Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Võ Văn Dũng - Danh tướng đứng đầu "Tây Sơn Thất hổ" của Quang Trung

Gabe 
Võ Văn Dũng - Danh tướng đứng đầu "Tây Sơn Thất hổ" của Quang Trung
Hình minh họa

Trong 7 mãnh tướng chiến đấu cả đời dưới thời Tây Sơn, Vũ Văn Dũng được tôn là người đứng đầu bởi tài năng cũng như thao lược của mình.

Con người và thân thế
Vũ Văn Dũng (Võ Văn Dũng) sinh năm 1750, tại thôn Phú Phong, phủ Quy Nhơn, nay là Tây Sơn, Bình Định trong 1 gia đình khá giả. Theo gia phả họ Vũ được soạn ra từ nhiều tài liệu cũ thì Vũ Văn Dũng là con của Vũ Văn Khanh, 1 người tài trí, lập nhiều công lớn, từng được phong tước Nam.
Từ nhỏ, Vũ Văn Dũng được cha mời nhiều thầy giỏi về dạy võ. Nhưng ông học 1 biết 10, thầy dạy đến đâu, Văn Dũng nhớ tới đó nên phải đổi rất nhiều thầy. Mãi đến khi vào đất Phú Yên, gặp được cao nhân họ Lương, Vũ Văn Dũng mới học được lâu dài. Ở đây, ông được dạy về trường kiếm, đoản đao và cả cách chiến đấu trên ngựa...
Người giỏi gặp được thầy tài, chẳng mấy lúc mà ông thông thạo tất cả các môn võ, miêng đánh được dạy. Nhưng nghe lời thầy Lương, đi đâu Võ Văn Dũng cũng khiêm tốn, giấu tài chứ không tự cao tự đại!
Võ Văn Dũng - Danh tướng đứng đầu Tây Sơn Thất hổ của Quang Trung - Ảnh 1.
Quân Tây Sơn ra trận - Tranh minh họa tại Bảo tàng Quang Trung
Sau này, khi gia nhập quân Tây Sơn, mọi người thường truyền rằng: "Võ Văn Dũng quán quân - Bách chiến khởi Tây thùy; nghĩa là: Tiếng tăm Võ Văn Dũng trùm khắp ba quân - Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương tây".
Hay như Nguyễn Nhạc đã ca ngợi: "Phá giặc ở trong núi thì dễ - Thắng được cây đao của Võ Văn Dũng mới khó".
Chỉ vậy thôi cũng đủ để ta thấy tài năng cũng như phẩm đức của danh tướng Vũ Văn Dũng.
Tham gia nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa, Vũ Văn Dũng luôn cho thấy mình là người giỏi tài thao lược, cầm quân đánh giặc, cũng chính vì lý do đó nên ông lập vô số công trạng hiển hách, trở thành 1 trong những chiến tướng không thể thiếu dưới trướng Quang Trung.
Vũ Văn Dũng từng theo Quang Trung - Nguyễn Huệ khi đem quân xuống phía Nam đánh quân Xiêm hay lúc ra Bắc đánh quân Thanh. Trong lần đại phá quân Thanh xâm lược, Văn Dũng giữ chức đại tướng quân đánh đồn Khương Thượng, 1 trong những trận ác liệt và cũng oai hùng nhất của ông trong chiến dịch năm 1789.
Về sau, Vũ Văn Dũng được phong làm Tư khấu, rồi tới Đô đốc và đỉnh cao là được phong tước Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công. Ông cùng với 6 người nữa là Trần Quang Diệu, Vũ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc trở thành Tây Sơn Thất hổ tướng, những thủ lĩnh quan trọng của nghĩa quân.
Không chỉ thể hiện mình ở tài cầm quân đánh trận, Vũ Văn Dũng cũng rất được tin dùng khi 2 lần đi sứ sang Trung Quốc với những nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên vào năm 1789 là để giảng hòa với nhà Thanh sau khi chúng ta đánh tan 29 vạn quân xâm lược. Năm 1791, Văn Dũng được cử làm chánh sứ trong lần đi sứ thứ 2 này.
Biến cố
Không may, đến năm 1792, vua Quang Trung bất ngờ qua đời, Quang Toản lên ngôi dù còn rất nhỏ. Lúc này mọi quyền lực tập trung trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên, tên này được thể, ngày càng lộng hành, bạc đãi công thần, nâng đỡ người thân, bè phái khiến cho triều đình khốn đốn.
Đến năm 1795, Bùi Đắc Tuyên cho gọi Vũ Văn Dũng đang ở Bắc Hà về để tay chân của hắn là Ngô Văn Sở lên thay. Trên đường về Phú Xuân, Vũ Văn Dũng gặp Trần Văn Kỷ, người đang đi đày cho biết về tình hình rối ren trong triều. Lo cho xã tắc cũng như sự nghiệp của nhà Tây Sơn, Văn Dũng nghe theo Văn Kỷ bày kế bắt Bùi Đắc Tuyên, khép tôi mưu phản.
Nghịch tặc này về sau bị nhốt vào cũi sắt, dìm chết xuống sông Hương.
Võ Văn Dũng - Danh tướng đứng đầu Tây Sơn Thất hổ của Quang Trung - Ảnh 2.
Tượng thờ Vũ Văn Dũng. Ảnh: Kienthuc
Đến năm 1799, Nguyễn Ánh đem quân vây đánh Quy Nhơn, ông cùng Trần Quang Diệu (cũng trong Thất hổ tướng) đem quân ứng cứu nhưng thất bại. 
Đến năm 1801 (có nơi nói là 1802) ông hợp quân với Quang Diệu chiếm lại được Quy Nhơn nhưng lại để mất Phú Xuân. Sau nhiều thăng trầm, cả ông và các tướng trung thành với nhà Tây Sơn đều bị bắt sống.
Trên đường giải về kinh, Vũ Văn Dũng may mắn thoát được, lánh lên khu vực vùng cao, đón con của vua Thái Đức là Văn Đức, Văn Lương về với hy vọng khôi phục triều cũ nhưng không thành. Cả 2 người họ đều bị quân triều đình hạ sát, Vũ Văn Dũng quá đau buồn, ôm bệnh mà chết năm 1835.
Tham khảo từ
- Báo Đà Nẵng
- Thanh Niên
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét