Với người dân Nam bộ xưa, đá gà không chỉ là môn giải trí, thư thản tâm hồn, nhất là dịp “năm hết, tết đến”, mà thông qua những đòn áp sát, tấn thoái....của đôi chiến kê, có thể chiêm nghiệm thế sự... Bởi thế mà người Nam bộ xưa gọi địa điểm tổ chức đá gà là... trường gà.- một nơi không chỉ để vui chơi, giải trí... mà còn để học....
Nghề chơi cũng lắm công phu
Cách đây đúng 12 năm, tôi về Bến Tre công tác thì được đồng nghiệp giới thiệu đến ông Nguyễn Văn Xuân (SN 1920) tên thường gọi là Bảy Lương - người được suy tôn là “Kê sư” xứ Cái Mơn. Đây cũng là vùng đất nổi tiếng về giống gà nòi dang tiếng xứ Nam bộ. Quả là danh bất hư truyền, đại lão kê sư không chỉ giỏi nghề mà đức độ thì thuộc hàng cao thủ. Giờ ông đã là người thiên cổ, nhưng những câu chuyện của ông vẫn như còn tươi nguyên trong tôi. Theo kê sư, ngày xưa, việc chọn gà đá rất công phu. Phải bắt đầu từ đời bố - mẹ với chuỗi công đoạn rất khắt khe.
“Quan trọng nhất là gà mẹ” (chó giống cha, gà giống mẹ - PV) - ông Bảy Lương đúc kết kinh nghiệm từ hơn nửa thế kỷ lăn lộn trong giới đá gà - “Gà mái mặt nhỏ, chân thon, bắp cánh to và gọn. Kế đến mới lựa gà trống có nước đá hay và ăn độ để phối theo quy tắc: mái tơ thì trống già và ngược lại”. Anh Mai Hồng Thảo - tay “đỗ gà nòi nổi tiếng ở Cái Mơn, mỗi năm xuất chuồng hàng trăm chiến kê, cũng là môn đồ của ông Bảy Lương - cho biết thêm: “Thông thường nếu gà mái thuộc loại gân xương thì phải tìm gà trống có bộ lông dầy và ngược lại”. Riêng với việc phối màu lông và màu chân gà là cả nghệ thuật mà chỉ có người giàu kinh nghiệm mới có khả năng thành công từ việc chọn màu sắc của cặp gà cha – mẹ. Theo anh Thảo, tuy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu chọn lọc màu của gà cha – mẹ hợp lý, khả năng tạo ra màu lông, da chân của gà con như mong muốn rất cao.
Đứng đầu trong danh sách màu sắc này là gà có màu tam hợp: lông, chân và mắt cùng màu. Kế đến là gà có màu lông “hạp” với màu chân: Gà ô - chân trắng, gà nhạn - chân xanh da cam... Gà có sắc lông xám, hoặc ô cũng được xem là màu tốt. (“Nhất xám khô, nhì ô ướt”- PV). Chọn gà bố mẹ xong, việc nuôi dưỡng gà giống cũng cực kỳ quan trọng. Ngoài khẩu phần ăn hàng ngày giàu dinh dưỡng như: lươn, thịt bò, nghêu, sò, đậu xanh... theo ông Bảy Lương, ngày xưa, người ta còn làm ổ trên cao cho gà đẻ để trứng nở ra nhiều gà trống. Thậm chí, có người còn sắm thêm lồng rắn hổ đặt phía dưới ổ để trứng hấp thụ nộc rắn mà sản sinh ra gà có nết đá cũng như tính tình “dữ” y như rắn hổ.
Khi gà được 45 - 50 ngày tuổi thì tiến hành sơ tuyển. Để vượt qua vòng này, gà phải hội đủ các yếu tố: Da mặt mỏng; đầu nhỏ, mỏ gọn và mỏng; mắt lanh; khoé miệng sâu, cổ dài và liền với thân hình, mình nhiều lông gân. Chân gà phải thon, khô; vảy mỏng và đóng thắt vào nhau; phao câu lớn, xương ghim thật khít, lườn sâu và thẳng.... Khi gà được 1 năm tuổi, tiếp tục chọn lựa và loại thải lần cuối. Lần chọn lựa này khắc khe hơn. Chỉ riêng chuyện lông cũng có nhiều tiêu chí. Ngoài tiêu chí chung là phải dầy và gân, ở từng bộ phận đòi hỏi chất lượng lông khác nhau. Đối với lông cánh phải khít rậm và dài tận phao câu (dân trong nghề gọi là cánh vỏ trai), lông đuôi phải nhỏ bản và dài, lông gối phải phũ kín đầu gối và lông mã phải diềm lớt phớt chân gối... Rồi chuyện vị trí đóng và màu cựa, chuyện giọng gáy, nết đá và quan trọng nhất là chuyện vảy. Vảy gà là một yếu tố then chốt và phức tạp. Ngoài vảy độ vị trí mặt trước và mặt sau ống chân, vảy tiền và hậu, người chơi chuyên nghiệp càng không thể bỏ qua số vảy ở các ngón chân và độ dài của móng. Ngay cả ngón chân nhỏ nhất (thới) cũng là nơi biểu hiện chất lượng đá của gà. Nếu gà có ngón thới được xếp sát bàn chân là gà dữ. Nếu cả 4 ngón đều có vảy nứt ra hình chữ nhân thì gà thuộc vào hàng linh kê (bát chỉ nhân tự). Vì thế, thông thường một bầy chỉ chọn được một đến hai con. Còn nếu nuôi theo dạng đại trà, thì cả ngàn con mới chọn được một.
Công nghệ “o” gà
Ông Lương cho biết, ngày xưa, đá gà như cách giải trí cao cấp. Ăn thua tiền bạc là chuyện nhỏ, quan trọng là qua trận đá, người ta đánh giá “năng lực” chủ gà. Hơn thế nữa, đó còn là nơi để người chơi gà học chuyện đời. Vì vậy, khác với nhiều miền vùng, ở Nam bộ xưa, người ta gọi nơi đá gà là trường gà.
Nếu mình chọn được gà tốt, đá hay, người ta nhìn mình bằng con mắt kính trọng. Ngược lại, cho dù tiền đầy túi mình vẫn khó được kính trọng. Vì thế với người đá gà, kỹ thuật huấn luyện, o gà quan trọng như việc bảo vệ uy tín của người chơi”. Theo ông Lương, khi đạt 1,5 tuổi, gà trống được nhốt vào bội, rồi cắt tỉa lông. Kế tiếp vô nghệ, quần sương cho gân cốt cứng cáp và áp dụng chế độ ăn đặc biệt: ngoài lúa, cần bổ sung lươn, thịt bò, trứng gà, thằn lằn... Anh Mai Hồng Thảo, bật mí – “Lúa phải mang ra sông rút cho hết lép, chà xát cho rụng hết chất dơ bám bên ngoài, sau đó mang ra phơi rồi cho gà ăn”. Buổi trưa cho gà ăn chuối chín, hoặc đu đủ chín, giá sống hoặc sà lách tươi để bổ sung dinh dưỡng và tránh táo bón. Khi thấy da gà ửng đỏ, căng tròn thì đem đá thử (xổ). Xổ gà vào buổi sáng, trước khi xổ không cho gà ăn no, đá xong phải “vỗ hen” (cho nước bào miệng rồi dùng tay vỗ nhẹ lên bên dưới cổ cho nước giãy chảy ra) rồi vò nát lá trầu với chút muối cho gà ăn để tránh bị khò khè.
Lần xổ đầu tiên, lựa hai gà bằng nhau, cho đá thật lâu để phát hiện hết ngón nghề. Sau đó, tuỳ vào ưu, khuyết điểm của gà mà tìm đối thủ thích hợp. Tỷ như gà xạ (tấn công bằng cú bay người) dở thì xổ với gà xạ hay để gà mình làm quen và học tập. Mỗi trận chỉ cho đá chừng 10-15 phút, cách 10 ngày đá một nhằm để cho gà “luyện tập” gân cốt, điều chỉnh nết đá. Sau đó tiếp tục vô nghệ, phải đôi ba lần “thử lửa” như thế mới nắm được nết đá của gà mà cáp độ thích hợp.
Bí quyết nhất là kỹ thuật “o” gà ban đêm. Hàng đêm, người nuôi chủ động đổ nước cho gà uống để nở phần cổ và đá lâu không bị hốc (mệt). Thông thường đổ nước bằng ống trúc, nhưng có người dùng cả linh vật: “nanh cọp bọng”, hoặc “nanh sấu bọng”. Nếu kỹ tính, sau đó chủ còn phải ngồi rình xem để phát hiện gà mình có biểu hiện chiến kê hay linh kê gì không. Nếu là linh kê thì khi ngủ bộ dạng xoãi ra như gà chết, gọi là “tử mỵ”, còn nếu khi gáy từ miệng phát ra luồng sáng gọi là gà ngọc... Đến 6 giờ sáng tiếp tục mang gà ra bãi cỏ trống cho gà quần sương như VĐV tập nâng cao thể lực. Trước khi thả, phun nhẹ chút rượu để dẫn máu cho gà ấm trong người. Nắng lên, dùng nước ấm tắm xả nghệ, sau đó tiếp tục mang ra sân cho gà tắm nắng. Nhiều bậc thầy trong nghề còn dùng nước trà để tắm gà và sau đó dùng om “thuốc” được chế từ ngãi cứu, nghệ nấu trong nồi đất với đồng tiểu (nước tiểu trẻ em) pha thêm chút rượu thuốc gia truyền.
“Đạo” đá gà của ở Nam bộ xưa
Sau khi nuôi đủ sức, đủ tài, gà được đưa ra trường đá. Cáp gà cũng là nghệ thuật, thể hiện bản lĩnh của người chơi. Thông thường là phải bằng chạn, nhưng nhiều lúc gà nhỏ lại thách đấu với gà lớn. Ông Bảy Lương bật mí: “Nếu gà mình có vảy tốt hơn, mặt lanh hơn, hoặc có sắc lông hay hơn thì chấp nhận cho người ta dư chạn hơn mình”. Ngoài cân nặng, hình dáng, người giỏi cáp độ còn căn cứ đến nhiều yếu tố khác. Theo ông Bảy Lương, “sách vở” trong cáp độ là gà điều (đỏ) sung sức vào buổi sáng, gà ô (đen) mạnh vào buổi chiều. Mặt khác, dân sỏi nghề cũng rất chú ý đến thế mạnh của từng thời điểm“mùa chơi”. Đầu mùa, tháng 7 – 9 (âl), lông mới thay, gà đá nhờ sức nên gà đòn chiếm ưu thế hơn gà lông. Đến giữa mùa, tháng 10 đến sau tết, lông già, gà lông sẽ lanh lợi hơn gà đòn. Tuy có sự cao - thấp, nhưng phần lớn người chơi ngày xưa vốn rất quý gà nên không ai muốn “chơi ép” đối phương để làm gà bên kia bị thiệt. Chính vì thế nhiều lúc qua một trận, các đối thủ lại kết thâm giao. Ông Bảy Lương kể: “Năm 1970, có thầy Năm Nhỏ bên Vĩnh Long ôm gà điều chân màu chì, cựa màu bạc sang đá với gà điều vàng của tôi mà sau này bác sĩ Cát trên Sài Gòn xuống nài chia lại với giá 4 lượng vàng. Thấy gà đối phương quá hay, nếu cáp đá thì sẽ có một trong hai con bị chết. Sau một hồi suy nghĩ, tôi kéo thầy Năm ra ngoài thú thiệt sự tình và đề nghị ngưng đá. Nghe xong thầy Năm Nhỏ vui vẻ ôm gà ra về. Ngày hôm sau ông chạy tắc - ráng chở một cặp Kim Quýt trên 50 năm tuổi sang làm quà kết thâm giao. Từ đó hai người thân thiết như anh em ruột”. Năm 1997, vợ ông Bảy mất, thấy bạn đang bệnh nặng phải nằm bệnh viện nên ông Bảy không báo tin. Đến hôm mở cửa mả, không kềm được, bà Năm cho chồng biết sự thật. Nghe xong, ông Năm khóc và trách móc vợ đã làm cho ông lỗi đạo...
. Ngoài việc chọn nhân vật nổi tiếng đương thời hay tướng tài trong truyện Tàu để đặt tên cho chiến kê, như: Út Bạch Lan, La Thành, Triệu tử Long... giới chơi gà xưa còn đặt chuyện tình cảm lên hàng đầu. Đến nay, giới chơi gà đá Nam Bộ vẫn còn lưu truyền câu chuyện về “tình bạn” cảm động của hai thầy gà. Vào khoảng 1930, có ông Hội đồng Tiến ở Cái Mơn đá gà nổi tiếng, về sau bệnh già, sức khoẻ yếu dần, thương chồng, bà Hội đồng làm gà xé phai ăn lấy lại sức.Vừa thấy dĩa thịt gà, ông Tiến khóc nức nở và cương quyết không ăn.
Đá gà là thứ “Văn minh miệt vườn” mà ông cha ta đã dày công sáng tạo trong những năm tháng “mang gươm đi mở cõi” đất phương Nam. Ở đó, người chơi không chỉ tìm phút thư thái mà còn học nhiều chuyện để ứng dụng vào đời sống...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét