Nhất Huỳnh
(Dân Việt) Tảo mộ trước ngày Xuân là dịp con cháu đến chăm sóc mộ phần ông bà tổ tiên, một nét đẹp văn hoá được người dân quê tôi Vũng Liêm, Vĩnh Long gìn giữ từ bao đời nay. Vì vậy, cứ mỗi khi tết đến, xuân về, khoảng từ ngày 20 tháng Chạp là nhiều gia đình ở quê tôi đi “dẫy mả” (từ ở quê tôi sử dụng để chỉ việc tảo mộ).
Những ngày cận tết này, từ sáng sớm, người dân quê tôi tranh thủ mang dụng cụ: cuốc, xẻng, chổi, thùng, sơn, cọ... đến những phần mộ của tổ tiên, ông bà nhiều đời trước sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ, để chuẩn bị đón ông bà về sum họp với gia đình trong 3 ngày Tết.
Công việc đầu tiên của tảo mộ là người ta dùng xẻng, cuốc dẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ. Theo suy nghĩ của bà con là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Khi đã làm sạch cỏ, với những nấm mồ đất, người ta đắp lại cho đầy đặn, còn những mộ xây gạch thì vét vôi, sơn lại cho sạch đẹp. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng cũng được cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này.
Đi tảo mộ (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Trong ngày Tảo mộ, trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để nhắc cho trẻ sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa, tất bật với cuộc mưu sinh, nhưng cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình. Do đó, theo sau phong tục tảo mộ, người dân quê tôi còn có tục rước ông bà vào đúng trưa ngày 30 tháng Chạp và vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3. Với tất cả lòng thành kính, thiêng liêng, con cháu làm mâm cơm chu đáo đặt lên bàn thờ, cúng gia tiên. Ngày tiễn đưa ông bà thường là ngày cuối cùng của những ngày Tết, để con cháu dùng chung bữa cơm gia đình trước khi quay về thành phố tiếp tục công việc thường ngày.
Tảo mộ mỗi dịp Tết đến, xuân về là một việc làm hết sức ý nghĩa của người dân quê tôi và cũng là của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Phong tục “chạp mả làng” ngày cận tết ở miền Tây Nam bộ
Hai Miệt Vườn
(Dân Việt) Từ suy nghĩ đến hành động, người miền Tây để lại những nét văn hóa sống độc đáo mà giá trị nhân văn của nó còn to lớn hơn nhiều. Trong số những nét đẹp ấy có phong tục "chạp mả làng" và "cúng cô hồn" ngày tết.
Khi đặt chân đến vùng đất mới khai hoang lập nghiệp dựng nhà lập xóm, người bình dân miền Tây Nam bộ gặp phải biết bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Cùng với bão lụt và bệnh tật, không ít người bỏ mình khi họ tìm kế mưu sinh, khẩn hoang, mở đất cho con cháu hôm nay. Cũng vì thế, hiện tượng xiêu mồ lạc mả là chuyện khá phổ biến. Nhiều ngôi mộ đất chôn vội ở chòm mả cuối xóm chỉ được một vài năm bị mưa gió xói mòn sẽ thành mả lạn rồi chừng chục năm sau thì kiếp người đã hoàn toàn về với đất.
Tảo mộ cúng ông bà ngày tết (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Người miền Tây trọng nghĩa, hơn thế, đối với người đã khuất, nghĩa tử là nghĩa tận. Khi sống họ đối với nhau theo quan niệm tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần, thì đối với người bất đắc kỳ tử chịu cảnh bơ vơ, lẽ nào họ lại nhắm mắt khoanh tay.
Khi tiết trời se lạnh, mưa đã ngừng hẳn, từ đầu tháng Chạp người ta đã bắt đầu công việc chuẩn bị tết. Ngoài chuyện chuẩn bị nếp, đậu để gói bánh tét, chuẩn bị vần công quết bánh phồng hay tát đìa bắt cá dự trữ,… công việc không thể thiếu là tảo mộ ông bà. Con cháu hẹn nhau một ngày nào đó rồi cùng nhau làm sạch cỏ trên mộ, đắp đất, sửa sang lại, để ông, bà, cha, mẹ có ngôi nhà mới ăn tết!
Còn những ngôi mộ không con cháu thân thích thì chịu cảnh dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh! (lời thơ của Nguyễn Du)
Thế là đến chiều những ngày cuối năm. Thường là sau ngày tiễn Ông Táo trở đi, nếu ngôi mộ nào chưa được sửa sang (đánh dấu bằng miếng giấy vàng bạc dằn cục đất lên trên), thì sẽ có đám trai làng kéo nhau đến. Người giẫy cỏ, người đắp đất để người bên kia được ấm lòng trong mấy ngày tết. Tục đó gọi là chạp mả làng.
Theo quan niệm của người dân thì ông bà mình đã yên mồ đẹp mả bởi đã có con hiền cháu hiếu lo lắng. Còn đối với những số phận bất hạnh, người ta cũng sẵn lòng, dù việc làm ấy chỉ mang ý nghĩa về tinh thần là nhiều hơn. Một giá trị nhân văn mà lưu dân xa xứ đến đây khai hoang khẩn hóa đã truyền lại cho con cháu tận hôm nay.
Về quê tảo mộ ông bà ngày tháng Chạp
Bài và ảnh: Hoàng Lê
(Dân Việt) Tục tảo mộ quê tôi thường kéo dài từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp, tùy theo mỗi gia đình ấn định thời gian để tập hợp con cháu mình tề tựu về cho đầy đủ. Đối với gia đình tôi, ba tôi chọn ngày 23, vì ba tôi nói quét mộ ông bà xong rồi luôn tiện làm lễ đưa ông Táo về Trời.
Như thành thông lệ, cứ đúng ngày ấy, anh em chúng tôi lại sắp xếp về quê để tảo mộ tổ tiên. Đối với người dân Vĩnh Long quê tôi, ngày tảo mộ là 1 ngày rất thiêng liêng, là dịp để con cháu tụ hội về quê quây quần bên những ngôi mộ của ông bà, làm cỏ sạch sẽ, sơn phết mộ cho mới để ông bà đón xuân.
Nhớ lại ngày tảo mộ những năm qua, sáng sớm, ba tôi giục chúng tôi thức dậy để chuẩn bị làm nhiệm vụ quan trọng của mình trước thềm năm mới. Chúng tôi đứa cầm dao, đứa cầm leng; ba tôi thì đã chuẩn bị sẵn thùng nước sơn để sơn mộ lại cho mới. Trong lúc làm cỏ, ba tôi thường kể cho chúng tôi nghe những kỉ niệm của ông bà tổ tiên khi còn sống. Anh em tôi chăm chú lắng nghe những điều thật thú vị về ông bà, có khi ba nhớ lại những hồi ức đau buồn mà ông bà tôi đã nhắn gửi trước lúc đi xa. Lời kể của ba thật xúc động, nghẹn ngào làm cho anh em chúng tôi muốn rơi nước mắt.
Chăm chỉ làm cỏ, quét sạch mộ cho ông bà (Ảnh: Hoàng Lê)
Sau khi đã làm cỏ sạch xung quanh ngôi mộ, ba tôi dùng các loại lá cây có sẵn trong vườn bó lại thành 1 bó để làm chổi quét. Vì theo tục lệ quét mộ của người dân quê tôi, không được dùng cái chổi quét nhà để quét mộ ông bà, nếu có dùng chổi thì phải là chổi mới, chưa từng được quét. Ba tôi thì tỉ mỉ dùng cái cọ nhỏ quét từng vệt nước sơn vào thành mộ, vì lâu ngày chịu đựng gió mưa, nước sơn đã tróc sờn, cũ kĩ.
Thường công việc quét mộ của gia đình tôi chỉ tầm 2 giờ là hoàn thành; ba tôi sai tôi lấy 1 cái mâm, để lên 1 đĩa bánh, 3 ly nước trà, thắp lên 1 nén nhang để cúng ông bà ngày tảo mộ. Ba tôi khấn nguyện điều gì, tôi nghe không rõ lắm nhưng đại loại là cầu mong ông bà đón Tết vui vẻ nơi suối vàng. Khi nhang cháy hết, ba tôi chia cho anh em tôi mỗi đứa 1 cái bánh, ba nói rằng ăn bánh này sẽ được ông bà tổ tiên phù hộ, ban cho những điều may mắn trong suốt 1 năm.
Niềm vui, sự phấn khởi khi việc tảo mộ đã hoàn thành (Ảnh: Hoàng Lê)
Cứ như thường lệ, 23 tháng Chạp năm nay tôi cũng sẽ về quê hương để tảo mộ ông bà. Dù công việc quét mộ cũng được tiến hành như cũ, không có thay đổi gì, nhưng trong lòng tôi vẫn luôn cảm thấy nôn nao khó tả. Đối với tôi và đối với người dân quê tôi, ngày tảo mộ là 1 ngày trọng đại để thể hiện lòng biết ơn, nhớ tới những người đã khuất. Chính vì lẽ đó, việc tảo mộ càng chứng tỏ được ý nghĩa sâu sắc, thể hiện trong câu ca dao:
“Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét