AUR có lẽ là làng dân tộc thiểu số hiếm hoi nhất ở Việt Nam còn duy trì lối sống du canh, du cư. Họ luôn dời làng đi theo những mùa rẫy, theo dấu những đàn bò thả rông, hay chỉ vì tin theo những chuyện ma rừng… Đó là một trong những tập tục còn sót lại ở bộ tộc Cơ Tu giữa rừng núi Trường Sơn, địa phận Quảng Nam…
Bộ tộc du canh cuối cùng?
Những cơn mưa cuối năm ở miền Trung như kéo dài thêm ra, dầm dề mãi không dứt. Hạ lưu ngập lụt, miền núi sạt lở, tắt đường. Cái rét buốt cũng theo gió mùa ập đến. Thế nhưng lại có những nhóm phượt rủ nhau về trải nghiệm. Khó có thể lý giải nỗi sở thích của tuổi trẻ. Ấy thế mà họ đã lội lũ, bơi thuyền trên sông Hoài, phố Hội. Thậm chí thuê xe máy để ngược Trường Sơn, thăm lại làng AUR.
Làng Aur chỉ vỏn vẹn 14 hộ, 87 khẩu với 100% là người Cơ Tu. Làng nằm hẻo lánh giữa rừng già, giao thông chỉ là lối mòn, hiểm nguy vắt qua nhiều đèo cao, vách núi cheo leo nên hầu hết chưa có người dân làng nào được về đồng bằng. Theo chính quyền huyện Tây Giang, những người dân này nguyên sinh sống thượng nguồn sông Hương, TT-Huế. Do nhiều đời thay rẫy du canh, người dân di cư đến vùng đất mới, nhiều năm như vậy nên đã “dạt” về với đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Trước đây, họ sống gần như biệt lập với cộng đồng. Sau giải phóng 1975, ranh giới hành chính được đo đạc, xác lập cụ thể. Tính từ đỉnh núi Aur, con nước chảy về phía đông-bắc là địa phận của TT-Huế, còn xuôi về hướng đông-nam là địa hạt của Quảng Nam - Đà Nẵng.
Lúc ấy, người dân làng Aur buộc phải dời về quê cũ là huyện A Lưới. Nhưng vốn là tộc người sống trên núi cao, quen biệt lập với cộng đồng, lại có những luật tục về tổ chức làng rất chặt chẽ nên họ đã không thể hoà đồng với miền xuôi, với việc thay tên đổi họ, số hoá tên làng... Ngay sau đó, dân Aur tự kéo nhau về làng cũ. Thời gian đầu sau giải phóng, công cuộc kiến thiết còn bộn bề, làng Aur lại bị bỏ quên từ đó.
Làng ở tận đầu con nước Mơ Răng, thượng nguồn của dòng A Vương, chưa từng có điện, đường, trường, trạm y tế, không có sóng phát thanh, truyền hình. Aur không xuất hiện trên bản đồ hành chính. Mãi đến tháng 9.2003, khi thành lập huyện mới Tây Giang, Quảng Nam, huyện này mới “phát hiện lại” Aur và quyết định nhận làm con dân của địa phương, "nâng" làng hoang Aur thành đơn vị thôn, thuộc xã A Vương. Đó đến nay, Aur trở thành địa chỉ quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Bất cứ chương trình hỗ trợ nào thì UBND huyện Tây Giang cũng đều ưu ái dành phần hơn cho làng Aur khuất lấp. Tuy vậy, đường vào làng vẫn quá xa, chỉ tài trợ vài mái nhà tôn, dăm ba tấn gạo cứu trợ mùa giáp hạt, huyện phải huy động cả đoàn thanh niên trai tráng khuân vác nhiều ngày mới đến được tay dân. Aur trở thành điểm khám phá, trải nghiệm hấp dẫn của du khách phương xa. Và chính quyền Tây Giang đã rất tự hào về ngôi làng này, giống như một “đặc sản” du lịch hiếm có ở huyện miền núi- biên cương này.
Nguyễn Sơn Trung, một tay phượt thầm lặng, quê Ninh Thuận chuyên đọc báo, lướt Facebook để “sưu tập” những địa chỉ mới lạ, hoang sơ, ít ai biết đến để rù nhóm bạn cùng chinh phục. Và Trung đã mê làng AUR hoang sơ ở đầu con nước Mơ Răng, nới thượng nguồn dòng A Vương hùng vỹ, thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam. Điều mà Trung lưu luyến mãi với ngôi làng đồng bào Cơ Tu nghèo, ở tận rẻo núi cao này là một cuộc sống còn quá đỗi trong trẻo, hồn nhiên. Ở đó, dù cho đến thời điểm này vẫn chưa có sóng điện thoại, không hề biết đến internet, không thể vào Facebook, nhưng vẫn còn nguyên lòng hiếu khách, sự thật thà. Khách lạ đến làng, được mời lên nhà Gươil trò chuyện với người cao tuổi, phụ nữ những gia đình còn lại tự phân công nhau làm mâm cơm đãi khách. Đôi khi, chỉ đĩa ếch khô hong giàn bếp chấm với muối ớt xanh của nhà này, nồi canh sắn với cá suối của nhà kia và nắm ra dớn mà mấy đứa trẻ vừa ngắt ngoài suối về. Thế nhưng mâm cơm với cả tấm lòng dân bản đã khiến những du khách như Trung không thể nào quên ơn. Thế nhưng lần này trở lạ Aur, Trung hốt hoảng vì không thấy làng đâu. Cả làng Aur sạch đẹp mà Bí thư huyện Briu Liếc từng ví như “một Singapore giữa lòng Trường Sơn” giờ chỉ còn nền xưa đất cũ. Sự biến mất đột ngột như cổ tích. Hoá ra Aur đã thêm một lần di dời lên thượng nguồn A Vương rồi. Bởi rẫy cũ không còn phì nhiêu để canh tác, những đồi cỏ không còn xanh mướt để vỗ béo đàn bò, thế là họ đi.
Đặc sản du lịch
Chính cuộc sống rất đỗi bình dị, vốn văn hoá truyền thống riêng có của vùng sơn cước cho đến những kiến trúc độc đáo trong xây dựng nhà cửa, bản làng..., thậm chí đến nhà mồ đã trở thành sản phẩm du lịch gây sự tò mò của du khách. Nhiều bản làng chênh vênh trên vùng núi cao Tây Bắc, hay những cộng đồng dân tộc thiểu số đơn lẻ, sống khuất nẻo Trường Sơn ở miền Trung đã trở thành đích lùng sục của khách du lịch trẻ tuổi. Du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá, tập quán các bộ tộc thiểu số khác nhau đã trở thành mốt của giới trẻ và thành công của giới kinh doanh ở khắp các vùng miền của đất nước.
Thực tế, từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều huyện trung du, miền núi như Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước và cả huyện miền núi cao Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang cũng đã xây dựng được các điểm, tour du lịch thật sự hấp dẫn. Không chỉ khai thác lợi thế là điểm di tích sẵn có như nhà cổ ở Tiên Phước, hồ đập thuỷ lợi ở Phú Ninh, hay di tích cách mạng Khu uỷ khu 5 ở Nước Oa Trà My, Di tích kháng chiến Khu 5-Phước Gia, Hiệp Đức, cứ điểm suối mát Hòn Tàu của Quế Sơn... mà nhiều địa phương chỉ khai thác du lịch bắt đầu từ cái... trắng tay. Như Tây Giang, Nam Giang chỉ với các bản làng nghèo, nguyên sơ của đồng bào Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn đã thành sản phẩm du lịch thu hút khách.
Để trào lưu du lịch “quay lại” hỗ trợ người dân địa phương, nâng cao đời sống, cả chính quyền Quảng Nam và các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án giúp người dân “vào cuộc”, cùng làm du lịch bền vững. Từ năm 2011, Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã triển khai dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” với sự tài trợ của Chính phủ Luxembourg. Dự án sẽ kéo dài đến hết năm 2013, nhằm mục tiêu giảm nghèo cho các huyện phía tây của tỉnh, chú trọng chủ yếu vào các đối tượng phụ nữ, thanh niên và dân tộc thiểu số tại những huyện sâu trong đất liền thông qua phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội tốt để các địa phương phía tây Quảng Nam tổ chức tốt hoạt động khai thác du lịch. Dự án này có nhiều gói hỗ trợ thiết thực từ các hội thảo chuyên đề, phân tích sâu cho đến việc tổ chức các khoá đào tạo và hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương được chọn đầu tư. Mục đích chính nhằm cải thiện chương trình đào tạo du lịch và xây dựng năng lực cho các giáo viên trường dạy nghề, tăng cường sự liên kết và hợp tác du lịch giữa các công ty lữ hành nhằm thúc đẩy phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn tại các huyện sâu trong đất liền.
Các dự án tương tự đã hỗ trợ cho người dân tự sửa soạn lại căn nhà của mình khang trang, sạch sẽ, hoặc được đầu tư phòng ngủ đủ tiêu chuẩn, có phòng vệ sinh hiện đại để cho du khách cùng ở lại (home stay). Nhiều nơi phục dựng lại các làng nghề truyền thống, vừa để biểu diễn, trưng bày cho du khách vừa bán được sản phẩm để cải thiện đời sống… Tuy vậy, cách làm hiện nay vẫn còn dở dang. Nhiều nơi hết thời điểm tài trợ của dự án thì cũng tự động tan rã. Ví như cụm nhà rông truyền thống ở làng Bờ Hoồng, xã Sông Kôn đã được một đơn vị du lịch đầu tư, tạo một điểm đến hấp dẫn bên dòng suối mát. Du khách không những được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá, đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Cơ Tu ở đây, mà còn được nghỉ lại trong những ngôi nhà rông có nội thất hiện đại, thân thiện với môi trường bằng những vật liệu tại chỗ. Thế nhưng, khi thưa dần những đoàn khách thì nơi đây gần như bị bỏ hoang. Thậm chí tệ hại hơn, đơn vị kinh doanh du lịch này đã vô tình (hoặc cố ý) biến nơi đây thành sản phẩm riêng của Cty mình. Bởi họ khoá cửa mọi ngôi nhà rông. Khách vãng lai- không đăng ký tour từ Cty họ thì chỉ đứng ngoài làng mà nhìn…
Trong một hội thảo du lịch tại Hội An, ông Dương Minh Bình,Cty Tư vấn phát triển du lịch cộng đồng- chia sẻ: "Du lịch cộng đồng phải chỉ được thực tế để người dân cùng làm theo chương trình mà mình đặt ra. Nếu chỉ tập huấn 1-2 buổi như một số doanh nghiệp làm như hiện nay thì không thể làm du lịch cộng đồng". Để làm được điều này, theo ông Bình phải huy động nguồn lực thiết phục người dân thấy được lợi ích từ mô hình hoạt động có vốn vay, từ đó họ sẵn sàng bỏ tiền túi ra để vừa quảng bá vừa đem lại lợi nhận cho họ. "Cho vay không lãi là một cách để duy trì hoạt động một cách bền vững”. Ông Bình dẫn chứng bằng thực tế như vệ sinh đường làng qua việc thu mua phân rơi - tập trung chăn nuôi kết hợp tổ sản xuất biogas, đầu tư máy giặt cho một ngôi nhà ở làng để làm dịch vụ cho khách hàng home stay…
Nhưng những thực tiễn ấy chưa áp dụng được ở Quảng Nam. Tại làng dệt thổ cẩm truyền thống Zara của ở xã Tà B’bing, huyện Nam Giang, khi du khách đến mua đồ truyền thống, thì những cô gái Cơ Tu này mặc quần jean để bán đồ thổ cẩm (!).
Trở lại ngôi làng Aur xa xôi của phượt thủ Nguyễn Sơn Trung, nét hoang sơ đã không còn sau đợt di dời làng lần này. Sau chuyến đi, Trung đã thất vọng kể với tôi: “Rút kinh nghiệm chuyến đi trước, lần này em có chuẩn bị một số quà để đáp lại tấm chân tình của dân làng. Thế nhưng, vượt thêm 10 cây số đường rừng, đến với làng mới, không khí lại khác xưa mất rồi. Người trẻ ở làng bắt đầu quan tâm đến tiền. Em lo ngại rồi một ngày nào đó, người dân sẽ mặc cả dù chỉ chụp vài tấm ảnh. Điều này không lạ với những bản làng đồng bào thiểu số ở phía Bắc, nhưng với đồng bào giữa lòng Trường Sơn mà bị lai căng thì sẽ mất sạch bản sắc”. Không thể cứ để đồng bào thiếu thốn, lạc hậu với hủ tục du canh du cư, đi theo những mùa rẫy để làm “đặc sản” du lịch cho một số ít người, nhưng cũng không thể để doanh nghiệp đầu tư ồ ạt để đánh mất bản sắc. Câu chuyện bảo tồn văn hoá để phát triển du lịch đồng thời nâng cao được đời sống người đồng bào thiểu số ở Quảng Nam vẫn còn trong vòng lẩn quẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét