Nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức tái hiện Lễ hội Đâm đuống của đồng bào dân tộc Mường.
Mở đầu buổi lễ là màn trình diễn của đội cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Tâm |
Đâm đuống là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong lễ hội và chỉ có phụ nữ biểu diễn, có tính nghệ thuật và tính tổ chức. Đâm đuống là tục lệ có nguồn gốc từ lâu đời ở các vùng đồng bào dân tộc Mường sinh sống như tỉnh Hòa Bình và huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Thày mo và cô gái Mường làm lễ khấn thần, phật, tổ tiên trước khi vào lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm |
Thày mo làm lễ khấn mát nhà, vẩy nước xung quanh sân lễ. Ảnh: Hoàng Tâm |
Đồng bào Mường thường giã gạo bằng chiếc cối gỗ hình chiếc thuyền độc mộc dài từ hai tới ba sải tay, chiếc chày giã dài như đòn gánh, giữa thân thon để vừa tay cầm. Đâm đuống thường được người Mường tổ chức vào dịp Tết, hội mùa, cưới xin và dựng nhà. Nó được hình thành từ cuộc sống lao động của cư dân nông nghiệp vùng trung du, từ công việc giã gạo bằng cối và chày gỗ của phụ nữ. Người Mường tin rằng tiếng đuống càng vang, càng rộn ràng bao nhiêu thì năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và dân làng gặp nhiều may mắn.
Chiếc đuống của người Mường làm bằng gỗ, có hình chiếc thuyền độc mộc, dài từ hai đến ba sải tay. Ảnh Hoàng Tâm |
Khi đâm đuống, đồng bào Mường thường chia thành các đôi đứng đối diện nhau qua đuống. Số đôi phụ thuộc vào chiều dài của đuống, thường người phụ nữ nhiều tuổi nhất đứng đầu cối, giã ba tiếng “Kênh, keng, kinh” mở màn, tiếp theo đến những đôi sau sắp sếp theo thứ tự trong nhà hoặc theo tuổi tác. Âm thanh đuống trầm, chắc nịch là khi chày được đâm thẳng xuống lòng đuống. Âm thanh đuống cao, hơi đanh là khi chày gõ vào thành đuống. Thông thường, gõ vào thành đuống là để dồn những hạt lúa đã tách ra khỏi bông rơi xuống đáy đuống. Chính cách làm cho hạt lúa rơi xuống đáy đuống đã làm nên những âm thanh khác nhau. Người Mường đã sáng tạo nên cách phối hợp các âm thanh đó thành âm nhạc, thành những bài bản chàm đuống thú vị.
Các cô gái Mường thực hiện đâm đuống rất nghệ thuật, tạo thành bản nhạc đặc trưng. Ảnh Hoàng Tâm |
Tục đâm đuống đã trở thành tục lệ đẹp của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh: Hoàng Tâm |
Hình thức giã gạo đã được nghệ thuật hóa để làm đẹp, mua vui. Tục đâm đuống của đồng bào dân tộc Mường là một tục lệ đẹp, thiết thực, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết giữa người với người ở bản Mường.
Hoàng Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét