Món ăn từ côn trùng, nghe thật lạ phải không? Nhưng đây là những món ngon độc đáo, tươi ngon, an toàn và rất nên thử khi bạn đến tỉnh Sơn La.
Ở các nước như Mexico; Nhật; Thái; Campuchia … đặc sản từ côn trùng rất thu hút du khách. Vậy thì có lý do gì để bạn không thử?
Bọ xít
Trong suy nghĩ của nhiều người, bọ xít là một loài vật hôi hám và đáng sợ với thứ mùi đáng sợ, hơn nữa còn có thể gây bỏng rát khi dính phải. Thế nhưng, đối với người dân Sơn La thì bọ xít là món ngon khoái khẩu, có thể vì khí hậu hoặc thổ nhưỡng nơi đây chăng. Bọ xít rang lá chanh ăn rất giòn, nhai nghe rôm rốp với hương vị vô cùng quyến rũ.
Cách chế biến bọ xít tương đối cầu kì để khử hết mùi của chúng. Bọ xít sau khi bắt hoặc mua về được thả vào nước muối loãng một lượt cho chúng phun bớt tuyến hôi đi rồi lại được ngâm và rửa sạch trong nước măng chua một lượt nữa (nước măng chua là một loại nước khử mùi tanh, hôi cực kì hiệu quả, được sử dụng rất nhiều ở Sơn La và các đồng bào dân tộc).
Sau đó, bọ xít được rang vàng rộm lên, bày ra đĩa cùng với lá chanh thái nhỏ. Mùi hôi đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là mùi thơm của đĩa bọ xít rang và thơm nồng nhẹ của lá chanh. Du khách đến Sơn La khi được mời món này đều rất cảm kích, không chỉ vì đây là món nhậu ngon lạ, mà còn thể hiện lòng mến khách của gia chủ.
Ve rang
Hè đến là khoảng thời gian những con ve non chui ra khỏi mặt đất và bò lên thân cây, lột xác để phát triển thành ve trưởng thành. Và đây là lúc để chúng ta thưởng thức món ve rang ngon tuyệt của vùng đất Sơn La.
Vị bùi bùi của ruột ve sau lớp vỏ giòn tan thơm phức, thêm đậm đà khi chấm vào bát mắm cốt, và kết thúc là cái cay tê lưỡi của rượu đất Sơn La luôn kích thích vị giác của những dân nhậu khó tính.
Với điều kiện tự nhiên nhiều đồi núi, vào hè, đồng bào dân tộc rủ nhau đi bắt ve sầu non khi tối trời để tới sáng hôm sau có những chậu ve non đầy ắp mang ra chợ.
Ve non sau khi bắt được phải thả ngay vào chậu nước mới ăn được vì ve sầu phát triển rất nhanh, chỉ sau vài giờ đã thành ve trưởng thành.
Cách chế biến khá đơn giản. Ve sau khi mua từ chợ về được cắt bỏ cánh, rửa qua vài lần nước rồi cho vào chảo dầu rang lên cho vàng đều. Khi đã tới tầm chín có thể nêm với gia vị cho vừa miệng hoặc để không rồi chấm với nước mắm.
Sâu sắn dây
Món sâu sắn dây giờ đây có thể coi là một món đặc sản hiếm có, là thứ được săn lùng rất nhiều của dân nhậu vì độ thơm, bùi và béo của nó hơn nhộng tằm rất nhiều.
Món sâu sắn dây giờ đây có thể coi là một món đặc sản hiếm có, được săn lùng rất nhiều của dân nhậu vì độ thơm, bùi và béo của nó hơn hẳn nhộng tằm. Sâu sắn dây có hai cách chế biến phổ biến.
Làm sạch sâu rồi bắc một chảo dầu sôi ra mâm. Khi nào ăn thì thả sâu vào chảo cho rám vỏ như cách ốp lếp trứng, khi ăn chấm cùng nước mắm nguyên chất. Chế biến làm sao để lớp vỏ bên ngoài sâu thì giòn nhưng cắn thì phần nhân bên trong vỡ ra, giữ nguyên được vị bùi bùi, thơm ngậy như một quả trứng ốp lếp có lòng đào vừa vỡ ra trong miệng.
Cách tiếp theo là xiên vài con sâu vào với nhau rồi đặt trên bếp than, nướng vừa lửa để phần nhân bên trong không bị nổ ra, ăn mất ngon vì mất đi vị bùi béo của chúng.
Trong những ngày mưa gió với tiết trời hơi se lạnh, còn gì thú vị và ấm áp hơn khi ngồi bên bạn bè quây quần với chảo dầu đặt ở giữa, thả những con sâu sắn dây vào nghe tiếng xèo xèo, ăn ngay khi vẫn còn nóng rẫy, nhâm nhi ly rượu cay cay tê lưỡi...
Kiều Dương
(thực hiện)
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét