Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, nghề làm bánh ngũ sắc truyền thống Kim Long (phường Kim Long, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) lại tất bật vào mùa…
Thơm mùi bột đậu xanh
Theo tìm hiểu, vùng đất Kim Long vốn nổi tiếng với nhiều món ăn truyền thống như mứt gừng, bánh su sê… Tuy nhiên, có một thứ bánh đặc trưng đó là bánh ngũ sắc hay bánh “cộ”.
Bánh ngũ sắc thực chất là bánh in được gói bằng giấy bóng năm màu (vàng, cam, đỏ, hồng, xanh) nên còn được gọi là bánh in ngũ sắc. Đây là loại bánh để dâng cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên trong các lễ cúng bái, Tết Nguyên đán.
Bánh in có từ thời các vua Nguyễn, cách đây khoảng mấy trăm năm. Ngày xưa, các bậc vua triều Nguyễn thường thích dùng loại bánh làm từ bột đậu xanh và đường do người dân Kim Long làm để ăn kèm khi uống trà.
Cũng theo người dân, chiếc bánh được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Lúc giáp Tết Nguyên đán, vua ngồi bên chén trà nhưng thấy thiếu thiếu thứ gì đó. Do vậy, vua bèn sai các vị bô lão làng Kim Long về làm thứ gì đó vừa rẻ vừa ngon để vua uống với trà. Và bánh in “tiến vua” được ra đời từ đó.
Chưa đầy nửa tháng nữa sẽ đến Tết cổ truyền của dân tộc, do vậy, những hộ dân làm bánh ngũ sắc cũng tất bật sản xuất để phục vụ thị trường Tết.
Những ngày cuối năm, chỉ cần đi ngang qua các cơ sở sản xuất bánh in cũng có thể cảm nhận được hương vị của chiếc bánh lan tỏa khắp nơi, như chờ đợi cái Tết đang về.
Ghé thăm cơ sở sản xuất bánh in của bà Mai Thị Hậu (55 tuổi, ở tổ 8, phường Kim Long), chúng tôi nhận thấy mọi người đang hối hả làm việc, tạo ra những chiếc bánh in đủ màu, mỗi người mỗi công đoạn riêng.
Bà Hậu, người có thâm niên làm bánh ngũ sắc hơn 20 năm, cho biết: “Đây là một nghề truyền thống của phường, tuy thu nhập không cao nhưng cũng góp phần tạo thêm việc làm cho người dân. Ngày nay, chúng tôi dùng máy móc để nhào trộn bột nên cũng đỡ cực hơn”.
Nếu như những năm trước, các hộ dân làm bánh phải giã đậu xanh bằng tay thì bây giờ đã có những máy móc hỗ trợ rang, xay, giã bột nhưng công đoạn in, gói bánh vẫn thực hiện bằng tay.
Để cho ra được những chiếc bánh in đẹp đẽ, người thợ làm bánh ngũ sắc phải qua nhiều công đoạn vất vả và đòi hỏi sự cẩn thận. Đầu tiên là chọn đậu xanh, rang đậu để làm bột bánh; rồi đánh bột với đường theo tỉ lệ 1 lon đậu 2 lon đường.
Tiếp theo là nhào bột đều cho tơi rồi đem in, xong một mẻ thì cho vào lò để sấy, khoảng 20 tiếng sau thì gói bánh hoặc xếp thành tháp bánh…
Bà Hậu cho biết thêm: “Một ngày, lò bánh của gia đình tôi làm ra khoảng 5.000 chiếc. Một gói bánh đóng 50 chiếc, bán với giá 35.000 đồng, tháp 5 tầng giá 25.000 - 30.000 đồng, tháp 12 tầng giá 120.000 - 150.000 đồng. Bánh có nhiều loại kích cỡ tháp khác nhau, tháp cao nhất khoảng 14 tầng. Nhìn vào hình dáng có thể nhận ra có các loại bánh như bánh tầng, bánh gói và hạt sen…”.
Tận mắt chứng kiến những người thợ làm bánh mới thấy hết sự chuyên nghiệp của họ, người thợ in với bàn tay nhanh thoăn thoắt như chiếc máy tự động in ra từng chiếc bánh đậu xanh đầy đặn với họa tiết đơn giản. Một chiếc bánh ngon phải có độ thơm, giòn tan và để cả năm không bị hư.
Thuê thêm người làm
Theo người dân, nghề làm bánh bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch nhưng bận rộn nhất là tháng Chạp, vì những ngày này nhu cầu dùng bánh ngũ sắc của người dân rất lớn, bánh để cúng tất niên, cúng giao thừa, chưng trên bàn thờ ngày Tết.
Vào dịp này, nghề làm bánh ngũ sắc rất bận rộn, người làm bánh phải thức dậy từ lúc 5h sáng để pha chế nguyên liệu đến 19h thì hoàn thành mọi công việc. Ghé thăm Kim Long những ngày này sẽ nghe âm thanh rộn rã tiếng chày của máy giã bột và mùi thơm phức của bột đậu xanh.
Do nhu cầu đặt bánh tăng gấp hàng trăm lần so với ngày thường nên các hộ thường thuê thêm nhân công để phụ giúp. Bà Hồ Thị Kim Liên, một trong những hộ gia đình ở Kim Long còn theo nghề làm bánh ngũ sắc cho biết, trong dịp Tết, mỗi ngày gia đình bà làm tới mấy nghìn chiếc bánh. Lúc cao điểm làm bánh phục vụ Tết gia đình bà còn phải thuê thêm mấy người trong xóm cùng làm.
Chị Võ Thị Thanh Thúy (31 tuổi) cho biết, hơn 15 năm nay, cứ đến mùa làm bánh, chị thường xuyên làm cho nhà bà Liên với công đoạn chuyên gói bánh in.
Theo các cụ cao niên trong phường, hiện nay số cơ sở làm bánh giảm dần, chỉ còn khoảng hơn 15 cơ sở sản xuất cung ứng ra thị trường, trung bình một hộ làm ra khoảng 5.000 - 6.000 chiếc bánh/ngày. Bởi việc cạnh tranh thị trường khốc liệt, công việc vất vả, chưa kể sản phẩm làm ra bán với giá thấp.
Tuy nhiên, vì muốn giữ nghề truyền thống của ông cha, nhiều hộ dân vẫn cố gắng sản xuất, làm ra những chiếc bánh ngày xưa vua chúa Nguyễn từng thưởng thức.
Hàng trăm năm nay, từ hạt đậu xanh của người nông dân, qua bàn tay tài tình của người dân Kim Long thì bánh ngũ sắc được đem cúng trên bàn thờ tổ tiên. Chiếc bánh thơm ngon và vị bùi của đậu và ngọt của đường như ẩn chứa trong đó hương vị quê nhà. Chính họ, những người dân Kim Long đang lưu giữ nét văn hóa ẩm thực của Huế để làm cho cái Tết thêm nhiều ý nghĩa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét