Sài Gòn, Thị Nghè, Củ Chi rất quen thuộc với người dân ở thành phố song không phải ai cũng lý giải được nguồn gốc tên gọi.
Trung tâm của Sài Gòn xưa. Ảnh: Flickr.
Địa danh Sài Gòn xuất hiện từ thế kỷ 17
Năm 1674, Sài Gòn là tên thành lũy ở vùng Chợ Lớn ngày nay. Cuối thế kỷ 19, Sài Gòn được coi như một thành phố. Năm 1863, chính quyền lập thành phố Sài Gòn và hạt Sài Gòn; năm 1889 đổi hạt Sài Gòn thành tỉnh Gia Định. Năm 1910, thành phố Sài Gòn rộng hơn 11 km2.
Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn - thành phố mà họ muốn biến thành Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa.
Sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, nhiều thế hệ học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có năm cách lý giải, bao gồm: Thầy Gòn; Đê Ngạn, Đề Ngạn, Tây Cống; Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor, Cai Ngon; Glainagara; Prey Nokor hay Brai Nagara.
Căn cứ vào từ "Sài" nghĩa "củi" và "Gòn" tức "cây bông gòn", quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho rằng nghĩa của Sài Gòn là "củi gòn".
Dựa theo thông tin này, học giả Trương Vĩnh Ký nói rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ "Prei Nokor" của người Khmer. Giả thuyết này được ông Ký đưa ra trong giáo trình địa lý Nam Kỳ của mình. Một loạt cách gọi tương tự về địa danh Việt - Miên ở Nam Kỳ phiên âm giống vậy như Cần Giờ là từ "Kanco", Cần Giuộc là "Kantuộc", Gò Vấp là "Kompăp"...
"Prei" theo tiếng Khmer nghĩa là rừng, còn "Nokor" là thị trấn. Như vậy "Prei Nokor" nghĩa là một thị trấn ở trong rừng. Nghĩa rộng hơn theo Phạn tự là "lâm quốc". Vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ. Dần dần, người dân đọc trại từ "Prei" thành "Rai" rồi thành "Sài". Từ "Nokor" đọc lướt thành "Kor" và từ "Kor" thành ra "Gòn".
Còn theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi ăn nên làm ra cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là "Tai-Ngon" hay "Tin-Gan" mà theo Hán Việt là Đề Ngạn.
Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn". Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm "Sài Gòn" là từ "Thầy Ngồn", "Thì Ngòn" mà ra.
Bảy Hiền là người làm nghề buôn bán
Bảy Hiền là khu vực gồm các phường 4, 7,11, 12 thuộc quận Tân Bình. Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam, Bảy Hiền nguyên là tên riêng của ông chủ quán bán cỏ cho ngựa kéo ăn tại ngã tư này vào khoảng năm 1930.
Một cách giải thích địa danh tương tự cho rằng Bảy Hiền là tên người dân bán cơm ngay chỗ giao lộ con đường xuyên Việt và lối mòn đất đỏ dẫn vào vườn cao su ở Chợ Lớn.
Trong khi đó, theo tác giả Lê Minh Quốc trong sách Người Quảng Nam có cách lý giải khác đôi chút. Theo nhà văn, Bảy Hiền là tên ông già bán cà phê "cóc", là con thứ bảy, tên Hiền. Người này cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan - phu nhân vua Bảo Đại.
Trước năm 1954, khu vực Bảy Hiền còn là vùng ngoại ô Sài Gòn, bao gồm một điền đồn cao su và những cánh đồng lúa chạy theo con đường đi Tây Ninh. Một vài gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi ngựa.
Vùng Bảy Hiền nổi tiếng với làng dệt do những cư dân Quảng Nam vào lập nghiệp những năm 1957-1958. Trên đường Nguyễn Bá Tòng (quận Tân Bình) hiện có một ngôi chợ Bà Hoa chuyên bán các món ăn của người Quảng.
Cây gõ là loài thân gỗ
Vùng đất Cây Gõ xưa, nay thuộc phường 6 và 9, quận 6. Vùng đất này có nhiều cây gõ, loài cây gỗ lớn cao đến 30 m, hiện còn trong Thảo Cầm Viên, dinh Thống Nhất hay trên các đường Hoàng Văn Thụ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu...
Trong "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh" có câu:
Trong làng Cây Gõ nhà bên rường cột
Ngoài chợ Cây Vông giậu cặm gốc gai Ca dao xưa cũng có câu: Đèn cầu Tàu cái xanh cái đỏ Đèn Cây Gõ cái tỏ cái lu Nước ròng bỏ trái mù u Lỗi duyên, cạo trọc đi tu chùa Bà
Khi viết về Cây Gõ, Trương Vĩnh Ký chú thích "Cây Gõ là cầu trong Phú Lâm", ngày nay là cầu trên đường Minh Phụng, bắc qua rạch Lò Gốm được đúc năm 1924. Trên đường Minh Phụng gần đình Bình Tiên nay vẫn còn chợ Cây Gõ
.
Vùng đất xưa có nhiều củ chi mọc
Củ Chi là một trong năm huyện của TP HCM, phía bắc và đông giáp tỉnh Bình Dương, phía tây giáp Tây Ninh và Long An.
Củ Chi là tên gọi dân gian của cây mã tiền có nhiều ở vùng đất này vào thời đó. Cây mã tiền là loại cây rừng, leo bằng móc, lá mọc đối có ba gân, hoa trắng, quả tròn, hạt dẹt như khuy áo, dùng làm thuốc.
Củ Chi trở thành địa danh hành chính năm 1956. Huyện Củ Chi vốn là hai quận Củ Chi (Hậu Nghĩa) và quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) nhập lại. Do chiến tranh, tháng 8/1968, Củ Chi được tách ra thành hai huyện Nam Chi và Bắc Chi.
Sau ngày thống nhất đất nước, quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa và quận Phú Hòa được sáp nhập vào địa bàn TP HCM, trở thành huyện Củ Chi.
Hiện nay huyện Củ Chi có 21 đơn vị cấp xã, gồm thị trấn Củ Chi các xã: Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Thái Mỹ, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông và Phước Vĩnh An.
Bà Nghè có chồng đỗ ông nghè
Rạch Thị Nghè là tên gọi của đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua quận 1, TP HCM. Nối quận 1 và Bình Thạnh qua đoạn kênh này là cầu Thị Nghè.
Rạch Thị Nghè bắt nguồn từ Bàu Cát (quận Tân Bình hiện nay) chảy qua kênh Nhiêu Lộc rồi đổ ra sông Sài Gòn chỗ nhà máy đóng tàu Ba Son. Khúc ngọn này mang tên Nhiêu Lộc, xưa gọi là Hậu Giang, nơi Nguyễn Ánh thường chọn làm nơi đóng binh trước khi đánh Sài Gòn.
Con rạch chính từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến sông Sài Gòn dài hơn 4,5 km, tuy ngắn nhưng quan trọng, có giá trị như một hào hố thiên nhiên, bao quanh Sài Gòn lúc bấy giờ.
Trịnh Hoài Đức từng ghi chép về bà Nghè trong sách Gia Định thành thông chí: "Có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè".
Bà Nghè, Mụ Nghè, Thị Nghè là những danh xưng thân mật và kính trọng người đời gọi bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Bà xây cầu bắc ngang con rạch để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà chỉ là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè (tức đỗ tiến sĩ).
Huỳnh Minh trong Gia Định xưa và nay chép: "Dân chúng địa phương gọi là Bà Nghè theo chức tước của chồng bà là một vị quan văn trong Phiên trấn".
Từ giữa thế kỷ 19, cầu được gọi tên Thị Nghè, đến năm 1970 được xây mới bằng xi măng cốt thép.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét