Vốn trước kia bản Tà Vờng ở cách địa điểm hiện tại hơn 2km phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng.
Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con. Đặc biệt, năm 2010, cả một mảng núi phía sau bản bị kéo tuột xuống suối, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và nhà cửa của mọi người.
Đón chúng tôi dưới cơn mưa đầu mùa bằng cái bắt tay và nụ cười xởi lởi, Trưởng bản Hồ Khiên không giấu được cảm xúc: “Mừng quá, mưa thế này mà mọi người vẫn lên được, mình cứ tưởng nước ở mấy cái ngầm kia sẽ làm nản lòng người dưới xuôi rồi, nếu mà như vậy thì buồn lắm”. Nói rồi ông ra hiệu cho mấy thanh niên trong bản cùng xúm lại giúp mang hành lý cho khách về tạm nhà mình. Trong lúc đó Hồ Thị Păng, vợ Hồ Khiên đã nhanh chóng lấy một nắm lá chè xanh đâm nát cho vào cái ấm rồi đổ nước sôi vào mang ra cho khách.
Bản Tà Vờng mới hiện tại có 25 hộ, với 136 khẩu, chủ yếu là thuộc tộc người Mã Liềng và Mày của dân tộc Chứt. Đón chúng tôi còn có già làng Hồ Xếp. Năm nay, Hồ Xếp đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Trưởng bản Hồ Khiên là con trưởng của ông.
Trưa hôm đầu tiên tại nhà trưởng bản, bữa trưa do bà Hồ Thị Păng chuẩn bị gồm những thức ăn dân dã, như: hoa chuối rừng, cá khe, đĩa rau rừng luộc, cơm Pồi. Tất cả được dọn ra trên chiếc mâm đan bằng mây tre rất đẹp. Anh Đinh Tiến Dũng, cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa cho biết: “Do bản mới chuyển về đây nên đất canh tác không có. Bà con được vận động không còn phá rừng nữa mà chỉ canh tác trên những phần đất nương rẫy cũ, tập quán phát – đốt – cốt – trỉa từ ngàn đời nay vẫn chưa thay đổi, ở đây bà con chỉ làm được lúa nương năng suất thấp, xen với các vụ sắn, ngô, khoai. Thời gian đầu Nhà nước đang hỗ trợ một người 15kg gạo mỗi tháng trong 5 năm đầu để giúp ổn định cuộc sống”.
Anh Đinh Tiến Dũng, cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa cho rằng: “Tà Vờng là bản nghèo, thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của xã, chính quyền địa phương thực sự mong muốn cải thiện được đời sống cho bà con thông qua hoạt động du lịch cộng đồng”. Còn anh Hồ Phum, phụ trách an ninh bản cũng tự tin phát biểu trong buổi hội ý cuối cùng: “Mình biết bản thân cũng như bà con trong bản còn nhiều hạn chế, nhưng rất mong được cán bộ Dự án và các nhà làm du lịch đào tạo, bày vẻ thêm mọi người sẽ cố gắng học hỏi những cách thức để sau này triển khai công tác đón tiếp cũng như phục vụ du khách chu đáo và tốt hơn”.
Anh Lê Dũng, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty lữ hành quốc tế Oxalis hào hứng chia sẻ: “Sau khi được tận mắt chứng kiến và cùng trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với bà con tôi rất thích cảnh quan, con người và những sự khác biệt nơi đây. Dân bản đã có những động thái rất tích cực khi chủ động giới thiệu thêm về những món ăn đặc trưng của đồng bào mình, mặc dù trong chương trình không có. Sau này du khách đến đây có thể được thưởng thức những sự khác biệt mang dấu ấn văn hóa của bà con dân bản, được tham gia vào những lễ hội truyền thống, như: Lễ buộc chỉ cổ tay, Lễ cúng giang sơn, Lễ cúng cơm mới… Họ sẽ rất hào hứng tham gia các tour du lịch 2 đến 3 ngày đến bản bằng xe máy”.
Báo Quảng Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét