Ngày 14/2, người Mường ở Thanh Hóa lại nô nức về dự Lễ hội Mường Khô (làng Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước) để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh, cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Lãnh đạo huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đánh cồng khai mạc lễ hội. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Đến với lễ hội Mường Khô du khách được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường như rượu cần, cơm lam, canh đắng… và những trò chơi, trò diễn đặc sắc như tung còn, chơi mảng, chọi gà, đánh đu, đánh cồng chiêng. Người dân tộc Mường ở Thanh Hóa rất coi trọng Lễ hội Mường Khô. Vào ngày chính hội, tất cả người dân xứ Mường xúng xính váy áo truyền thống đi lễ hội, rước kiệu, đánh chiêng cầu mong năm mới an lành. Để chuẩn bị cho lễ hội, những người có uy tín trong làng và nhân dân trong Mường đã chuẩn bị chu đáo những đồ lễ tế như trâu, lợn, gà, cá, bánh chưng, rượu, gạo, hoa quả để dâng lên nơi thờ những người có công với đất nước như: Hà Công Thái, Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt...
Gần 300 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo gần 300 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu, hát múa. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Nét độc đáo và riêng biệt chỉ có trong lễ hội Mường Khô năm 2019, chính là việc gần 300 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo gần 300 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu, hát múa. Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa không gian núi rừng là một trong những thứ không thể thiếu trong lễ hội Mường Khô, thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường. Trong quan niệm của người Mường vào dịp lễ hội, ngày Tết, dịp vui của làng, bản, dòng họ hoặc hoạt động văn hóa quần chúng không có tiếng cồng chiêng thì Lễ hội ấy không to, Tết ấy không sung túc.
Sôi nổi trong cuộc thi kéo co giữa các xã trong huyện. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN |
Tham gia Lễ hội Mường Khô, người dân và du khách như được nghe vọng tiếng của người xưa trong núi đá bên thượng nguồn sông Mã, tiếng vó ngựa phi, tiếng bước chân của nghĩa quân và tiếng hò reo thắng trận của binh Mường. Lễ hội Mường Khô đã làm cho không khí bản làng người Mường ở Thanh Hóa thêm tưng bừng sống động, đồng bào dân tộc Mường thêm phấn khởi, nô nức tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường Việt Nam. Việc chính quyền địa phương duy trì tổ chức lễ hội được xem như là phương thức hữu hiệu để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, đồng thời cũng là dịp truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình.
Vùng đất Mường Khô là nơi cư trú của dòng họ Hà Công - một trong những dòng họ có uy tín của người Mường. Nơi đây cũng chính là quê hương của vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương Hà Văn Mao, người đã giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ chống giặc ngoại xâm. Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của gia đình, một dòng họ sau này trở thành lễ hội lớn của cả một vùng thể hiện nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao xứ Thanh. Ngày nay, Mường Khô được chia tách thành 4 xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ của huyện Bá Thước. Vùng đất Mường Khô hôm nay còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường, các lễ hội tâm linh các trò chơi, trò diễn dân gian nhạc cụ cồng chiêng...
Đinh Thuận - Hoa Mai - Khiếu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét