Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Tám tín ngưỡng đặc trưng vùng cao phía Bắc

Với người dân tộc cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tín ngưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như sinh hoạt, lao động.
Phong tục các dân tộc miền Bắc rất đa dạng và phong phú
Phong tục các dân tộc miền Bắc rất đa dạng và phong phú.
Ngoài một số tín ngưỡng trùng hợp với người Kinh, bởi đặc trưng về địa lý, không gian, các dân tộc anh em còn có những tập tục riêng biệt. Từ đó, mỗi dân tộc lại có những kiêng kị khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa mỗi vùng miền. Chúng tôi xin giới thiệu vài tìm hiểu về nét độc đáo này, qua đó khi có cơ hội thăm thú miền cao phía Bắc, bạn đọc có thể “nhập gia tùy tục”.
Tám tín ngưỡng đặc trưng
Theo quan niệm truyền thống của đa số các dân tộc anh em, vũ trụ được chia làm ba tầng, ba khu vực, phân bố trên một trục dọc.Ở giữa là mường bằng phẳng, nơi con người sinh sống. Bên trên vùng đất bằng phẳng này là nơi ngự trị của mường trời do vua trời cai quản. Trong đại đa số chế độ của các dân tộc thời xưa, họ không có vua, thường chỉ có các quan lang hoặc chúa đất cai quản. Vì thế, họ chỉ tuyệt đối tôn sùng một vị vua duy nhất, đó là vua trời. Cũng giống quan niệm về Thượng đế của người Kinh, người dân tộc cũng coi vua trời là bất tử, cùng với đó, thời gian ở mường trời là vô tận.
Phía dưới mường bằng phẳng chính xác ở đâu, người dân tộc không xác định được. Họ chỉ quan niệm rằng phía dưới nơi sinh sống, có một con sông, người chết sẽ phải vượt qua con sông này mới có thể đến được nơi tiếp giáp với mường trời. Thế giới siêu nhiên đã trở thành hữu hạn khi người dân tộc quan niệm, có sẵn lối lên trời dành cho hồn người chết. Tất nhiên, không phải người chết nào cũng dễ dàng tìm được lối lên trời, mà đó sẽ là hành trình gian nan vất vả, chỉ cần lạc bước là sẽ trở thành ma, vĩnh viễn không thể siêu thoát.
Cùng với quan niệm về cõi âm, cõi người và cõi trời kể trên, các dân tộc miền núi phía Bắc có rất nhiều tín ngưỡng thờ phụng. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Ngoài những trùng hợp tín ngưỡng với người Kinh, các dân tộc cũng có nhiều tín ngưỡng riêng biệt, vô cùng độc đáo.
Tín ngưỡng thờ đá: Người dân tộc thường thờ những hòn đá có hình thù kỳ lạ, liên tưởng đó là các vị thần, thánh đã giúp con người chinh phục thiên nhiên. Tục thờ đá được thể hiện rõ nét nhất ở trong lễ mừng nhà mới với các ông đầu rau (hòn nục chủ và hai hòn nục treo), thờ các vị chư thần thổ địa, thờ thần đá (bụt mọc). Ví dụ như người dân tộc Mường ở Cao Phong (Hòa Bình), ngày nay vẫn còn tồn tại truyền thuyết về thần đá. Bấy giờ, khi khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, người dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông.Hôm sau, kỳ lạ thay khi hòn đá đã trở về chỗ cũ. Người dân lại tiếp tục đẩy xa hơn nữa nhưng liên tiếp nhiều ngày, sự lạ vẫn tiếp diễn. Theo lời thầy cúng, người dân bèn mang đá về thờ. Từ đó cuộc sống được thần đá phù hộ, khiến mưa thuận gió hòa. Tục thờ thần đá cũng có từ lúc đó.
Tín ngưỡng thờ quả: Các loại quả có vị trí quan trọng khi con người còn tồn tại trong hình thái kinh tế săn bắt, hái lượm. Vị trí đó đã in dấu sâu đậm vào thế giới tâm linh, tín ngưỡng của người dân tộc miền núi phía Bắc. Một số dân tộc như Mường, Dao tiền, Thái, Tày đều có tục thờ quả. Họ đã chọn bầu, bí làm những linh vật để thờ cúng, như trong lễ mừng nhà mới, một số nơi dùng quả bí trắng để thầy mo làm vật tế lễ tổ tiên.
Tín ngưỡng thờ cây: Cho rằng có những loài cây có tính linh thiêng, là nơi trú ngụ của các lực lượng siêu nhiên, người dân tộc coi việc thờ cây có ý nghĩa quan trọng. Các loại cây được tôn làm vật thiêng và thờ cúng là si, chu đồng, đa, gạo… Thậm chí, nhiều loại cây xuất hiện rất sớm trong các tác phẩm văn học dân gian truyền miệng. Điển hình như tác phẩm“Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường (Hòa Bình). Một số dân tộc còn có tục thờ mía trong các đám tang hay trở thành lễ vật trong đám cưới truyền thống. Trong các ngày lễ mừng cơm mới, họ còn có tục thờ lúa nương, với quan niệm cây lúa cũng có linh hồn, nếu chăm chỉ cầu khấn, lúa Mẹ sẽ gọi vía các lúa con về sinh sôi nảy nở, giúp cho cuộc sống của người dân thêm no đủ.
Tín ngưỡng thờ động vật: Cuộc sống nơi núi rừng hàng ngày đều đối mặt với các loài muông thú, đa phần các dân tộc đều cho rằng thú rừng như hổ, báo, hươu, nai… đều là những con vật linh thiêng, vừa là nguồn thức ăn quý giá, vừa là vật tế lễ, chứa đựng những sức mạnh siêu nhiên. Nếu thờ cúng, người đi rừng sẽ tránh được tai họa khi, có thêm sức mạnh. Ngoài động vật trong rừng, các vật nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, gà… đều được cho là những con vật có linh hồn. Các bài văn nói trong đám tang cổ truyền của một số dân tộc có những đoạn kể tạ ơn các con vật đã gắn bó thân thiết với con người. Ví dụ khá độc đáo, người Mường có tục thờ Cóc, là loài đã có công gọi mưa và đem lại sự sinh sôi nảy nở cho dân bản. Hình tượng cóc đã được đúc trên mặt các trống đồng ở Hòa Bình còn được lưu giữ đến nay. Trong các đám tang một số dân tộc, còn thấy xuất hiện các hình tượng cờ con cá, đại diện cho nước và cờ con hươu, đại diện cho trên cạn, cùng dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi trời.
Tín ngưỡng thờ nước: Đây có lẽ là tín ngưỡng chung của người Việt khi đều có xuất phát điểm là nền văn minh lúa nước. Đặc biệt, với các tộc người miền núi, các nguồn nước, mạch nước càng có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sinh hoạt, lao động thường nhật. Hàng năm cứ vào dịp cấy lúa hoặc khi thời tiết không thuận lợi, các dân tộc thường tổ chức lễ cúng thần nước, cầu mưa thuận gió hòa để việc trồng cấy, canh tác được thuận lợi.
Tín ngưỡng thờ vật thiêng (kiêng kị, không được động đến): Trong cộng đồng các dân tộc anh em, tùy theo từng miền văn hóa, đều có tục thờ các vật kiêng kỵ. Chẳng hạn người Mường ở Tân Lạc kiêng đốn củi từ cây si vì cho rằng cây này đã cứu cụ tổ trong nạn hồng thủy… Một số dân tộc lại không ăn thịt chó vì theo truyền thuyết, sữa chó giúp tộc người tồn tại và gây dựng được sự nghiệp. Hay tục kiêng ăn thịt rùa vì quan niệm con rùa có ơn với tộc người, đã chỉ cách làm nhà sàn, mách cho con người biết đường tìm đến vua trời
Tín ngưỡng thờ tổ tiên: Các dân tộc miền núi phía Bắc đều thờ tổ tiên, tuy nhiên nghi lễ cúng không thường xuyên như người Kinh. Họ chủ yếu tổ chức cúng lễ vào các dịp tết Nguyên đán, mừng cơm mới, ngày làm vía. Các dân tộc anh em đa phần lập bàn thờ, đặt các bát hương cho đến bốn đời. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà làm bàn thờ, đồ thờ to nhỏ, cầu kỳ hay đơn giản. Bàn thờ được bố trí ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà. Người ta kiêng kị không nằm hướng chân về phía bàn thờ. Một nét độc đáo, ví như người Mường, ngày giỗ được tính là ngày chôn cất chứ không phải ngày chết.
Tín ngưỡng thờ nhân thần và Thành hoàng: Cũng như người Kinh, nhiều dân tộc anh em có tục thờ Thành hoàng. Tương tự, đây là vị thần bảo trợ chung cho cả tộc người, là những nhân vật được thần thánh hóa hoặc những người có công khai sinh lập đất, xây dựng bản làng. Thành hoàng có thể là một hay nhiều vị, được thờ tại quán, miếu hay đình. Ngoài Thánh Tản Viên là một nhân vật nổi tiếng được thờ phụng ở nhiều tộc người, thì các Thành hoàng ở từng nơi đều có lý lịch phong phú và đa dạng. Điểm qua một số vị thần được thờ sẽ thấy rõ điều đó: Bà chúa Thác Bờ, tên thật là Đinh Thị Vân. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh, sau này, đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân bản đuổi quân xâm lược. Sau, bà được giao cho cai quản vùng đất Mường Hòa Bình. Một số nơi thờ những vị thần có những điểm tương đồng như vết tích của người Kinh, ví dụ thờ hai vị thần Trương Hống- Trương Hát.
Một số kiêng kị cần biết khi đến vùng cao phía Bắc
“Nhập gia tùy tục”, đó là câu nói mà mỗi người đều đã quá quen thuộc. Với anh em các dân tộc miền núi phía Bắc, vì có rất nhiều tín ngưỡng thờ phụng, nên cũng có rất nhiều kiêng kị. Tìm hiểu các tục thiêng để tránh gây khó chịu cho những người bản địa cũng chính là tránh gây phiền phức cho bản thân mình.
Khi đến bản làng: Ví dụ, trên đường vào nhà người dân tộc Hà Nhì, khi thấy một cánh cổng chào dựng tạm phía trên buộc tua tủa những dao gỗ, kiếm gỗ, đầu cánh gà... đó là lúc trong làng đang tổ chức lễ cúng xua đuổi tà ma. Tương tự như vậy hàng năm các nghi lễ chung: cúng thần làng, xua đuổi ma ác của đồng bào Tày, Thái, Giáy, Lào, Bố Y, Xá Phó... thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 6, tháng 7 âm lịch. Khi cúng đồng bào đặt các dấu hiệu kiêng kỵ cấm người lạ vào làng như buộc chùm lá xanh ở cột cao trên đường vào làng hoặc đan phên mắt cáo, buộc vào đó xương hàm lợn, trâu, bò. Cả làng không ai đi làm, không cho người lạ vào làng. Nếu người lạ vô tình gồng gánh, đội nón, che ô, đeo gùi, ba lô... vào làng sẽ bị phạt bằng cách nộp đủ số lễ vật để làm lại lễ cúng làng. Trường hợp có việc khẩn cấp, muốn vào làng ngay, khách lạ phải bỏ mũ, ba lô, gồng gánh... tất cả đồ đạc đều phải xách tay. Như vậy mới mong được giảm hoặc miễn phạt.
Mỗi làng đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đều có khu rừng cấm, thờ thế lực siêu nhiên. Nơi thờ cúng có thể ở gốc cây to, hòn đá lớn ở trong rừng. Rừng cấm là khu rừng chung của cả làng . Mọi người tự nguyện bảo vệ rừng, không ai được tự tiện chặt phá, phóng uế, trai gái không được phép đến nơi đó tâm tình.
Khi vào thăm nhà: Trước khi vào thăm nhà đồng bào các dân tộc, cần quan sát kỹ, nếu thấy ở trước cửa nhà, ở đầu cầu thang cắm hoặc treo một cành lá xanh, một cành gai hoặc cắm một tấm phên đan hình mắt cáo...Đó là những dấu hiệu kiêng cấm, gia đình không muốn người lạ vào nhà.Nhà người Hà Nhì Đen có hai lớp cửa, khách xa tới chỉ nên vào cửa thứ nhất. Nếu muốn vào cửa thứ hai thì phải được gia đình chủ đồng ý. Nhà người Thái có đầu cầu thang, phụ nữ chỉ được lên cầu thang có sân phải (bên trái), không được lên cầu thang bên phải. Ở vị trí quan trọng nhất trong nhà (vách nhà ở gian giữa hoặc góc đầu nhà sàn) là nơi thờ tổ tiên.
Trang trí nơi thờ tổ tiên mỗi dân tộc có khác nhau, nhưng đều chung một quan niệm: Nơi thờ tổ tiên là chốn linh thiêng nhất. Khách không dược đặt mũ, nón, tư trang và đồ dùng khác ở nơi đó, không được sờ tay lên các đồ thờ cúng. Khi ngồi không được quay lưng vào nơi thờ. Ở vùng người Thái Đen, phụ nữ không được đến gian đầu ngôi nhà sàn - nơi thờ tổ tiên.
Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng vừa là nơi tiếp khách của đồng bào các dân tộc, đồng thời là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Do đó có nhiều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không đặt chân lên hoặc làm xê địch hòn đá kê làm kiềng, vì theo quan niện của một số dân tộc thì các hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa. Khi đun nấu đồng bào Tày, Thái, Nùng, Giáy, Bố Y, Lào, Lự... đều chú ý đặt chảo, nồi lên bếp không được để hai quai nồi, chảo theo hương cây xà ngang (vì đó là hướng nằm của người chết) mà phải đặt theo hướng đòn nóc nhà.
Ở vùng đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì... khi đưa củi vào bếp, không đưa ngọn vào trước, vì quan niệm sợ con gái gia chủ sau này sẽ sinh ngược. Khi ngồi gần bếp, du khách không quay lưng và giẫm chân vào bếp.
Trong ngôi nhà đồng bào các dân tộc, cửa và cây cột chính cũng là vị trí linh thiêng thờ thần cửa, thần cột cái. Vì vậy không nên ngồi bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái. Ở vùng người Thái, Tày, Kháng, La Ha, Phú Lá kiêng không đem lá xanh, cành cây xanh, rau xanh vào cửa chính. Đồng bào kiêng không huýt sáo ở trong nhà, vì nó là tín hiệu gọi ma tà, bão giông.
Giao tiếp sinh hoạt: Khi đến nhà, đi đường, khách cần chủ động chào hỏi bằng thái độ chân thành, nụ cười thật thà sẽ xoá đi mặc cảm bất đồng ngôn ngữ. Khi chia tay có thể bắt tay, không cần nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại nhưng luôn nở nụ cười. Không xoa tay lên đầu trẻ em người Mông, Dao, vì theo quan niện của họ, hồn người trú ngụ ở đầu, người lạ sờ vào, hồn hoảng sợ bỏ trốn, làm cho trẻ hay bị ốm đau.
Mỗi dân tộc có quan niện khác nhau về vị trí chỗ ngồi, vì vậy cần lưu ý không ngồi vào một số vị trí đặc biệt. Ví dụ, vùng người Giáy, Dao phía dãy ghế ở gần bàn thờ dành riêng cho người cao tuổi nhất, khách quý nhất.Đồng bào Mông khi bố mẹ mất, vị trí đầu bàn (gần bàn thờ) luôn bỏ trống với ý niệm nơi đó giành cho hồn bố mẹ.Người Thái, Tày, Mường nơi giáp cửa sổ gia chủ đặt hai chén con có ý giành cho tổ tiên về tiếp khách, khách không ngồi ở vị trí đó. Trước khi ăn uống cần kiên trì nghe gia chủ tiến hành các nghi lễ mời tổ tiên, chúc tụng các điều tốt lành. Khách không rót rượu trước, không gắp thức ăn trước, khi dùng xong tuyệt đối không úp chén, úp bát xuống mâm.
Mỗi căn nhà của đồng bào dân tộc ở Lào Cai đều có chỗ ngủ dành riêng cho khách, nên cần tuân theo sự bố trí của gia chủ, không nằm để chân về phía bàn thờ. Ở một số vùng người Mông, Dao,Thái, La Ha, Kháng kiêng không mắc màn màu trắng trong nhà.
Theo Pháp luật và thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét