Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Trận đánh Bến Trường Đổi 150 năm trước

Trong trận đánh  ngày 7.6.1866. Nghĩa quân đã chọn lúc chiều tối để dẫn quân khiêu khích địch ở “cách thành chỉ 2 dặm về phía tây bắc ven rừng” – chính là vị trí  ở cuối đường Phan Châu Trinh (TP. Tây Ninh) hiện nay.
Núi trước mặt bến sông Trường Đổi.
Núi trước mặt bến sông Trường Đổi.
Kể từ tháng 6.1862, Tây Ninh cũng là vùng đất căn cứ địa cho nhiều cuộc dấy binh chống Pháp. Khâm Tấn Tường lập cứ địa ở phủ An Cơ (Hảo Đước); Lãnh binh Tòng, Lãnh binh Két đánh giặc ở vùng Trảng Bàng, Bến Cầu… Các sử gia thực dân Pháp cũng phải thừa nhận chuyện này. Cuốn “Lịch sử xưa và nay của An Nam, Bắc Kỳ và Nam Kỳ” có đoạn: “Trong lúc De La Grandière lo sắp đặt việc hành chánh ở ba tỉnh miền Đông, dân chúng không đầu phục nên có nhiều cuộc đánh phá khắp nơi”.
Nổi bật nhất trong các cuộc chiến đấu kể trên là của một người trẻ tuổi nhất – Trương Quyền, con trai Bình Tây đại nguyên soái Trương Định. Năm ấy Trương Quyền mới khoảng 20 tuổi. Sau khi cha hy sinh, ông đưa quân khởi nghĩa cơ động linh hoạt ở nhiều nơi, cả miền Tây và miền Đông Nam bộ, chủ động tiến công giặc từ Thuận Kiều, Gia Định lên Bà Điểm, Hóc Môn cho tới Trảng Bàng, Truông Mít và Thị xã, Châu Thành trên đất Tây Ninh. Nghĩa quân Trương Quyền đặc biệt mạnh lên khi liên kết với ông Hoàng Pu-Kôm-Pô người Khmer, thành liên quân Trương Quyền – Pu-Kôm-Pô. Về liên quân này đã có nhiều bài nghiên cứu. Nhưng đáng tin hơn cả do có nguồn trích dẫn tư liệu đầy đủ là bài “Trương Quyền- người anh hùng đất Gò Công” của tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm “Chống xâm lăng” của giáo sư Trần Văn Giàu. Theo Nguyễn Thành Long thì liên quân này có từ năm 1865. Lúc ấy, Pu-Kôm-Pô đã 51 và Trương Quyền mới 20 tuổi, ông viết: “Liên quân lúc này có khoảng 3.000 quân, đủ các chủng tộc: Việt, Khmer, Stiêng, Thượng… có cả lính Tagals đào ngũ sang theo nghĩa quân”. Trận bến Trường Đổi đến ngày 7.6.1866 mới diễn ra nhưng theo Nguyễn Thành Long, trước đó 4 ngày đã có chuyện: “Ngày 3.6.1866 được tin Trương Quyền và Pu Kăm Pô đem 400 quân đánh đồn Tây Ninh, Đại uý Larclauze chỉ huy đại đội quân Pháp (150 quân) giữ đồn Tây Ninh, đem khoảng một trung đội (30 quân) đến dụ hàng Pu Kăm Pô, Trương Quyền và Pu Kăm Pô giả vờ ưng thuận”. Và trận đánh nổi tiếng này đã diễn ra ngày 7.6.1866.
Tác phẩm “Chống xâm lăng” của giáo sư Trần Văn Giàu có mô tả kỹ về trận này, xin trích dẫn: “Nhưng thình lình ngày 7.6.1866 vào gần chiều tối thì Pô-kum-pao (tức Pô-Kôm-Pô) xuất hiện ở hữu ngạn rạch Tây Ninh, nhắm thành Tây Ninh mà tiến vào. Lắc-cơ-lô-zơ cưỡi ngựa trắng cùng quân lính ra ứng phó. Quân Pô-kum-pao cách thành chỉ 2 dặm về phía tây bắc ở ven rừng, dàn trận vòng cung mà nghĩa quân gọi là trận hình sừng trâu. Trong lúc đó thì tên quan ba địch là Pi-nô đem quân tiếp viên, vừa qua cầu và vừa đóng cổng cầu thì một cánh quân khởi nghĩa đã đến trước mặt chúng, cờ trắng đi đầu, vừa ứng chiến vừa cắt đường rút lui của Lắc-cơ-lô-zơ. Hai bên nổ súng, toán quân của Pi-nô chạy tháo về đồn. Quan ba Lắc-cơ-lô-zơ bị bao vây. Cuộc chiến đấu xảy ra rất ngắn, 7 giờ tối, tổng số 21 lính Pháp đi theo chủ tướng chỉ còn có 9 người chạy bán sống bán chết về đồn, trong đó đã có 3 người bị thương; 11 người với sĩ quan Lắc-cơ-lô-zơ bị giết tại trận trong một cuộc giáp chiến không đầy nửa giờ. Quân khởi nghĩa đóng bên kia rạch để giám thị sự hoạt động của quân Pháp trong thành Tây Ninh phía tả ngạn. Cung nỏ, gan dạ và cận chiến đã đem lại một trận thắng đầu tiên rất có ảnh hưởng. Địch cố thủ trong thành. Chúng khiếp sợ đến đỗi trong vòng 30 giờ đồng hồ, thây của Lắc-cơ-lô-zơ và các sĩ quan binh lính khác “bị để mặc cho diều ăn quạ mổ” (lời của Đu.mec). Có lần chúng cả gan ra tìm thây, ấy là ngày 7, chín giờ sau cuộc chiến đấu; quan ba Pi-nô có kéo quân sang cầu nhưng qua khỏi cầu thấy dạng nghĩa quân núp sau cây thì chúng khiếp sợ xô nhau mà chạy về đồn, chỉ mang được xác thiếu uý Lơ- xa vì xác này nằm kề đầu cầu! Gan thật!” (quyển Les- lères annèes de la cochinchine của Andre Baudrit).
Về cách đánh, nghiên cứu chiến lệ các trận đánh của liên quân tại Tây Ninh, cũng như nhiều nơi khác, có thể thấy liên quân đã triệt để tuân theo kế sách của người xưa, như Nguyễn Trãi từng viết trong bài cáo Bình Ngô: “Thế trận xuất kỳ, lấy yếu đánh mạnh/ Dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều”. Tác giả Vương Công Đức trong “Trảng Bàng phương chí” cũng có trích đoạn một số tài liệu, báo chí từ phía Pháp. Như một báo cáo của tri huyện Quang Hóa gửi về phủ Tây Ninh có đoạn mô tả về một trận đánh ở Trảng Bàng: “Nghĩa quân, người người miệng ngậm tăm, tay cầm sẵn gươm đao nằm im, đến giờ ngọ chờ cho quân Pháp, đi bố quay về chủ quan không phòng bị, Quyền cho quân bất ngờ xông ra chặn đầu, chặn đuôi, kẻ đâm, người chém, quân Pháp bất ngờ, trở tay không kịp bị chết gần hết, chỉ còn lại mấy tên liều chết bảo vệ chỉ huy chạy được về đồn”. Những mô tả của một phóng viên Pháp theo chân quan năm Marchaise từ Sài Gòn lên vùng rạch Vịnh tiễu trừ liên quân sau trận Trường Đổi lại càng đáng để ý hơn về những cách đánh linh hoạt, tài tình của nghĩa quân với việc tận dụng địa hình rừng, trảng, thậm chí dùng cả ong và kiến làm vũ khí- điều mà sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) quân dân ta cũng đã áp dụng. Nhật báo Pháp ở Sài Gòn tường thuật: “Ngày thứ ba của cuộc hành quân, quân ta vừa tụ lại dưới một tán cây to mà dân bản địa gọi là “cây cầy”, chúng tôi bị bầy ong tiến công, binh lính chạy tán loạn, nhiều người mặt mũi sưng vù. Nhưng cái sợ hơn là phiến quân (chỉ liên quân), chúng như ma quỷ hiện hình, chỉ nghe một tiếng “phực” thì một binh sĩ của ta giãy chết vì trúng phải mũi tên tẩm thuốc độc… Đến sáng ngày thứ sáu của cuộc hành quân, khi một cánh quân ta vừa đến gần một bìa trảng, bất thình lình phiến quân từ dưới đất chui lên, từ trên cây nhảy bổ vào quân ta… Lạy chúa, xung quanh tôi có đến 6 người bị gục ngã giãy giụa. Một số khác chạy ra một trảng trống định dùng súng chống cự, nhưng họ chưa kịp phản ứng thì không rõ từ đâu hàng trăm mũi tên lao vút vào họ. Trong số bị trúng tên, có ngài quan năm Marchaise…”.
Trở lại trận bến Trường Đổi ngày 7.6.1866. Nghĩa quân đã chọn lúc chiều tối để dẫn quân khiêu khích địch ở “cách thành chỉ 2 dặm về phía tây bắc ven rừng” – chính là vị trí bến Trường Đổi ở cuối đường Phan Châu Trinh (TP. Tây Ninh) hiện nay. Trong khi lực lượng chính của Pháp do đích thân quan Tham biện chủ địa hạt Tây Ninh lúc ấy là Lắc-cơ-lô-zơ chỉ huy dẫn ra ứng chiến còn chưa biết tình hình chiến trận ra sao thì quan ba Pi-nô đưa thêm quân tiếp viện, khi chúng vừa qua cầu lại đã có ngay một cánh quân khởi nghĩa đến đánh chặn ở ngay đầu cầu khiến chúng phải rút chạy về đồn. Lúc này đã hình thành thế trận bao vây với đội hình chính của quan Tham biện Pháp. Kết cuộc như ta đã biết: 12 quan lính cùng quan Tham biện đã thiệt mạng, chỉ còn 9 tên chạy được về đồn. Trận đánh tuy không lớn nhưng rõ ràng nó có ý nghĩa to lớn cổ vũ tinh thần nghĩa quân. Rằng ta có thể đánh thắng và tiêu diệt giặc. Để chỉ 8 ngày sau, nghĩa quân lại tự tin đón đánh đội quân tiễu trừ của Pháp, do đích thân quan năm Marchaise chỉ huy từ Sài Gòn lên tại rạch Vịnh và đã chiến thắng lẫy lừng hơn (như lời mô tả của phóng viên báo Le Monde).
Bến Trường Đổi nay thuộc khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh. Thật dễ tìm thấy địa điểm này, vì nó ở ngay cuối đường Phan Châu Trinh ven rạch phía hữu ngạn, cách cầu Quan chỉ hơn 1km. Mặc dù ở đoạn cuối đường, nhà dân hầu như đã lấp đầy phía bờ sông nhưng ở ngay vị trí bến thì không! Là nhờ có một gia đình đã chuyển nhượng cả đoạn dài đất đai quanh cái bến xưa để làm khu sinh thái. Ngay cạnh khu đất này là xóm Chăm – một phần của thôn Đông Tác xưa có từ năm 1857. Theo ghi chép điền dã của ông Huỳnh Minh thì ở đây vốn có một cái chợ, là nơi đổi chác, bán mua hàng hóa giữa người Chăm và người Kinh, nên mới có tên là Trường Đổi. Cái chợ này (nếu có) nay đã không còn. Nhưng vẫn còn đây một khu địa thế phức tạp đầy các ao chuôm, gò đống, hố hầm được quây lại trong khu sinh thái. Cũng cần nói ngay rằng, khu sinh thái này – do chủ nhân của nó “lực bất tòng tâm” nên giờ vẫn còn hoang vu quạnh vắng, chưa trở thành một nơi hấp dẫn mọi người. Những lều lán từng dựng lên đã rệu rã hoặc sụm xuống bởi thời gian. Nhưng vẫn còn kia các bụi cây gừa, cây sanh đã khép tán, xoắn bện thân cành vào nhau tạo nên các hình thù kỳ lạ. Vẫn còn kia bờ tràm nước thân cỡ một người ôm xác xơ tróc vỏ mà vẫn hiên ngang như một lũy thành. Trước mặt là một dòng sông uốn quanh, xao xác gió. Và xa hơn là dáng núi Bà Đen sáng xanh kiêu hãnh, như đột khởi từ mặt nước mọc lên. Dưới bóng cây rậm rì đan bện, giữa không gian lao xao gió nước, tưởng như vẫn còn quanh quất đâu đây hình bóng người xưa từ 150 năm về trước. Là hình ảnh nghĩa quân lao xuống, vọt lên nhắm vào đầu giặc, hay là hình ảnh của phiên chợ đổi chác trao tay trên bến, dưới thuyền.
Theo Trần Vũ (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét