Vào thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán thì tắm tất niên trở thành một phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp. Với bậc đế vương, thậm chí còn có hẳn quy định về nghi thức tắm tất niên, một điều mà không phải ai cũng rõ.
“Tất niên” được hiểu là kết thúc năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Các hành động, sự kiện ở thời điểm những ngày cận tết thường có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” và mang tính nghi thức, từ lâu đã trở thành phong tục, trong đó có tục “tắm tất niên”.
Thời gian trước Tết là những ngày tháng mùa Đông lạnh giá, thường có mưa phùn, gió bấc, ẩm thấp vì vậy tắm không phải là sinh hoạt thường ngày như vào những ngày hè nóng bức hay mùa thu mát mẻ. Tuy nhiên, để chuẩn bị đón giao thừa và mừng năm mới, dù thời tiết có thế nào thì ai ai cũng đều sắp xếp để tắm vào thời điểm thuận lợi nhất. Có thể hiểu việc tắm trước Tết (gọi là tắm tất niên) theo nghĩa đen, đó là việc vệ sinh thân thể cuối cùng trong năm cũ.
Với nồi nước nóng nấu với các loại lá thơm, ngoài “tẩy uế” làm sạch cơ thể, tắm tất niên còn mang ý nghĩa tinh thần. Mùi thơm của nước tắm tạo cảm giác thư thái và khi tắm người ta thấy dường như không chỉ thân thể được sạch sẽ mà tâm hồn cũng được “thanh tẩy” trở lên sảng khoái, tinh khiết hơn.
Loại cây được dùng nhiều trong tắm tất niên là cây mùi già. Bó mùi già với quả, hoa được cho vào nồi nước đun sôi lên tạo nước xanh với hương thơm tỏa ra một mùi thơm ngát rất dễ chịu. Người xưa quan niệm rằng mùi thơm đó có ý nghĩa đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành.
Nếu như trong dân gian việc tắm tất niên không quá câu nệ về thời gian, hình thức thì đối với bậc quyền quý, đây lại là một nghi thức rất được coi trọng, được đặt thành định lệ hẳn hoi. Như vào thời Lê Trung Hưng, khi vua Lê chỉ ngồi ngai vàng mang tính biểu tượng thì quyền lực lại nằm cả trong tay chúa Trịnh, chính vì thế những điển chế, pháp luật hay quy tắc được xây dựng trong thời kỳ này, ngoài phần của vua còn có các nội dung đề cập đến chúa.
Trong sách Lê triều hội điển, một tác phẩm ghi chép về các chế độ, luật lệnh của 6 cơ quan là Hộ thuộc, Lại thuộc, Binh thuộc, Hình thuộc, Công thuộc và Lễ thuộc có một phần đề cập đến việc tắm tất niên.
Ở phần Binh thuộc, có quy định về “Lệ hầu tắm” đề cập đến nhiệm vụ của binh lính trong việc bảo vệ, phục vụ nghi lễ hầu chúa Trịnh tắm tất niên như sau:
“Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, có lễ hầu tắm. Quan Binh phiên vào báo trước cho Tiểu giám sáu cung và quan binh các cơ đội thuyền, Thể sát, Thị hầu đều mặc áo mũ bằng gai, chiếu theo bản đồ xếp hàng thứ tự. Ngày 29, mười hai cơ hiệu Thị hầu xếp hàng, sau giờ Ngọ sai đi tuần xem xét trước, chờ nghe hiệu trống thì đem binh lần lượt tiến vào. Quan Đề lĩnh giữ phủ, vào buổi tối đem quân đến túc trực. Sớm hôm đó, đội Nghiêm nhất đánh một tiếng trống, đội Bả môn mở cổng. Binh Thị vệ tiến vào. Hiệu Thị trung đánh trống nghiêm lệnh, các hiệu lần được đánh trống, rước chúa ngự đến lầu thay áo.
Kiệu nhất gõ chiêng báo thu quân về cung, truyền cho các quan Thân huân và hiệu cung Thị hữu, Thị hậu rước chúa cởi áo tắm gội. Đội Nhưng nhất, Kiệu nhất ngồi nghỉ. Quan văn võ các hiệu lần lượt tiến đến điếm chầu, chờ truyền đánh trống tiên nghiêm. Hiệu Tiền phát lệnh đi đứng cho hồi quân. Đội Nhưng nhất đánh trống tiến trước, rước chúa lên xe về cung. Quan Binh phiên vẫy quạt, Binh thị hầu tề chỉnh hô to, xong lần lượt đi ra”.
Qua ghi chép trên có thể thấy nghi lễ tắm tất niên của chúa Trịnh được tiến hành bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp với sự chuẩn bị chu đáo và chính thức diễn ra vào ngày 29 tháng Chạp.
Đối với Hoàng đế thì khác, theo ghi chép của một cố đạo phương Tây vào năm Mậu Tuất (1658) thì: “Từ ngày 30 Tết đã có 3.000 lính đứng trực trên những con đường mà vua đi qua. Chiều ngày 30 Tết, vua ngự ra sông tắm tất niên để sáng mồng 1 đầu năm các đại thần vào chúc Tết”.
Theo Kienthuc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét