Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền ở Hoa Lư

Đền vua Đinh là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị các tướng triều Đinh.

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư, toạ lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
 
Gian giữa đền thờ tượng vua Đinh. Ngài ngồi trên ngai, dáng rất uy nghi, đường bệ như đang thiết triều.
 
Đền vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17. Đây cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn và là điểm du lịch văn hóa lịch sử đầy hấp dẫn dành cho du khách khi đến với Ninh Bình. Những con rồng trông rất sống động với nhiều hình thái khác nhau tạo cho chính cung một vẻ rực rỡ không khác gì cung điện thu nhỏ. 
 
Ngoài sân là long sàng được làm bằng đá xanh nguyên khối, tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều. Bề mặt của long sàng được tạc nổi hình con rồng với dáng vẻ uy dũng, hai tay vịn là hai con rồng dáng vẻ thanh cao đang uốn mình trên tầng mây. Xung quanh long sàng có hai hàng chân, cột để cắm cờ bát biểu, vũ khí trong ngày hội, tượng trưng cho các thứ bậc của quan quân văn võ, trong đó có mười thanh long dao tượng trưng cho mười đạo quân.
 
Xung quanh long sàng có cắm cờ tượng trưng cho các đạo quân, nghê chầu, ngựa trắng... 
 
Tương truyền đền được xây trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa, là đất tiền thủy hậu sơn theo phong thủy, do phía trước đền có sông Sào Khê chảy ngang qua, núi Mã Yên như một tấm bình phong che chắn, sau lưng có dãy núi Long Triều.
 
Bức bình phong trong đền vua Đinh.
 
Đối diện với bình phong là sập long sàng bằng đá, hai bên có hai nghê chầu bằng đá xanh nguyên khối gợi lòng sùng kính đối với vua Đinh.
 
Nghê đá chầu, được tạc trên đá xanh nguyên khối.
 
Phía sau bình phong có hồ nước bán nguyệt được thả đầy hoa súng.
 
Cũng như các di tích khác thuộc cố đô Hoa Lư, đền Vua Đinh nằm trong quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An được UNESCO công nhận năm 2014.
 
Lê Bích


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét