Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Đã đời - heo 'mê chơi'!

“Mê chơi như bố mày thì hỏng! Còn thịt lợn ham chơi ngon tuyệt con ạ! Mum nào cún con!”. Trời! Vợ thằng bạn cạnh nhà, dỗ dành “cục cưng” ăn ngoan, nghe đụng chạm dễ sợ!

Đã đời - heo 'mê chơi'!Ngọt thơm thịt heo “đi bụi”, Gia Lai!
Bởi thích rong ruổi cũng có dăm bảy đường. Ví như lão Chu Bá Thông trong tiểu thuyết kiếp hiệp Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Dù bạc đầu râu, ông vẫn mê chơi không kém trẻ con tóc để chỏm mà không hề hư thân, còn được liệt vào hàng “võ lâm ngũ bá”. Và nói đâu xa, nhóm ghiền phượt của chúng tôi, thỉnh thoảng vẫn để điện thoại ngoài vùng phủ sóng.

1. Xin đừng hiểu lầm! Đôi khi, vắt vẻo ở lưng chừng núi đồi Lào Cai, ngẩn ngơ nhìn mây sớm trẩy hội bàn đào - đẹp mê hồn, không khác cảnh sắc thần tiên trong phim Tây Du Ký. Những lúc như vậy, cõng theo sóng gió điện thoại thỉ thêm... phiền.
Thế nhưng, lúc chông chênh xuống núi đã nghe kiến bò trong bụng - đói dã man. Phải nạp năng lượng bằng một tô phở chua (phở trộn) đỏ hồng, vác ít thịt heo tộc ưa... tự do.
Mang tiếng là heo nhà, nhưng đa số chúng được thả rong - tha hồ ủi phá, tìm ăn bất cứ rau, cỏ, rễ cây gì...hợp khẩu vị. Thời may, gặp trái bắp (ngô) đỏ đèo đẹt - còn sót lại sau mùa thu hoạch - đã là bữa tiệc thịnh soạn cho chúng rồi!
Cứ thế, người bán phở mỗi sớm chỉ lấy phần nạc đùi loại heo ấy, chổ lò mổ quen. Rửa sạch, tẩm ướp với ít bột: quế, hồi, nước tương..., rồi khìa từng tảng trên bếp củi. Thao tác chế biến không quá cầu kỳ, nhưng miếng thịt ngọt bùi khỏi chê!
Xứng lứa vừa đôi với loại thịt heo khoái chạy - giỏi phóng này là, những cọng phở dẻo bùi, được làm từ gạo nương. Rau cỏ đi kèm cũng đơn giản: mớ đọt húng lủi, nhúm dưa leo non xắt nhuyễn, trái ớt chim đỏ rực - phần da chổ lồi chổ lõm mà cay thơm đến rớt nước mắt.
Đã đời - heo 'mê chơi'! Lợn cắp nách Bắc Hà từng... cám dỗ bao khách sành ăn.
Hên hơn, gặp đúng ngày họp chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai), du khách sẽ chứng kiến cảnh mặc cả mua bán lợn cắp nách của cánh lái người kinh với đồng bào, ngay chủ nhật. Xen lẫn với những tiếng kêu than, chửi rủa nghe “eng éc” đến điếc tai; của mấy chú trư đen hết thời, bị trói chặt trong rọ hoặc bao; nặng không quá 30 ký/con. 
Cạnh đó, mâm thịt lợn luộc trắng ngà, chen cái chân giò vàng ươm như mời gọi, trong khu nhà lồng chợ. Thật lạ, lát thịt heo ở đây không chỉ săn chắc, ngọt thơm ấn tượng mà mùi vị lớp mỡ “đồng hành” mới trên cả tuyệt vời! Nó săn giòn, ngọt thanh, lâu ớn ngán. Xắt dày miếng thịt ba rọi, chấm với chén nước mắm loại thường thôi, pha chút tương ớt Mường Khương đã ngất ngây tâm hồn! Được biết, thiếu trái ớt của đồng bào Dao đỏ, chút bổng (bã cơm rượu) rượu nếp, thì tương ớt Mường Khương sẽ tàn phai hương sắc ngay.

Thật lòng mà nói, những lúc như thế này chén rượu ngô không xứng chút nào với miếng thịt vừa chân phương vừa sang cả. An ủi là, vẫn có vài ba bạn hiền cùng đối ẩm.

Phê cỡ đó mà giang... hồ còn đồn rằng, thịt heo tộc Gia Lai cám dỗ hơn! Ấm ức không chịu nổi, đành lặn mất tăm vài ngày đi dò tìm.

2. Một vài thổ địa ở đây còn giảng giải thêm: phải chọn đúng giống heo tộc lai thì thịt da nó mới tuyệt cú mèo. Bởi, đồng bào ở đây cũng thả lang heo vào rẫy, rừng. “Lửa gần rơm” thế nào cũng có lúc, nẩy nở những cuộc tình nội... lai. Thế rồi, con heo cái tơ tộc chóng chánh xiêu lòng trước những động thái tán tỉnh đường mật của gã heo rừng già. Kết quả, người chủ có thêm một đàn con heo lai lũ khũ (không dưới 6 - 7con/lứa). Chúng lon ton chạy ra rẫy, lủi vô rừng, chẳng ngại gió núi mưa ngàn, tạp ăn kinh khủng và tất nhiên - không chịu ngủ nhà.
Đã đời - heo 'mê chơi'!Chộn rộn, một góc chợ phiên lợn Bắc Hà. 
Bởi vậy, mới có cảnh người đến bắt heo về làm giỗ cha, phải cười như mếu, khi nghe chủ gia trả lời rất hồn nhiên, ở huyện Chư Sê. “Ơ! Tụi nó chạy vô rừng chơi rồi! Không có nhà. Chừng nào có, tao báo cho!”

Khổ! Thứ càng khó tìm ăn lại càng thôi thúc con lợn lòng đòi ăn. Cũng nhờ các thổ địa tốt chốn này, tận dụng nhiều mối quan hệ, chúng tôi mới có diễm phúc nếm miếng thịt heo phiên bản... “bạn tình”.

Nhấp nháp miếng thịt nạc heo nướng lụi thơm phức, đón thêm ly rượu Ama Kông nồng cay, chợt thương rừng quá đỗi!

Đã có một số chủ hàng quán nhanh nhạy ở TP.HCM, đặt hàng thượng hạng này, chuyển về “chia” lại cho khách VIP hoặc mối ruột. Song, số lượng vẫn không đáng kể. Đồng thời, cũng có số ít doanh nghiệp mở trang trại heo... “nhà nghèo”. Đại khái, họ tập chúng thành... trâu: ăn nhiều rau cỏ, khuyến khích la cà. Khi chia sẻ những thông tin vừa kể, với một số đồng nghiệp nhiều người vỗ tay đồng tình. Có lẽ, trong tâm hồn họ còn cựa quậy một đứa trẻ ham chơi, nên dễ đồng cảm chăng?
Tấn Tri
(thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét