Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Hương Cà na

Mỗi độ nước nổi tràn về đồng, hương lúa chín thơm ngào ngạt, cũng là lúc những trái cà na bắt đầu chín, vị chua thanh của nó khiến nhiều người mong đợi, tuy dân dã nhưng lại khó quên với ai đã từng một lần ăn cà na.
Những ngày này, chạy dọc theo tuyến đường thuộc các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng rất dễ bắt gặp những thau cà na xanh căng tròn được nhiều người phụ nữ thôn quê bày bán ven đường.
Để có được cà na ngon, anh Quá phải chịu khó chèo ghe ra sông tìm, rồi leo lên những nhánh cây cheo leo mé sông để hái trái cà na.
Để có được cà na ngon, anh Quá phải chịu khó chèo ghe ra sông tìm, rồi leo lên những nhánh cây cheo leo mé sông để hái trái cà na.
Cà na là loại cây chịu nước, người dân thường trồng cà na để be bờ giữ lại đất tại các bờ sông, con kênh. Có nhiều người đã đem cà na về trồng trên các gò, nhưng những cây cà na này thường cho ít trái, nếu có thì trái tương đối nhỏ.
Vì vậy, để có được những trái cà na căng tròn, người dân phải chèo ghe dọc theo bờ sông để hái, “mà khổ một nỗi, trái chỉ có nhiều ở phía sông, chứ trên bờ thường ít trái và nhỏ hơn, chát hơn trái mé sông”- anh Quá (30 tuổi) một người chuyên hái cà na ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, Bến Cầu chia sẻ.
Những trái cà na căng tròn có màu xanh nhạt, dài hơn lóng tay người lớn, có vị hơi chua chát khi còn sống. Trái cà na có thể ăn sống với muối ớt, hay mắm đường để lại vị chua chua, hơi chát nơi đầu lưỡi.
Nhưng quen thuộc nhất vẫn là cà na ngào đường, món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng lại là cả một kỳ công, bởi làm thế nào để cà na ngấm đều và không bị nát thì phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề và kinh nghiệm của người ngào.
Trẻ vùng quê rủ nhau đi hái cà na.
Trẻ vùng quê rủ nhau đi hái cà na.
Ngoài ra, cà na có thể được dùng làm rượu với hương vị thơm, thanh rất đặc biệt. Rượu cà na là một món khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây, nhưng tại Tây Ninh thì rất ít người biết làm. Chị Liễu (40 tuổi), đã có 6 năm kinh nghiệm buôn bán cà na ở xã Bình Thạnh (Trảng Bàng) cho biết: “Rượu cà na là món ngon nhất, nhưng cũng khó làm nhất, vì món này chỉ người miền Tây biết cách làm. Sau này, dân mình mày mò học theo làm, nhưng mà không ngon như cách làm truyền thống từ lâu của họ”.
Vào dịp nở rộ, cà na sống được chào bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, tùy vào độ to nhỏ của trái. Riêng cà na ngào đường có giá giao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg.
Cà na là loại cây mọc tự nhiên, được xem như cây rừng. Trái cà na tương đối nhỏ, vỏ không đẹp mắt khi hái để lâu, nên nhiều người kinh doanh bắt đầu dùng hoá chất để ngâm cho trái cà na to hơn, bóng đẹp hơn.
Cà na ngào đường, quà vặt của tuổi thơ.
Cà na ngào đường, quà vặt của tuổi thơ.
Chị Liễu chia sẻ: Những trái cà na ngâm thuốc có thể để được từ 5 – 6 ngày, màu vẫn như mới hái xuống, trái to đều như nhau, nên thu hút người mua. Ngoài ra, cứ 1kg cà na, khi ngâm thuốc sẽ tăng thêm trọng lượng từ 200 – 300 gram. Ham lợi nhuận cao nên nhiều tiểu thương bất chấp sự nguy hại đối với sức khoẻ người tiêu dùng.
Những trái cà na đã ngâm thuốc, thịt thường mềm, bở hơn cà na chín cây, khi ăn vào cảm giác xốp và vị chua không còn thanh.
Dưới cái nắng oi ả của xứ Trảng, những người khách qua đường cứ lần lượt ghé vào gian hàng của chị Liễu, có người chọn mua cà na đã ngào đường, có người mua cà na sống rồi nhanh tay chấm chút muối ớt cho vào miệng nhai chầm chậm để thưởng thức hương vị chua thanh, hòa lẫn vị cay của muối, để nhớ đến một thời tuổi thơ đã qua…
Theo Vũ Nguyệt (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét