VQG Tam Đảo - Thị Trấn Tam Đảo - Đỉnh Tam Đảo II - Rừng hoa Đỗ Quyên; VQG Tam Đảo - Trung tâm cứu hộ Gấu - Thị Trấn Tam Đảo - Thiền Viện Trúc Lâm, Tây Thiên.
Hoài Nam (tổng hợp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét