Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Lễ tảo mộ của người Hà Nhì

Sống trên những vùng núi cao nhất của Tây Bắc hiểm trở, người Hà Nhì có nhiều lễ hội và phong tục độc đáo. Phong tục tảo mộ không chỉ hàm chứa nhiều nghi lễ độc đáo, mà còn thể hiện bản sắc, tinh thần cộng đồng của người Hà Nhì.
Từ chợ phiên Ý Tý chúng tôi xuôi xuống thôn Choỏn Thèn, nơi tập trung đông đảo người Hà Nhì sinh sống. Cả thôn hôm nay khá vắng vẻ, hỏi chuyện một người dân chúng tôi được biết hôm nay trong thôn có gia đình làm lễ tảo mộ cho người thân, nên mọi người đều đã ra đồng giúp gia chủ.

Lễ tảo mộ  là một trong những phong tục lâu đời của người Hà Nhì, thường được tổ chức vào dịp cuối năm và mùa xuân. Theo lệ, sau khi người chết chôn được ba năm thì gia đình tiến hành thăm viếng mộ phần và tảo mộ. Nếu như ở miền xuôi tảo mộ hay sang cát cho người quá cố được thực hiện theo từng gia đình, với người Hà Nhì đây là công việc chung của cả thôn, bản thể hiện sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau.





Người Hà Nhì sống gắn bó, quần tụ, chia sẻ với nhau, tạo nên cộng đồng đoàn kết.
Lễ tảo mộ, mỗi người dân đều tự nguyện góp vật phẩm cúng lễ với tổ tiên. Ảnh: Trần Hiếu


 Những con giấy gấp hình chim hạc, thuyền buồm, bông hoa ẩn chứa những lời cầu nguyện của người Hà Nhì với tổ tiên.
Ảnh: Trần Hiếu
  

Trước ngày lễ tảo mộ, gia đình một mặt chuẩn bị đồ cúng lễ chu đáo, một mặt thông báo để cả bản biết và tham gia. Đồ lễ cúng gồm gà trống, gạo nếp, trứng luộc, vàng hương… Các gia đình khác trong bản cũng chuẩn bị đồ ăn. Cả bản sẽ giết thịt một con lợn to lấy đầu và đuôi làm lễ cúng người quá cố, phần còn lại được chế biến thành các món ăn truyền thống để cả làng thưởng thức sau lễ cúng.

Từ sáng sớm gia đình của người quá cố và những người đàn ông, thanh niên trong bản cùng nhau sửa sang lại mộ phần. Trên mộ cắm một cây nêu, trên cây nêu treo những con giống bằng giấy gấp hình chim hạc, con thuyền. Sau khi mộ phần được sửa sang sẽ tiến hành gắn bia và viết tên người quá cố. Đến giờ được chọn, thầy cúng sẽ tiến hành lễ cúng mời người quá cố về hưởng lộc. Mâm cúng với rượu, cơm nếp, vàng hương, đầu lợn được đặt trước cửa mộ - nơi ra vào của linh hồn người quá cố. Thầy cúng khấn xong thì mỗi gia đình trong bản sẽ mang một bó hương đến đốt và cắm bên mộ, đồng thời chia phần cơm nếp, thức ăn, rượu, bánh kẹo trước mộ người quá cố.

Bữa ăn hưởng lộc có lẽ là một trong những nét độc đáo nhất thể hiện tính cộng đồng của người Hà Nhì. Cả thôn ngồi quây quần đông vui trên những thửa ruộng bậc thang cùng nhau ăn bữa cơm tập thể. Người Hà Nhì quan niệm, tảo mộ không có nghĩa là buồn đau, mất mát, mà là ngày mừng cho người đã khuất có nhà mới, được yên ấm ở thế giới khác.



Chuẩn bị bữa trưa ngay trên những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Trần Hiếu




Bữa cơm trưa đầm ấm của cả bản người Hà Nhì. Ảnh: Trần Hiếu

Tảo mộ là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của cộng đồng thôn, bản Hà Nhì. Vì vậy, nếu bạn là người thích khám phá cuộc sống miền Tây Bắc thì ngày tảo mộ của người Hà Nhì là dịp may hiếm có.

Người phụ nữ Hà Nhì ngày thường tất bật với công việc nội trợ, đồng áng. Họ lên nương từ sáng sớm và trở về với những chiếc gùi nặng chĩu rau củ, củi khô. Nhưng vào dịp này họ tạm gác công việc thường nhật, mặc những bộ trang phục truyền thống để tham gia ngày hội của thôn.

Trong ngày tảo mộ, người phụ nữ Hà Nhì mặc những bộ váy áo đẹp nhất, với đầy đủ mũ, dây lưng, yếm và trang sức bằng bạc. Nhìn từ xa, tông màu xanh đen của trang phục phụ nữ Hà Nhì nổi bật trên thửa ruộng bậc thang giữa mây trời Ý Tý. Mái đầu dầy cộm với tóc và len sợi được tết chặt với nhau thành búi lớn. Cách búi tóc như vậy vừa giữ ấm đầu trong thời tiết giá lạnh, vừa thể hiện nét đẹp gọn gàng, khỏe mạnh và mang lại may mắn cho người phụ nữ.

Lễ tảo mộ không chỉ là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Hà Nhì, mà còn thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ khó khăn, gắn kết cộng đồng bền chặt./.
 
Bài và ảnh: Trần Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét