Đình Vĩnh Phước nhìn từ cổng tam quan. Ảnh: Lục Tùng
Đình Vĩnh Phước nhìn từ cổng tam quan. Ảnh: Lục Tùng
1 đình - 6 sắc phong
So với vùng đất có 300 năm khai phá như Nam bộ, sự kiện một ngôi đình sở hữu đến 6 sắc phong thần như đình Vĩnh Phước, quả là chuyện hiếm. Ông Nguyễn Tấn Kim (đã gần 80 tuổi) - Phó Ban Tế tự đình Vĩnh Phước cho biết, hiện đình đang sở hữu đến 6 sắc phong thần của nhà Nguyễn, theo thứ tự thời gian như sau: Thứ nhất, sắc gia phong “Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần” cho Nhân Hòa Hầu Nguyễn Hữu Nhơn, cấp ngày 24.9.1822 (Minh Mạng thứ III).
Sắc phong trung đẳng thần của vua Minh Mạng thứ 3 phong cho Nhân Hòa Hầu Nguyễn Hữu Nhơn. Ảnh: Lục Tùng
Sắc phong trung đẳng thần của vua Minh Mạng thứ 3 phong cho Nhân Hòa Hầu Nguyễn Hữu Nhơn. Ảnh: Lục Tùng
Thứ hai, sắc “Quảng ân Thực đức Thụ công Trung đẳng thần” tặng cho Tống phủ quân Tống Phước Hòa, cấp ngày 2/7 năm Thiệu Trị thứ III (1843).Thứ ba, sắc “Quảng ân Thực đức Thụ công Dương danh Trung đẳng thần”, gia phong cho Tống phủ quân Tống Phước Hòa theo lễ Chiếu Đàm ân của Minh Mạng, cấp ngày 2/7 năm Thiệu Trị thứ III (1843). Thứ tư, sắc “Cai cơ Đông Khẩu đạo, Tống phủ quân, gia tặng Quảng ân, Thực đức, Thụ công, Dương danh, Quang ý, Trung đẳng thần” cho Tống phủ quân Tống Phước hòa, cấp ngày 8/11, năm Tự Đức thứ III (1850). Thứ năm, sắc “Bổn cảnh Thành hoàng chi thần, gia tặng Quảng ân Chánh trực Hựu thiên Đôn ngưng chi thần”, cấp ngày 19/11, năm Tự Đức thứ V (1852) và thứ sáu là sắc “Khâm sai Chưởng cơ, tặng Dực vận công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ Chưởng vệ sự Chưởng doanh Hòa quận công, gia phong Trác vỹ Dực bảo Trung hưng, Thượng đẳng thần” cấp cho Tống Phước Hòa, chuẩn cho thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An thờ phụng như cũ, cấp ngày 14 tháng 9 năm Khải Định Thứ 6 (1921).
Đình Vĩnh Phước. Ảnh: Lục Tùng
Đình Vĩnh Phước. Ảnh: Lục Tùng
Ngoại trừ sắc phong “Thành hoàng bổn cảnh” năm Tự Đức thứ V (1852) là loại sắc phong kiểu “úp bộ” mà chính quyền phong kiến lập ra với mục đích khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang... các sắc phong còn lại không chỉ có sắc thái khác nhau, mà còn có số phận cũng vô cùng riêng tư. Trong đó sắc gia phong “Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần” cho Nhân Hòa Hầu Nguyễn Hữu Nhân là xưa nhất và độc đáo nhất trong số 6 sắc phong. Vì đây là tờ sắc phong một nhân thần đưa vào thờ trong đình với tư cách là thần “Thành hoàng bổn cảnh”. Mặt khác, ấn đóng trên sắc là ấn “Phong tặng chi bảo” và cuối phần chính văn trong sắc kết thúc bằng hai chữ “Cố sắc” khác ấn “Sắc mệnh chi bảo” và chữ “Khâm tai” như các sắc sau này. Nhưng đường đi của sắc này lại càng ly kỳ hơn. Theo ông Nguyễn Tấn Kim, đầu tiên sắc Nhân Hòa Hầu được thờ ở Huế, về sau, được đưa vào thôn Vĩnh Phước thờ trong miếu riêng. Sau miếu hư hỏng, sắc được đưa vào đình Vĩnh Phước phối thờ... Gần đây phát hiện tờ sắc hiện diện ở đình Xẻo Vạt (TP Sa Đéc), Ban Tế tự đình Vĩnh Phước mới liên hệ. Sắc mới trở lại mái đình xưa.
Hệ thống cửa bên ngoài được đầu tư công phu. Ảnh: Lục Tùng
Hệ thống cửa bên ngoài được đầu tư công phu. Ảnh: Lục Tùng

Nơi hội tựu “văn minh miệt vườn”
Đình thần Vĩnh Phước được xây dựng vào năm 1807 tại thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, nay là phường 1 (TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) được các nhà nghiên cứu xếp vào hàng những ngôi đình xưa ở ĐBSCL. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng đình vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc đã đi qua hơn thế kỷ...
Khu vực thờ chính. Ảnh: Lục Tùng
Khu vực thờ chính. Ảnh: Lục Tùng

Cũng như nhiều đình ở Nam bộ, đình Vĩnh Phước ra đời gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp. Nhưng do những tác động từ cộng đồng dân cư, hoàn cảnh lịch sử... mà có nét riêng. Vì thế bên cạnh những nét chung, như: Cổng tam quan, sân, vỏ ca, bàn thờ tiền hiền, hậu hiền cùng nhiều nhiên thần, thiên thần... đình Vĩnh Phước còn có nét vị biệt. Bên cạnh 9 câu đối (Hán tự) được phối theo kết cấu: Vĩnh- Phước, như: Vĩnh bảo lê dân vũ thuận phong điều âu ca thịnh đức; Phước tuy bản cảnh thu thưởng xuân tự miễn niệm linh uy (Mãi bảo hộ dân đen mưa hòa gió thuận, ngợi ca thời thịnh đức; Phước đức khắp xóm làng sống đời ấm no chan hòa, mãi nhớ ơn thần linh)... đình còn có nhiều điều khó nơi nào có được. Đầu tiên là sự đầu tư công phu trong kiến trúc, cảnh quang... Điển hình là các đầu xà đều được chạm hình đầu rồng rất công phu trong từng chi tiết.
Đầu xà chạm đầu rồng tinh xảo. Ảnh: Lục Tùng
Đầu xà chạm đầu rồng tinh xảo. Ảnh: Lục Tùng
Ngoài ra, đình có có “tục” gắn liền với nền văn hóa “trọng nghĩa”, “hào sảng” điển hình của nền “văn minh miệt vườn”. Theo ông Nguyễn Tấn Kim, đình Vĩnh Phước có tên tục là “Đình Gạo”.
Hiện đang lưu tồn 2 cách giải thích về danh xưng này. Chuyện rằng, do đình nằm gần chợ nên một số người bán gạo gởi tạm vào khu bếp để hôm sau dọn ra chợ bán tiếp. Do những người quản lý đình hoàn toàn miễn phí nên sau đó có rất nhiều người gởi gạo. Cũng có người cho rằng do ngày xưa có trận lụt, nhiều người bị đói, nhiều nhà hảo tâm đóng góp và mang gạo đến đình tổ chức cứu trợ nên có danh là “Đình Gạo”. Dù giải thích theo cách nào cũng bật lên điều cốt lõi: Tấm lòng hào sảng của người dân Nam bộ: trọng nghĩa khí, hào sảng với mọi người...
Ngôi long đình - hình ảnh thu nhỏ của ngôi đình. Ảnh: Lục Tùng
Ngôi long đình - hình ảnh thu nhỏ của ngôi đình. Ảnh: Lục Tùng
Vì vậy, mà nhiều người đã có lý khi cho rằng, đình Vĩnh Phước là điểm đến không thể thiếu đối với bất cứ ai muốn khám phá Sa Đéc, khám phá mảnh đất “Người tình” (tiểu thuyết đoạt giải Gouncourt của nữ văn sĩ Marguerite Duras, cảm tác từ chuyện tình có thật giữa chàng trai người Sa Đéc Huỳnh Thủy Lê, với cô gái người Pháp - nhà văn Marguerite Duras thuở thiếu thời). Mà hiện nay, di tích ngôi nhà cổ này vẫn còn nguyên vẹn và cách không xa đình Vĩnh Phước.
Miếu thờ sơn quân trong khuôn viên đình. Ảnh: Lục Tùng
Miếu thờ sơn quân trong khuôn viên đình. Ảnh: Lục Tùng
Nằm khép mình trong không gian tỉnh lặng hiếm hoi giữa trung tâm phố thị náo nhiệt bậc nhất Sa Đéc, đình Vĩnh Phước như hòa quyện giữa cái xưa và nay. Ở đó, du khách không chỉ được đưa tâm hồn dạo bước trên sắc rêu phong của mái ngói âm dương xưa cũ, hay ngắm nhìn những bức hoành phi, câu đối, sắc phong hằn màu thời gian và ẩn chứa nhiều thông điệp của người xưa gởi lại... mà còn có thể mua sắm hoa tươi, trái ngon và nhất ghé vào quán thưởng thức tô hủ tiếu Sa Đéc vang danh... Hãy một lần đến Sa Đéc, viếng đất “Người tình”, khám phá “Thành phố hoa” bên bờ sông Tiền, xin ghé đình Vĩnh Phước để nghe những sắc phong nhuốm màu thời gian kể chuyện về thuở mang gương đi mở cõi!