Không phải là nơi xuất xứ nhưng Sài Gòn là thành phố chứng kiến bao thăng trầm của loại hình kịch hát có nguồn gốc từ Nam Bộ.
Trình diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Cải lương lần đầu có mặt ở Sài Gòn năm 1920
Theo sách Hỏi đáp về Sài Gòn - TP HCM (tập 3 Văn hóa, nghệ thuật - NXB Trẻ), vào những năm 1915-1920, nhiều gánh hát được thành lập ở Mỹ Tho, Sa Đéc, Sóc Trăng và lên trình diễn ở Sài Gòn.
Trên thực tế các gánh hát đã diễn cải lương nhưng về danh nghĩa thì chưa một gánh nào chính thức dùng danh từ cải lương, như gánh của thầy Thận dùng danh từ "ca ra bộ", gánh Tân Phước Nam dùng tên gánh hát Tân Thời, có khi người ta cũng gọi là gánh hát Kim Thời.
Gánh hát quy mô đầu tiên ở Sài Gòn là Tân Thinh thành lập năm 1920 tại đường Boresse (Yersin ngày nay), chủ nhân là Trương Văn Thông người Sa Đéc. Gánh này dùng danh hiệu đoàn hát cải lương, dưới bảng hiệu có đôi liễn nêu mục đích tôn chỉ: "Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sách văn minh".
Từ đây, cả đời thực lẫn danh, loại hình sân khấu mới hát cải lương đã được đăng ký chính thức trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Gốc gác của cải lương thì không phải bắt đầu ở Sài Gòn, nhưng chính thức mang tên cải lương và phát triển mạnh là từ gánh Tân Thịnh thành lập ở Sài Gòn.
Trương Duy Toản là soạn giả cải lương đầu tiên
Theo sách Hỏi đáp về Sài Gòn - TP HCM (tập 3 Văn hóa, nghệ thuật - NXB Trẻ), soạn giả đầu tiên của cải lương là Trương Duy Toản (1885-1957) tự Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hồ, quê quán huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Ông vừa là nhà văn, vừa là chí sĩ.
Thuở nhỏ, ông theo Hán học nhưng sau chuyển sang học chữ quốc ngữ ở Sài Gòn. Năm 1905, ông làm kinh lịch tại văn phòng tòa Khâm sứ Nam Vang. Năm 1907, ông đổi về Sài Gòn và tham gia Hội Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu.
Để cổ động mọi người hưởng ứng phong trào Minh Tân, phản đối chính quyền thực dân truất phế vua Thành Thái, ông viết một bài ca theo điệu "tứ đại cảnh" rồi cho đăng trên báo Lục tỉnh tân văn số 24 ngày 30/4/1908. Năm 1910, ông cho xuất bản tiểu thuyết Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân gây tiếng vang.
Ba năm sau đó, ông bí mật đến Thượng Hải tìm gặp Cường Để. Gặp lúc nhà cách mạng này đang gấp rút khởi hành sang châu Âu để tránh bị cảnh sát Hương Cảng khủng bố, và tìm gặp các nhà yêu nước ở bên ấy, Trương Duy Toản đi theo làm thông dịch viên.
Đến Paris, Trương Duy Toản nhận sứ mệnh gặp Phan Châu Trinh, nhờ đưa thư Cường Để lên chính phủ Pháp phê phán chính sách thuộc địa ở Đông Dương. Khoảng năm 1916, ông bị trục xuất về nước rồi bị nhà cầm quyền Nam Kỳ đưa xuống an trí ở làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
Trong những ngày bị quản chế, ông sáng tác các bài ca cho ban nhạc tài tử Ái Nghĩa để ca trong thôn xóm. Nghe tiếng ông, nhóm Sa Đéc-Amis của ông bầu Trần Văn Thận nhờ soạn các bài liên ca như Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim Kiều hạnh ngộ phổ theo điệu tứ đại oán để trình diễn. Đấy chính là các bài "ca ra bộ" (tức là lối kể chuyện bằng lời ca có kèm điệu bộ để minh họa nội dung) ra đời năm 1917.
Vở cải lương do Trương Duy Toản biên soạn, rất ăn khách ở Sài Gòn một thời
Được người dân ưa thích, Trương Duy Toản tiến thêm một bước nữa là soạn hẳn thành vở cải lương gồm "Lục Vân Tiên", "Kim Vân Kiều" (hồi 1) và "Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu". Trong đó vở "Kim Vân Kiều" được xem là ăn khách nhất của gánh thầy Năm Tú.
Những nghệ sĩ đầu tiên diễn "Kim Vân Kiều" là cô Hai Cúc vai Thúy Kiều, cô Ba Đắc vai Thúy Vân, cô Năm Thoàn vai Hoạn Thư, Hai Thông vai Kim Trọng, Sáu Nhiêu (em thầy Năm Tú) vai Vương Quan, Tám Danh vai Mã Giám Sinh.
Cùng với Nguyễn Trọng Quyền, ông trở thành một trong hai "thầy tuồng" (đạo diễn) nổi tiếng nhất của bộ môn ca kịch cải lương lúc bấy giờ. Ngoài ra, ông còn là ký giả hoặc chủ bút của nhiều tờ báo ở Sài Gòn như Thời báo (1919), Trung lập báo (1924-1933), Sài thành nhật báo (1930).
Năm 1925, ông cho in cuốn tiểu thuyết thứ hai Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tín dựng lại chân dung của một "đại ca" phảng phất ảnh hưởng của anh hùng Lương Sơn Bạc. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông vẫn ở lại Sài Gòn với nghề làm báo.
Từ đầu năm 1956, ông cho đăng thiên hồi ký liên tục nhiều kỳ "Phong trào cách mạng trong Nam" trên tờ tuần báo Tiến thủ. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời cầm bút của ông. Ông mất tại Sài Gòn, được đem về an táng tại quê nhà.
Tác giả của vở cải lương "Đời cô Lựu"
Đời cô Lựu" là vở cải lương nổi tiếng nhất của soạn giả Trần Hữu Trang, soạn khoảng năm 1936 cũng là một trong những vở cải lương hay nhất trước năm 1945.
Tác phẩm kể về số phận đau khổ, éo le của cô Lựu dưới xã hội phong kiến, thực dân. Cô được xem là một nạn nhân của xã hội lúc bấy giờ, biểu tượng của người nông dân ở các vùng quê Nam Bộ.
Trần Hữu Trang hay Tư Trang (1906-1966) là soạn giả lớn của nghệ thuật cải lương, quê huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), từ nhỏ đã say mê đàn hát.
Lúc đầu ông đi theo các gánh hát làm thư ký chép vở, sau đó được Mười Giảng (tức Đặng Công Danh) hướng dẫn dạy dỗ. Ông cho ra mắt kịch bản đầu tay "Lửa đỏ lòng son" vào năm 1928.
Thập niên 1930, ông nổi tiếng với hàng loạt sáng tác như "Tô Ánh Nguyệt" (1934), "Lan và Điệp" (1936), đặc biệt là "Đời cô Lựu". Ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu.
Những sáng tác sau đó của ông gồm "Tìm hạnh phúc", "Mộng hoa vương", "Chị chồng tôi", "Tình lụy" hay "Khi người điên biết yêu" (cộng tác với Năm Châu, Lê Hoài Nở) tiếp tục gây tiếng vang lớn.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia kháng chiến sau đó trở lại hoạt động tại Sài Gòn, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Trần Hữu Trang được đặt tên cho một con đường, một ngôi trường và nhà hát cải lương ở TP HCM.
Phùng Há là nữ nghệ sĩ nhân dân được ví như "cây đại thụ" của nghệ thuật cải lương ở Sài Gòn
Phùng Há (1911-2009), tên thật Trương Phụng Hảo được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương. Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn cũng như đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc.
Bà là con thứ sáu trong gia đình. Tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy bà còn được gọi là Bảy Phùng Há (theo thứ bậc gia đình của người miền Nam).
Tài năng của Phùng Há rất đa dạng, đặc biệt thành công trong các vở tuồng Tàu, đóng cả tuồng văn và tuồng võ, đóng đào rất hay và đóng kép cũng giỏi. Bà có thể ca các bài hát Quảng rất đúng điệu, đóng tuồng Tàu thì khó ai hơn được.
Bà cũng rất tinh thông võ nghệ nên đóng đào võ rất đàng hoàng, như vai Mộc Quế Anh trong vở kịch "Mộc Quế Anh dâng cây". Về nghệ ca, những người trong nghề cho rằng nghệ sĩ Phùng Há biết cách thu xếp trang trải câu ca, biết để những nhịp ngoại cho già dặn tiếng ca. Tài của bà còn ở chỗ biết vận dụng mối quan hệ giữa ca và nói, tức đương nói chuyện rồi vào bài ca (nói lối gối bài ca).
Những vai diễn khắc sâu hình ảnh của nữ nghệ sĩ trong lòng công chúng mấy chục năm qua không chút phai mờ là vai Tô Ánh Nguyệt, cô Lựu (trong vở "Đời cô Lựu" của Trần Hữu Trang).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét