(Ăn Ngon) - Đùi và cánh gà là hai vị trí được lựa chọn để tiêm một lượng kháng sinh phòng bệnh, đây chính là lý do khiến Tây không ăn đùi gà.
Lượng protin trong đùi gà nhiều hơn phần lườn |
Lườn gà nhiều dinh dưỡng hơn thịt đùi?
Trao đổi với Infonet, PGS. TS Nguyễn Thanh Chò, chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, người nước ngoài thường chọn ăn lườn gà mà không ăn phần đùi là do khẩu vị và thói quen ăn uống của mỗi nước và mỗi người.
Thông thường các vị trí khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Theo đó, phần đùi gà nhiều cơ thì lượng protein sẽ nhiều hơn. Vì thế, phần cổ cánh hoặc lườn gà không thể nhiều protein hơn đùi.
“Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt ức gà có chứa lượng chất béo và calo thấp hơn thịt đùi. Đối với thịt đùi nếu bỏ da đi sẽ có hàm lượng chất béo thấp hơn các loại thịt khác như bò, cừu, dê. Đặc biệt, trong thịt đùi gà có chứa lượng lớn chất sắt, có hương vị thơm hơn, có độ dai và giòn hơn (phù hợp với khẩu vị của người Việt) nên nó là phần khiến rất nhiều người thích” – PGS Chò nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một chuyên gia thú y cho biết, nước ngoài (đặc biệt người dân châu Âu) chỉ ăn lườn gà vì có lý do của họ. Bởi ở những nước này, họ thường sử dụng món gà Tây (được nuôi theo mô hình công nghiệp). Tất cả những con gà này trong quá trình sinh trưởng và phát triển đều được tiêm phòng, chăm sóc cẩn thận. Đùi, cánh gà là hai vị trí được nhân viên thú ý lựa chọn để tiêm phòng.
“Mặc dù, trước khi xuất chuồng gà đều phải đảm bảo những thông số kỹ thuật nhất định (thời gian nuôi, trọng lượng, thời gian tiêm chủng…) tuy nhiên để giảm thiểu tối đa lượng tồn dư thuốc trong thịt gà, họ đã không sử dụng những bộ phận này”- vị chuyên gia này chia sẻ.
Ngoài ra, theo kỹ sư này cũng phỏng đoán có thể người dân Châu Âu cho rằng, thịt trắng ít cholesterol hơn thịt đỏ - là nguyên nhân gây nên chứng tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì... và rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác. Do đó, họ hạn chế ăn những loại thịt có màu đỏ và đùi gà cũng được liệt vào danh sách đó.
Bộ phận nào không nên ăn?
Mặc dù, món thịt gà được coi là bổ dưỡng, tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo có những bộ phận mà người tiêu dùng không nên sử dụng.
“Nội tạng, da gà là những bộ phận mà người dân không nên sử dụng quá nhiều. Đặc biệt là với trẻ em, người béo phì, tăng huyết áp và tim mạch, phụ nữ nuôi con nhỏ tuyệt đối không nên ăn bộ phận này. Bởi, nội tạng gà cũng giống như các con vật khác chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Đặc biệt là gan gà- nơi chứa mầm bệnh tật nhiều nhất. Điều này cũng tương tự với da gà (chứa nhiều chất béo với hàm lượng cholesterol cao)” – PGS Chò giải thích thêm.
Chung quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài hai bộ phận trên, người dân cũng không nên ăn quá nhiều phao câu gà. Bởi đây là phần sau cùng của thân gà tích tụ nhiều mỡ nhất trong cơ thể con vật.
Vì thế, những người bị bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, sỏi thận, sỏi mật, béo phì không nên ăn thực phẩm có nhiều cholesterol. Phao câu, cánh, da và nội tạng của gà là những phần cần phải hạn chế.
“Những bộ phận này thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe khi người dân ăn một lượng lớn và liên tục trong nhiều ngày (chẳng hạn ngày nào cũng ăn 4-5 cái phao câu) mới có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra khi ăn thịt gà, người dân cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ để cản trở cơ thể hấp thu cholesterol” – PGS Thịnh nói.
Theo Infonet
Thịt gà không nên ăn với... cơm nếp
(Đời sống) - Từ lâu thịt gà là món ăn thường nhật và khoái khẩu của người dân. Thế nhưng, để dùng theo góc độ khoa học và quan điểm của Đông y thì không phải ai cũng biết. Nhiều khi chỉ sơ ý phối hợp các thực phẩm, gia vị không đúng thì ngoài làm mất giá trị dinh dưỡng có thể gây hậu quả đáng tiếc.
Xin giới thiệu một số thực phẩm, gia vị không nên phối hợp với thịt gà để bạn đọc tham khảo.
Kiêng tỏi, rau cải và hành sống: Theo Đông y thịt gà vốn cam (ngọt) ôn (ấm) mà tỏi thì đại nhiệt, rau cải và hành sống lại cam hàn nên khi phối hợp với nhau cơ thể sẽ sinh nhiệt hay hàn nhiệt giao tranh mà sinh ra bệnh lỵ và gây tổn thương khí huyết. Khi ăn phải mà phát sinh chứng bệnh, nấu nước lá dâu uống sẽ khỏi. Kiêng muối vừng và kinh giới: Thịt gà thuộc phong mộc về tạng can. Còn vừng vị ngọt có tác dụng dưỡng can, dưỡng huyết khu phong, kinh giới vị cay tính ấm phá kết khí (ngăn không cho phong khí tụ) hạ ứ huyết. Do vậy, khi kết hợp cùng nhau tất sẽ ảnh hưởng đến can phong sinh chứng chóng mặt, ù tai hoặc run rẩy cả người và ngứa ngáy đầu não. Khi này nấu nước cam thảo sống uống sẽ khỏi.
Kiêng ăn thịt chó và gan chó: Thịt chó và gan chó tính đại nhiệt khi kết hợp với thịt gà dễ "úng khí" sinh chứng kiết lỵ. Lúc này dùng nước cam thảo uống sẽ khỏi. Kiêng ăn với cơm nếp: Theo danh y An Nhân, cơm nếp cũng vị ngọt tính ấm nên hai thứ này kết hợp với nhau dễ sinh ra chứng bạch thốn trùng (dân gian gọi là sán dây, sán sơ mít). Do vậy, ta cũng không nên ăn hai thứ này nhiều một lúc.
Không ăn với cá chép: Thịt gà cam ôn, cá chép cam hàn, nếu ăn lẫn sẽ sinh chứng mụn nhọt hoặc phát chứng trường ung. Nên nấu nước đỗ đen uống sẽ khỏi. Không ăn với tôm: Tôm và gà đều cam ôn cả hai tính dễ động phong. Ăn cùng sinh ra chứng ngứa ngáy khắp người. Để giải, nấu nước kinh giới uống. Không ăn với mận: Mận tính ôn sáp, nếu ăn với thịt gà sẽ sinh chứng hoắc loạn (thổ tả) ngược tật (sốt nóng sốt rét). Lúc này nấu nước sơn tra uống sẽ khỏi.
Món ăn trị bệnh từ thịt gà
(Đông y) - Đông y cho rằng, thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc, lành mạnh phổi, tác dụng ôn trung ích khí, bổ tinh tủy
có tác dụng bồi bổ cho người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn.
Thịt gà còn chữa được băng huyết, xích bạch đới, lỵ, ung nhọt, trừ phong. Do đó thường dùng cho các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, đầy bụng không tiêu, ăn kém, tiêu chảy, lỵ, phù nề, tiểu rắt, di niệu, đái hạ, huyết trắng, sau đẻ ít sữa, bệnh đái tháo đường. Dưới đây xin giới thiệu một số cách sử dụng món ăn thuốc trị bệnh mà thịt gà là chủ vị.
Dùng cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược, gầy còm, da khô nhẽo: thịt gà trống 150g, bột mì 210g, hành củ 15g, bột tiêu, gừng, các gia vị khác với liều lượng thích hợp. Thịt gà cùng với hành, tiêu, gừng và các gia vị khác được băm trộn sẵn để làm nhân. Bột mì thêm nước nhào trộn, cán thành bánh. Làm bánh có nhân là thịt gà cùng gia vị, luộc hay hấp chín, làm bữa ăn chính, cho ăn khi đói, ngày 1 lần trong 1 đợt 5 - 10 ngày.
Dùng cho các trường hợp thận hư, ù tai, chóng mặt: gà 1 con làm sạch, cho rượu vào hầm chín. Ăn trong ngày.
Dùng cho các trường hợp suy nhược gầy còm, huyết hư sau đẻ: gà mái 1 con, gạo trắng và bách hợp với một lượng thích hợp. Gà làm sạch, mổ moi, bỏ ruột, cho gạo và bách hợp vào bụng gà khâu lại, thêm nước, gia vị, nấu chín ăn.
Dùng cho người mắc chứng viêm gan, phụ nữ sau nạo thai, sau đẻ bị nôn ói ra thức ăn, ăn vào nôn ra: gà giò 1 con; nhân sâm, đương quy, muối ăn mỗi thứ đều 15g. Gà làm sạch, luộc chín, róc bỏ xương, cho nhân sâm, đương quy và muối ăn vào hầm chín nhừ. Chia ra ăn hết trong một vài lần.
Trị sa dạ dày, sa thận, sa trực tràng, sa tử cung: gồm gà mái giò 1 con, hoàng kỳ 60g. Làm sạch gà, cho vào nồi hấp cùng hoàng kỳ, thêm gừng, hành, muối, gia vị, hầm trong 3 giờ mang ra ăn.
Trị đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi: gà 1 con, nhân sâm 10g, tiểu hồi 10g, xuyên tiêu 6g. Làm sạch gà mổ moi, cho các vị thuốc cùng với chút rượu, đường, dầu, mắm, gia vị vào bụng gà buộc lại, thêm nước, hầm cách thủy, ăn khi đói.
Trị suy nhược cơ thể, đầy bụng không tiêu: gà trống 1 con, thảo quả 2 quả, bột nghệ 3g (hoặc nghệ tươi), hồ tiêu 6g, vỏ quýt 3g, thêm hành, dấm, nước mắm và lượng nước thích hợp, nấu nhừ, ăn khi đói.
Trị các trường hợp suy nhược, ăn kém, chậm tiêu, đau bụng: gà trống 1 con, riềng, thảo quả mỗi thứ 6g, trần bì, hồ tiêu mỗi thứ 3g. Gà làm sạch chặt khúc, các dược liệu cho vào túi vải xô, thêm nước, hành, dấm, gia vị, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần.
Trị các trường hợp thiểu dưỡng gây phù mặt và chân tay: gà mái ri lông vàng 1 con, xích tiểu đậu 30g, thảo quả 3g. Gà làm sạch, tất cả cho vào nồi, thêm nước, muối, mắm, gừng tươi, hành sống; đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ra ăn làm nhiều lần trong ngày.
Hạ huyết áp: gà giò (trống) một con, quyết minh tử 12g, ngũ vị tử 10g, gừng 5g, hành 10g, muối vừa đủ. Gà trống làm sạch, bỏ lòng. Hai vị kia rửa sạch, gừng đập dập, hành cắt nhuyễn, ướp muối lên thịt gà, bỏ gừng, hành, quyết minh tử, ngũ vị tử cho vào bụng gà. Nấu với một lít nước, đun to lửa sau vặn nhỏ. Hầm 60 phút. Mỗi ngày ăn một lần.
Tăng huyết áp, đái tháo đường kèm béo phì: thịt gà 100g, bí đao 200g, đảng sâm 3g, muối một ít. Thịt gà cắt miếng nhỏ cho vào nồi với đảng sâm, nước nửa lít, đun nhỏ lửa, hầm chín. Cho bí đao cắt miếng vào với gia vị vừa đủ. Ăn thịt, uống canh, dùng cùng trong bữa ăn.
Người ốm thiếu máu: gà giò một con, mổ bỏ ruột, nhét một nắm lá ngải cứu tươi, rửa sạch, khâu lại, nấu kỹ, mỗi ngày ăn một con. Ăn một tuần liền.
Ho lâu ngày, khó ngủ: cũng làm như bài thuốc trên nhưng thay lá ngải cứu bằng lá dâu tằm non và nửa chén gạo nếp (nấu ăn).
Tinh thần mệt mỏi, xương khớp tê nhức: gà ác một con, táo tàu đen 10 quả, hoài sơn (củ mài) 15g, kỷ tử 10g, ý dĩ 30g, vài củ hành tím, gia vị vừa đủ. Gà làm sạch, để nguyên con. Hành tím bóc vỏ, nướng chín; ý dĩ ngâm nước cho nở; ngâm táo tàu 10 phút, vớt ra để ráo. Đặt gà vào thố sứ, cho táo và ba vị kia vào, đổ nước vừa bằng, đậy nắp thố, chưng cách thủy chừng một tiếng rưỡi. Nêm ít đường, muối, rồi thả hành tím nướng vào. 30 phút sau ăn được, rắc ít tiêu bột cho thơm. Ăn nóng, mỗi ngày một lần, từ 7 - 10 ngày.
Suy nhược cơ thể, ho lao, sau khi đẻ gầy yếu: gà mái một con, gạo lứt 100g. Mổ gà, bỏ ruột, nấu lấy nước đặc. Cho gạo lứt đãi sạch vào nồi, đun lửa to, sau nhỏ dần. Nấu cháo loãng, nêm gia vị vừa ăn. Ăn nóng hai bữa sáng, tối.
Chữa đầy bụng: màng mề gà 10g, lá lốt 30g, mộc hương 20g. Các vị thuốc này sao vàng, tán bột, cho bệnh nhân uống ngày 3 lần, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội.
Chữa sỏi mật: màng mề gà 15g, kim tiền thảo 30g, nghệ 15g, hoàng liên 6g, đại hoàng 6g, trần bì 15g, cam thảo 10g. Những vị này sắc lấy 200ml nước thuốc đặc, chia 3 lần uống trong ngày và uống kiên trì nhiều ngày.
Chữa bệnh trĩ, lòi dom: gà mái già hầm với 15g hà thủ ô, cho một chút nước vừa đủ hầm cách thủy 2 giờ trở lên, ăn cả nước và cái. 2, 3 ngày ăn 1 lần. Tác dụng hòa khí hoạt huyết giữ cho tử cung khỏi sa, khỏi trĩ.
Chữa thiếu máu do thiếu sắt (phụ nữ mang thai, sinh đẻ): màng mề gà 10g, thổ đại hoàng 30g, đan sâm 15g sắc lấy 150ml nước thuốc đặc, chia 2 lần uống trong ngày, uống khoảng 15 ngày.
Chữa chứng mất ngủ: gan gà 1 bộ, bạch thược 60g tán bột rắc đều vào gan gà đem hấp cách thủy, khi chín cho bệnh nhân ăn, ngày 1 lần.
Chữa ho gà: gà 1 con nhỏ 400g, bối mẫu 3g, củ cải trắng 100g. Gà làm sạch mổ moi bỏ nội tạng, bối mẫu tán bột mịn, củ cải trắng rửa sạch cắt nhỏ, cho tất cả vào bụng gà khâu kín đem hấp cách thủy, khi chín chia 2 lần cho bệnh nhân ăn trong ngày, ăn 3 ngày liền sẽ thấy hiệu quả.
Lưu ý: người có cơ địa mẫn cảm, dị ứng như hen suyễn, phong thấp dễ có phản ứng mẩn ngứa, nổi ban, khó thở khi ăn da gà, gan gà; khi làm các món gà kho, gà hầm, thêm gừng tươi đập dập hoặc thái mỏng làm gia vị và giải mẫn cảm theo kinh nghiệm dân gian.
SK&ĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét