Lê Thái Dũng
Ngay từ khi anh em Nguyễn Nhạc phất ngọn cờ đào Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa vào năm Tân Mão (1771), dần dần lực lượng này ngày càng lớn mạnh, có sự tham gia của đông đảo dân chúng
Trong hàng ngũ nghĩa quân không chỉ có người Kinh mà còn có người Chăm, các sắc dân người Thượng …, đặc biệt có hai nữ tướng người thiểu số đã có nhiều đóng góp cho anh em Tây Sơn trong thời kỳ dựng nghiệp.
Nữ tướng hậu cần trở thành vợ "người Trời"
Từ trước khi phất cờ khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc đã nhiều lần đến các vùng đất của Tây Nguyên, danh nghĩa để buôn trầu, mua gỗ, mua ngựa… nhưng thực ra là tìm cách kết thân với nhiều cộng đồng dân tộc ở đây trong đó có người Bana, vận động họ tham gia ủng hộ mình.
Với sự khôn khéo và chính sách thân thiện, Nguyễn Nhạc và những người em của mình đã chiếm được tình cảm quý mến của người dân Tây Nguyên, họ gọi ông là Tơ Mo Bok (có nghĩa là người Trời, vua Trời). Thậm chí một tù trưởng đã gả con gái tên là Ya Dố cho ông làm vợ
Ya Dố (có sách chép là Yă Đố) con gái một vị tộc trưởng người dân tộc Bana ở plây (làng) Đê H’Mâu thuộc khu vực rừng núi Mộ Điểu (nay thuộc xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là một thiếu nữ trẻ tuổi, xinh đẹp, nhưng có tài tổ chức thạo việc làm ruộng rẫy và có uy tín với dân chúng nhiều buôn làng.
Người vợ Bana này đã đóng góp công sức không nhỏ cho nghĩa quân Tây Sơn thuở ban đầu, không chỉ đưa anh em Nguyễn Nhạc đi kết giao với các tù trưởng người Xê đăng, Gia Rai, H’rê… mà còn giúp chiêu mộ quân lính thuộc các dân tộc Tây Nguyên.
Từ đó, gây dựng lực lượng lớn. Ngoài ra, bà còn tổ chức một đội ngũ lao động vỡ đất, khai hoang ở nhiều nơi để trồng khoai, bắp, mía, cam, mít… làm lương thực nuôi quân trong những năm tháng hoạt động ở địa bàn vùng thượng đạo nên Ya Dố được gọi là Cô Hầu đốc tướng.
Đến nay dấu tích về những cánh đồng ấy vẫn còn ở nhiều vùng, như tại khu rừng Mộ Điểu xưa, nay thuộc làng Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vẫn được người dân gọi là "cánh đồng cô Hầu" để ghi nhớ những đóng góp của bà. Thơ ca dân gian đến nay còn lưu truyền nhiều câu có nhắc đến bà nữ tướng hậu cần của quân Tây Sơn, như câu:
Cánh đồng cô Hầu,
Đàn trâu ông Nhạc.
Ngựa lạc vang lừng,
Voi dừng Tượng Đẫm.
Ghi nhận công trạng của Ya Dố, năm Mậu Tuất (1778) sau khi lên ngôi hoàng đế và lấy niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Nhạc đã phong cô Hầu làm Thứ phi.
Mặc dù được sủng ái, được Chánh cung hoàng hậu Trần Thị Huệ đối đãi thân tình như chị em ruột thịt nhưng cuộc sống chốn cung cấm với nghi lễ ràng buộc không phù hợp nên cô Hầu xin trở về với núi rừng yêu dấu của mình. Trước khi ra đi, bà có nói với hoàng hậu rằng:
- Chị ở lại bên cạnh người Trời (Nguyễn Nhạc), em phải về rừng để phòng hậu sự sau này.
Và quả nhiên như dự đoán của cô Hầu, sau khi vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, rồi không lâu thì vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) qua đời, nhà Tây Sơn rơi vào mâu thuẫn nội bộ, suy yếu rồi bị đánh bại.
Để tránh nạn, hoàng hậu Trần Thị Huệ đã đem hai con và cháu nội chạy lên vùng An Khê nương tựa vào cô Hầu.
Ở vùng rừng núi, tuy điều kiện khó khăn nhưng được sự đùm bọc, bảo vệ của đồng bào dân tộc nơi đây nên dù nhà Nguyễn đã nhiều lần cho quân lùng bắt, truy tìm nhưng đều không thành công, nhờ đó mà hai bà hoàng của vua Nguyễn Nhạc sống yên ổn cho đến cuối đời, rồi mất trên đất Tây Nguyên.
Họ chính là những người phụ nữ hiếm hoi của nhà Tây Sơn không phải chịu cảnh trả thù khốc liệt.
Sau khi cô Hầu mất, người Bana ở địa phương, khi tổ chức lễ hội; già làng đọc lời khấn mời Trời và các vị thần linh (thần núi, thần sông…) cũng có lời khấn cầu về sự linh thiêng của cô Hầu.
Ơi Yang Đak, Yang Gia,
Ơi Book Tang.
Ơi Yă Đố,
Dân làng xin mời về…
Bà chúa Hỏa, anh dũng hi sinh nơi trận tiền
Bà chúa Hỏa hay còn gọi là Bà Hỏa, nữ chúa Thị Hỏa là thủ lĩnh của người Chăm quản lĩnh một vùng đất rộng lớn mà sử sách xưa thường gọi là "nước Hỏa Xá". Địa bàn của bà chúa Hỏa trải rộng khắp khu vực miền núi ngày nay thuộc phía tây nam Phú Yên kéo dài đến Cheo- reo (Kon Tum).
Trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng, anh em Nguyễn Nhạc đã tìm đến bắt liên lạc, kết thân với Bà chúa Hỏa. Một điều cũng nên biết, đó là Nguyễn Lữ, người thứ ba trong "Tây Sơn tam kiệt" có mối quan hệ đặc biệt với bà chúa Hỏa.
Tương truyền, Nguyễn Lữ là người tu theo Minh giáo (còn gọi là đạo Ma-ní), thờ thần lửa và dùng bùa phép để chữa bệnh, trừ tà; đây là đạo khá thịnh hành ở vùng Tây Sơn thượng đạo và khu vực cao nguyên thuở xưa.
Là đệ tử của bà chúa Hỏa nên các dân tộc quanh vùng rất kính trọng Nguyễn Lữ, còn người Kinh thì gọi ông là thầy tư Lữ (thầy là thầy tu, còn tư là vì ông là con thứ ba trong nhà). Thật là:
Phía Tây dân Thượng hiền hòa,
Kết minh cùng họ coi là bình phong.
Chính nhờ mối quan hệ đó và việc khôn khéo trong vận động mà các các bộ lạc thuộc Hỏa Xá đã tham gia tích cực và trở thành lực lượng quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu, bởi vậy dân gian có câu ca rằng:
Thượng du lớn nhỏ đồng tình,
Theo ông Hai Nhạc luyện binh tháng ngày.
Lập đoàn cung thủ rất hay,
Đến khi lâm trận sau này ra oai.
Một bộ phận người Chăm tại trấn Thuận Thành (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) do Kế Pù Tá đứng đầu ủng hộ và tham gia phong trào Tây Sơn từ rất sớm thì ở một địa bàn khác là động Thạch Thành (nay thuộc huyện Sơn Hòa và Sơn Thành, tỉnh Phú Yên) bà chúa Hỏa cũng đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân khi anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa.
Nhờ được sự hỗ trợ của bà chúa Hỏa, năm Qúy Tị (1773) quân Tây Sơn đã đánh chiếm được Phú Yên tạo thế ỷ dốc làm bàn đạp mở rộng địa bàn kiểm soát ra các phủ Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận.
Sau thắng lợi này, Nguyễn Nhạc phục hồi danh vị Phiên Vương cho bà chúa Hỏa và giao cho bà nhiệm vụ trấn giữ động Thạch Thành, bảo vệ vùng Tây Nam Phú Yên, đề phòng sự phản công của chúa Nguyễn từ mặt nam.
Mùa hè Giáp Ngọ (1774), chúa Nguyễn sai danh tướng Tống Phúc Hiệp đem quân từ Hòn Khói (nay thuộc Nha Trang) đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang. Quân Tây Sơn yếu thế phải lui về giữ Phú Yên.
Bà chúa Hỏa cưỡi voi chỉ huy quân ra trận. (Hình minh họa – Nguồn: sachxua)
Sau khi chiếm Diên Khánh, tháng 5 năm Ất Mùi (1775), Tống Phúc Hiệp đem 2 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ tiến đánh Phú Yên.
Biết không thể hạ thành Phú Yên nếu không diệt được căn cứ Thạch Thành, bởi vậy Tống Phúc Hiệp trực tiếp chỉ huy quân vượt đèo Tam Độc đánh thẳng vào đội quân của bà chúa Hỏa.
Mặc dù chiến đấu rất dũng cảm nhưng do lực lượng chênh lệch nên quân của bà chúa Hỏa dù có tượng binh và kỵ binh nhưng không cản được bước tiến của quân Nguyễn.
Trong trận chiến này, bà chúa Hỏa đã tử trận, quân Nguyễn thừa thắng tiến ào ạt, quân Tây Sơn lui về giữ La Thai và đèo Cù Mông.
Nhắc đến vai trò của bà chúa Hỏa đối với phong trào Tây Sơn và sự hi sinh của bà, truyền tụng trong dân gian Phú Yên có câu ca như sau:
Thạch Thành voi ngựa kéo ra,
Eo Gió kéo xuống quân đà hội quân.
Chúa Chàm Thị Hỏa chí nhân,
Giúp ông Hai Nhạc định phần Phú Yên.
La Thai quyết chí đôi bên,
Phúc Hiệp trúng kế chạy liền vô Nam.
Sa trường gươm giáo ngổn ngang,
Thây phơi thành lũy máu loang gò đồi.
Giữa vòng đạn lạc, tên rơi,
Xót thương nữ chúa vội rời ba quân.
Tháng 7 năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Nhạc sai em là Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh úp tiêu diệt cả quân thủy và quân bộ của Tống Phúc Hiệp. Viên tướng này phải rút chạy về giữ Vân Phong (còn có tên là Hòn Khói); đất Phú Yên lại thuộc quyền cai quản của quân Tây Sơn.
Không rõ sau này, khi lập ra triều đại mới, anh em Nguyễn Nhạc có ban sắc truy phong để ghi nhận công lao của bà chúa Hỏa hay không, nhưng trong dân gian, những lời ca, những câu chuyện truyền tụng chính là tấm bia miệng truyền đời về một nữ tướng người dân tộc trong đội quân Tây Sơn anh dũng.
Tài liệu tham khảo:
1.Ấp Tây Sơn (Nguyễn Bích Ngọc) - NXB Văn hóa thông tin, 2008
2.Danh tướng Việt Nam tập 3 (Nguyễn Khắc Thuần) – NXB Giáo dục, 1998
3.Kể chuyện người anh hùng áo vải (Phạm Trường Khang) - NXB Văn hóa thông tin, 2009
4.Trầm tích Tây Sơn thượng (Quốc Thành) – NXB Văn hóa thông tin, 2012
5.Văn học dân gian Tây Sơn (Nguyễn Xuân Nhân) – NXB Trẻ, 1999
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét