Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Đền “vua quan giải hạn” trong khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia


Đền “vua quan giải hạn” trong khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia
Bên trái hồ nước là Trung tâm hội nghị quốc gia, phải là ngôi đền


(PLO) - Ít ai biết rằng nằm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có một ngôi đền đặc biệt, do người dân thôn Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) trông nom. Xung quanh ngôi đền có nhiều câu chuyện thú vị, mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng. 
Địa thế sơn thủy hữu tình
Cạnh đường Đỗ Đức Dục (phường Mễ Trì), gần tường rào khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia có tấm bảng đúc bằng bê tông, chỉ dẫn vào đền Đức Thánh Đầm. Bên cạnh tấm bảng có cổng nhỏ dẫn vào bên trong, người dân tự do đi lại, khoảng 60 mét thì đến đền Đức Thánh Đầm. 
Theo quan sát, ngôi đền này nằm lọt thỏm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia. Tổng diện tích đền rộng gần 2000m2, bao bọc ba hướng là đầm nước trong xanh, được xây hành lang vây quanh. Nhìn từ xa, khuôn viên đền như một bán đảo, bên kia là các công trình hiện đại, sơn thủy hữu tình. 
Đền ở vị trí trang trọng nhưng điện thờ đơn sơ, lộ thiên, dưới một gốc cây si cổ thụ gốc sần sùi mọc trên nền đất cỏ xanh tự nhiên. Xung quanh điện thờ chính có thêm sáu cây gạo cổ thụ. Bên ngoài là cổng đền, có bốn cột cao; nền lát gạch.
 Nơi thờ tự chính của đền
Ông Trần Văn Xuyến (Phó ban Di tích đền Đức Thánh Đầm, Bí thư chi bộ thôn Mễ Trì Thượng) giải thích, đền chỉ được thờ tự lộ thiên, không xây dựng trang trọng, đồ sộ là “luật ngầm” hàng ngàn năm nay. Ông Xuyến cho biết, đền có niên đại hàng nghìn năm, tổng cộng có18 sắc phong thời phong kiến.
Giải thích về nguồn gốc, ông Xuyến kể câu chuyện đầy màu sắc thần thoại. Đền thờ cụ Hoàng Ba, đã “hóa thánh” từ hàng nghìn năm trước. Khi đó, ở địa phương có cặp vợ chồng già nghèo, không con. Hằng ngày cụ ông đi kéo vó mưu sinh.
Một đêm đi kéo vó, cụ được một quả trứng lạ thường, màu sắc long lanh đẹp mắt. Mang về nhà, cụ không nỡ chế biến quả trứng thành món ăn, liền để xuống một cái chum. 
Lạ thay, mỗi ngày quả trứng lại lớn dần lên, bóng bẩy. Không lâu sau, trứng nở ra một con rắn màu trắng, hình rồng, cụt đuôi. Không có con, vợ chồng ông cụ yêu quý, chăm sóc con rắn như vật cưng trong nhà; thường dành dụm thức ăn, thả vào chum cho rắn ăn. Chẳng bao lâu, rắn lớn nhanh như thổi; hiền lành, thường quấn quýt bên ông chủ như cha con.
Nơi vua quan lập đàn giải hạn
Một đêm trời mưa gió, bỗng con rắn vặn mình quẫy đạp, biến thành thần rắn khổng lồ, khiến chum vỡ tung rồi bò ra đầm gần đó đi mất. Ông cụ chạy ra theo, gọi rắn quay về nhưng không được. Về sau dân làng mới biết, rắn là con thứ ba của Thủy thần, do đó người dân gọi là cụ Ba Hoàng, hay Đức Thánh Đầm. 
Tương truyền, những ngày sau khi rắn bỏ đi, ông cụ buồn bã, cất vó chẳng được con cá nào. Một lần đang đi cất vó, ông cụ nhớ đến rắn, khấn rằng đã có công lao nuôi rắn thần lớn lên, mong ngài phù hộ để bắt được nhiều tôm cá. Quả thật từ đó, cứ khi nào khấn là ông cụ cất vó được mẻ cá to. Dân làng thấy vậy, đến hỏi thì được ông lão chỉ cách, mọi người lập bệ thờ cúng vái thần rắn ở mỏm đất cạnh đầm, cứ đi đánh bắt cá là đến đây cầu may mắn.
Lối vào ngôi đền
Không lâu sau, vùng đất này liên tục bị hạn hán, ruộng lúa nứt nẻ, mất mùa. Các cụ trong làng sợ hãi, bàn nhau lại, quyết định ra bệ thờ cụ Ba Hoàng làm lễ gọi mưa. Không ngờ, cứ mỗi lần làm lễ xong, trời mưa xối xả.
Vua quan nghe chuyện, bán tin bán nghi, liền phái quân lính đến địa phương xem xét thực hư câu chuyện. Sau khi thấy quả đúng cứ khi hạn hán, làm lễ cầu mưa tại đền này thì trời đổ mua, vua đích thân đến đây xem xét địa thế, phong thủy, cho xây nhà đền to đẹp hơn, lấy tên là Đức Thánh Đầm. Đồng thời đổi tên khu vực này thành Mễ Trì (tức ao gạo) như ngày nay.
Đền cổ bí ẩn ở dưới đáy giếng?
Theo truyền thuyết, vị trí rắn thần quẫy đạp thoát thân ra khỏi chiếc chum, người dân đào thành giếng, nước đầy ăm ắp, gọi tên là giếng trời. Từ vị trí này đến ngôi đền chỉ khoảng 200m. Xung quanh chiếc giếng, người dân vẫn nhớ một giai thoại khác. 
Khi đền ở ngoài đầm được xây dựng lên, một số cụ già trong làng tranh nhau chức thủ từ, nảy sinh lòng tham cá nhân. Đêm ấy, trời mưa xối xả, sấm chớp đùng đùng, hôm sau người dân ra đình bỗng thấy trống trơn, ngôi đền biến mất, đến một viên ngói cũng không còn sót. 
Thời gian sau, trời hạn hán, đến cả giếng trời vốn nhiều nước cũng trở nên khô cạn. Dân làng tập trung trai tráng đến nạo vét bùn giếng, để mạch nước thoát lên. Lạ thay, người dân phát hiện một ngôi đền ở dưới giếng sâu, chính là ngôi đình bị ở ngoài đầm, bị mưa bão “quét” xuống đây. 
Giếng trời - tương truyền có một ngôi đền nằm sâu dưới đáy giếng 
Một người con trai họ Ngô phát hiện chiếc chuông lấn sâu trong bùn, liển dùng thanh gỗ đánh ba nhịp. Chẳng ngờ anh này lăn đùng ra chết; cũng tự nhiên nước giếng đầy ăm ắp trở lại. Từ đó về sau, mọi người tát giếng vẫn thấy những thanh gỗ, mái đình, chiếc chuông, nhưng tuyệt nhiên không ai dám động đến. Dân làng quan niệm, đó là nhà của Đức Thánh Đầm, được người dân bảo vệ.
Vị phó ban di tích đền cho biết, thời bao cấp trước đây, cả làng Mễ Trì rộng lớn dùng chung chiếc giếng này nhưng nước không bao giờ vơi cạn. Hiện nay mọi nhà dùng nước máy, nhưng giếng được dân làng bảo vệ chu đáo, thả cá chép đỏ xuống nuôi, không ai dám xâm phạm. 
Khi Trung tâm hội nghị quốc gia được xây dựng cách đây không lâu, biết người dân nơi đây quý trọng ngôi đền, dự án xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã dành một phần diện tích để người dân tiếp tục tín ngưỡng, thờ cúng theo phong tục tốt đẹp của địa phương.
Để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Đầm, hàng năm vào 18/2 Âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng linh đình tại khuôn viên đền. Ngoài ra, cứ năm năm một lần, dân hai làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ thay phiên nhau tổ chức lễ rước kiệu, đi qua nhiều đường phố trong khu vực. Năm chẵn thì làng Thượng chủ trì việc rước kiệu, năm lẻ thì làng Hạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét