Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

Bữa cơm tất niên chiều cuối năm!

Nhất Huỳnh 

(Dân Việt) Trưa ngày 30 Tết, khi những nén nhang đã cháy hết, cả nhà từ từ bưng mâm cỗ từ bàn thờ xuống, sum vầy bên mâm cơm chiều ngày cuối cùng của năm cũ. Cứ như thế, biết bao những lo toan thường ngày tan biến, nhường chỗ cho niềm vui, tíu tít tiếng nói cười và cả giọt nước mắt cảm động yêu thương.

Trong cái se se lạnh của tiết trời tháng Chạp, ngồi nhìn xe cộ ngược xuôi, dòng người tấp nập, đường phố trang hoàng rực rỡ, có âm thanh rộn ràng của khúc nhạc chào năm mới, mai vàng rực rỡ thoang thoảng hương thơm, tôi chợt giật mình thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đã sắp đến. 

Sáng ngày ba mươi, tôi dậy thật sớm cùng cha lau chùi, trang hoàng bàn thờ tổ tiên với mâm ngũ quả, hoa tươi, đèn nến cùng một chậu mai vàng thật đẹp khiêng từ ngoài sân vào để chuẩn bị đón năm mới với hy vọng mọi điều tốt lành, may mắn sẽ đến. Mẹ và chị đi chợ, mua thêm các thứ cần thiết cho ba ngày tết, cũng như chuẩn bị cho bữa cơm với đầy đủ các món đặc trưng ngày tết của người miền Tây. Khi hoàn thành, tất cả được bày tươm tất lên đĩa, bát và sắp vào mâm rồi bê đặt lên bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên với tất cả lòng thành kính. 

Khi những nén nhang đã cháy hết, cả nhà từ từ bưng mâm cỗ từ bàn thờ xuống, sum vầy bên mâm cơm chiều ngày cuối cùng của năm cũ. Cứ như thế, biết bao những lo toan thường ngày tan biến, nhường chỗ cho niềm vui, tíu tít tiếng nói cười và cả giọt nước mắt cảm động yêu thương.
 bua com tat nien chieu cuoi nam! hinh anh 1
Những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà tổ tiên của người dân quê tôi (Nguồn: Internet)
Tôi luôn nhớ lời cha căn dặn rằng, đây là bữa cơm quan trọng nhất trong năm, là dịp mọi người trong nhà cùng nhau ngồi lại, quây quần bên nhau để tâm tình, trò chuyện sau một năm đầy lo toan, tất bật. Trong bữa cơm ấy, tôi và chị thường kể cho cha mẹ nghe rất nhiều chuyện, từ chuyện học hành đến cả chuyện bạn bè tình cảm; cha và mẹ thì ôn lại những câu chuyện xa xưa, kể về những người dòng họ, rồi nhắc nhở chúng tôi phải chăm chỉ học hành, gia đình dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng các con phải giữ tấm lòng trong sạch, thanh cao đồng thời lên kế hoạch trong ba ngày tết, khi nào đến chúc tết bên nội, khi nào bên ngoại rất rõ ràng.
Khi bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc cha tôi chuẩn bị lễ vật cúng giao thừa. Thời khắc giao thừa, năm nào cũng vậy, cha tôi thường cúng ngoài sân và trong cả nhà. Cha sắm sửa lễ cúng đơn giản với đĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Vừa sửa soạn, cha vừa giảng giải cho chị em tôi ý nghĩa của mâm cúng thể hiện khát vọng, ước mơ thật khiêm tốn là chỉ cầu xin cho có vừa đủ để chi tiêu nhưng lại kết bằng một cuộc sống thật sung túc, đủ đầy. 

Cha còn nói rằng, hiện nay việc cúng giao thừa ở quê mình đã bớt một số công đoạn cũng như giảm đi phần lễ. Nếu đầy đủ thì mâm lễ phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh tét, chè. Đặc biệt kèm thêm bắp cải thảo… Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Lúc đồng hồ gõ đủ 12 tiếng là lúc mọi nhà cùng đốt nhang khấn vái đất trời. Đó là những lời cám ơn trời đất vì một năm may mắn, ấm no, cám ơn những người khuất mặt đã phù hộ con cháu bình yên và cầu xin cho một năm mới đang đến mọi thứ tốt đẹp, hạnh phúc, bình an.
Sau lễ cúng giao thừa, cha mẹ tôi thường trao cho chị em tôi những phong bao lì xì đỏ tươi, lấy hên trong năm mới. Chị em tôi đón nhận những cái lộc đầu năm ấy bằng cả hai tay rồi lễ phép vòng tay trước ngực chúc những lời tốt đẹp nhất dành cho cha mẹ.
Thời gian trôi qua, bao nhiêu thứ rồi cũng nhạt nhòa dần nhưng bữa cơm tất niên trở thành phong tục, nét văn hóa đậm giá trị tinh thần ghi sâu đậm trong tiềm thức của tôi, của người Việt Nam. Bữa cơm tất niên không chỉ là bữa cơm đơn thuần mà trở thành sợi dây vô hình gắn kết tình cảm thân thương giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét