Cù Lao Chàm đã được vào danh sách 'sẽ trở lại' của tôi. Lần sau tôi sẽ ra cắm trại ở lại qua đêm để thử xem con muỗi ở đây ra sao.
Trở lại Cù Lao Chàm sau gần 5 năm kể từ ngày đi bằng tàu cánh ngầm chạy từ bến Bạch Đằng Đà Nẵng ra mất cả tiếng, còn lần này thì đi từ cửa Đại Hội An nên thời gian chỉ là 25 phút. Đi canô phải nói là đã. Biển êm nên canô chạy không sốc, cảm giác bay trên mặt nước, phải nói là phê. Nhớ hồi đi Phuket (Thái Lan) hay Langkawi (Malaysia) bị gặp sóng lớn tôi đã ngất ngư nằm bẹp chứ chẳng chút tận hưởng như thế này.
Cù Lao Chàm với biển trong vắt và nắng vàng ươm cùng những cánh rừng xanh um tùm đón tôi lúc 8h30 sáng. Sau khi lang thang qua ngôi chợ nho nhỏ xem hàng quán ở khu âu thuyền của đảo chính và uống nước nghỉ chân đôi chút, tôi ghé ngôi chùa duy nhất trên đảo sau khi băng qua cánh đồng bé tí với những thửa ruộng nho nhỏ xanh xanh mát mắt thế này...
Chùa Hải Tạng là ngôi chùa nhỏ xíu được xây dựng đã lâu trên đảo, ngôi chùa dung dị hiền hòa phía trước có đồng lúa xanh thật đẹp. Với gần 3.000 dân, ngôi chùa là chốn tâm linh duy nhất của xã đảo Tân Hiệp nơi có 8 đảo thuộc cụm đảo Cù Lao Chàm - được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007.
So với mấy năm trước tôi đến, Cù Lao Chàm vẫn vậy, đó là thứ tôi thích nhất ở vùng hải đảo xa xôi này: Con người vẫn chân chất, cảnh vật vẫn hoang sơ và người dân ngày càng ý thức hơn về môi trường... Điều này thể hiện qua việc không sử dụng túi ni lông trên đảo. Tôi ghé mua ít bánh ít lá gai và thay vì bỏ vào bao ni lông như những nơi khác thì ở đây người bán gói trong những tờ báo cũ...
Lần trước đi, tôi đã thuê thuyền đi lòng vòng qua các đảo để xem thế nào là đảo yến, thế nào là Hòn Dài, thế nào là Hòn Lao, Hòn Lá... còn lần này tôi chỉ tham gia lặn biển & nghỉ ngơi tắm biển ở bãi Chồng. Bãi Chồng với bãi cát vàng mịn, nước trong vắt và lặng yên như trong hồ bơi nên ai mê bơi lội thì được dịp thỏa thích. Hôm tôi đi trời thương nên không nắng gắt, lại có chút gió hiu hiu nên thời tiết thỏa mái quá chừng. Hết lặn xem san hô, xem cá bơi lượn rồi nghỉ ngơi ăn uống, rồi lại tiếp tục bơi trong làn nước trong mát... bao nhiêu ưu phiền, stress như được trút bỏ tất cả để hòa mình với thiên nhiên khung cảnh nơi đây.
Bãi Chồng đẹp không chỉ có biển mà còn có hồ nước ngọt nho nhỏ, những ngôi nhà tranh nằm chen giữa tán rừng xanh để du khách nghỉ chân hòa vào thiên nhiên cũng hết sức thú vị. Nơi đây có nhiều nhóm bạn trẻ đến cắm trại qua đêm, làm tiệc BBQ bên biển, tổ chức team building... Duy chỉ có điều là buồn và nghe nói buổi tối có nhiều muỗi.
Hải sản ở Cù Lao Chàm rất tươi và ngon. Người Đà Nẵng quê tôi khi đi chợ mua hải sản thì luôn chọn đồ Hội An bởi tôm cá cua ghẹ ốc ở vùng biển này thì là số dzách (nhất). Lý do hải sản Hội An ngon như thế là tôm cá nơi đây thừa hưởng vùng tảo biển trong khu bảo tồn sinh thái cũng như nguồn nước ngọt từ cửa Đại của dòng sông Thu Bồn mang lại. Tôm cá vùng cửa Đại, Hội An trở thành thương hiệu trong các chợ, quán ăn... ở quê tôi.
Lần trước tôi được thưởng thức món ốc vú nàng và lần này tôi hụt món này bởi mấy ngày trước trời mưa biển động nên tàu không đi đánh bắt được vậy nên đành thưởng thức một loại khác là ốc vú sao... cũng ngon lịm chẳng thua chi vú nàng.
Trong cái xui có cái hên... xui là mưa không có ốc vú nàng... nhưng hên là nhờ mưa mà mấy anh cua đá bò ra khỏi hang và tôi lại có cơ hội ăn món này. Cua đá ngày trước ở đây rất nhiều, tối lại bước ra ngõ là đạp chúng ngay. Thế nhưng con người đã tiêu diệt chúng, biến chúng thành đặc sản để rồi săn bắt chúng triệt để, đến nỗi chúng phải được liệt vào sách đỏ và bây giờ ở Cù Lao Chàm đã cấm khai thác đánh bắt chúng. Tôi đã là kẻ thù của chúng, lén lén đi mua ăn để thử. Thôi thì thử một lần cho biết, thề là lần sau ra Cù Lao Chàm không thử cua đá nữa!
Mực ở Cù Lao Chàm cũng rất tươi và ngon. Ra đây ăn con mực mới thấy vị ngọt lịm của nó. Mưc tươi hấp, mực một nắng, mực khô... đều ăn thỏa thích. Người bán vui vẻ giới thiệu với giọng Quảng Nam hiền lành, mua cũng được, không mua cũng chẳng sao hết, cứ cười nói vui vẻ, hiền lành thấy mến vô cùng.
Ra Cù Lao Chàm cũng nhớ nên thử rau rừng nhé, rau rừng luộc chấm mắm nêm với đủ loại mùi vị của núi là lạ mà ngon... Nói đến đây mới nhớ là con cua đá nó cũng toàn ăn rau rừng vậy nên thịt chúng ăn nghe mùi thuốc nam lắm. Vị hơi đắng nhưng ngon, bảo đảm cua biển không thể sánh bằng!
Đi Cù Lao Chàm rất dễ, chỉ cần lang thang phố cổ Hội An bạn dễ dàng nhận thấy rất nhiều nơi bán tour trọn gói. Tùy vào việc chọn lựa đi canô hay tàu gỗ mà giá cả khác nhau. Sáng 8h xuất phát, chiều 2h tàu về nhằm tránh mưa dông hay gió chiều. Ai thích thú muốn ở lại qua đêm thì có thể mua tour qua đêm. Bạn cũng có thể đi từ Đà Nẵng, các tour du lịch cũng đón bạn từ Đà Nẵng để đưa vào Cửa Đại, rất thuận tiện và dễ dàng.
Còn bạn nào muốn đi tàu gỗ của người dân thì cũng có, cứ hỏi dân Hội An họ sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn. Người dân xứ Quảng hiền hậu, chân chất và nhiệt tình lắm, vậy nên bạn cứ hỏi thỏa mái nhé! Không chừng gặp người nhiệt tình còn đưa bạn đến tận bến thuyền nữa đó.
Tôi thích Cù Lao Chàm bởi môi trường, hệ sinh thái, biển cả, đồ biển và con người nơi đây nữa. Chỗ này đã được liệt vào danh sách "sẽ trở lại" của tôi. Lần sau sẽ ra cắm trại ở lại qua đêm để thử xem con muỗi ở Cù Lao Chàm ra sao.
Bài và ảnh: Thiện Nguyễn
Palaucham, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bất Lao, đảo Ngọa Long… là những tên cũ của Cù Lao Chàm, một quần đảo chỉ cách đô thị cổ Hội An 12 hải lý và 20 phút đi tàu cao tốc.
Với 7 hòn đảo mang những cái tên đầy hình tượng và giản dị là các hòn Lao, Lụi, Dài, Khô, Lá, Tai, Nờm và đã được người Quảng chuyển thành hai câu lục bát cho dễ nhớ: Ra Lao đến Lụi cho Dài/Chờ cho Khô Lá xuống Tai, lại Nờm. Nằm án ngữ trước Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn gặp biển, Cù Lao Chàm còn là một di tích khảo cổ học của cư dân thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt kéo dài từ 3.000 năm trước và nhiều di tích liên quan đến giao lưu kinh tế văn hóa của các nước Trung cận Đông, Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á... Những dải san hô ngầm, hệ thống động thực vật phong phú và đặc sản yến sào quý hiếm càng làm cho Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những cụm đảo quý của Việt Nam. Chính vì những giá trị tự nhiên và lịch sử đó, Cù Lao Chàm không những được công nhận là khu danh thắng quốc gia mà còn được ghi vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên biển và dự trữ sinh quyển thế giới.
Tuy chỉ rộng hơn 15 cây số vuông, nhưng với vẻ đẹp hoang sơ, Cù Lao Chàm ngày nay trở thành một điểm thu hút du khách khắp năm châu. Tàu cập vào cầu Cảng bãi Làng, khách nhàn du sẽ tiếp cận ngay với một “khu phố chợ” có lẽ đặc biệt nhất Việt Nam vì hoàn toàn không có tiếng huyên náo mà chúng ta vẫn bắt gặp ở đất liền... Đây cũng là cửa ngõ tiếp giáp với một khu rừng nguyên sinh xanh nghịt, trùng điệp chung quanh. Qua bãi Làng đến bãi Ông, bãi Chồng, bãi Hương về phía nam... là những bãi cát trắng và biển trong xanh đến bất ngờ. Người ta nhớ đến Cù Lao Chàm vì những món ăn đặc biệt cua đá, ốc “vú nàng”, mực một nắng, cá hố và những đêm câu mực lang thang trên vịnh biển hay đến Hòn Lao, để xem chim yến bay rộn ràng trên những vách đá dựng. Đây chính là một đặc sản tự nhiên mà người dân Cù Lao Chàm xem như một biểu tượng từ hàng trăm năm nay...
Cù Lao Chàm lưu giữ những giá trị lớn hơn nhiều lần những gì hiện ra trước mắt ta. Đó là 500 loài thực vật và gần 160 loài động vật, hơn 200 loài cá, gần 100 loài nhuyễn thể… Đây còn là nơi ghi dấu ấn văn hóa lâu đời từ Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt và các di tích trong quan hệ giao lưu với thế giới bên ngoài từ rất sớm trong lịch sử. Chùa Hải Tạng nơi Hương Hải thiền sư phái Trúc Lâm từng tu đạo thời chúa Nguyễn đàng Trong, giếng cổ Chămpa, lăng Cá Ông... là những kiến trúc cổ mà nhiều người không bỏ qua khi ra thăm đảo.
Trong khu vực mặt nước rộng trên 6.700 ha của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hiện có tới 165 ha san hô, khoảng 500 ha thảm cỏ biển tạo nên một thế giới thủy cung hấp dẫn nhiều du khách yêu thích môn bơi lặn...
Một người quen làm dịch vụ lưu trú ở bãi Làng, một hôm mời chúng tôi món cá hố nấu ngọt, thư thả nói: “Ra đảo Cù Lao Chàm mà vội vàng thì uổng lắm. Cứ từ từ, anh sẽ biết thêm nhiều điều rấy hay của đất và người ở đây...”. Một trong những điều đó chính là bài thơ của Hương Hải thiền sư, mà một thầy giáo trên đảo đã đọc và dịch cho tôi:
Nhạn bay trên không/Bóng chìm đáy nước/Nhạn không ý để dấu/Nước không tâm lưu bóng... (Nhạn quá trường không/Ảnh trầm hàn thủy/Nhạn vô di tích chi ý/Thủy vô lưu ảnh chi tâm).
Trương Điện Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét