Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Ô Loan không phải là Loan

(Dân Việt) Đầm nước màu xanh lam, hiền hoà dưới chân đèo Quán Cau, nhất là những món ăn "độc nhất vô nhị" luôn gợi tò mò, háo hức cho bao du khách trong, ngoài nước khi có dịp tới nơi đây.

   
o loan khong phai la loan - 1
Gành Đá Dĩa chỉ để ngắm rồi về. (Ảnh: Nguyễn Kim Tuấn - TGTT)
Chính đầm nước lợ Ô Loan – vựa hải sản hào phóng trời ban – góp phần tạo nên sự thống khoái, giàu có, độc đáo lẫn niềm tự hào về sản vật Phú Yên và cả đất Việt. Nói Ô Loan không phải là chim Loan theo điệu Công Tôn Long lại rõ nghĩa hơn “ngựa trắng không phải là ngựa”.
Con sò nhỏ, cái ngon lớn
o loan khong phai la loan - 2
Nướng sò huyết ngay tại đầm mới tận hưởng hết cái tươi ngon của đặc sản số một cả nước này. (Ảnh: Nguyễn Kim Tuấn - TGTT)
“Chưa ăn sò huyết, chưa biết Phú Yên”, là câu nói hãnh diện của dân thích nói “âu cơ” thay vì "ô kê". Ruột sò giòn ngọt, hậu beo béo và thơm. Thân sò nhỉnh hơn trái tắc, vỏ màu xám nhạt, đóng rong rêu. Chúng ở chiếu trên sò đại Long Hải  ởBà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau. Có lẽ, do giống sò ấy hưởng nhiều phiêu sinh nước xà hai, trong đầm rộng 1.570 ha, ba mặt giáp núi, một phía thông ra Biển Đông, sâu trung bình: 1,2 – 1,4m mùa nắng, mùa mưa, (theo Địa chí Phú Yên, trang 46, NXB Chính Trị Quốc Gia). Nhờ vậy, đầm lớn thứ hai cả nước này (sau phá Tam Giang) có thể nuôi sống hàng vạn người ở bãi Ngang, thuộc năm xã: An Hiệp, An Cư, An Hoà, An Hải, An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Mùa gió nồm lay động cỏ lau ven đầm chính là lúc con sò mập nhất, khoảng cuối tháng 2 – đầu tháng 3 (*). Lúc này, rong tảo sinh sôi nhiều. Mực nước đầm chỉ bằng 1/3 mùa lũ, nên mò bắt dễ ợt. Cố đợi đêm trăng đầy, khách nhàn du thuê một chiếc thuyền nan – sẵn người chèo – cùng bếp than đước, chai rượu đế Tuy An, dập dềnh. Gắp vài con sò, thả lên bếp than hồng. Chưa đầy một phút, có con đã thè lưỡi như thèm… rượu đến không chịu nổi! Đừng để nó thất vọng!
Tiệp hứng, chị Hằng chăm chút hoá vàng lăn tăn, lung linh cả mặt đầm. Văng vẳng tiếng chim ăn đêm và thật gần làn hơi sương lành lạnh. Nhưng thực khách vẫn không cảm thấy cô đơn. Nhờ thức ngon khéo chiều bạn hiền, nên cuộc đàm luận càng cao hứng. Rượu vơi không hay. Có người đổ oan: chắc bà trăng uống… trộm! Ước chi, có trùm tái Trần Minh, bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng Duyên Hải ở huyện Cần Giờ, TP.HCM xắn tay nâng độ giòn, ngọt tinh nguyên cho một sản vật trời ban!
Thật ra, ở đây có một lệ nhỏ đủ sức cản trở mạnh bạo những du khách nữ thích khám phá.
Ông Ngô Phú, 57 tuổi, ba đời sống nghề đầm ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ánh mắt cương quyết nói: “Xuồng làm ăn kiêng đàn bà lạ bước xuống. Cho thêm bạc triệu tôi cũng không chở!”. Còn thuyền làm du lịch chuyên nghiệp ở hai đầu Ô Loan đâu có. Cũng vậy nếu có đi thăm Gành Đá Dĩa, bạn phải ngắm đi ngắm lại chục lần, rồi về lại Ô Loan kiếm cái ăn. “Nếu đói, đành hớp nước dừa xiêm, chứ không thấy bán thứ gì ăn cả”, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Kim Tuấn, dân An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nói.
Mỗi năm đầm vẫn rộng lượng tặng khoảng 20 tấn sò có một không hai, toả đi khắp nơi như một lời “tự tình” sâu lắng. Đặc biệt, những bậc cao niên ở đây cho hay, năm nào mưa bão nhiều thì trúng mùa: sò huyết, cá mú, tôm đất, sứa… do nước nguồn rửa sạch lớp bùn già dưới đáy đầm. Sò Ô Loan giúp những người dân lam lũ như ông Ngô Phú xây nhà ngói, sắm xe máy…
Không chỉ có sò, hương vị thịt các loại cua (cua biển, cua huỳnh đế) và cá mú trong đầm đều chiếu trên.
Cua, cá mú không ô danh Ô Loan
o loan khong phai la loan - 3
Cua không làm ô danh Ô Loan. (Ảnh: Nguyễn Kim Tuấn - TGTT)
Ông Ngô Phú nhíu mày nhớ lại: Mùa mưa, đám ghẹ, sò, hàu trong đầm lần lượt lụi tàn. Riêng tụi cua, cá vẫn chịu được, nhưng thịt chúng không thơm ngọt nữa. Hết mưa, khi nước đầm mặn mà thêm da thịt chúng lại hấp dẫn. Con cua xanh yếm vuông (cái so) lớn khác thường, nặng gần nửa ký so cua Nam bộ cùng dạng, độ tuổi không quá 360g/con. Gạch cua béo bùi nhưng không ngậy, lại thơm riêng. Chấm với chén muối lá é trắng giằm ớt chim xanh, mới đã họng làm sao!
Tương tự, muỗng cháo cá mú đỏ càng mát bụng. Thịt cá ngọt như giọng rao hàng ở Sài Gòn xưa, săn chắc. Da cá beo béo, thanh tao, “tắm” dĩa nước mắm nhỉ cơm than dưới hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hoà, huyện Tuy An) thật xứng cặp. Độ ngọt và mùi thơm ấy có ấn định riêng. Khác hoàn toàn với da thịt đồng loại ở Nha Trang hay ngoài Ba Hòn Đầm, Biển Tây. Và nó cứ ngọ nguậy mãi trong tâm trí người mê rong ruổi. Chính thổ nhưỡng đã vun vén nên lượng phiêu sinh đặc thù, tạo vị riêng cho nhiều sản vật Ô Loan, kể cả những con rất nhẹ ký.
Tôm đất, cá mai “đầm tịch” Ô Loan
o loan khong phai la loan - 4
Tôm đất những vùng nước lợ, nước mặn của ba miền đều có ở nơi đây. Song, cái màu đỏ son và độ chắc ngọt đậm đà của con tôm mới lạ! (Ảnh: Nguyễn Kim Tuấn - TGTT)
Ở một quán nhà sàn trên đầm, phía dưới An Hải, chúng tôi thật bất ngờ với mớ tôm đất nhào lộn tanh tách. Tôm này những vùng nước lợ, mặn ba miền đều có. Song, cái màu đỏ son và độ chắc ngọt đậm đà của con tôm mới lạ! Ánh nắng chói chang của đất Phú chợt dịu mát, khi gặp những cơn gió đầm tung tăng cùng nồi canh chua tôm bốc khói bưng ra! Ngộ ở chỗ, có cả gừng tươi xắt chỉ và nhúm rau răm trong nồi. Có thể, người nấu chu đáo giúp thực khách phòng ngừa chứng cảm nắng, khó tiêu. Riêng “đô” chua, so với tô canh miền Nam, canh hôm ấy chỉ mới chớm chua. Vị chua nhẹ nhàng, kín đáo đến xiêu lòng!
Đồng thời, dĩa gỏi cá mai trắng tươi cũng là tấm mề đay của bản xứ. Đặc biệt, xương cá mềm dẻo nhai ăn luôn. Thân cá múp míp, thịt dịu ngọt. Ăn kiểu mộc là, gắp một con nhỏ tựa cá cơm chấm vào chén mù tạt pha nước tương, rồi bốc hột đậu phộng rang, bứt vài đọt tía tô, húng lủi, miếng cơm dừa… nhai nhẩn nha.
Chính thổ nhưỡng đã vun vén nên lượng phiêu sinh đặc thù, tạo vị riêng cho nhiều sản vật ô loan, kể cả những con rất nhẹ ký.
Thỉnh thoảng bẻ miếng bánh tráng Hoà Đa nghe cái rốp, thêm vui tai. Đưa cay êm thấm! Mùa cá mai từ đầu tháng giêng đến cuối tháng 6 âm lịch, rộ vào khoảng tháng 4. Cuối mùa xương cá cứng hơn, thịt cũng lạt hẳn. Cá mai biển luôn ốm hơn cá đầm. Cũng có nạn, người ta giăng bắt cá mai biển thả vào vào rộng trong đầm, nuôi công nghiệp để bán được giá hơn. Dạng này, chỉ gạt dân tay mơ. Vì cá bủn và lạt hơn.
Những cái lưỡi tinh tế còn phát hiện ra mùi vị con sò phía Ô Loan đầu An Hải mặn, ít tiết, thịt dai và tanh hơn. Một thổ địa ở đây còn bật mí, vào mùa nghịch, đặc sản hai mảnh vừa kể không đủ cung ứng, nên không ít hàng quán độn sò Sông Cầu. Mặc dù cùng tỉnh, nhưng phẩm vị sò hai nơi như khoảng cách giàu nghèo trong xứ.
Thêm nữa, nhiều người còn công nhận con hàu Ô Loan không thể sánh bằng hàu Gành Đá Dĩa, huyện Sông Cầu. Vậy mà, nhiều tác giả vẫn hê nó lên mây. Bệ đỡ cho những chủ kiến này là mấy vần thơ cũ của Tản Đà (Phú Câu cước cá, Ô Loan biển hàu). Hay bụi thời gian đã làm cho giống hải sản có lợi cho phái mạnh trở lòng đổi dạ?
Hẹn một đêm trăng, chúng tôi sẽ í ới rủ nhau về đây tắm nguyệt – vào mùa sò dậy!
(*) Hàm lượng kẽm, sắt trong 100g ruột sò huyết lần lượt là: 13,4mg, 1,9mg, theo sách Thành phần dinh dưỡng 400 thức ăn thông dụng, (trang 278 và 289, của trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, NXB Y Học).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét