Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Di tích Lịch sử – Văn hóa Miếu Quan Thánh Đế quân

Miếu Quan Đế được xây dựng tại khu phố 4, phường III, thị xã Tây Ninh.
Người Hoa Phước Kiến (Quảng Đông, Trung Quốc) trong quá trình lưu tán di chuyển qua nhiều địa điểm ở đàng trong và cùng người Việt tụ cư ở thị xã Tây Ninh vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Cùng với những phong tục của người Hoa được bảo lưu – Người Hoa Tây Ninh lập miếu thờ Quan Đế mà người Việt thường gọi là Chùa Ông.
Quan Công là một nhân vật trong thời Tam Quốc (Ngô, Ngụy, Thục) ở Trung Quốc và được xem như là người “vạn cổ nhất nhân” tượng trưng cho “đức, trí, dũng” và được người Hoa tôn sùng lập miếu thờ nhiều nơi. Miếu Quan Đế thị xã Tây Ninh xây dựng theo kiến trúc cổ, truyền thống Trung Hoa. Toàn bộ công trình được kiến trúc khép kín theo hình chữ Quốc, dài 23m, rộng 20m (chu vi 86m). Mặt cắt dọc hình chữ Nhị. Ở giữa có sân nắng (giếng trời – theo quan niệm của người Hoa). Cột gỗ tròn, vách gạch, mái lợp ngói âm dương và ngói mũi hài sơn màu vàng, đỏ.
Quan Thánh Đế quân (Chùa Ông Phước Kiến)Ảnh: Quan Thánh Đế quân (Chùa Ông Phước Kiến)
Chính giữa miếu thờ tượng Quan Công cao 0,5m, trong tư thế một tay vuốt râu, một tay cầm quyển sách – Hai bên tả, hữu thờ tượng Châu Xương và Quan Bình. Hai gian bên thờ mẹ Sinh, mẹ Độ và Thần tài.
Bàn thờ Quan Công trong miếuẢnh: Bàn thờ Quan Công trong miếu
Gian chính được bài trí trang nghiêm và lộng lẫy bởi các đồ thờ tự, bát bửu, lư hương và các mảng chạm khắc, đều có tuổi trên 100 năm.
Sân vườn trước miếu rộng, có hồ bán nguyệt, trồng sen và nhiều cây cảnh quý hiếm.
Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng và 26/4 âm lịch tổ chức cúng lễ. Đông đảo cộng đồng người Hoa đến cúng bái.
Miếu Quan Đế đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 271/QĐ-CT ngày 27/12/2001 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Theo Bảo tàng tỉnh Tây Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét