Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Chư Pah

Trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người Jrai Aráp ở vùng Chư Pah (Gia Lai) lễ mừng lúa mới được coi là nghi lễ quan trọng nhất. Đó là nghi lễ mà các gia đình và cộng đồng làm để tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho cho con người làm nên một vụ mùa tươi tốt, mang cho họ những hạt lúa óng vàng. Đồng thời đây cũng là nghi lễ để từng gia đình, cộng đồng cầu xin thần linh sẽ tiếp tục phù hộ cho họ trong mùa vụ tiếp theo được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, ngoài số lễ vật do các gia đình đóng góp thì mỗi gia đình đều có làm lễ cúng Giàng. Nghi lễ dâng lên thần linh gồm: 1 con heo nhỏ, 1 con gà, 2 ghè rượu… đã chuẩn bị từ nửa tháng trước. Ngoài ra gia chủ còn chuẩn bị một giàn cúng nhỏ trong nhà. Giàn cúng được làm bằng cây lồ ô, phần ngọn cây này, phần tháp thêm 1 khúc lồ lô được chẻ ở phía trên tạo thành hình một chiếc phễu, phía trên mỗi nhánh chẻ ra được trang trí bằng những túm bùi nhùi vót từ thân cây-đây là cột thiêng, nơi để các thần linh ngụ khi về dự lễ cùng gia chủ.
 
Gia chủ cũng chuẩn những đồ vật để cúng Giàng.

Khi công việc chuẩn bị đã xong, việc đầu tiên là các thành viên trong gia đình đem heo, gà cúng ra chân cầu thang của ngôi nhà đập. Đây là việc làm để báo với thần linh về số lễ vật được dâng cúng. Theo quan niệm của người Jrai, cầu thang vào nhà là một vị trí quan trọng, là nơi Yang Sang (thần nhà) tiếp nhận các thông tin, vì vậy, khi đập đầu heo, gà vào chân cầu thang, chủ nhà chú ý để huyết của các con vật hiến sinh dính vào cầu thang thì mới linh nghiệm.

Gia chủ cúng lúa mới tại kho. 

Trong lúc chủ nhà làm lễ cúng ở nhà kho thì giàn cồng chiêng của làng đã chờ sẵn dưới sân, đợi vợ chồng Chủ nhà  thực hiện xong phần lễ ở nhà kho, họ đánh bài chiêng mừng lúa mới rồi rước vợ chồng Chủ nhà  đi thành hàng 1 từ dưới sân lên sàn nhà

Sau khi các gia đình trong làng làm xong lễ chep bong, già làng tổ chức cuộc họp các chủ hộ ở nhà rông để thông báo về việc tổ chức lễ  hội mừng lúa mới của làng (kơm bul) và phân công công việc chuẩn bị lễ hội cho từng nhóm người theo lứa tuổi và giới tính: thanh niên lo việc chặt củi, hái rau, chặt lồ ô để múc nước, các ông già làm  con rối, giàn cúng...; việc mua thêm heo, gà cũng được giao cụ thể cho một số người; đội cồng chiêng của làng tập lại bài chiêng mừng lúa mới...

Nghi lễ quan trọng được thực hiện ở bên trong nhà rông.  Ở đây, các già làng tiếp tục cúng khấn thần linh. Xong phần nghi lễ tới phần hội của người dân trong làng. Khi đó họ vừa tham gia uống rượu cần, vừa nhảy những điệu xoang quanh những cây nêu trong tiếng bập bùng của cồng chiêng.
 
Nhảy xoang trong lễ hội mừng lúa mới của người Jrai

Nghi lễ vừa thể hiện tấm lòng thành của dân làng đối với các thần linh đã phù hộ cho họ có một  mùa vụ tốt tươi, mang cho họ những hạt lúa óng vàng, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên tạo nên sức mạnh của cộng đồng.
Theo baogialai.com.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét