"Đường về Trung Phước xa xôi bao núi đồi..." Điều này có lẽ chỉ còn trong câu hát, trong miền ký ức mơ hồ của những người lớn tuổi.
Bây giờ ngược dòng Thu Bồn dù bằng đường thủy hay bộ đều thuận lợi, dễ dàng. Từ Đà Nẵng đến Đại Lộc êm thuận trên QL14B, sang cầu mới Giao Thủy, qua Mỹ Sơn, thêm mấy khúc cua ngoạn mục ở đèo Phường Rạnh thì đã lập tức vỡ òa trong mắt cánh đồng vàng Trung Phước rồi. Dẫu vậy, sơn thủy vẫn như xưa, vẫn núi đồi hoang hoải, vẫn những cánh đồng chen núi..., đẹp như một bức tranh.
Chúng tôi dừng xe giữa cánh đồng Quế Lộc cho lũ trẻ con chạy ra thăm suối nước nóng phía hạ lưu Hòn Tàu. Lúa đang chuyển sang mùa vàng, hạt trĩu nặng oằn ra cả bờ ruộng. Bọn nhóc hấp tấp, trượt chân ngã ào ra giữa lúa, cười vang một góc núi, bình yên.
Chẳng có gì ngoài con suối lạnh bắt nguồn từ dãy Hòn Tàu và một dòng nước nóng tuôn ra phía tây của Hòn Đền, Mỹ Sơn. Mấy vạt ruộng sát chân đồi vừa gặt nham nhở bởi bị chuột cắn hết cả nửa đám, nhưng là quà tặng cho đàn trâu mộng. Chỉ có vậy mà bọn trẻ con mê mẩn đùa vui chẳng muốn về.
Tôi chợt nhớ ngày về Quế Hiệp, bên sườn đông đèo Le (Quảng Nam) để dự đám tang ba của nhạc sỹ Trần Quế Sơn. Hôm ấy lúa cũng đang vào vụ gặt, khói đốt đồng lẩn vào mây núi. Người đưa đám ngoằn ngoèo qua ruộng lúa, buồn như một câu hát của anh: "Quảng Nam ơi, thương quá làng quê bão dông chìm nổi/thương xóm làng thưa cánh đồng chen núi/ thương mía đường thơm tô mì gạo mới..." Trước ngày Quế Sơn tổ chức livershow để giới thiệu ca khúc mới - "Cõng mẹ đi chơi" để ra mắt công chúng tại quê nhà Quảng Nam, Đà Nẵng, anh gửi tặng tôi bài hát bằng đĩa CD. Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, đến nỗi đứa con mới 5 tuổi đầu của tôi phải thắc mắc, truy hỏi từng ca từ. Chắc nó cũng chả hiểu gì nhiều, nhưng sau khi nghe bài hát, con tôi đã khóc, bẻ đôi cái đĩa CD và trách: "Bác Quế Sơn viết chi mà buồn quá. Vì sao bác Sơn cõng mẹ đi chơi mà không cõng ba?..."
Mười năm sau, khi đưa ba mình ra đồng, Sơn nhắc với tôi mà như nói với chính mình: "Anh còn nợ thằng bé nhà em một ca khúc về cha". Cũng từ dạo ấy, Quế Sơn hay bỏ phố, về tận xóm làng thưa thớt nhà cửa, bên cánh đồng chen núi quê nhà để chăm sóc mẹ già. Chứng kiến nghĩa tình ấy, khung cảnh kia tôi mới thấm thía từng ca khúc viết về quê nghèo, về cha mẹ da diết của Trần Quế Sơn.
Cuối năm 2018, Trần Quế Sơn ra mắt công chúng loạt hơn 10 ca khúc cảm tác, phổ thơ của cố thi sỹ Bùi Giáng. Có lẽ anh là nhạc sỹ đầu tiên "dám" phổ thơ của Bùi Giáng. Sơn tâm sự: “Bùi Giáng đã gợi cho tôi suy ngẫm biết bao điều về cõi người ta, về sự trùng ngộ, ly biệt, về cuộc ở, cuộc đi, về cái có và không có, về hương sắc mong manh của đời… Những bài thơ huyền diệu thay, tôi cứ đọc như hát, hát như ngâm, ngâm như tiếc nuối sao ông không ở lại yêu trần gian mãi mãi”. Quế Sơn bảo anh còn mê con người Bùi Giáng hơn cả... thơ ông. “Thi sĩ Bùi Giáng đã giết hết mọi quy tắc, mọi sự áp đặt, hơn thua, được mất, thành bại của đời người để đến với thơ. Nên thơ Bùi Giáng là thơ đích thực, nhất quán, thánh thiện, mơ mộng, là một rừng hoa trí huệ cho đời”.
Còn với tôi, từ thơ của thi sỹ họ Bùi đến những ca khúc của Trần Quế Sơn vừa huyễn hoặc, xa vời, vừa rất đỗi gần gũi, như chạm được, nhìn thấy từ những cánh đồng lúa chen núi hôm nay. Giờ ngồi giữa cánh đồng lúa Trung Phước, tôi cứ hình dung cảnh tượng Bùi Giáng nhảy xuống sông, bơi theo con thuyền về tận "cố quận" - Thanh Châu, Duy Xuyên chỉ vì không khuyên được cô vợ trẻ đang giận mình. Thời gian thi sỹ Bùi Giáng bỏ quê, ngược dòng Thu Bồn, sống cuộc đời du mục ở Trung Phước, không chỉ để lại nhiều dấu ấn trong những trang sách, thơ ca mà còn nhiều giai thoại đầy dấu yêu, hồn nhiên bên cô vợ trẻ. Khi người vợ bạo bệnh, mất sớm, Bùi Giáng đã bỏ quê ra đi biền biệt, không trở về quê nhà nữa. Ông như con người tự lưu đày mình ở phương Nam.
Nhà thơ đã về với thiên cổ, chỉ còn thơ vẫn sống mãi với đời, được chắp cánh bằng những ca khúc mới. Và ruộng lúa miền ngược Thu Bồn vẫn trĩu bông trên những cánh đồng chen núi, hoang hoải buồn như câu thơ của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét