Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang

Mang màu xanh mơn mởn quanh năm, những đồi chè tại xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam luôn mang lại sự thích thú cho du khách mỗi khi có dịp đến nơi này.


   
Đầu tháng Tám, vùng đất Đông Giang mưa rả rích. Dong xe theo những cung đường vùng cao khúc khủy, chúng tôi đến xã Ba khi màn sương sớm còn lưu lại trên cành lá ven đường. Những cô thôn nữ đã thức dậy từ rất sớm, hối hả mang theo gùi sau lưng, lên đồi để hái chè.
Trong tiết trời se lạnh, những lối nhỏ giữa đồi chè rộng lớn như vệt lụa uốn lượn đang hiện hữu giữa màu xanh của núi rừng. Đâu đó, chen lẫn với tiếng mưa rơi tí tách trên tán lá chè, vang vọng tiếng nói cười của những cô thôn nữ đang ẩn hiện, miệt mài lao động. Xa xa, đàn bò vẫn lặng lẽ lục tìm cỏ non dưới những tán chè rậm rạp.
Sau cơn mưa dài, cả vùng trời Đông Giang bỗng dưng tạnh ráo, những tia nắng bắt đầu lấp lánh cả triền đồi. Soi rọi trên những tán chè, trên khuôn mặt rạng rỡ của những cô gái vùng quê. Chồi non, vươn mình đón ánh nắng ấm áp sau trận mưa lạnh lẽo. Cả một vùng quê chìm trong yên ả, thanh bình đến kỳ lạ.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 1
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 2
Đồi chè Đông Giang mang màu xanh mơn mởn của núi rừng.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 3
Đàn bò đủng đỉnh kiếm ăn, lục tìm cỏ non dưới những tán chè.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 4
Những cô thôn nữ bắt đầu vào ngày lao động trên đồi chè.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 5
Những mái ngói nằm lọt thỏm giữa đồi chè và núi.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 6
Vùng đồi chè thanh bình, yên ả.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 7
Ngày mới trên đồi chè Đông Giang.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 8
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 9
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 10
Chồi chè non mơn mởn.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 11
Tất bật với những thao tác hái chè.
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 12
Ngất ngây với màu xanh của đồi chè Đông Giang - 13
Đồi chè Đông Giang là điểm dừng chân thú vị của du khách khi có dịp qua nơi đây.
Bài, ảnh: Đoàn Hồng- Dũ Tuấn

