Dân tộc Tày có kho tàng tục ngữ, thành ngữ để khuyên răn, dạy bảo con người. Trong đó, có nhiều câu nói vần vè, giản dị đúc rút kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như dự báo thời tiết, lựa chọn thời vụ sản xuất, cách thức trồng trọt…
Bà con dân tộc Tày tham gia nghi lễ xuống đồng tại Lễ hội Lồng tông.
|
Là một người tâm huyết với văn hóa Tày, ông Ma Phúc Tiến, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chia sẻ, người Tày có phương thức canh tác, truyền thống văn hóa lâu đời. Để một vụ lúa, ngô, khoai, sắn… được thu hoạch thì người nông dân xưa kia phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Họ phải có vốn hiểu biết nhất định về thời tiết thì mới có được vụ mùa bội thu. Vì vậy, thời tiết có ý nghĩa hết sức quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của những người làm nghề nông. Họ rút ra: “Hiêng hói bên thung, mèng nhùng bên tắm, le phạ ái phuôn” (Đom đóm bay cao, muỗi bay thấp, trời sắp mưa); “Nạn khống phạ đét, quang kếch phạ phuôn” (Hươu rống trời nắng, nai tác trời mưa)…
Người Tày tìm ra mối quan hệ giữa sự thay đổi thời tiết với quy trình sản xuất để có một mùa vụ thắng lợi. Họ thường nhắc nhở nhau: “Thây nà lập đông, khấu têm nà” (Cày ruộng vào lúc lập đông, thóc lúa đầy đồng) còn nếu không đúng thời điểm thì sẽ mất mùa: “Đăm nà khấu bươn chất, khấu mí đo kin” (Cấy ruộng lúc tháng 7, gạo không đủ ăn).
Sống hòa mình với thiên nhiên, các hiện tượng tự nhiên gần gũi quanh cuộc sống như: Quả chín, hoa nở, gà gáy… trở thành dấu hiệu để người Tày thực hiện đúng thời điểm canh tác. Ví dụ như: “Mác lót rường hang, mương phai lèo chướng” (Quả nhót đỏ trôn, mương phai lo sửa); “Mác phầy ốt rù đăng ván chả, mác phầy cắm hăm mạ đăm nà” (Quả dâu da vừa lỗ mũi gieo mạ, dâu da tím dái ngựa cấy lúa).
Bên cạnh đó, người Tày có quan niệm rằng thành quả vụ mùa không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên mà còn phụ thuộc vào ý thức của người nông dân. Họ nhắc nhở nhau rằng: “Pây tổng hết quan, mà rườn tắng pác, pây tổng hết khói, mà rườn đáy kin” (Ra đồng nhởn nhơ, về nhà trơ mõm, ra đồng chịu khó, về nhà có ăn); “Pây rẩy bấu pà ma, pây mà bấu pà đếnh” (Đi nương không mang chó, ra ruộng không mang trẻ); “Pỏ puôn pán mì ngần, lạo puôn đin mì khẩu” (Kẻ buôn bán có tiền, người cuốc đất có lúa).
Trải qua những vất vả “một nắng hai sương”, người nông dân thu hoạch vụ mùa thắng lợi. Người Tày không quên nhắn nhủ con cháu nhớ đến công lao người làm ra hạt lúa: “Mặt khẩu cấu mặt hứa” (hạt gạo chín hạt mồ hôi), “Pát khẩu cấu tẻo vài” (Bát cơm chín đường cày)…
Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, người nông dân biết ứng dụng phương pháp canh tác mới, tuy nhiên những câu tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất vẫn được người Tày áp dụng. Chị Nông Thị Hương, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, chị được bố mẹ dạy những kinh nghiệm quý giá chẳng hạn như để dự báo thời tiết, lựa chọn thời điểm sản xuất theo hiện tượng tự nhiên…
Qua kinh nghiệm thực tiễn, người nông dân đã đúc kết nên kho tàng kiến thức phong phú được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Qua đó cho thấy, người Tày sống hòa đồng và có vốn hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên.
Theo baotuyenquang.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét