Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ

(ĐSPL) – Nhắc tới xứ Nghệ người ta thường nghĩ đến các món đặc sản cháo lươn, nhút hay thứ bánh có nguồn gốc Hà Tĩnh – cu đơ. Tuy nhiên, ít ai biết tới món bánh mướt – xáo lòng, một món ăn độc đáo, đậm đà hương vị mà ai từng một lần ăn sẽ nhớ mãi.
Bánh mướt – xáo lòng là sự kết hợp hài hòa của hai món tách biệt bánh mướt và lòng heo nấu xáo lên.
Công đoạn chế biến bánh mướt
Nguyên liệu: bột gạo tẻ xay, hành lá tươi, hành phi dầu
Bánh mướt thoạt nhìn qua, nhiều người sẽ lầm tưởng với bánh cuốn của miền Bắc, thế nhưng hương vị thì khác biệt. Bánh mướt được làm từ bột gạo tẻ ngâm với nước trong nhiều giờ liền, sau đó mới mang đi xay nhuyễn. Trước đây, bột bánh được xay bằng cối đá nhưng bây giờ, với công nghệ hiện đại, người ta đã chế ra chiếc máy xay bột bánh giúp giai đoạn chế biến đỡ vất vả hơn.
Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 1
Cối đá xay bột bánh thủ công thường dùng trước đây.
Bột sau khi xay xong muốn được dai ngon phải để lắng tiếp khoảng độ 2 tiếng nữa rồi mới mang đi tráng. Đầu tiên sẽ cho nước vào gần sấp đầy nồi tráng bánh, sau đó bọc một lớp vải mịn lên miệng nồi. Đưa nồi tráng lên bếp và đun sôi nước. Khi nước sôi, múc từng muỗng bột gạo mới xay trải mỏng đều lên lớp vải mịn. Ở giai đoạn này đòi hỏi người tráng phải thật đều tay và khéo léo nếu không bánh sẽ bị dày, nứt không chín hoặc bị nhão. Lửa đun nồi tráng phải đều và lớn nên người ta thường sử dụng bếp củi để làm.
Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 2

Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 3
Các công đoạn chế biến bánh mướt.
Hơi nước từ trong nồi tráng bốc lên sẽ làm chín bánh, sau đó người làm sẽ kéo tấm bánh bằng một chiếc đũa bếp ra chiếc mâm đặt cạnh và cuộc tròn lại. Rải ít mỡ hành chưng trước đó cho bánh thêm bóng bẩy, thơm ngon. Và cuối cùng là xếp đều bánh vào chiếc rổ lớn có lót lá chuối xanh ở dưới.
Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 4
Và rổ bánh thành quả.
Thơm phức xáo lòng
Nguyên liệu làm món này cũng không quá cầu kỳ. Bạn chỉ cần chuẩn bị bộ lòng lợn (lòng non, tim, gan, cật, dồi trường, dạ dày) và tiết lợn. Thêm ít hành tăm (loại hành bé, thơm) hoặc hành khô có bán ở chợ, hành lá tươi.
Lòng lợn mua về bóp muối, chanh khử sạch mùi. Sau đó tất cả thái miếng nhỏ vừa ăn.
Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 5
Món lòng nấu xáo.
Phi thơm hành tăm/hành khô cùng dầu ăn. Sau đó cho lòng sống vào đảo săn khoảng 5 phút rồi nêm gia vị. Tùy khẩu vị ăn nhạt hay mặn mà bạn cho bột nêm/ bột canh vào lòng.
Sau khi lòng đã săn, chế thêm một bát lớn nước vào lòng nấu sôi. Lượng nước chế vào tùy vào số người dùng. Với khoảng 3-4 người, bạn có thể cho một bát tô nước.
Sau khi nước sôi, cho tiết vào đảo đều nhanh tay đến lúc tiết chuyển màu đỏ thẫm chín rồi nhắc nồi ra khỏi bếp. Thêm mì chính, hành lá vào để tăng hương vị cho món lòng xáo.
Bày rau thơm và bánh mướt, lòng xáo ra bàn. Bạn có thể cắt bánh thành từng miếng nhỏ cho vào bát lớn lòng xáo để thưởng thức. Hương vị dịu, thơm của bánh mướt hòa quyện cùng vị béo ngậy của món lòng xáo chắc chắn sẽ cho bạn cảm nhận khác biệt.
Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 6

Thưởng thức bánh mướt xáo lòng – đặc sản xứ Nghệ - Ảnh 7
Thưởng thức món bánh mướt xáo lòng đậm đà tình xứ Nghệ.
Thông thường, bạn có thể mua bánh mướt bán sẵn về và chỉ việc chế biến món xáo lòng để ăn cùng. Ở Nghệ An, người ta thường có thể ăn bánh mướt với xáo gà thay cho xáo lòng. Gà cũng được nấu xáo (cho nhiều nước) để chan đầy bánh mướt. Với hầu hết người con xứ Nghệ, món bánh mướt xáo lòng luôn là món ăn đậm chất quê hương mà ai đi xa đều khắc khoải nhớ về. 

Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông

(ĐSPL) – Có một vùng biển mà nếu một lần đặt chân tới, bạn sẽ bị quyến rũ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời ban tặng. Đó là Hòn Nưa – vùng biển được giới phượttrìu mến đặt tên “Thiên đường quyến rũ”.
Hòn Nưa nằm ở phía nam vịnh Vũng Rô, có đỉnh cao 105m so với mực nước biển. Trên đường thiên lý bắc-nam, qua Đèo Cả quanh co, trong lúc thỏa sức thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên kỳ thú: bên này là sườn núi dựng đứng, bên kia là biển xanh bao la; nếu để ý một chút bạn sẽ bắt gặp Hòn Nưa không xa mấy, nhô lên trên biển như một hiệp sĩ đơn độc mà kiêu hãnh.
Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 1

Hướng mắt từ Đèo Cả, những mỏm đá nhọn cắm trên đỉnh đá thẳng đứng khiến Hòn Nưa hiện lên thật hiên ngang, oai phong nhưng cũng thật cô đơn, bi tráng trên mặt biển bao la; như một con thuyền đang từ từ rời đất mẹ hướng về đại dương với bao giông bão phía trước.
Khởi hành từ cảng Vũng Rô bằng thuyền của ngư dân trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, bạn đã có thể đặt chân lên đảo. Gần đến đảo, trước mặt du khách là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trời đất mênh mông án ngữ bởi một vách đá dựng đứng, cheo leo, nhiều cụm đá nhỏ với những hình thù khác lạ.
Thấp thoáng phía xa là dãy cây xanh phân biệt đất liền với nước biển. Trên đỉnh non xanh ấy là trụ hải đăng sơn màu đỏ đứng đơn độc, kiêu hãnh, là điểm sáng để dẫn đường cho tàu thuyền ngư dân. Gần tới đảo, bạn sẽ ngạc nhiên trước bãi biển nhỏ chạy dài khoảng 500m theo hình vòng cung với bờ cát trắng tinh, mịn màng uốn lượn, nước biển xanh trong màu ngọc bích; nối tiếp bờ cát chạy dài ra biển Đông là những ghềnh đá cao dần.
Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 2

Leo lên ghềnh đá cao, rồi một ghềnh cao nữa, bạn sẽ ngơ ngẩn với cảnh tượng hiện ra trước mặt. Thật kỳ diệu, giữa biển khơi, trên một hòn đảo nhỏ vây quanh nước biển mặn là một hồ nước ngọt nằm sâu bên dưới, vây quanh là những ghềnh đá hùng vỹ.
Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 3

Đứng trên ghềnh đá cao nhìn thẳng ra biển Đông, ghềnh đá lại thuôn nhọn như mũi con thuyền đang dong buồm thẳng tiến ra khơi, ảo mờ phía xa là cực Đông thiêng liêng của tổ quốc.
Đến Hòn Nưa, bạn có thể đắm mình trong làn nước mát, lặn xem những rạn san hô mang vẻ đẹp mê ly, kiêu kỳ. Với những người đam mê chinh phục những “sản vật biển” thì đây đúng là thiên đường. Dưới nắng vàng của mùa hè, vương quốc san hô càng lung linh, huyền ảo và quyến rũ hơn với sự hiện diện của hàng chục loài cá đủ màu sắc sặc sỡ bơi lội. Những đàn cá ông tiên, cá hoàng hậu, cá bò hỏa tiễn nối đuôi nhau bơi lượn, tất cả cùng chung sống hòa bình làm nên một thế giới biển đa sắc.
Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 4

Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 5
Ảnh: Quỷ Cốc Tử.
Câu cá men theo gành đá, rảo bước trên gành bắt những con cầu gai (nhum), cạy vú nàng... bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để bạn mở một bữa tiệc hải sản nhỏ. Những miếng mực nướng thơm phức, nguyên chất biển từ những chú mực tươi rói mua ngay tại chân cầu Đại Lãnh làm cho bất cứ ai ghé chân tới đây cũng thèm thuồng, cồn cào bụng.
Đến Hòn Nưa, bạn không phải e ngại sẽ trở thành Robinson trên đảo, bởi bạn sẽ được “tiểu đội” gác đèn (thuộc Trung tâm Điều hành hàng hải) hướng dẫn tham quan hải đăng Hòn Nưa và được ngắm nhìn khung cảnh muôn trùng biển biếc quanh đảo.
Sau hoàng hôn, sau ánh trắng lửa trại mê say trong tiếng guitar, hải sản thơm ngon, sáng sớm hôm sau, bạn còn có thể thả hồn mê đắm theo ánh bình minh trên biển, rồi nhanh chóng chuyển hướng khám phá những đảo khác.
Khác với mặt nam đảo, mặt bắc Hòn Nưa là những vách đá cao dựng đứng từ sát mặt biển rồi chống lên chất ngất. Những vách đá khổng lồ với bề mặt chằng chịt vết cắt ngang dọc cho bạn cảm giác ma mị, huyền bí.
Qua một mũi đá nhô, bạn có thể choáng ngợp trước cảnh tượng hàng vạn con chim yến bay lượn trên miệng hang đá. Càng đi sâu về phía bắc những vách đá càng cao hơn, càng hùng vĩ hơn; có những vách đá cao Đến hơn 80m từ mặt biển. Nếu những ai yêu thích chinh phục leo núi, trèo vách đá cao thì hẳn nơi đây là một chọn lựa rất phù hợp.
Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 6

Hòn Nưa - Vùng đảo quyến rũ của biển Đông - Ảnh 7
Ảnh: Qủy Cốc Tử.

Thông tin thêm:
+ Hành trình: Từ Nha Trang chạy xe máy ra Đại Lãnh tầm 85km. Ngay chân cầu Đại Lãnh dưới chân đèo Cả, gửi xe máy và thuê thuyền ra Hòn Nưa, tốt nhất là ở đêm cắm trại trên đảo. Trên đảo có hải đăng Hòn Nưa và trạm gác công ty yến sào Khánh Hòa (khu vực Phú Yên quản lý); không cần phải xin phép. Cắm trại ngay bãi biển cạnh trạm gác yến sào.
+ Các điểm nên khám phá: bãi biển trước trạm gác, hải đăng Hòn Nưa, bãi đá khổng lồ có cột mốc phân chia ranh giới hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, hang dơi mặt sau của đảo; phải đi bằng thuyền.
+ Thông tin liên lạc: Thuê thuyền, gửi xe máy, liên hệ anh Hiệp: 01658244450, 01656727331; anh Bét: 01653597574. Giá thuê: 400.000đ cho 4 - 7 người.
+ Hải sản: Gần cầu Đại Lãnh có chợ cùng tên mua đồ ăn, mực cá giá rẻ của người dân vừa đánh lên. Hải sản luôn tươi, nên cực ngon.
HẠ VY

Hòn Nưa - điểm đến thú vị
Sau những ngày lao động mệt nhọc, vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần, nhiều du khách phương xa lại đến Hòn Nưa xinh đẹp của vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa) để được đắm mình cùng biển xanh, cát trắng, khám phá thiên nhiên kỳ thú và thưởng thức hải sản tươi ngon nơi đây. Du khách cũng có thể ở lại đêm tại hải đăng Mũi Điện để tận hưởng và tham quan những vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng nơi đây.

Điểm đến thú vị cho du khách thích đắm mình cùng biển
Tình yêu biển đảo Việt Nam
Hồ nước do thiên nhiên ban tặng ở Hòn Nưa khiến du khách thích thú
Anh Nguyễn Văn Thuận - người lái thuyền nhiệt tình đưa du khách đi tham quan vịnh Vũng Rô
Vui cùng biển xanh, cát trắng
Tắm mát ở Hòn Nưa

LÊ MINH (thực hiện)

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đêm cắm trại đáng nhớ ở Mũi Kê Gà


Sau một đêm đốt lửa trại chơi vài trò chơi với nhóm bạn sinh viên, đến tận 2h sáng, chúng tôi mới đi ngủ trên đảo Mũi Kê Gà.
Sau gần một tháng sắp xếp công việc ổn định xong xuôi, chúng tôi quyết định tổ chức chuyến đi gần Sài Gòn để thay đổi không khí.
Tôi có người bạn thân ở Thị xã La Gi (Bình Thuận) nên "nhắm" sẽ tới đó. Lên mạng tìm hiểu thì thấy gần đó có mũi Kê Gà được rất nhiều dân phượt cũng như báo du lịch đánh giá tốt. Cả đoàn gồm 3 anh em quyết định Kê Gà thẳng tiến.
Cung đường đi Kê Gà
Cung đường đi Kê Gà.
Đường đi tốt, chạy từ khúc Bà Rịa – Bình Châu – La Gi đường rất thoáng mát. Chạy dọc đường thấy có đoạn lúa, có đoạn rừng, mấy chỗ này làm hậu cảnh tốt để chụp hình. Đến đoạn đường rừng chúng tôi tranh thủ dừng lại nghỉ ngơi, và chụp hình lưu niệm.
Tranh thủ nghĩ chân trên đường đi.
Tranh thủ nghỉ chân trên đường đi.
Chạy đến 12h thì tới La Gi, tôi gọi bạn ra đón. Chúng tôi nghỉ ngơi rồi ăn cơm trưa đến 3h xuất phát đi mũi Kê Gà.
Chạy qua Dinh Thầy Thím (di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia tọa lạc tại xã Tân Hải, thị xã La Gi) khoảng 10 km, cả đoàn đi vào chợ hải sản mua 1 kg ghẹ 206.000 đồng, cua khoảng 3 con 100.000 đồng, mực, sau đó thuê người nướng hết 50.000 đồng.
Ghé chợ mua hải sản.
Ghé chợ mua hải sản.
Nướng ghẹ luôn ở chợ.
Nướng ghẹ luôn ở chợ.
Đồ hải sản nướng sẵn ở chợ có thể ăn ngay.
Đồ hải sản nướng sẵn ở chợ có thể ăn ngay.
Biển Lagi.
Biển La Gi.
Sau khi nướng đồ xong xuôi, cả đoàn lên xe tiếp tục chạy, tới nơi tầm 5h20 chiều mua thêm ít nước và một két bia để dành cho buổi tối. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, chúng tôi lên cano và tiến thẳng ra đảo Kê Gà.
Hải đăng ở Mũi Kê Gà.
Hải đăng ở Mũi Kê Gà.
Lên cano tiến về đảo Kê Gà.
Lên cano tiến về đảo Kê Gà.
Lên đảo cả đoàn đi kiếm địa điểm để tối cắm trại. Lần đầu tiên dựng lều du lịch nên tôi loay hoay mãi. Gặp một nhóm sinh viên cũng đang kiếm chỗ cắm trại, chúng tôi rủ cắm cùng cho vui. Cuối cùng nhờ nhìn vào cái lều của mấy bạn ý mà chúng tôi mới dựng được lều cho mình.
Tắm xong, ba anh em chúng tôi bắt đầu nướng lại hải sản và thưởng thức cùng với bia mua từ chiều.
Nướng lại hải sản cho nóng.
Nướng lại hải sản cho nóng.
Sau một đêm đốt lửa trại chơi vài trò chơi với nhóm bạn sinh viên đến tận 2h sáng chúng tôi mới đi ngủ. Đêm ngủ tại đó hơi nóng là do chúng tôi chọn sai địa điểm. Gió biển bị ngọn hải đăng chặn nên, người đầy mồ hôi. Tới 5h tôi phải dậy chạy ra ngoài lều nằm. 
Đốt lửa trại ở mũi Kê gà.
Đốt lửa trại ở mũi Kê Gà.
Lâu rồi không chơi lửa trại, mấy bạn sinh viên đúng năng động.
Lâu rồi không chơi lửa trại, mấy bạn sinh viên đúng năng động.
Sáng ra sau một hồi leo lên ngọn hải đăng chụp hình, chúng tôi ra bờ gọi thuyền về lại đất liền tranh thủ tắm biển luôn. 
Biển Kê Gà nhìn từ hải đăng.
Biển Kê Gà nhìn từ hải đăng.
Chuyến đi này, theo tôi mọi thứ đều thuận tiện. Chúng tôi lên đường về La Gi tầm 3h chiều, ăn chiều nghỉ ngơi rồi xuất phát về thành phố, kết thúc chuyến đi tốt đẹp và đầy ý nghĩa.

Khám phá mắt biển Kê Gà

Nếu đã quá quen thuộc với những cái tên như Phan Thiết, Mũi Né…, bạn có thể “bẻ cung” sang một địa điểm khá thú vị ở Bình Thuận là mũi Kê Gà.

Vùng biển Kê Gà có cảnh quan hoang sơ, nước xanh trong, những phiến đá kỳ dị độc đáo và ngọn hải đăng cổ sừng sững với biển trời, thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết khoảng 20 km. Hai ngày cuối tuần với những trải nghiệm thú vị nơi đây sẽ góp phần ghi dấu một mùa hè đáng nhớ.
1-JPG_1403658744.jpg
Vùng biển Kê Gà xinh đẹp có ngọn hải đăng kỳ vĩ.
Di chuyển
Kê Gà nằm không xa tuyến đường quốc lộ 1A tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển từ bất kỳ điểm xuất phát nào. Nếu đi xe khách hoặc tàu hỏa, bạn xuống bến xe/ga Phan Thiết rồi bắt taxi hoặc xe bus số 6 đi Kê Gà - La Gi
Những bạn ở phía Nam có thể đi “bụi” hơn bằng cách chạy xe máy, từ TP HCM theo quốc lộ 1A đến thị trấn Thuận Nam rẽ phải theo hướng đi Kê Gà; hoặc chạy quốc lộ 51 đi Vũng Tàu tới Bà Rịa rẽ đường quốc lộ 55 hướng đi Bình Châu để tới Kê Gà.
Lưu trú
Tùy theo lịch trình và hứng thú của mình, bạn có thể chọn nơi lưu trú hợp lý. Gần Kê Gà có một số resort, bạn nên đặt phòng trước để được giá tốt. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên thì hãy mang theo lều trại dựng ngay gần bãi biển để sáng hôm sau đón bình minh tuyệt đẹp nơi đây. Không muốn nghỉ lại Kê Gà thì có lựa chọn quay lại Phan Thiết, có rất nhiều khách sạn giá từ 200.000 đến một triệu đồng tùy chất lượng, dịch vụ.
Các điểm tham quan, trải nghiệm
Những bãi đá trắng đủ hình thù, kích thước rải rác bờ biển do tạo hóa sắp đặt tạo nên phong cảnh độc đáo. Sóng vỗ dập dồn vào những tảng đá trông thật kỳ vĩ, sóng xô đá, đá chen cát, nước biển trong xanh trải dài đến vô tận. Bạn có thể thỏa thích vùng vẫy tắm, bơi ở gần bờ hoăc lang thang dọc bãi biển để ghi lại những khoảnh khắc đẹp.
2-JPG_1403658762.jpg
Bức tranh tạo hóa sắp đặt ở Kê Gà.
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ, có ngọn hải đăng sừng sững giữa biển trời. Dịch vụ cano ra đảo (do dân mở) vé khứ hồi là 50.000 đồng/người. Trên cano có áo phao, thái độ của những người dân rất thân thiện, chất phác, sẽ đón bạn trở lại bờ khi nào bạn muốn.
Vùng nước ở chân đảo vô cùng sạch và trong, bạn có thể chọn cho mình những góc riêng để ngâm mình thư giãn.
Hải đăng cổ nhất Đông Nam Á này do người Pháp xây dựng, hoàn thiện năm 1899, là mắt biển soi đường cho tàu thuyền qua lại khu vực này. Hải đăng có vẻ đẹp kiến trúc mê hoặc tồn tại cùng thời gian. Leo 183 bậc cầu thang xoáy trôn ốc, lên tới đỉnh của hải đăng, ngắm nhìn toàn bộ cảnh biển bao la mênh mang, sẽ là một cảm giác khó quên.
Ăn uống
Các khu resort có nhà hàng phục vụ ăn uống với đa dạng món ăn.
Nếu là chuyến đi phượt, bạn có thể hỏi mua hải sản của những người dân trong làng chài, thuê dụng cụ và nhờ nước ngọt để chế biến, và tổ chức một bữa tiệc ngay sát biển, chi phí sẽ rẻ và trải nghiệm đáng nhớ.
Hàm Thuận Nam là vùng trồng rất nhiều thanh long và dừa, đừng bỏ lỡ cơ hội vào tận vườn mua trái tươi ngon và rất rẻ.
3-JPG.jpg
Dịch vụ cano an toàn ra đảo.
Lưu ý
Nắng, gió và cát ở Kê Gà có thể ảnh hưởng tới da bạn, hãy mang theo kem chống nắng và trang phục phù hợp.
Đừng vội tin những dịch vụ trung gian, hãy thận trọng tìm hiểu, có thể hỏi biên phòng trên đảo Hòn Bà, hoặc người dân sống ở làng chài.
Hãy đi du lịch một cách có ý thức, không lấy gì của thiên nhiên ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân, dọn dẹp sạch sẽ và không xả rác sau khi ăn uống, vui chơi.
Thanh Tuyết
cuongchan.com

Câu chuyện lịch sử về ngôi đền hàng trăm năm tuổi

hông biết đền có từ khi nào chỉ biết rằng xưa kia, đây là nơi dừng chân bao chiến sỹ bộ đội, là lớp học bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng... Trải qua bao khắc nghiệt thời gian, nghênh môn của đền vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.

Tồn tại hàng trăm năm, nghênh môn của đền vẫn giữ được nét độc đáo, vững chãi
Tồn tại hàng trăm năm, nghênh môn của đền vẫn giữ được nét độc đáo, vững chãi
Chúng tôi trở về thăm lại vùng đất lịch sử nơi mảnh đất mẹ Tơm sinh ra và lớn lên, nuôi giấu bộ đội cách mạng. Gần căn nhà nơi mẹ ở có một ngôi đền được gọi là đền Đức Thánh Cả (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa).
Ngôi đền không biết có từ khi nào thế nhưng vị trụ trì của ngôi đền này là cậu Vũ Ngọc Chinh cho hay không ai ở làng biết được ngôi đền bắt đầu được xây dựng năm nào, ngay cả những người cao tuổi nhất còn sống cũng không rõ. Trong làng có cụ ông cách đây mấy năm đã hơn 100 tuổi cũng cho biết khi lớn lên đã thấy có ngôi đền có dấu hiệu cũ kỹ tồn tại ở đó. Bởi thế có thể ngôi đền có độ tuổi khoảng vài ba trăm năm hoặc hơn thế nữa.
Ngôi đền đã được phục dựng mới và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Ngôi đền đã được phục dựng mới và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Câu chuyện được dân gian lưu truyền rằng cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278-1279), quân Tống bị quân Mông đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống đã mang gia quyến, bề tôi, quân lính tùy tùng hơn 800 người lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận lại bị quân giặc đuổi theo rất gấp, vua tôi nhà Tống đã phải nhảy biển tự tử. Tử thi Thái hậu họ Dương và bà Thái Hậu trôi dạt vào cửa Cờn sắc mặt vẫn hồng hào như người sống. Dân chài thương xót đã lập am thờ.

Tồn tại hàng trăm năm, nghênh môn của đền vẫn giữ được nét độc đáo, vững chãi
Sau này, khi vua Trần Anh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành đã chiêm bao thấy vị nữ thần đến giúp sức nên thắng trận. Khi trở về vua đã cho lập đền thờ cho nhân dân thờ cúng bốn mùa.
Theo sử sách để lại thì Tứ vị thánh nương có 81 nơi thờ trong đó có làng Hanh Cù (xã Đa Lộc). Tục thờ Tứ vị thánh nương là tín ngưỡng phổ biến, có vai trò quan trọng nhất trong tâm linh của ngư dân người Việt.
Chứng tích lịch sử
Theo lời kẻ của những cụ cao niên trong làng thì ngôi đền là cái nôi của những sự kiện lịch sử. Chính tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện.
Ông Vũ Ngọc Vân (76 tuổi, thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc) cho biết trong những ngày giặc Pháp hoành hành, đánh phá, ngôi đền không khác gì người mẹ che chở, bảo vệ cho dân làng.
“Người dân mỗi khi nghe tiếng máy bay là hò nhau chạy vào đền để trốn bom đạn. Là nơi ẩn nấp của Nghĩa quân Ba Đình, là nơi các chiến sĩ bộ đội, các nhà hoạt động cách mạng trú tạm mỗi khi trên đường về nhà mẹ Tơm. Rồi những đêm tổ chức họp bí mật của tổ Đảng Làng Khang cù. Không những thế, những năm diệt giặc dốt, nơi này chính là nơi để bà con tập trung mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng. Người lớn, trẻ nhỏ đua nhau đi học chữ” – ông Vân nhớ lại.
Ông Vũ Ngọc Vân, người làng Hanh Cù kể lại câu chuyện lịch sử xung quanh ngôi đền
Ông Vũ Ngọc Vân, người làng Hanh Cù kể lại câu chuyện lịch sử xung quanh ngôi đền
Cũng theo ông Vân thì không hiểu vì lý do gì nhưng người dân trong làng rất tin tưởng vào sự bảo vệ của các vị nữ thần. Khi họ trú ngụ ở đây luôn có cảm giác vô cùng an toàn. Cũng lạ là những năm làng bị bom đạn dữ dội bắn phá thế nhưng ngôi đền vẫn không hề hấn gì.
Năm 2005, ngôi đền được nhân dân đóng góp xây dựng lại và cử người của làng là cậu Vũ Ngọc Chinh làm trụ trì. Mặc dù được xây dựng lại hoàn toàn chỉ còn có dấu tích là chiếc giếng cũ và nghênh môn thế nhưng cũng đủ để giữ lại được cái hồn cho ngôi đền tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ, sự tài hoa của người xưa. Qua đó ta nhìn thấy dấu vết của quá khứ và sự trang nghiêm vốn có. Năm 2010, đền thờ Đức Thánh Cả đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Dưới ngênh môn này, đã có bao chứng tích lịch sử mà người xưa đã để lại
Dưới ngênh môn này, đã có bao chứng tích lịch sử mà người xưa đã để lại
“Bà con ven biển vô cùng vui mừng khi ngôi đền được phục dựng. Đặc biệt nghênh môn của đền như là “báu vật” mà người xưa đã để lại, nhắc nhớ con cháu về một nơi đã tồn tại hàng trăm năm như thế, là nơi ghi dấu bao mốc lịch sử. Bởi thế, chúng tôi luôn cố gắng bảo vệ và gìn giữ” – cậu Chinh chia sẻ.

Đến thăm ruộng muối Diêm Điền của Thái Bình

Trong hành trình tới vùng biển Thái Bình, không ít du khách tìm đến làng nghề truyền thống Diêm Điền, nơi những hạt muối trắng mặn mòi của biển khơi ra đời.

Cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, thị trấn Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng. Theo nghĩa Hán Việt, diêm là muối, điền là ruộng, nghĩa gốc của từ Diêm Điền có nghĩa là ruộng muối. Tên làng đã nói lên nghề của nhân dân nơi đây, đó là làm muối và đi biển.
Biển Diêm Điền với nồng độ mặn của nước biển đạt chuẩn để làm ra những hạt muối trắng. Làng nghề truyền thống làm muối biển ở đây đã có từ rất lâu đời. Nghề làm muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 trong năm. Đặc biệt vào tháng 4 và tháng 6 khi có những ngọn gió nồm thổi về, và nắng vàng gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất.
1-3552-1401178643.jpg
Thường xuyên tưới nước có độ mặn cao giúp lượng muối kết tinh tăng thêm độ dày. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Một ngày làm muối của người dân Diêm Điền bắt đầu từ sáng sớm. Đầu tiên là công đoạn làm đất. Người dân ngâm cát cùng nước biển, sau đó đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ.
Giữa trưa nắng, từ 12h đến 1h là khoảng thời gian người dân sử dụng công cụ đo độ mặn nước biển (Khúc xạ kế đo độ mặn) để xác định nồng độ muối. Công việc này góp phần đảm bảo chất lượng và sản lượng muối được ổn định. Nồng độ mặn của nước biển đạt từ 25 – 30 độ nước mới đông kết thành muối.
4-3238-1401178643.jpg
Thu hoạch muối. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Dưới ánh nắng hè gay gắt, trên từng thửa ruộng “trồng” muối, những người dân phơi mình trong cái nắng om da cháy thịt để có được thành quả lao động vất vả. Họ vui mừng vì được lao động trong cái nắng bỏng rát ấy, vì vụ mùa sẽ bội thu, hạt muối sẽ càng trắng trong. Ngược lại, nếu có cơn mưa bất chợt rơi xuống xem như uổng công vô ích, người nông dân lại phải bắt đầu lại quy trình từ đầu.
Khoảng 14h mỗi ngày, muối bắt đầu kết tinh trên đồng, nhà nông hối hả thu hoạch muối. Muối được gom lại thành từng ụ trắng tinh phản chiếu xuống mặt ruộng tạo nên bức tranh độc đáo. Từng ụ muối được đưa lên bờ cho bốc hết hơi nước và đóng vào bao.
e-1196-1401178643.jpg
Cánh đồng muối trải dài trắng tinh dưới nắng. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Vất vả là vậy nhưng những người dân miền biển vẫn cần mẫn với nghề. Một lần đến và cảm nhận mới thấy trân trọng những hạt muối biển mặn mòi và yêu thêm những người dân lao động trên những cánh đồng muối trắng.
Biển Diêm Điền còn nổi tiếng với mắm cáy ngon tuyệt hảo. Người dân Thái Thụy thường mời khách đến chơi nhà những món ăn đặc sản của vùng như gỏi nhệch, sứa chua, gỏi sứa, canh ron… Du khách đến đây có thể kết hợp du lịch rừng ngập mặn Thụy Trường, đình An Cổ, phủ thờ chúa Muối và khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh.
Lê Thương