Khám phá đồi chè Đông Giang


TTO - Nằm bên con đường chạy ngang xã Ba, ngược lên trung tâm huyện lỵ Đông Giang, đồi chè này được xem là điểm dừng chân của nhiều dân “phượt” trên cung đường khám phá núi rừng Tây Quảng Nam.
Khám phá đồi chè Đông Giang
Đồi chè miên man trải dài trên triền đồi - Ảnh: THANH LY
Một sớm mùa hạ, hân hoan trên cung đường quốc lộ 14G, dừng lại bên lề Dốc Kiền, nơi giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, chợt giật mình nhớ câu hát: “Đây Đông Giang quê hương tôi. Hoa đẹp nắng vàng, bình minh đã tới chan hòa khắp nơi. Bạn ơi hãy đến Đông Giang quê tôi... ”.
Vậy là quyết định tiếp tục, không thể bỏ qua cơ hội rong ruổi núi đồi Đông Giang.
Càng lên cao cảm giác thật đặc biệt, hồi hộp khi xe trườn qua nhiều con dốc hiểm, cung đèo trắc trở. Những cánh rừng nguyên sơ bạt ngàn, tít tắp. Lúc lại gặp con đường nhỏ len lỏi giữa rừng keo lá tràm đẹp như mơ…
Rồi giữa cái cõi hân hoan ấy, một thảo nguyên xanh hiện ra, chao ôi là chè - đồi chè duy nhất của xứ Quảng.
Nằm bên con đường chạy ngang qua xã Ba, ngược lên trung tâm huyện lỵ Đông Giang, đồi chè thuộc Nông trường quốc doanh Quyết Thắng từ lâu vốn đã là điểm dừng chân của nhiều dân "phượt" trên cung đường khám phá núi rừng Tây Quảng Nam.
Khó có thể ngờ giữa cái nắng, gió đầy khắc nghiệt của xứ Quảng lại hiện hữu một đồi chè đẹp đến thế. Xa xa vạt chè nhô lên như những con sóng xanh rồi lại võng xuống như một dải lụa mềm vắt vẻo qua các ngọn đồi. 
Không chần chờ được nữa, chúng tôi xuống xe, chạy bộ thật nhanh theo lối mòn xinh xinh vào sâu trong luống chè. Giọt sương mai vẫn còn đẫm trên từng chiếc lá trong veo lấp lánh tựa pha lê.
Ngắt một búp chè non, nhẩn nha nhấm nhè nhẹ, vị chè hơi chan chát, bùi bùi, ngòn ngọt tan dần nơi đầu lưỡi. Rồi nhắm mắt hít thật sâu, chao ôi không khí trong lành quá, chợt thấy mình trôi giữa những sóng chè êm ả, lòng bồng bềnh, bao mệt nhọc dường như tan biến.
Khám phá đồi chè Đông Giang
Mây về trên núi ngàn cho đồi chè thêm thơ - Ảnh: THANH LY
Khám phá đồi chè Đông Giang
Màu xanh bạt ngàn của những luống chè hứa hẹn một mùa bội thu - Ảnh: THANH LY
Khám phá đồi chè Đông Giang
Màu xanh ngát của chè hòa lẫn trong màu xanh rừng núi, mây trời - Ảnh: THANH LY
Khám phá đồi chè Đông Giang
 Một cảm giác thật thú vị khi được tận hưởng không khí mát lạnh nơi đồi chè - Ảnh: THANH LY
Ở Quảng Nam, riêng vùng đất này có khí hậu mát mẻ, nhiều mưa nên cây chè cứ thế phát triển tươi tốt hàng chục năm qua. Không trải dài mê mải đến tít tận chân trời như ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay Lâm Đồng, nhưng đồi chè Đông Giang vẫn sẽ làm mềm lòng bất kỳ lữ khách khó tính nào.
Bao đời qua người dân nơi đây vẫn xem đồi chè như là nơi nuôi dưỡng mạch sống của mình. Không chỉ là “vựa” kinh tế của làng mà còn gắn liền với những sinh hoạt bình dị của người dân quê chân chất.
Thời điểm rộn ràng nhất là khi mặt trời lên cao, trên những góc đồi tiếng nói cười xôn xao. Người đi chăm tỉa chè, kẻ từ phương xa đến tham quan. Những bạn trẻ tinh nghịch chạy đuổi nhau giữa các luống chè.
Những cặp tình nhân, đôi vợ chồng sắp cưới cũng đưa nhau tới đồi chè để có được bức ảnh lưu niệm đẹp nhất. Họ làm chộn rộn mảng xanh yên bình nhưng lại mang đến nơi đây một tình cảm nồng nhiệt, ấm áp...
Khám phá đồi chè Đông Giang
Một góc yên bình bên đồi chiều - Ảnh: THANH LY
Khám phá đồi chè Đông Giang
Giữa luống chè mới thu hoạch, bạn sẽ muốn đi lại nhiều vòng để chiêm nghiệm điều gì đó cho tâm tĩnh lại - Ảnh: THANH LY
Khám phá đồi chè Đông Giang
Non mởn lá chè trước nắng lung linh - Ảnh: THANH LY
Đã đến lúc rời Đông Giang để quay về nhưng chúng tôi vẫn cố dành cho mình thêm một chút rong chơi. Nằm dài trên thảm cỏ mịn trải giữa mênh mang màu chè và chợt nhận ra nơi này còn có rất nhiều, rất nhiều lối rẽ nối miên man từ đồi chè này sang đồi chè khác.
Phải chăng, những lối rẽ đó đang lặng lẽ chờ bước chân người qua...
Trong cơn gió đi hoang, chợt  nghe như giọng ai ngân vang đâu đây: “Chiều đi qua Đông Giang nghe ai hát điệu ân tình, câu hát quê mình chan chứa yêu thương... Như ngọn núi cao nghĩa tình càng thêm sâu...”.






THANH LY

Đông Giang – Nguyên vẻ hoang sơ núi rừng Quảng Nam


Nếu như Tây Giang là điểm du lịch được nhiều người yêu thích khi đến Quảng Nam thì Đông Giang như một cô gái núi rừng tuổi xuân thì đầy sức quyến rũ. Nhẹ nhàng nhưng ấn tượng, mộc mạc tự nhiên nhưng rất đỗi sâu sắc là những gì du khách cảm nhận khi đến với miền đất này.


Đông Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 100km về phía tây. Du lịch tại vùng đất này, chủ yếu là du dịch khám phá khi mọi thứ còn khá tự nhiên từ con người cho đến những con đường ngoằn ngoèo, gấp khúc hiểm trở. Bên cạnh đó, những khung cảnh nơi đây vô cùng thú vị, đẹp mê mẩn vì thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này quá nhiều cảnh đẹp nên thơ.

Đa phần người dân sinh sống ở Đông Giang là đồng bào Cơtu. Khi ghé đến làng văn hóa - Du lịch Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn) du khách sẽ được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo trong lễ hội, cuộc sống hằng ngày và ẩm thực của người đồng bào. Bên cạnh chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Gươl, nhà Moong (nhà sinh hoạt cộng đồng truyền thống), khách du lịch có thể hòa mình vào những điệu múa T’tung, Zază, cùng dân làng dệt thổ cẩm, đan lát, học tiếng Cơtu, chữ viết Cơtu…

Thôn văn hóa Bhơ Hôồng I (xã Sông Kôn) được khai trương làm điểm khai thác du lịch cộng đồng từ năm 2008. Đây là thôn văn hóa còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơtu trên vùng núi Đông Giang với những điệu nói lý – hát lý, múa tân tung da dá, đan lát nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thưởng thức những món ăn do người Cơ Tu chế biến. Nhưng đáng kể nhất đó chính là “mê cung” của các loại rượu, từ nhưng ché rượu cần, rượu Tà-vạt, Tr’đin và đặc biệt nhất phải nhắc đến rượu đoác hay nhiều người còn gọi là “bia trời”.
Gọi là rượu nhưng nó khác hoàn toàn các loại rượu thường được biết đến khi không qua chế biến mà được lấy trực tiếp trên cây mang về uống. Rượu đoác lấy từ thân cây đoác, rồi ngâm với vỏ cây chuồn để nó lên men thành rượu. Thường mỗi cây đoác mọc trên rừng phải từ 5-7 năm tuổi mới bắt đầu khai thác rượu. Các công đoạn lấy rượu cũng đơn giản. Gặp được cây đoác, chỉ cần dùng dao rạch một lỗ ở thân cây, sau đó đặt ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai. Trong chai hoặc can đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho nước đoác lên men thành rượu. Nếu những cây đoác đã có trái thì cắt ở cuống buồng rồi hứng nước.

Ngoài tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng, thôn Bhơ Hôồng I còn có suối nước nóng thích hợp cho việc kết hợp du lịch nghỉ dưỡng của du khách. Ngoài ra khách du lịch có thể đi bộ xung quanh làng, tham gia các trò chơi dân gian như thi bắn nỏ, tham gia đá bóng với thiếu nhi thôn…
Cách trung tâm huyện 7km, du lịch cộng đồng thôn Đhrôồng (xã Tà Lu) được thành lập vào năm 2012. Với tiềm năng của thôn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chọn thôn Đhrôồng là điểm phát triển Du lịch cộng đồng. Ngoài tìm hiểu các nét văn hoá đặc sắc của người Cơ Tu, du khách có thể thăm quan xung quanh làng, đi bộ thăm thác RaMê tuyệt đẹp, họ còn có thể câu cá, tham gia làm ruộng với người dân trong thôn…

Một trong những địa điểm hoang sơ nhưng vô cùng tuyệt đẹp tại Đông Giang đó chính là cổng trời tại thôn Kà Đâu, xã Kà Dăng. Nơi đây bao gồm 1 vòm núi đá vôi khổng lồ nối 2 đỉnh đồi tạo thành cái vòm hay cái cổng. Bên trong cổng trời có nhiều hang động lớn nhỏ với với nhiều thạch nhũ đẹp mắt. Theo một số người dân bản địa đi sâu vào bên trong nữa sẽ có thêm vài cái thác nhưng đường rất khó đi. Phần nữa, hang động này còn ít người biết đến. Bản thân hang động này khá sâu và đường chui xuống có nhiều chỗ vừa nhỏ rất khó rúc và trơn trược, tối tăm mù mịt nên tốt nhất, muốn khám phá hang bạn cần nhờ người bản địa dẫn đường. 

Bên cạnh những cảnh sắc mà thiên nhiên ban tặng thì nhiều cảnh đẹp trong đời sống lao động cũng khiến du khách mê mẩn. Một trong những địa điểm như vậy đó chính là đồi chè Đông Giang. Thực chất, đồi chè này thuộc Nông trường quốc doanh Quyết Thắng nằm cách Đà Nẵng khoảng 1 giờ chạy xe máy và sát ngay quốc lộ 14B. Dù du khách đến đây bất kỳ thời điểm nào cũng rất đẹp bởi vì vùng đất này có không khí trong lành và nhiều mưa nên những cây chè cứ thế phát triển tươi tốt hàng chục năm qua. Những hàng chè xanh ngát, sáng sớm những giọt sương đọng trên những chồi non nom đẹp mắt vô cùng.

Hẳn nhiều người sẽ băn khoăn, vậy tới địa phương này nên mua gì để làm quà cho người thân? Những “món quà của rừng” luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho vùng đất này. Trong đó, Ra Zéh là loại chè dây được đồng bào Cơ tu huyện Đông Giang sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột và có tác dụng an thần. Ở xã Tư của huyện Đông Giang, loại cây này mọc phát tán tự nhiên dưới tán rừng. Hiện nay, giá loại dược liệu này dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg khô.

Bên cạnh đó, ớt ARiêu cũng là một loại đặc sản. Với đặc trưng riêng có như hương vị rất riêng thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng vừa phải rất quyến rũ. Song giá trị còn nằm ở chỗ: ớt Ariêu vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ớt con mọc lên từ những hạt do chim phát tán, trải qua những cơn nắng cháy da trên những đồi đất đỏ pha đá vôi, đâm chồi sau những cơn mưa chiều. Chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng A Sờ (giáp huyện Nam Giang) ớt mới cho mùi thơm độc và quả nhỏ li ti rất tinh khiết. Nếu trồng ớt này trên những vùng phù sa sẽ mất đi giá trị vốn có của nó.
Ngoài ra, trong thời gian tới Đông Giang cũng có nhiều đề án phát triển du lịch khác như xây dựng làng truyền thống Cơtu tại thôn Đhrôồng, khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao phía tây Bà Nà, Bạch Mã, khu sinh thái nướng khoảng nóng Bhôồng… Du lịch phát triển mới nghe qua ai cũng mừng, nhưng quan trọng nhất là có còn giữ được hồn cốt núi rừng và con người hoang sơ ở nơi đây không mới là bài toán bảo tồn cần giải.

Anh Thư
Ảnh Fb Đông Giang




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét