Lễ hội mừng cơm mới (chôm khảu mớ) của đồng bào dân tộc Thái đã có từ lâu đời. Người dân tộc Thái nơi đây quan niệm để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng.
Vì vậy, trước khi thu hoạch lúa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất. Đây là một trong các lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La được tổ chức hàng năm vào mùa lúa chín với tinh thần tự nguyện quyên góp của dân bản.
Mâm lễ cúng thổ công. |
Lễ cơm mới được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, thông gia, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy.
Lễ hội còn là dịp các thành viên quây quần bên nhau, là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về xum vầy cùng gia đình trong ngày cơm mới.
Thầy mo Mông Văn Thanh, cùng đồng bào dân tộc Thái thực hiện nghi lễ cúng tại bàn thờ thổ công . |
Lễ vật trong lễ cúng gồm có: 02 con gà trống, 01 con gà mái, lươn, ếch, nhái, châu chấu, thịt chuột rừng, ngô, khoai sắn, gạo nếp, rượu, trầu cau, tiền vàng mã...
Lễ cúng được thực hiện tại bàn thờ thổ công và bàn thờ tổ tiên trong nhà. Các lễ vật được chia làm 03 mâm lễ: 1 mâm lễ để cúng thổ địa, 1 mâm lễ cúng tổ tiên, 1 mâm lễ cúng vía lúa để mừng cơm mới, mâm lễ này chỉ gồm các con vật hay phá hoại mùa màng như châu chấu và chuột rừng.
Lễ cúng được thực hiện tại bàn thờ thổ công và bàn thờ tổ tiên trong nhà. Các lễ vật được chia làm 03 mâm lễ: 1 mâm lễ để cúng thổ địa, 1 mâm lễ cúng tổ tiên, 1 mâm lễ cúng vía lúa để mừng cơm mới, mâm lễ này chỉ gồm các con vật hay phá hoại mùa màng như châu chấu và chuột rừng.
Thầy mo Mông Văn Thanh thực hiện nghi lễ cúng gia tiên . |
Ngoài những lễ vật như lợn, gà, các loại hoa quả, trên mâm lễ dâng lên tổ tiên còn có bát cơm mới mang đặc trưng của của người Thái. Khi cúng thì dành một con gà trống để thờ tổ tiên mình. Người Thái sắm đầy đủ từ các loại củ như sắn, khoai, hoa quả như bưởi, mía… mời tổ tiên về mừng cơm mới.
Thầy mo thực hiện các nghi lễ với lòng thành kính: "Xin thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với chư vị. Xin kính mời các vị đón nhận các lễ vật mà chúng con đã đang lên. Cầu mong các vị thần linh thổ địa, các vị thần tiên phù hộ, che chở cho gia chủ luôn khỏe mạnh, xua đuổi tà ma, thú dữ và bệnh tật tránh xa gia chủ và bản làng. Cầu mong sang năm bà con làng bản lại có một mùa màng bội thu. Xin thành tâm lạy tạ các vị!"
Các thiếu nữ dân tộc Thái (Sơn La) biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ . |
Sau phần lễ, phần hội diễn ra vui vẻ, phấn khởi, khẳng định được sự sáng tạo trong lao động qua các hoạt động phong phú, thể hiện được tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Sau thời gian lao động vất vả đồng bào được tụ hội lại để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi cách làm ăn, sinh sống...
Du khách và đồng bào nhảy sạp tại buổi lễ . |
Theo Langvietonline.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét