Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Hoài niệm một con sông đào ở Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 
ANTD.VN - Sông Nhuệ ngày nay dài khoảng 76km bắt đầu từ cống Liên Mạc (thuộc phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) chảy thẳng xuống Thôn Trù 2 (phường Cổ Nhuế 2) sau đó ngoằn ngoèo xuống hướng Đông Nam qua các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai; các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và điểm cuối cùng là cống Phủ Lý (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) khi hợp lưu với sông Đáy. Rất nhiều đoạn trên địa phận Hà Nội được đào mới nên người ta gọi sông Nhuệ là sông đào.

ảnh 1Sông Nhuệ xưa là đường giao thông chuyên chở hàng hóa cho các làng nghề thủ công ven sông (Trong ảnh: Sông Nhuệ đoạn chảy qua phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) 
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, sông Nhuệ là chi lưu của sông Đáy lấy nước từ đầm Bát Long ở làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng), chảy ngược lên phía Tây Bắc qua Tây Tựu, Phú Diễn… của huyện Từ Liêm đến Thôn Trù 2 lại quặt xuống hướng Đông Nam.Sông Nhuệ không chỉ là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp phía Tây Nam Hà Nội mà còn có tác dụng như con mương tiêu thoát khi vùng này bị úng ngập. Sông đã mang lại sự thịnh vượng cho những nơi nó chảy qua và làm giàu thêm văn hóa dân gian các địa phương này. 
Sông Nhuệ không chỉ là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp phía Tây Nam Hà Nội mà còn có tác dụng như con mương tiêu thoát khi vùng này bị úng ngập. Sông đã mang lại sự thịnh vượng cho những nơi nó chảy qua và làm giàu thêm văn hóa dân gian các địa phương này.
Dấu tích đình, chùa, đền nằm ven sông Nhuệ cùng với các truyền thuyết nay vẫn còn. Ở làng Tó (xã Tả Thanh Oai) có truyền thuyết Vua Lê Đại Hành khi cầm quân đánh giặc Tống đã dừng chân ở bến sông Nhuệ làng Tó để nhận lương thực, Ngài được nghe hát trống quân và bắt gặp một cô gái làng xinh đẹp đang gánh gạo lên thuyền. Khuôn mặt nàng hiền dịu và tươi như hoa mới nở khiến Ngài siêu lòng nhưng vì nhiệm vụ đánh giặc nên Ngài lên đường mà không một lời hẹn ước. Rồi giặc tan, đất nước thái bình, Ngài về Tó lấy nàng, phong cho làm quý phi.
Ở làng Đăm (xưa gọi là Tây Đàm nay thuộc phường Tây Tựu) có tục bơi thuyền 5 năm tổ chức một lần. Khúc sông qua làng phình rộng ra gần 200m, kéo dài chừng một cây số, như một cái đầm lớn. Đình làng Đăm thờ Đào Trường, còn gọi là Phúc thần Bạch Hạc tam giang, người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Hùng Duệ Vương. Nhớ công ơn Đào Trường, dân làng ở nhiều nơi đã lập đền thờ ông.  
“Làng Đăm có hội bơi thuyền
Có lò đánh vật có miền trồng rau”.
Gần Đăm là Phú Diễn xưa có tên là Diễn Bơi vì Phú Diễn xưa cũng có lễ hội bơi thuyền trên sông Nhuệ. Cùng với văn hóa sông nước, sông Nhuệ là đường giao thông chuyên chở hàng hóa cho các làng nghề thủ công ven sông. Xưa dọc hai bờ sông Nhuệ  có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng chuyên làm bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); làng rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông); Ngọ Xá (xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) chuyên về đồ gỗ khảm trai nức tiếng; làng Phú Túc đan chiếu… Mỗi làng một nghề và bến sông của làng quanh năm nhộn nhịp. Cũng từ bến sông làng, lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc) theo thuyền buôn tỏa đi khắp nơi để rồi thiên hạ biết đến một làng lụa ven sông thơ mộng.
Thế nhưng khi cửa sông Đáy với sông Hồng là Hát Môn bị cát bồi lấp thì sông Đáy bị mất một nguồn cấp nước từ sông Hồng. Sông này chỉ còn nguồn nước từ các nhánh ở phía hữu ngạn từ Hòa Bình vì thế sông Nhuệ cũng không còn nguồn cung nước đã trở thành “con sông chết” từ thế kỷ XIX. Nhiều khúc sông bị thu hẹp. Đoạn chảy qua Phú Mỹ  (phường Mỹ Đình) chỉ rộng 20m vào mùa khô có thể vén quần lội qua. Lại thêm đê Liên Mạc bị vỡ năm 1915 khiến phù sa tràn vào đồng đã lấp đoạn chảy qua Diễn Bơi biến nó trở thành con lạch gọi là sông Pheo. Không còn sông nên lễ hội bơi thuyền chỉ còn trong sử sách. 
Vì sông Nhuệ là “sông chết” và sông Thiên Phù lấy nước sông Hồng ở cửa Nhật Tân chảy qua Xuân La, Xuân Đỉnh gặp sông Nhuệ ở Thôn Trù 2 (nay thuộc phường Cổ Nhuế 2) cũng không còn khiến cả vùng Tây Bắc Hà Nội không có nước để sản xuất nông nghiệp. Khi đê Liên Mạc vỡ, nước lũ không có đường tiêu thoát khiến cả vùng rộng lớn từ Chèm, Vẽ kéo xuống tới Phú Diễn bị úng nước gần một tháng. Để có sông cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và tiêu úng, năm 1935, Chính phủ Bảo hộ đã cho đào sông bắt đầu từ Liên Mạc chạy thẳng xuống Thôn Trù 2 và gọi là sông Nhuệ mới.
Chiều rộng của sông Nhuệ mới rộng hơn 100m, hai bên bờ có đê bao. Tại Liên Mạc có hệ thống cống. Mùa khô người ta mở cửa cống cho nước sông Hồng chảy vào và đóng cống khi mùa mưa. Công trình hoàn thành sau 4 năm đào đắp chủ yếu bằng sức người. Cùng với đào mới, dự án cũng cho mở rộng hai bên sông Nhuệ cũ từ Thôn Trù 2 kéo dài xuống tận Phủ Lý đã làm hồi sinh “con sông chết” trong nhiều năm. Thời bao cấp, ở nhiều đoạn sông Nhuệ, rất nhiều người làm nghề chài lưới và con sông là đường giao thông. 
Ngày nay sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng do nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng xuống sông. Hai bên bờ một số khúc còn bị lấn chiếm làm nhà và cơ sở sản xuất biến sông Nhuệ từng là con sông quê thơ mộng của Hà Nội thành con sông xấu xí. Giá như có dự án phục hồi lại sông Nhuệ như dự án khôi phục sông Tô Lịch thì hay biết mấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét