Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Điện Trường Bà ở Quảng Ngãi trở thành di tích quốc gia

Tối 13/5, hàng nghìn người dân các tỉnh, thành cả nước về huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) tham gia lễ rước bằng di tích quốc gia Điện Trường Bà.  
Di tích Điện Trường Bà cách TP Quảng Ngãi 52 km về phía Tây, gắn liền với quá trình tụ cư lập nghiệp của người Việt trong buổi đầu đi mở đất ở phía Nam. Năm 1993, di tích này được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến đầu tháng 5 này, Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. 
14-5-Anh-2-Dien-Truong-Ba-6707-140004821
Các bạn trẻ về dâng hoa quả tri ân công đức Thánh mẫu Thiên Y A Na và các nhân thần ở Điện Trường Bà sáng 14/5 có công mở cõi về phương Nam.Ảnh:Trí Tín.
Điện Trường Bà Trà Bồng ngoài việc thờ thánh mẫu Thiên Y A Na còn thờ 2 vị nhân thần là Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng, hai nhân vật lịch sử có công mở mang, ổn định, trấn yên vùng đất miền núi phía Tây Quảng Ngãi. Đây là di tích lịch sử độc đáo với sự tích hợp văn hóa giữa các dân tộc Việt, Cor, Chămpa... là nơi sinh hoạt  tâm linh, tín ngưỡng và là biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Theo các nhà Sử học, Điện Trường Bà mang tính cộng đồng, biểu trưng tình đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc trong chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi và phát triển của đất nước.
Gần Điện Trường Bà là điểm khởi đầu của di sản văn hóa quốc gia Trường Lũy dài 113 km (trải dài qua 32 xã với hơn 70 đồn bảo). Đây là ngã ba sông, cửa ngõ vào rừng cao, núi sâu, mở mang đất đai mang dấu ấn lịch sử tiêu biểu của vùng đất Quảng Ngãi nói riêng, vùng đất Nam Trung Bộ nói chung.
14-5-Anh-3-Dien-Truong-Ba-3792-140004821
Rước bằng di tích quốc gia Điện Trường Bà vào tối 13/5 tại huyện vùng cao Trà Bồng.Ảnh:Trí Tín.
Hàng năm vào ngày rằm tháng 4, người dân khắp nơi về huyện vùng cao Trà Bồng tri ân công đức thánh mẫu và các vị thần bằng vật phẩm gạo, nếp, gà, vịt, heo, bò, trầu cau, hoa quả, bánh trái… Còn đồng bào Cor  thì mang theo sản vật đặc trưng ở vùng cao nơi đây như: Trầm, quế, mật ong, lúa rẫy, thú rừng… để tế Bà. Trong lễ tế Điện Trường Bà gồm có lễ rước sắc, lễ mộc dục (tắm tượng), lễ nhập yết, lễ hiến tế (lễ ăn trâu của người Cor), lễ tế chính điện (chánh tế) và lễ rước Bà ra khai hội, thả hoa đăng cầu nguyện điều tốt lành trên sông Trà Bồng. 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa thể thao & Du lịch Quảng Ngãi nhận định, lễ hội Điện Trường Bà là lễ thức tích hợp văn hóa từ nhiều nguồn văn hóa Việt, Chămpa, Hoa, các dân tộc thiểu số, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi. "Lễ hội thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc tạo sự đoàn kết dân tộc, có giá trị nâng cao nhận thức về giáo dục, đạo đức và thẩm mỹ đối với các tầng lớp nhân dân ở nhiều vùng miền đất nước", ông Vũ nói.
 Trí Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét