STO - Huyện Mỹ Xuyên hiện nay còn có tên gọi khác là quận Phong Nhiêu (hình thành từ năm 1835). Tên Mỹ Xuyên cũng được sử dụng khá nhiều trong các văn bản hành chính xưa kia.
Về nguồn gốc tên gọi Mỹ Xuyên, có giả thuyết cho rằng: Trong lúc điều quân tiến hành thực hiện các cuộc tảo thanh, trên đường xâm nhập vào nội địa, tuy đoạn sông Ba Xuyên (còn gọi là sông Cái Quanh) có nhiều khúc quanh co hiểm trở nhưng phong cảnh ven sông lại rất hữu tình nên vị võ quan chỉ huy quân đặt tên cho vùng đất này là Mỹ Xuyên (mỹ là đẹp, xuyên là sông – dòng sông đẹp). Lại có cách khác giải thích cho rằng Mỹ Xuyên được xuất phát từ lối chiết tự Hán – Việt: mỹ là đẹp, xuyên là đi qua - Mỹ Xuyên là “Con đường đi qua đẹp”. Những lời giải thích này có lẽ xuất phát từ những người có tấm lòng yêu mến vùng đất quê hương, họ thêu dệt những lời giải thích tạo nên nhiều ấn tượng tốt đẹp cho những ai đó có lòng mến mộ vùng đất thân yêu này.
Chợ nhỏ Bãi Xàu xưa (làng Mỹ Xuyên). Ảnh internet
Thật ra, nguồn gốc của tên gọi Mỹ Xuyên được hình thành từ việc hợp nhất hai làng Hòa Mỹ và Vĩnh Xuyên, các kỳ lão trong làng đã thống nhất chọn hai từ cuối của hai làng Hòa Mỹ và Vĩnh Xuyên thành tên gọi mới là Mỹ Xuyên. Ngày 18-4-1893, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định công nhận làng Mỹ Xuyên thuộc tổng Định Chí của hạt Ba Xuyên.
Cách thức hình thành những địa danh như vậy cũng xuất hiện khá nhiều trong địa phận Sóc Trăng ngày trước, ví dụ:
- Tổng Định Chí nhập làng Tế Thới – Châu Thạnh thành làng Thạnh Thới; nhập hai làng Nhơn Hậu – Hiểu Thạnh thành làng Hậu Thạnh.
- Tổng Định Khánh nhập thành hai làng Hưng Đức – Long Điền thành làng Long Đức; nhập hai làng Hiểu Đức – Đại Hồng thành làng Đại Đức.
Mỹ Xuyên từ trước đến nay vẫn là địa phương giàu tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng. Ngày xưa Mỹ Xuyên chỉ đứng sau TX. Sóc Trăng (nay TP. Sóc Trăng) về các hoạt động thương mại và kỹ nghệ. Nơi đây hệ thống nhà máy chà gạo (nhà máy xay xát gạo) ra đời hàng loạt hầu như đã khống chế toàn bộ các hoạt động xay xát và vận chuyển gạo ở các khu vực, địa bàn lân cận. Mỹ Xuyên là một trong những địa phương nhiều nghề thủ công truyền thống như: dệt chiếu (làng chiếu Trà Ông nổi tiếng một thời); chế biến thực phẩm (bánh tráng Bà Lèo, bánh cống Đại Tâm, bún nước lèo, tăng xại, coóng xại...), nghề rèn dao, rèn phảng...
Huyện Mỹ Xuyên hôm nay với 11 đơn vị hành chính cấp xã (1 thị trấn và 10 xã). Huyện Mỹ Xuyên được tỉnh chọn một trong hai huyện điểm xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến năm 2020 đạt chuẩn. Hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực đúng với khát vọng ngàn đời của nông dân Mỹ Xuyên.
Lê Trúc Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét