(iHay) Người lớn kể lại rằng, phụ nữ ngày xưa thường gói ghém “bánh bảy lửa” trong tay nải của chồng để chồng có cái lót dạ khi vượt hàng dặm đường dài lai kinh ứng thí.
Khi tiếng ve râm ran trên những cây phượng trước sân nhà chừng như dịu lại, một vài chiếc lá vàng trên cây bàng lác đác rơi xuống sau vườn báo hiệu hè sắp qua, lũ con nít xóm nhà lá chúng tôi cũng bắt đầu thở dài thườn thượt, bởi từ đây sẽ tạm gác lại những trò tinh nghịch lại để chuẩn bị cho năm học mới.
Không chỉ cụt hứng vì chuyện ăn chơi, nghịch ngợm bị gián đoạn mà vì chúng tôi còn thấy… nhơ nhớ, tiêng tiếc cái cảm giác mỗi trưa hè lén sang nhà ông Tám ở đầu thôn xem ông làm bánh bảy lửa, để rồi có lần bị mẹ gọi về đánh cho vì cái tội không chịu ngủ trưa.
Theo ông Tám, bánh bảy lửa thật ra là tên gọi chung cho bánh nổ và bánh khô mè. Người lớn kể lại rằng, phụ nữ ngày xưa thường gói ghém “bánh bảy lửa” trong tay nải của chồng để chồng có cái lót dạ khi vượt hàng dặm đường dài ra kinh đô ứng thí. Mỗi lúc đói lòng, cầm cái bánh trên tay, các chàng sĩ tử sẽ khó quên hình ảnh người vợ thảo hiền nơi quê nhà.
Gọi là “bánh bảy lửa” bởi giai đoạn chưng cất chuyển từ gạo nếp thành khuôn bánh trên bếp lò, từ lửa lớn sang lửa vừa, rồi đến lửa nhỏ để giữ bánh giòn và xốp phải qua bảy lần lửa. Nguyên liệu làm bánh, ngoài gạo nếp còn có đường non, mè và gừng tươi ép lấy nước. Mặc dù thành phần khá đơn giản nhưng để có được tấm bánh khô mè ngon và đúng “gu” đất Quảng, người làm bánh phải mất nhiều công sức với khâu chế biến khá phức tạp.
Trước hết, đem gạo nếp ngon vo và đãi thật sạch. Sau đó để ráo nước cho vào chảo rang lên thật khô. Mè cũng rửa sạch, rang vàng. Gừng giã nhỏ, chắt lấy nước cốt. Tiếp đó, đem gạo rang khô xay thành bột mịn. Trộn bột với nước đường thành hỗn hợp đặc quánh rồi đổ vào nồi hấp chín. Bột chín, lấy ra cho vào khuôn hình vuông hay chữ nhật tùy thích. Sau đó lấy bánh ra và bắt đầu nướng. Khi nướng phải lật đi lật lại thật chậm và đều để bánh khô đều hai mặt. Bánh đã khô, tiếp tục nướng để bánh giòn.
Sau khi bánh nguội, để lửa nhỏ nướng tiếp hai lần nữa mới thôi. Bước tiếp theo cho đường vào chảo nấu lên, nấu đến khi đường chảy, kéo thành sợi là được. Lấy từng lát bánh nhúng vào chảo đường rồi nhanh tay lăn qua đĩa mè rang vàng. Khi bánh đã thấm đường và mè đều cả 2 mặt, cho lên bếp than nướng lần cuối cùng. Lúc này, chiếc bánh “bánh bảy lửa” xem như hoàn thành.
Cầm cái bánh bảy lửa trên tay, cho vào miệng cắn sẽ cảm nhận được nhiều hương vị hòa quyện vào nhau một cách chặt chẽ, đặc biệt độ giòn rụm bên trong bánh nghe rôm rốp rất vui tai.
Hòa Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét