Ngoài Hàng Xanh, Rạch Chiếc, Thanh Đa..., nhiều địa danh khác ở TP HCM bị đọc, viết sai so với tên gọi ban đầu.
Huyện Cần Giờ có hệ thống sông, rạch chằng chịt. Ảnh: Wikipedia
An Thít là địa danh quen thuộc với người dân huyện Cần Giờ trước đây, ban đầu nó có tên gì?
Theo sách Hỏi đáp Sài Gòn - TP HCM (tập 1 - Địa lý và Lịch sử, NXB Trẻ), An Thít năm 1880 là một trong 19 tổng của hạt Sài Gòn, gồm năm xã thôn.
Hiện, địa danh này chỉ còn là con tắc ở huyện Cần Giờ. Trong chuyên khảo về tỉnh Gia Định (1902) và nhiều bản đồ của Pháp ghi là tổng An Thịt. Song đúng ra phải viết là Ăn Thịt, bởi ngày xưa nơi này nổi tiếng có nhiều cọp dữ hay ăn thịt người.
Huyện Cần Giờ có nhiều sông rạch nhất TP HCM. Hai sông Đồng Nai và Sài Gòn hợp lưu ở Xóm Đồn, kéo dài tới Xóm Quán hơn 9 km, đoạn này gọi là sông Nhà Bè.
Cùng với tắc An Thít, nơi này có nhiều sông rạch khác như: rạch Ông Nghĩa, Châu Hậu, sông Lôi Giáng, sông Giày Xay, sông Tắc, sông Trậu, rạch Su, rạch Dinh Cậu, tắc Lớn, tắc Cả, rạch Cây Khô, tắc Bà Kiều, tắc Bà Hói, sông Đồng Dinh, tắc Trầu, rạch Mồng Năm, tắc Ăn Chè, tắc Lò Vôi...
Bến Lức là một phụ lưu bên tả sông Vàm Cỏ Đông, phần lớn chảy trên tỉnh Long An, một phần chảy vào huyện Bình Chánh (TP HCM). Đúng ra địa danh này được viết thế nào?
Bến Lức là phụ lưu bên tả sông Vàm Cỏ Đông, phần lớn chảy trên địa bàn tỉnh Long An, một phần chảy vào huyện Bình Chánh, nhập với sông Chợ Đệm làm ranh giới giữa thị trấn Tân túc và xã Tân Nhựt.
Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của ghi: "Lứt là thứ cây lá nhỏ, hay mọc mé biển". Còn Génibrel tác giả cuốn Dictinaire Annamite Francais (1898) định nghĩa "lứt" là tên một loại cây có lá ăn được.
Cây lứt thuộc họ cúc, tên khác là lứt cây theo cách gọi dân dã của người dân Nam Bộ để phân biệt với lứt dây, mọc hoang ở ven biển trên các bờ kênh rạch truông gai, cửa sông, từ Nghệ An đến các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.
Loại cây thứ hai là dây lứt, thuộc họ cỏ roi ngựa, tên khác là lứt dây, mọc hoang rải rác bãi cỏ ven đường, bờ đê, bờ ruộng, bìa rừng, có nhiều ở vùng biển. Do người Nam Bộ phát âm không phân biệt phụ âm cuối "c" và "t" nên đọc và viết sai Bến Lứt thành Bến Lức.
Bến Lức hiện cũng là tên một huyện ở tỉnh Long An, giáp ranh với TP HCM.
Địa danh Cát Lái ở TP HCM gắn liền với một ngã ba, tên phường, bến phà, sông, rạch... Tên gốc của địa danh này là gì?
Hiện, Cát Lái là tên gọi một ngã ba, phường, bến phà và một cảng container quốc tế ở quận 2. Theo các nhà nghiên cứu, nếu viết Cát Lái là vô nghĩa, chính xác phải là Các Lái với nghĩa các lái buôn.
Theo sách Hỏi đáp Sài Gòn - TP HCM, Cát Lái xưa là nơi các lái buôn thường tập trung mua bán. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những bài vè về các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định với hai bài "Vè lái vô" và "Vè lái ra".
Địa danh Dần Xây là tên con sông, cây cầu, khu du lịch ở Cần Giờ có nguồn gốc từ đâu?
Dần Xây là con sông làm ranh giới giữa hai xã An Thới Đông và Long Hòa, huyện Cần Giờ, từ sông Ngã Bảy đến sông Mũi Nai, dài khoảng 700 m.
Cầu Dần Xây đực xây dựng năm 2001 trên tuyến đường Nhà Bè - Cần Giờ dài hơn 36 km. Trước khi xây xong cầu này, nơi đây còn có bến phà Dần Xây.
Theo bản đồ khu vực năm 1885, địa danh này được ghi là Giàn Xây, năm 1935 lại là Dan Xay. Bản đồ của chính quyền Sài Gòn được ghi là Dần Xây, có người viết lại là Vần Xây.
Nguồn gốc của những tên gọi trên xuất phát từ cây giằng xây, là "cây cối xay, trái giống thớt cối xay, bông lá dùng làm thuốc ho, sắc với đường phèn" (Đại Nam quấc âm tự vị).
Tỉnh Tuy Phước xưa (Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) cũng có địa danh vũng Giằng.
Ở TP HCM hiện còn có địa danh Hốc Hươu, Trao Trảo đều bị viết sai so với tên gốc. Cách viết đúng các địa danh này lần lượt là gì?
Hốc Hươu là con rạch ở huyện Bình Chánh, lẽ ra phải gọi là Hóc Hươu. Hóc là dòng nước nhỏ, hươu là một loại nai. Trường hợp này cũng giống Hóc Môn thường bị nhầm là Hốc Môn (hóc là dòng nước nhỏ, môn là cây môn nước).
Trao Trảo là tên lũy phòng vệ huyện Long Thành (Đồng Nai) đắp dưới thời chúa Nguyễn 1790 và rạch ở phường Long Trường (còn gọi là Cây Cam, quận 9), từ sông Tắt đến sông Đồng Nai, dài trên một km. Âm gốc của Trao Trảo là Trảo Trảo, sau bị nói chệch mà thành.
Ở TP HCM hiện có nhiều địa danh quen thuộc bị viết sai so với tên gọi ban đầu như: Thanh Đa, Rạch Chiếc, Rạch Ông, Thanh Đa; viết đúng là Thạnh Đa, Hàng Sanh, Rạch Chiết, Rạch Ong.
Về tên gọi Thanh Đa được đặt cho dòng kênh, công viên, cư xá, trường học ở Bình Thạnh, các nhà nghiên cứu cho rằng phải viết đúng là Thạnh Đa.
Tên thôn Thạnh Đa thuộc tổng Bình Trị (sau thuộc Bình Trị Thượng), huyện Bình Dương có từ năm 1818. Sách Gia Định thành thông chí và Chuyên khảo tỉnh Gia Định đều có ghi tên thôn Thạnh Đa. Về sau, do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp nên địa danh Thạnh Đa bị biến thành Thanh Đa.
Lý giải về tên gọi Hàng Xanh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trước năm 1945 khu vực này trồng nhiều cây sanh, loại cây lớn cùng họ với đa, si... Sanh được trồng dọc hai bên đường Bạch Đằng ngày nay kéo dài đến nút giao thông trên. Vì vậy ngày xưa đường Bạch Đằng còn gọi là đường Hàng Sanh.
Về tên gọi Rạch Chiếc, ngày xưa rạch này có nhiều chiết - một thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn, hay mọc hai bên mé sông. Vào mùa nước lên, cây này thường ra lá non, vị chan chát, có thể ăn như rau.
Trong khi đó, Rạch Ông Lớn và rạch Ông Bé là hai con rạch có nhiều ong về làm tổ. Mật ong được khai thác ở nơi này và đem bán ở vùng bên cạnh, nay còn địa danh Cầu Mật trên đường Phạm Thế Hiển.
Sách Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều dịch địa danh này ra chữ Hán là Đại Phong Giang và Tiểu Phong Giang, trong đó "phong" có nghĩa là con ong. Từ địa danh Rạch Ong ban đầu đã bị đọc nhầm là Rạch Ông sau này.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét