STO - Đại Tâm là một trong những vùng đất khởi thủy đầu tiên của Sóc Trăng xưa. Theo dòng lịch sử, vào đầu thế kỷ thứ X - XV khi toàn bộ nội địa của tỉnh Sóc Trăng còn chìm trong nước biển thì khu vực Đại Tâm (bao gồm Trà Tim và Tài Sum xưa), An Trạch, Vũng Thơm, Kế Sách, Khánh Hưng, Liêu Tú… là những dãy đất giồng lẻ loi, nhấp nhô trên mặt nước.
Những cư dân đầu tiên đặt chân trên vùng đất này không còn cách lựa chọn nơi cư trú nào khác là tập trung trên vùng đất cao ráo để dễ bề sinh cư lập nghiệp. Có lẽ, trong những năm đầu khai phá, nghề trồng rẫy trên đất giồng xuất hiện sớm nhất và trở thành “thủy tổ” của các hoạt động nông nghiệp sau này. Khi mực nước biển thấp dần, nước rút đến đâu công cuộc khai hoang phục hóa được tiến hành đến đó và nghề làm vườn, trồng rẫy (hoa màu), trồng lúa nước mới thật sự hình thành. Trải qua bao thế hệ lao động cực lực, những vùng đất giồng hoang hóa trở thành nơi trù phú, tốt tươi phục vụ đời sống con người - đất đã trả ơn cho công sức lao động vất vả của con người. Đặc biệt vùng đất Trà Tim được coi là một vùng cây ăn trái như: vú sữa, xoài, nhãn… sánh ngang hàng với Kế Sách, Long Phú xưa.
Đại Tâm ngày nay là một trong những xã nông thôn mới của Sóc Trăng.
Ngược dòng lịch sử, Tài Sum, Trà Tim xưa và Đại Tâm ngày nay là một trong những địa danh có sự thay đổi về tên gọi nhiều nhất ở Sóc Trăng. Tài Sum là tên gọi được hình thành từ cách gọi của người dân địa phương là Soài Chrum (có sách viết là Xvai – Chrum) được dịch ra một cách nôm na là khu vực (hoặc vùng) có trồng nhiều xoài. Thật vậy, tại khu vực này vốn là vùng đất giồng cao ráo có chế độ thủy triều và thổ nhưỡng phù hợp cho nghề làm vườn, nhất là đối với cây lâu năm như: xoài, vú sữa, măng cụt, lựu…
Những tháng vào xuân, những người dân từ các vùng lân cận thường đến đây chọn lựa vài chục trái cây ngon về đặt trên bàn thờ gia tiên với mong ước “cầu đủ xài” (mãng cầu, đu đủ, xoài). Những trái xoài căng da bóng mượt được chất gọn gàng vào chiếc “Nả”- một loại giỏ sách bằng tre của người Triều Châu, có quay xách gồm hai ngăn đáy và phía trên có nắp đậy cẩn thận, người địa phương gọi là “Hui Nả” hoặc “Ui Nả”. Hình ảnh những du khách trên tay xách đầy cả “Nả” xoài đã vô tình tạo nên cho vùng đất này hình thành một địa danh mới và cũng rất mộc mạc, trìu mến: “Xoài Cả Nả” hoặc gọi lại là “Xại Nả”. Tuy không được đưa vào văn bản hành chính nhưng “Xoài Cả Nả” là tên gọi rất thông thường của người dân bản địa đương thời.
Địa danh Trà Tim được hình thành từ cách gọi “Chrôi Tưm”, hiểu theo cách giải thích của người dân địa phương là “hai gò đất cát song song nằm cặp con rạch nhỏ”. Theo giới nghiên cứu và các bô lão nơi đây, cách gọi Chrôi Tưm có thể có 2 cách giải thích khác nhau:
Một là, có ý kiến cho rằng “Chrôi” là vùng đất, mũi đất, gò đất. Còn “Tưm” có thể do viết tắt hoặc viết tắt của từ “Tòn Tưm” có nghĩa là song song với nhau. Như vậy, “Chrôi Tưm” ta có thể hiểu là “vùng đất có 2 gò cát song song với nhau”. Vậy cho ta biết thêm một đặc trưng hình thành nên địa danh của vùng đất mới đặt tên theo địa hình.
Hai là, “Tưm” được viết tắt từ chữ “Tồ Tưm”, có nghĩa là “cây lựu”, là cây ăn trái có khá nhiều ở vùng này, ngày nay vẫn còn nhưng không nhiều. Trái lựu ăn rất tốt cho sức khỏe con người.
Đại Tâm hôm nay, một vùng đất trù phú về nghề làm vườn, trồng rẫy và lúa đặc sản, thương mại, dịch vụ, du lịch, địa danh nổi tiếng có chùa Chén Kiểu vừa có văn hóa tâm linh vừa có gần như đầy đủ đặc sản miền Tây. Khách tham quan không nỡ về tay không mà phải mua một vài thứ đặc sản về thưởng thức và làm quà cho bà con láng giềng.
Lê Trúc Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét