STO - Tên gọi Sóc Trăng dựa theo những bộ sử như: Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, hoặc những quyển sách khảo cứu của Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Hương, Hứa Hoành... thì “Xứ Sóc Trăng” xưa có tên là “Xứ Ba Thắc”. Ngày xưa, ông cha ta dùng tên gọi này để nói về nhiều địa danh khác và thổ sản như: “Cửa sông Ba Thắc, gạo Ba Thắc”... Trước đó, Sóc Trăng thời Minh Mạng còn có tên là “Ba Xuyên”, “Nguyệt Giang”.
Riêng về địa danh Sóc Trăng có 2 cách giải thích như sau: (1) Sóc Trăng xuất phát từ tiếng Khmer đọc trại ra từ chữ “Srok Tréang” có nghĩa là “Bãi Sậy” vì ngày xưa vùng đất này có nhiều lau sậy hoang vu mà nhà văn Lê Hương đã miêu tả; (2) Sóc Trăng phiên dịch theo tiếng Khmer là “Srok Khleang” mà ra. “Srok” nghĩa là “xứ”, là “cõi”, “Khleang” là “kho”, là “vựa”, chỗ chứa nhiều vàng, bạc của nhà vua. Còn phiên âm tiếng Việt thành ra “Sốc Kha Lang” (Sóc Trăng).
Bản đồ hành chính Sóc Trăng thời Pháp thuộc.
Năm 1876, thực dân Pháp chiếm đóng và tổ chức bộ máy hành chính cai trị trực tiếp tại Sóc Trăng. Thực dân Pháp xây dựng nơi này trụ sở Hạt Tham Biện do ông Berteaux Levillain trực tiếp nắm quyền. Ông cũng là tỉnh trưởng đầu tiên của chính quyền thực dân Pháp tại Sóc Trăng. Sau một thời gian dài để bình ổn tình hình nổi dậy chống chính quyền thực dân Pháp của người dân Sóc Trăng, năm 1904 thị tứ loại I (tức chợ loại I) được chính quyền thực dân Pháp công nhận có tên là “chợ Khánh Hưng”, thuộc địa phận làng Khánh Hưng, quận Châu Thành (nay là chợ Sóc Trăng). Cùng thời điểm lúc bấy giờ, chợ Bãi Xàu (thuộc làng Mỹ Xuyên) cũng được công nhận là “chợ loại I” (thị tứ hạng I).
Năm 1908, tỉnh trưởng Maspéro cho đào tuyến kênh nổi tiếng: Sóc Trăng – Phụng Hiệp (còn gọi là kênh Maspéro). Đến năm 1911, cầu tàu lục tỉnh tại Vàm Đại Ngãi ra đời nhằm phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giao thương với các tỉnh trong khu vực và nhằm phục vụ cho chiến lược quân sự khống chế tuyến sông Ba Thắc (nay là sông Hậu).
Ảnh tư liệu (Internet).
Những công trình tiêu biểu trên đã làm biến đổi khá nhiều bộ mặt phủ Trấn Di từng bước trù phú hơn. Khu vực hành chính các cấp được tiến hành xây dựng nhằm ổn định tình hình quản lý người dân để thực hiện chính sách cai trị và khai thác kinh tế lâu dài. Trong những năm đầu của thập kỷ 1930, Tòa bố (trụ sở cơ quan cai trị cấp tỉnh – Dinh tỉnh trưởng) được chính thức xây dựng, kế đến là Sở Quan thuế, Tòa án tỉnh, Sở Thương chánh, Ty Ngân khố, Sở Điền địa, Ty Bưu điện, Trại Lính tập, Sở Cảnh sát, Khám đường...
Tương phản với khu vực hành chính uy nghi, bề thế, khu thương mại là nơi hội tụ giao lưu buôn bán với đủ thành phần tham gia. Bên cạnh đó là những người “buôn gánh, bán bưng” với các loại nông sản, hải sản, hàng mỹ nghệ truyền thống đông đúc, phong phú, đồng thời các tiệm buôn, hiệu buôn, xưởng mộc, xưởng cơ khí, tiệm thợ bạc, tiệm vàng, tiệm may mặc, rạp hát... mọc lên khá nhiều. Dọc theo hai bên dòng sông Maspéro, các nhà máy chà gạo, lẫm lúa, bến tàu lục tỉnh... tiếp nối nhau hình thành. Trong thời gian này, nhiều địa chủ đổ ra khu vực thị tứ (chợ) để mở hướng kinh doanh thương mại, nhiều nhất là khu chợ Khánh Hưng. Giai đoạn này, miếu, đình, chùa cũng được mọc lên khá nhiều như: Đình Năm Ông, Miếu Kim Hoàn (đường Lê Lợi ngày nay); chùa Khleang, chùa Ma Ha Túp, chùa Sầm Rong, nơi thờ tự (chùa Đất Sét)...
Ảnh tư liệu (Internet).
Ngày nay, Sóc Trăng phát triển so với ngày xưa gấp vạn lần hơn, người dân Sóc Trăng phát huy truyền thống đoàn kết, đâu lưng, đấu cật, cần cù lao động, sáng tạo, vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn, vừa khai phá, vừa dựng xây, chinh phục thiên nhiên, chống lại giặc ngoại xâm... Trong tiến trình lịch sử đó, quê hương Sóc Trăng có biết bao dấu son và người dân Sóc Trăng được nâng lên tầm cao mới mà bất cứ ai đã sinh thành, lập thân, lập nghiệp, gắn bó cuộc đời với mảnh đất này đều có thể cảm nhận niềm vui hạnh phúc, đáng để tự hào!
Lê Trúc Vinh