Minh Khuyên
(Dân Việt) Ở miền Tây Nam bộ, cứ vào chiều tối 30 (hay 29), nấu nướng xong xuôi, vợ chồng con cháu tựu họp đủ mặt là bắt đầu dọn đồ cúng để làm lễ rước ông bà.
Mâm cơm cúng ông bà dọn trên bàn thờ chính thì dù nghèo đến đâu cũng cố gắng lo được nồi khổ qua hầm dồn thịt; tô thịt kho nước dừa, trứng vịt; cá lóc nướng trui; với mấy chén cơm gạo mới. Nhà khá hơn có thêm con gà luộc chéo cánh, hay thịt heo quay, bánh hỏi, lạp xưởng, tôm khô củ kiệu, khô vịt, … Và tất nhiên đã làm mâm cúng thì không thể thiếu bình trà và chai rượu đế.
Ngoài ra, còn có hai mâm cho hai bàn thờ nhỏ bên phải, bên trái (để cúng bà con bên nội bên ngoại), trên bàn nước kế bàn thờ lớn một mâm (để cúng đất đai); ngoài ra, trên bộ ván hay chõng tre bên trái hoặc bên phải bàn nước cũng có bày thêm một mâm nữa để cúng các vong linh cơ nhỡ, dân gian gọi là cúng cô hồn các đản. Như vậy, nếu chuẩn bị đầy đủ phải tới năm mâm. Gọi vậy chứ thực tế thường trên bàn thờ chính là tươm tất, còn lại các món ăn được bày lan tràn theo chỗ trống, và cũng không quá cầu toàn.
Bàn thờ ngày tết (ảnh minh họa; nguồn: Internet)
Trừ bàn thờ chính, mỗi mâm cúng khác phải có một chỗ cắm nhang (có khi đó là cái ly đựng gạo, hoặc khúc thân chuối, thân bụp dừa nước, gọt sạch sẽ), cặp đèn (không có thì úp ngược chén, lấy chai, lấy lon dùng tạm), ba chung nước, ba chung rượu, ba chén cơm bới lưng, ba đôi đũa. Trong dân gian còn quan niệm riêng mâm cúng cô hồn trên ván phải có cả bó đũa vì rước nhiều vong hồn vất vơ vất vưởng.
Bày biện xong, nhang đèn đốt lên, hương trầm nghi ngút, gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đốt đèn cầy và bó nhang, đứng trước bàn nước có mâm cúng đất đai, quay mặt về bàn thờ lớn, hai tay kẹp chặt bó nhang mới đốt đưa lên ngang trán, xưng họ, tên, lý lịch, khấn nguyện đất đai viên trạch, xin phép rồi kính rước vong linh tổ tiên, ông bà, dòng họ về chung vui ăn Tết với gia đình. Đoạn gia chủ cắm nhang từng mâm, đầu tiên là mâm đất đai, bàn thờ chính, bên nội, bên ngoại, mâm trên ván cúng cô hồn, mỗi mâm xá ba xá rồi trở về chỗ cũ bái tạ bốn lạy ba xá.
Sau gia chủ, đến vợ và con cháu, lần lượt kỉnh bái ra mắt tổ tiên với bốn lạy ba xá, khỏi đốt nhang, khỏi đi xá từng mâm cúng. Tiếp đến gia chủ châm rượu ở các mâm, châm ba tuần rượu, nhang gần tàn thì đổ các chung nước lạnh để châm trà. Đợi nhang tàn, gia chủ ra đại diện gia đình bái tạ bốn lạy ba xá là xong lễ rước ông bà.
Cúng ông bà ngày tết (ảnh minh họa cho bài viết; Ảnh: Tuý Phượng)
Thức ăn dọn xuống, cả gia đình, anh em họ hàng quây quần vui vẻ. Tiệc tàn cũng là lúc mọi người bắt tay vào làm nốt một số việc còn lại để chuẩn bị đón giao thừa, mừng năm mới. Nét đẹp của phong tục này đến nay vẫn được bảo tồn và lưu giữ.
Quanh năm suốt tháng, mọi người đều phải lo làm ăn để kiếm sống, có người phải đi làm ăn nơi đất khách quê người. Ba mươi tất niên, ai ai cũng tất bật về nhà chuẩn bị cúng rước ông bà. Lễ xong, trong khói hương trầm thơm ngát, đủ mặt anh em, con cháu quây quần bên mâm tết. Cơm nóng với chung rượu ấm nồng, người ta hàn huyên công việc đã làm trong năm qua cũng như những dự định trong năm mới, … tình thâm ruột thịt càng gắn kết, tình làng nghĩa xóm được khắc sâu hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét