Sau nhiều thế kỷ phát triển, đến nay Việt Nam vẫn là đất nước có đến 70% dân sống ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Việc tôn thờ con trâu, cây lúa nước và nghề nông gần như tín ngưỡng của toàn dân tộc, song chỉ duy nhất có, tồn tại một đền thờ Thần Nông tại Đà Nẵng.
Gắn với đền thờ này còn hàng loạt các tín ngưỡng truyền thống, lễ hội tôn vinh ngành nông nghiệp được duy trì sinh động, thành nét văn hoá độc đáo, là sản phẩm du lịch hấp dẫn ở miền Trung...
... Phò trì bá tánh hưng
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng chưa đầy 10km về phía Nam, có một ngôi đền cổ kính, tôn thờ vị tổ sư của ngành nông nghiệp- Thần Nông tồn tại hơn 4 thế kỷ tại làng Phong Lệ, Hoà Châu, huyện Hoà Vang. Dẫu bây giờ, ngôi đền nằm lọt thỏm giữa khuôn viên của ngôi trường THPT, lẩn khuất phía sau của dãy học đường, song vẫn là chốn tâm linh của nông dân bản địa.
Thần Nông duy nhất của VN- nơi thờ vị tổ sư ngành ngông nghiệp tại làng Phong Lệ, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hải
Đình Thần Nông được xây dựng vào cuối đời vua Tự Đức (1848- 1883). Đình cấu trúc hình chữ Đinh, có 3 phần gồm tiền đường, hậu tẩm và 5 gian thờ. Gian chính giữa ở hậu tẩm thờ Thần Nông- vị tổ sư của ngành nông nghiệp - giúp cho dân làng cầu khẩn được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Gian tả thờ các bậc tiền hiền có công khai khẩn, canh tác, khai cư lập địa. Gian hữu thờ các bậc tiền nhân Mục đồng - trẻ chăn trâu... Từ xưa, quan chức, con em trong làng khi thi cử đỗ đạt, được thăng chức... trước hết phải về đình Thần Nông để làm lễ vinh quy, tôn vinh khuyến học, khuyến tài để giúp ích nước lợi nhà. Hàng năm, vào ngày mồng một tháng tư, nông dân đều tổ chức lễ xuống giống, tịch điền. Cả làng cúng kính linh đình 3 ngày 3 đêm. Từ điền chủ đến mục đồng, từ phu cày thợ cấy đều được no say, vui chơi thoả thích. Dịp này còn diễn ra lễ hội mục đồng, tôn vinh kẻ chăn trâu, tổ chức các trò chơi dân gian... Ông Ngô Văn Nghĩa, đại diện bô lão của 17 chư phái tộc làng Phong Lệ- người thường trực trông coi, hương khói ngôi đền cho biết, lễ hội cuối cùng đã phải dừng lại năm 1936. Chiến tranh, thời gian, sự phát triển ào ạt thời kỳ đổi mới, đô thị hoá đã dần đẩy xa nét văn hoá độc đáo này ở làng quê Phong Lệ vào quá khứ.
Các trò chơi dân gian sinh động được tái hiện ở lễ hội Mục đồng
Theo ông Nghĩa, thực ra ngôi đền được xây dựng trước thời vua Tự Đức. Nhưng đã có ít nhất 3 lần di chuyển. Có lần dời đình vì Pháp xây dựng đường sắt Bắc-Nam chạy ngang trước mặt đình, phạm vào sự tôn nghiêm, tĩnh mặc nơi thờ Thần. Ở vị trí xây dựng cuối cùng, sau khi hoàn thành đền, các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Cao Bá Quát, Pham Bội Châu đã về dự lễ khánh thành, tặng hoành, đối, để treo ở tiền đường. Năm 1967, Mỹ đã từng ném 9 quả bom loại 500kg xuống giữa làng này, nhưng có đến 7 quả không nổ. Hai quả khác vượt đường tàu lửa, dạt về bên đồng ruộng- phía không có nhà dân- mới phát nổ. Điều kỳ diệu ấy làm cho người dân càng tin rằng là Thần Nông đã bảo vệ cho dân làng. Đã có một giai đoạn sau ngày giải phóng, ngôi đình bị đặt vào tầm ngắm san bằng, nhưng dân làng đã kiên quyết bảo vệ nên mới trường tồn đến bây giờ.
... và làm dịch vụ du lịch
Năm 2007, lần đầu tiên sau gần 100 năm, nông dân làng Phong Lệ mới tự vận động quyên góp, phục dựng lại lễ hội mục đồng. Ngoài việc tái hiện lại các lễ nghi cúng thần, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, phù trì cho dân làng hưng thịnh... lễ hội còn tổ chức thi cờ (cờ nhà nông) giữa 17 chư phái tộc. Tiêu chí cờ thi là to, được trang trí đầy đủ, đẹp các loại nông cụ, vật nuôi, hoạt cảnh nhà nông... trên cán cờ. Tuy nhiên, một lễ hội thuần nông gần như "đuối sức", chìm khuất giữa bốn bề "đô thị mới". Ruộng đồng ngày càng thu hẹp, đất nông nghiệp thành khu phố, nhà nông hết nuôi trâu, thanh niên lên TP, hoặc vào các KCN... lễ hội lại thêm lần gián đoạn. Hơn 90.000 hộ dân Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng hoặc di dời trong công cuộc chỉnh trang, mở rộng đô thị 10 năm nay. Hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi mỗi năm.
Số phận ngôi đền này cũng hẩm hiu theo. Năm 2001, đền được xếp hạng Công trình kiến trúc, nghệ thuật cấp TP. Năm 2007, mới được UBND TP Đà Nẵng chính thức được công nhận là di tích lịch sử-văn hoá cấp thành phố. Nhưng cũng đến lúc đền mất cổng, "bay" luôn bình phong, lọt thỏm trong khuôn viên chật chội của 1 ngôi trường, bên cạnh mọc thêm khu đô thị mới.
Cuối năm 2010, lần đầu tiên Bộ VHTT-DL "tài trợ" cho Đà Nẵng để phục dựng lễ hội Mục đồng tại làng Phong Lệ. Truyền thống xưa trỗi dậy vùng quê này với sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng. Thành công bất ngờ là sự chú ý của các Cty, hãng lữ hành du lịch. Đền thờ và lễ hội được xem là sản phẩm độc đáo, điểm đến thu hút du khách. Gắn với phát triển du lịch sẽ là cơ hội để "Thần Nông" tái xuất, tồn tại ngay chính trên chính mảnh đất nhà nông, trên nền văn hoá nông nghiệp VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét