Ở ngôi 10 năm, Mạc Đăng Doanh tạo nên cảnh "người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên".
Chính sử không coi nhà Mạc là vương triều chính thống, nhưng không phủ nhận một số thành quả nhất định mà thời này đạt được, đặc biệt ở triều vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540).
Mạc Đăng Doanh là vua thứ hai của nhà Mạc, quê ở huyện Nam Sách, Hải Dương. Ông là con trưởng của Mạc Thái Tổ Đăng Dung. Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông lập Đăng Doanh làm thái tử. Ngày Tết Nguyên đán của ba năm sau đó, Mạc Thái Tổ truyền ngôi cho con và lên làm thái thượng hoàng.
Về việc này, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: "Năm Canh Dần (1530), tháng giêng, ngày Đinh Hợi, mồng 1, Đăng Doanh tiếm hiệu hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Đại Chính năm thứ nhất, ngụy tôn Đăng Dung làm thái thượng hoàng, dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở, mỗi tháng vào ngày mồng 8 và 22, Đăng Doanh dẫn quần thần đến điện triều yến".
Là người "tính tình khoan hậu, giản dị, giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa", dù chỉ ở ngôi 10 năm, Mạc Thái Tông Đăng Doanh đã tạo nên một thời kỳ hoàng kim của vương triều Mạc.
Tranh minh họa
|
Đại Việt thông sử ghi lại năm 1532, thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, Mạc Đăng Doanh ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo đao nhọn và các đồ binh khí ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng.
Đây là những cảnh thịnh trị hiếm có trong lịch sử Việt Nam, ngay cả thời được coi là hoàng kim của chế độ phong kiến như thời vua Lê Thánh Tông cũng không thấy ghi chép cảnh tương tự. Các sử sách của nhà Lê sau này cũng phải ghi nhận.
Mạc Đăng Doanh tổ chức ba năm một khoa thi, lần lượt vào các năm 1532, 1535 và 1538, lấy đỗ 95 người và có ba trạng nguyên tài giỏi là Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải. Trong đó, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi bật nhất. Ông được vua Mạc coi như bậc thầy, là nhà giáo, nhà tiên tri nổi tiếng nhất trong sử Việt, đưa ra lời sấm khuyên nhà Mạc lên Cao Bằng sau này.
Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là minh chứng cho thấy thời Mạc Đăng Doanh thịnh trị nhất của nhà Mạc. Khi nhà Hậu Lê rơi vào khủng hoảng, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù tài giỏi, thông minh đã không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua sáu khoa thi dưới triều Lê sơ. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay vào năm 1527, xã hội dần ổn định, ông vẫn bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều nhà Mạc. Phải tới năm 1535, dưới thời Mạc Đăng Doanh, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngoài 40 tuổi.
Ngoài tổ chức thi cử, Mạc Đăng Doanh còn sai Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám vào năm 1536. Một năm sau, đích thân ông đến trường Thái học làm lễ Thích điện (tế tiên thánh tiên sư) nhằm khuyến khích việc học tập Nho học và tỏ lòng trân trọng với các vị sáng lập Nho giáo.
Trong thời gian trị vì, Mạc Đăng Doanh đã gặp nhiều khó khăn trước nhà Minh ở Trung Quốc và nhà Lê nhưng ông đã có những giải pháp hợp lý. Một lần, vua Minh sai tướng dẫn quân áp sát biên giới, đe dọa đánh nhà Mạc. Để đối phó, Mạc Đăng Doanh một mặt sai tu sửa các trại sách vùng biên giới, luyện tập thủy quân, trưng cầu cựu thần lão tướng để cùng bàn bạc việc nước. Mặt khác, ông dùng kế hoãn binh, sai người dâng tờ biểu xin hàng giúp tránh được cuộc xâm lược.
Cũng trong thời gian Mạc Đăng Doanh ở ngôi, nhà Lê bắt đầu sự nghiệp trung hưng ở đất Thanh Hóa. Để củng cố thế lực, cha con Mạc Đăng Dung và Đăng Doanh đã phải đương đầu với nhiều đợt tấn công của quân đội Lê Trung hưng. Dù nhiều lần thất bại khi đi đánh dẹp, Mạc Đăng Doanh vẫn được hậu thế nhớ đến nhờ những công lao trong việc đem lại cuộc sống no ấm, yên ổn cho nhân dân, nhất là vùng Bắc Bộ sau nhiều năm loạn lạc cuối thời Lê sơ.
Lê Quý Đôn mô tả sự thịnh trị dưới thời Mạc Đăng Doanh rằng "trúng mùa luôn luôn, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn". Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên". Còn Phan Huy Chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí rằng dưới thời Mạc Đăng Doanh "nhà no người đủ, trong nước gọi là trị bình".
Ngày 25/1/1540, Đăng Doanh mất. Con trai trưởng của ông là Phúc Hải được Mạc Đăng Dung chọn đưa lên thay. Với những công lao của ông, năm 2015, sau nhiều tranh cãi, tên Mạc Thái Tông (Đăng Doanh) cùng cha là Mạc Thái Tổ (Đăng Dung) đã được đặt cho tên đường ở Hà Nội.
Những ông vua lên ngôi vào mùng 1 Tết
Vua Mạc Thái Tông, Lê Thế Tông, Minh Mạng lên ngôi mùng 1 Tết. Vua Thành Thái được chọn lên ngôi vào mùng 1 và đăng cơ mùng 2 Tết.
Trong lịch sử Việt Nam, nhiều ông vua lên ngôi vào "mùa xuân, tháng giêng", nhưng sách sử không ghi chính xác ngày nào. Chỉ một số được ghi chép rõ ràng ngày lên ngôi vào mùng 1 Tết.
Chân dung vua Minh Mạng, người lên ngôi vào mùng 1 Tết Canh Thìn (1820).
|
Vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh)
Mạc Đăng Doanh là hoàng đế thứ hai của nhà Mạc, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày nay. Ông là con trưởng của Mạc Thái Tổ Đăng Dung. Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông lập con trưởng Mạc Đăng Doanh làm thái tử. Ngày Tết nguyên đán năm 1530, Mạc Thái Tổ truyền ngôi cho con và lên làm Thái thượng hoàng.
Về việc này, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: "Năm Canh Dần (1530), tháng giêng, ngày Đinh Hợi, mồng 1, Đăng Doanh tiếm hiệu Hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Đại Chính năm thứ nhất".
Là người "tính tình khoan hậu, giản dị, giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo", Mạc Đăng Doanh đã tạo nên thời kỳ hoàng kim, thịnh trị của nhà Mạc. Các sử thần triều Lê - Trịnh, sử gia Lê Quý Đôn mô tả "mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều yên ổn", hay "trúng mùa luôn, thóc rẻ gạo hơn, thuế nhẹ dịch ít, ai nấy đủ thư thái, lại thêm tư pháp nghiêm minh, quan lại thanh cần, trộm cắp mất tăm, đêm không nghe tiếng chó cắn, đi đường không ai thèm nhặt của rơi".
Mạc Thái Tông Đăng Doanh ở ngôi được tròn 10 năm thì qua đời (năm 1540). Mạc Đăng Dung đã chọn cháu nội (con trưởng của Đăng Doanh) là Mạc Phúc Hải (Mạc Hiến Tông) lên thay.
Vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm)
Lê Thế Tông, tên húy là Lê Duy Đàm, sinh năm 1567, là vua thứ tư của nhà Lê trung hưng. Ông là con thứ năm của vua Lê Anh Tông. Theo chính sử, cuối tháng 11/1572, thấy Trịnh Tùng chuyên quyền, lo sợ trước cảnh chém giết, tranh giành giữa các phe cánh trong triều, vua Lê Anh Tông dẫn bốn hoàng tử bí mật bỏ ra Nghệ An tránh loạn.
Đúng ngày đầu năm Quý Dậu (1573), Trịnh Tùng cho người đến đón con thứ năm của Anh Tông là Lê Duy Đàm về lập làm vua. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Tả tướng Trịnh Tùng và các quan văn võ cùng tôn hoàng tử lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ".
Vua Lê Thế Tông cai trị trong thời kỳ Trịnh Tùng chiếm được kinh thành từ tay nhà Mạc. Quyền lực thực sự rơi vào tay Trịnh Tùng, vua Lê không còn thực quyền. Đến ngày 24/8/1599 âm lịch vua Lê Thế Tông mất, ở ngôi được 26 năm, thọ 33 tuổi.
Vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Đảm)
Vua Minh Mạng (1791-1841) tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long và là vua thứ hai của triều Nguyễn, lên ngôi sáng mùng 1 Tết năm Canh Thìn (1820). Sách Quốc sử di biên viết: “Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, hoàng tử lên ngôi ở điện Thái Hòa, đổi niên hiệu, đại xá".
Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820 khi gần 30 tuổi nên rất hiểu chính sự. Trong thời gian trị vì, ông đưa ra nhiều cải cách quan trọng như bỏ dinh trấn, chia cả nước làm 31 tỉnh, khuyến khích dân khai hoang lập ấp. Nhà vua mở thêm thi Hội và thi Đình, trước đó thời vua Gia Long chỉ có thi Hương.
Vua Minh Mạng còn nổi tiếng là vua đông con nhất triều Nguyễn với tổng cộng 142 người, trong đó có 78 hoàng tử và 64 công chúa. Tuy nhiên, sử sách không chép ông có bao nhiêu vợ.
Vua Thành Thái (Nguyễn Phúc Bửu Lân)
Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân sinh ngày 22/2 năm Kỷ Mão (1879), là con thứ bảy của vua Dục Đức. Bửu Lân được chọn lên ngai vàng vào ngày mồng 1 Tết Kỷ Sửu và đăng cơ vào ngày mùng 2 (ngày 2/2/1889).
Chân dung vua Thành Thái.
|
Vua Đồng Khánh băng hà khi chỉ còn ba ngày nữa là năm mới. Theo thủ tục của người Việt, tang lễ không thể gác qua hai năm. Điều đó đồng nghĩa với việc trong ba ngày triều đình phải phát tang vua cũ, lập người kế vị để năm mới có vua mới.
Con vua Đồng Khánh là Bửu Đảo không được chọn vì quá nhỏ, mới 3 tuổi. Viện Cơ mật phải qua Tòa khâm sứ Pháp để bàn bạc. Với sự cố tình dịch chệch của người thông ngôn Diệp Văn Cương, hoàng tử Bửu Lân được chọn làm người nối ngôi. Thời điểm đó, Bửu Lân đang sống ở quê ngoại với mẹ là hoàng hậu Phan Thị Điểu. Viện Cơ mật phải cho người xuống thuyết phục, rước về.
Lên ngôi khi 10 tuổi, nhưng vua Thành Thái đã bộc lộ rõ xu hướng căm ghét người Pháp nên luôn bị theo dõi và nghi ngờ. Thỉnh thoảng, vua lại có những cử chỉ, lời nói kỳ quặc, điên dại khiến quan Pháp rất nghi ngại.
Nhân việc vua không chịu phê vào bản tấu thăng chức cho một số quan lại tay chân của Khâm sứ, tòa Khâm sứ tước quyền phê chuẩn của vua, giam lỏng ông ở Đại nội và biện lý do "Thành Thái mắc bệnh điên". Thành Thái ngự trên ngai vàng được 18 năm, bị phế truất năm 28 tuổi.
Sau khi bị phế truất năm 1907, vua Thành Thái bị quản thúc ở Vũng Tàu. Đến năm 1916, khi con ông, vua Duy Tân khởi binh chống Pháp thất bại, hai cha con cùng gia đình bị đày sang đảo Réunion ở Ấn Độ Dương (thuộc châu Phi).
Sau cái chết của vua Duy Tân năm 1947, Thành Thái được đưa về nước, kết thúc 31 năm lưu đày ở đảo Réunion, tuy nhiên vẫn bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn để kiểm soát. Ông mất ngày 16/2 năm Giáp Ngọ tại Sài Gòn.
Ngoài bốn ông vua trên, còn nhiều vua khác lên ngôi vào "tháng giêng, mùa xuân", nhưng không được nêu rõ đăng cơ vào ngày nào, ví dụ Lý Bí (năm Giáp Tý 544), Lý Nhân Tông (năm Nhâm Tý 1072), Lê Trang Tông (năm Quý Tỵ 1533), Mạc Kính Vũ (năm Mậu Dần 1638).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét